Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á tại Hà Nội - Việt Nam năm 2019

Khởi đầu cho những sáng tạo và hội nhập mới

Thứ Năm, 07/11/2019, 20:14
Từ ngày 5 đến 25-11 năm 2019, tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA)diễn ra “Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á tại Hà Nội - Việt Nam 2019”.


Lần đầu tiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đứng ra đăng cai tổ chức sự kiện trọng đại này. Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, Tập đoàn Flamingo và các đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp.

Trong những năm gần đây, các hoạt động giao lưu, trao đổi nghệ thuật trong khu vực và trên thế giới đang được diễn ra thường xuyên giữa nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ các nước, mang lại những hiệu quả tích cực trong việc đẩy mạnh giao lưu, kích thích sáng tạo, kết nối nghệ thuật Việt Nam và thế giới.

Triển lãm là dịp để công chúng yêu nghệ thuật có thể tiếp cận với các tác phẩm Hội họa, Điêu khắc tiêu biểu xuất sắc.

“Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á tại Hà Nội - Việt Nam 2019” là sự kiện nghệ thuật đặc biệt, lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội với mong muốn công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam được tiếp cận các tác phẩm hội họa của các nghệsĩ tiêu biểu của các quốc gia châu Á. Đây cũng sẽ là sự kiện khởi đầu, với mục tiêu Việt Nam sẽ thực hiện “Triển lãm nghệ thuật châu Á” hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2019.

Có 27 nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc tiêu biểu của châu Á đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tới Thủ đô Hà Nội Việt Nam. Triển lãm trưng bày giới thiệu 81 tác phẩm mỹ thuật xuất sắc nhất của họ. Thông điệp của triển lãm thể hiện tinh thần hội nhập, đăng cai tổ chức các hoạt động nghệ thuật tầm châu lục và thế giới của Việt Nam, tăng cường sự hiểu biết, kết nối, đoàn kết, hợp tác và chia sẻ giữa nghệ sĩ các nước châu Á. Sự kiện này sẽ là khởi đầu cho các hoạt động nghệ thuật chất lượng cao mang tầm quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức để kết nối, trao đổi nghệ thuật giữa các nước.

Nghệ thuật đương đại ở Việt Nam thường được cho là bắt đầu vào thời kỳ Đổi Mới giữa những năm 1980, và triển lãm quốc tế đầu tiên về nghệ thuật đương đại Việt Nam diễn ra Hồng Kông - Trung Quốc vào đầu những năm 1990. Đó cũng là khoảng thời gian mà nghệ thuật đương đại bắt đầu hình thành ở nhiều nước châu Á khác.

Trong những năm gần đây, Mỹ thuật Việt Nam đã có những hoạt động rất sôi động và chất lượng. Nhiều triển lãm được tổ chức với nỗ lực của các cá nhân, nghệ sĩ, các nhóm hoạt động với tiêu chí nghệ thuật rõ ràng; hay những triển lãm giao lưu, trao đổi, trại sáng tác quốc tế tại Việt Nam cũng như hoạt động của các nghệ sĩ Việt Nam tại nước ngoài.

Những dự án này không chỉ hướng tới người xem trong nước, mà còn giới thiệu quảng bá Mỹ thuật Việt Nam, cũng như để công chúng yêu và quan tâm đến nghệ thuật tạo hình được tiếp cận với tác phẩm cùng trào lưu mỹ thuật trên thế giới.

Việt Nam có 8 nghệ sĩ tham gia triển lãm này gồm: Đặng Xuân Hòa, Trần Lưu Hậu, Lê Quang Hà, Đỗ Hoàng Tường, Tạ Quang Bạo, Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền và Trần Văn An. Các nghệ sĩ Việt Nam sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau, bao gồm cả sắp đặt điêu khắc và tranh, trong khi các nghệ sĩ nước ngoài chủ yếu giới thiệu các tác phẩm tranh.

19 nghệ sĩ quốc tế bao gồm: Wattanachot Tungateja, Kamol Tassanachalee đến từ Thái Lan; Yeo Siak Goon, Leo Hee Tong đến từ Singapore; Fil Delacruz, Salvador J. Buddy Ching đến từ Philippines; Asha Dangol, Ragini Upadhyay Grela đến từ Nepal;  U Lun Gywe đến từ Myanmar; Ng Bee, Awang Damit Ahmad đến từ Malaysia; Jun Ogata đến từ Nhật Bản; Edi Sunaryo và Eddy Sulistyo đến từ Indonesia; DLN Reddy và Sayam Bharath Yadav đến từ Ấn Độ; Chan Sai-Lok đến từ Hồng Kông - Trung Quốc; Sadatuddin Ahmed Amil đến từ Bangladesh và Steven Rendall đến từ Australia.

Hy vọng với tập hợp các tác phẩm của các nghệ sĩ, “Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á tại Hà Nội - Việt Nam 2019” được trưng bày tại VCCA lần này sẽ là một sự kiện nghệ thuật thú vị, khởi đầu cho những dự án nghệ thuật chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế trong tương lai tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành - Giám tuyển Nghệ thuật

Châu Á có thể bị xếp vào là vùng trũng của bóng đá, của thể thao. Nhưng văn hóa và nghệ thuật châu Á không bao giờ như vậy, văn hóa và nghệ thuật châu Á luôn ngẩng cao đầu với nhân loại và thế giới.

Các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc châu Á là những con người máu thịt của mỗi quốc gia châu Á, với bề dày nghìn năm của văn minh châu Á, họ có bệ đỡ của tư tưởng triết học phương Đông, của văn hóa Á châu tâm linh kỳ bí. Bản thân mỗi bản thể nghệ sĩ là một vũ trụ bí ẩn của văn hóa Á châu.

Bản chất sáng tạo nghệ thuật là từ lịch sử văn hóa, từ thực tế cuộc sống đương đại, nghệ sĩ đưa ra những ý tưởng sáng tác mà phần lớn ý tưởng là đi trước tư duy đang hiện hữu của cuộc sống; họ là những người tiên phong, mở đường cho những ý tưởng lãng mạn, khác thường, thậm chí là viển vông, nhưng ý tưởng đó có giá trị, đặc biệt là khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo, kích thích người ta dám thay đổi tư duy, mở ra những không gian vũ trụ mới trong nhận thức và tư tưởng của con người.

Việt Nam đã mở cửa, đổi mới, hội nhập quốc tế được hơn 30 năm (tính mốc từ năm 1986), Mỹ thuật Việt Nam đã có những bước tiến dài, lật trang sang một thời kỳ mới của lịch sử nghệ thuật. Đây là lần đầu tiên Việt Nam mời được các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc tiêu biểu hàng đầu châu Á đến Hà Nội để giao lưu, gặp gỡ và trưng bày, giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật.

Và đây cũng là lần đầu tiên người xem Việt Nam được thưởng thức trực tiếp tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc hàng đầu châu Á ngay tại Thủ đô Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam đổi mới và phát triển hàng ngày.

Ngài Jorn Middelborg - Cố vấn Nghệ thuật Thavibu

Việt Nam có một bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, phong phú và đa dạng. Nhiều loại hình nghệ thuật đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, trong đó hội họa được thúc đẩy mạnh mẽ khi Chính quyền thuộc địa Pháp thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (Ecole des Beaux-Arts d'Indochine) tại Hà Nội vào năm 1925.

Mặc dù tiếp thu nhiều phong cách và phương pháp thực hành nghệ thuật từ Pháp, các nước châu Âu, Nga cũng như những luồng ảnh hưởng khác trong nhiều thập kỷ, văn hóa và giá trị bản địa Việt Nam vẫn luôn được coi là nền tảng quan trọng trong sáng tác.

Trong khi đặt trọng tâm vào thực hành vẽ tranh sơn dầu và màu nước truyền thống của châu Âu, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã có những đóng góp mang tính cải cách trong việc khuyến khích các nghệ sĩ địa phương thử nghiệm với các chất liệu và kỹ thuật truyền thống như sơn mài và lụa, nhờ đó tạo nên những cách vẽ mới.

Cho đến bây giờ, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á - nơi các nghệ sĩ gây dấu ấn bằng những tác phẩm hội họa đương đại rất thú vị và phá cách khi sử dụng sơn mài và lụa làm chất liệu. Đây là một đóng góp quan trọng của Việt Nam cho nền nghệ thuật đương đại toàn cầu.

Bên cạnh đó, các kỹ thuật vẽ tranh sơn mài, bao gồm công đoạn chồng và mài các lớp màu cũng được nhiều họa sĩ áp dụng để vẽ trên toan, nhờ đó tạo nên những tác phẩm tranh sơn dầu phong phú và giàu lớp lang. Tôi chắc chắn triển lãm quốc tế lần này sẽ mở ra những sáng tạo mới trong xu thế hội nhập mới.

Họa sĩ Trịnh Tuân -Giám tuyển Nghệ thuật

Trên cương vị của một Giám tuyển Nghệ thuật, sau nhiều nỗ lực tìm hiểu và tuyển chọn tác phẩm của nhiều nghệ sĩ tiêu biểu tại mỗi quốc gia, những tiêu chí về sự giao thoa vănhóa, đặc trưng bản địa cùng chất lượng, uy tín nghệ thuật đã được thể hiện một cách rõ nét thông qua các tác phẩm của các nghệ sĩ hàng đầu như U Lun Gywe (Myanmar), Awang Damit Ahmad (Malaysia), Fil Delacruz (Philippines), Ragini Upadhyay Grela (Nepal), Dr. Kamol Tassananchalee (Thái Lan), Edi Sunaryo (Indonesia), DLN Reddy (Ấn Độ), Leo Hee Tong (Singapore), họa sĩ danh tiếng Trần Lưu Hậu và nhà điêu khắc nổi tiếng Tạ Quang Bạo của Việt Nam.

Đồng thời, người xem còn có cơ hội thưởng lãm các tác phẩm của các họa sĩ, nghệ sĩ kế cận còn lại, một lực lượng sẽ là những gương mặt đại diện cho nền nghệ thuật quốc gia trong tương lai ở các quốc gia của họ.
Như Bình
.
.