Không chốn dung… già

Thứ Năm, 09/01/2020, 09:10
Tết nhất sắp đến, trong lúc nhiều người hỏi han nhau về thưởng Tết, về chuyện Tết đi đâu chơi… thì trên một trang báo điện tử, diễn viên hài tên tuổi một thời DP lại đăng đàn than nghèo kể khổ.

Ông lo lắng vì Tết không biết lấy đâu ra tiền lo cho vợ con. Ông than thở vì nợ nần chồng chất, làm ăn thua lỗ. Và ông cũng chia sẻ rằng có những bữa ông chỉ ăn năm ngàn cơm với nước tương. Tất nhiên, ông cũng nói về cảnh tình của nghệ sỹ già, khi không còn nhiều show để diễn, không còn nhiều phim để đóng, nhất là khi sân khấu hài kịch hằng đêm đã thoái trào gần như hoàn toàn trước làn sóng TV show và youtube.

Không có gì lạ khi đọc một bài phỏng vấn nghệ sỹ già với hoàn cảnh đáng thương như thế. Trước DP cũng từng có nhiều nghệ sỹ già đăng đàn kể lại chuyện khó khăn của mình. Và cũng đầy rẫy ý kiến (không phải không chuẩn xác) trách chính các nghệ sỹ già ấy. Cái trách ấy phần lớn xoáy vào chuyện đại khái "Ở lúc hoàng kim, đỉnh cao, show diễn một đêm cả mấy cây vàng thì không biết giữ. Đến lúc hết nghiệp thì than khó than khổ làm gì?".

Nhưng hãy tạm dẹp sang bên chuyện sinh hoạt riêng tư của các nghệ sỹ bởi chuyện nghệ sỹ hoang phí khi còn thời để đến nỗi phá sản lúc hết thời không phải là chuyện lạ trên thế giới. Hãy chỉ nhìn vào nền điện ảnh Việt hôm nay, nền điện ảnh được cho là khởi sắc với các phim doanh thu trăm tỷ, chúng ta sẽ nhận thấy một thực trạng đắng ngắt. Đó là thực trạng có thể gọi bằng cái tên của một bộ phim nổi tiếng là "No country for old man" (tạm dịch ra tiếng Việt là "không chốn dung già").

Chúng ta hiện nay có bao nhiêu ngôi sao điện ảnh? Nhiều không xuể nếu thước đo ngôi sao là tần suất được ca ngợi trên truyền thông và số lượng phim bom tấn mà họ tham gia. Đó có thể là Thanh Hằng, là Diễm My, là Ngô Thanh Vân, là Kiều Minh Tuấn… và nhiều cái tên khác nữa. Nhưng hãy thử lật lại thời kỳ trước họ từ 1-3 thập niên, và đặt ra câu hỏi "Những tên tuổi lẫy lừng của điện ảnh Việt thời thập niên 80, 90 nay đã về đâu?".

Rõ ràng, không có phim cho họ đóng nữa và thi thoảng họ có xuất hiện thì cũng chỉ trong một buổi vinh danh nào đó với bước đi chầm chậm và mỏi mệt trên thảm đỏ, hoặc lâu lắm mới có một bài phỏng vấn nếu có gì thực sự liên quan.

Thực chất, không phải tuổi tác đã đánh mất đi khả năng diễn xuất của họ và cũng không phải họ không tài năng bằng thế hệ sau này. Thậm chí, nói về diễn xuất, họ vẫn là bậc thầy so với những ngôi sao đang lấp lánh hôm nay với cát sê đi dự sự kiện có thể lên tới vài trăm triệu. Vấn đề nằm ở chỗ, ngành công nghiệp điện ảnh Việt hôm nay không "thiết kế" cho những diễn viên già.

Nói thẳng, phim có vai chính dành cho người già cầm chắc cái lỗ nên chẳng ai dám làm. Bởi thế mới nói điện ảnh Việt thực sự là "không chốn dung già" và tình hình của các nghệ sỹ có tuổi (với nam là khoảng trên 55 và với nữ là khoảng trên 45) càng ngày càng trở nên bi đát.

Nếu đảo qua tình hình điện ảnh thế giới, chúng ta sẽ thấy rất lạ lùng là người Việt có thể vẫn mê man với Al Pacino, Robert de Niro, Jack Nicholson, Meryl Streep…, những diễn viên có tuổi thì họ lại thờ ơ với những diễn viên gạo cội và có tuổi ở Việt Nam. Chính vì sự thờ ơ đó đã thôi thúc những nhà sản xuất không dám mạo hiểm với những tác phẩm điện ảnh có chiều sâu hơn, với nhân vật chính là những người không còn vẻ đẹp thanh xuân đủ để dám hở bạo hay tỏ ra mạnh mẽ, rắn rỏi trong các pha hành động.

Trách nhà sản xuất vì quá an toàn trong chuyện này cũng khó. Trách khán giả càng khó hơn, bởi với tiêu chuẩn "cứ làm phim Việt hay như Hollywood đi thì chúng tôi sẽ ủng hộ" vẫn là thứ được mang ra ngụy biện. Nhưng suy cho cùng, phải đặt ra một câu hỏi để chốt lại câu chuyện này. Đó chính là "Khán giả hâm mộ ngôi sao điện ảnh Việt Nam là vì khả năng diễn xuất hay chỉ đơn thuần vì dung mạo bề ngoài và sự nổi danh của họ ở những lĩnh vực khác?".
Văn Đoàn
.
.