Không được đùa với lịch sử

Thứ Tư, 16/09/2009, 09:15
Có thể nói, nhiều nhân chứng lịch sử đã không khỏi phiền lòng khi nhận thấy: Đây đó đã có những người - tiếng là văn nghệ sĩ - lại từng sống và chứng kiến những giai đoạn lịch sử bi thương và hào hùng của dân tộc Việt Nam, song không hiểu do động cơ gì, bỗng chốc có những phát biểu, những bài viết, những cuốn sách mà qua đó, sự thật lịch sử đã bị bóp méo, làm sai lệch nghiêm trọng.

Trong chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam tối 2/9 vừa qua, hẳn nhiều khán giả - nhất là những khán giả có tuổi - phải lấy làm ngạc nhiên khi được biết: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày nổ ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II (1/9/ 1939 - 1/9/2009), tại một số nước vùng Baltic rộ lên một luồng ý kiến, rằng Nhà nước Liên Xô trước đây đã có "tội" trong việc châm ngòi cho cuộc đại chiến, rằng trước đó, việc ký kết Hiệp ước Molotov - Ribbentrop với nước Đức phát xít chính là một thỏa thuận giữa Moskva và Berlin trong việc phân chia  lại châu Âu. Các nhà lãnh đạo Nga, từ Thủ tướng Putin đến Ngoại trưởng Lavrov đã công khai lên tiếng bác bỏ điều này.

Trên Truyền hình Nga ngày 31/8, Tổng thống Nga Medvedev cũng đã nhấn mạnh: "Có thể có cách đối xử khác nhau với Liên Xô và các nhà lãnh đạo của họ. Nhưng vấn đề là ai châm ngòi cho cuộc chiến, ai giết người và ai cứu người, hàng triệu người" (theo Báo Tiền phong số ra ngày 2/9/2009).

Sự việc bỗng chốc khiến tôi nhớ tới một khổ thơ trong bài "Có phải người Nga muốn chiến tranh" của nhà thơ Nga Evgheni Evtushenko do Thái Bá Tân dịch: "Có phải người Nga muốn chiến tranh/ Xin hãy hỏi người lính Nga dưới mộ/ Con trai họ sẽ trả lời thay bố/ Có phải người Nga muốn chiến tranh".

Thì ra, vấn đề này đã từng được xới lên từ nhiều năm trước. Tất nhiên, là vì mục tiêu nào đó, hoặc có thể, là vì từ một góc nhìn nào đó, của những ai đó. Và câu trả lời cho vấn đề này, ngoài lập luận của Tổng thống Medvedev, ngoài những câu thơ của Evtushenko, thì lời phát biểu nhận lỗi cho quá khứ của Thủ tướng Đức Merkek trên truyền hình ARD cũng rất đáng để ai đó tham khảo: "Đức châm ngòi Thế chiến II. Chúng tôi tạo ra nỗi đau chưa chấm dứt cho thế giới".

Từ câu chuyện trên, khán giả nhận rõ một điều: Mặc dù Chính phủ của Thủ tướng Putin hiện nay hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về lỗi lầm (nếu có) của những nhà lãnh đạo Liên Xô trong quá khứ, và Thủ tướng Merkel cũng hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về những tội ác của Chính phủ Đức dưới thời nhà độc tài Hitler, song cả hai đều không thể không lên tiếng vì họ nhận thấy trách nhiệm của mình trước việc bảo vệ sự thật lịch sử. Còn nhớ, cách đây gần 3 tháng, theo lệnh của Tổng thống Medvedev, ở Nga đã ra đời một ủy ban đặc biệt nhằm chống lại những âm mưu bóp méo, xuyên tạc  lịch sử.

Trông người lại ngẫm đến ta... Có thể nói, nhiều nhân chứng lịch sử đã không khỏi phiền lòng khi nhận thấy: Đây đó đã có những người - tiếng là văn nghệ sĩ - lại từng sống và chứng kiến những giai đoạn lịch sử bi thương và hào hùng của dân tộc Việt Nam, song không hiểu do động cơ gì, bỗng chốc có những phát biểu, những bài viết, những cuốn sách mà qua đó, sự thật lịch sử đã bị bóp méo, làm sai lệch nghiêm trọng.

Như việc Việt Minh phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945, chuyện động trời và vai trò của lực lượng Việt Minh sáng rõ như ban ngày, thậm chí sách báo của các thế lực thù địch bên ngoài cũng không thể phủ nhận, vậy mà vẫn có ông nhạc sĩ, người từng khoe là đã trực tiếp chứng kiến và tham gia sự kiện này lại viết như thể lực lượng Việt Minh giành chính quyền dễ dàng vì đã "cướp công" của lực lượng khác.

Đây là một đoạn trong tuần ký số 16 của ông nhạc sĩ đó: "Cho tới một ngày (17/8/1945) Đoàn Thanh niên của chúng tớ cầm cờ quẻ li, miệng hát "Này Thanh niên ơi..." đi mít tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim thì mới trắng mắt ra rằng mình đã được huy động đi ..."cướp chính quyền" từ tay chính phủ Trần Trọng Kim, do Việt Minh tổ chức mà không biết". Cũng theo ông này thì chỉ sau khi một người của lực lượng Việt Minh cướp diễn đàn, "ra tuyên bố vài câu gì đó", đại thể "Chính quyền đã về tay nhân dân", ngay trong đêm đó (chứ không phải ngày 19/8 như lịch sử đã ghi), hàng ngàn người đã kéo nhau đi chiếm Phủ Khâm sai đại thần và "Cuộc tổng khởi nghĩa như thế là thành công".

Về sự kiện liên quan đến cuộc mít tinh ngày 17/8 đã có rất nhiều tài liệu ghi lại. Song không có tài liệu nào cho thấy mọi việc diễn ra đơn giản như điều ông nhạc sĩ nói trên tường thuật (xin xem cuốn "Tổng Khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 - Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu", NXB Lao Động, 1999). Còn sự kiện các lực lượng cách mạng và quần chúng tiến chiếm Phủ Khâm sai đại thần, ghi dấu sự thành công của cuộc Tổng Khởi nghĩa ở Hà Nội xảy ra vào ngày 17 hay ngày 19-8 thì một học sinh phổ thông cũng biết rất rõ, chẳng cần phải hoài công tranh cãi.

Tôi nhớ có một câu trong ca từ của một bài hát "Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa". Vâng, lịch sử cũng vậy, lịch sử không phải trò đùa! Không ai được phép đùa giỡn với lịch sử. Càng thấy việc Tổng thống  Nga ra sắc lệnh thành lập Ủy ban Chống xuyên tạc lịch sử là một hành động cần thiết

Tường Duy
.
.