Khó khăn nhất là thiếu kinh phí

Thứ Tư, 08/10/2008, 09:00
Phỏng vấn nhà văn Hà Phạm Phú, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn

- Thưa nhà văn Hà Phạm Phú, xin ông cho biết số lượng những bộ phim tài liệu về các văn nghệ sĩ  mà Hãng phim Hội Nhà văn đã thực hiện?

+ Từ khi thành lập đến nay, Hãng đã thực hiện được khoảng 30 phim về chân dung các nhà văn, từ thế hệ các nhà văn trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp tới các nhà văn thế hệ sau. Còn quay tư liệu, ghi lại hình ảnh, phát biểu, hoạt động của các nhà văn thì chúng tôi vẫn làm thường xuyên. Công việc ấy có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng Bảo tàng Nhà văn Việt Nam cũng như cho chúng tôi để làm phim sau này.

- Theo ông, đâu là cái được và cái chưa được như mong muốn của các nhà làm phim khi thực hiện những bộ phim này?

+ Ai cũng biết rằng, so với các nghệ sĩ khác thì nhà văn là người ít được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình, nên mỗi bộ phim ra đời sẽ là cơ hội để giới thiệu tới khán giả những chân dung nhà văn, họ đã sống và viết như thế nào.

Đồng thời, đó cũng là cách chia sẻ với khán giả những bút tích, kỷ vật các nhà văn để lại, những kỷ niệm về họ trong lòng bạn bè, đồng nghiệp.

Nhưng quả thật trong quá trình thực hiện, nhiều phim còn chưa được hay như mong muốn của khán giả. Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất là kinh phí làm phim còn hạn chế.

Từ trước tới nay chưa hề có một khoản ngân sách nào dành riêng cho việc thực hiện những bộ phim này. Bản thân các nhà văn thì nghèo, càng không thể hỗ trợ gì thêm nên kinh phí của phim phụ thuộc hoàn toàn vào tiền tài trợ do hãng phim tự vận động.

Kinh phí hạn chế rất bó buộc cách làm phim. Để có thể đưa đoàn làm phim quay ở một địa điểm xa, quay ở nhiều nơi, hay làm phim kỹ càng cũng là cả một vấn đề.

- Có ý kiến cho rằng, phim tài liệu về chân dung các nhà văn chưa hay, chưa sâu sắc còn có nguyên nhân từ chính các nhân vật của phim, đó là do các nhà văn ở nước ta còn chưa có ý thức lưu giữ đầy đủ những tư liệu của mình?  Ông có đồng ý với quan điểm này?

+ Đúng như vậy, bên cạnh số lượng các nhà văn lưu giữ được đầy đủ tài liệu, bút tích, tác phẩm cũng như hình ảnh của mình từ thời niên thiếu thì phần đông các nhà văn chưa tạo được thói quen này. Thậm chí, với nhiều nhà văn, khi chúng tôi thực hiện phim về họ, họ còn không nhớ tác phẩm đầu tay của mình đăng ở đâu. Với trường hợp ấy, chúng tôi phải tự tìm hiểu ở các nguồn khác mới có được để bổ sung vào phim. Hoặc có những nhà văn, nhà thơ không có thói quen để ý hay nhận xét về một vấn đề gì, thành thử để dựng được một bộ phim hay về họ cũng khá khó khăn.

- Vậy theo ông, để có được một bộ phim tư liệu hay về chân dung các nhà văn thì điều gì là quan trọng nhất?

+ Điều quan trọng nhất để có được một bộ phim tài liệu chân dung hay chính là các nhà văn. Nhà văn nào có cá tính độc đáo rất dễ cho chúng tôi khắc họa chân dung họ trong tác phẩm điện ảnh hơn là những nhà văn cá tính nhạt nhòa.

Bởi bản thân sự thú vị trong tính cách, lối sống, thói quen của họ đã là những câu chuyện hấp dẫn, gây tò mò với người xem. Bên cạnh đó, việc chỉ làm một thể loại là xây dựng chân dung các nhà văn rất dễ dẫn đến lối mòn, thói quen lười sáng tạo trong tư duy của các đạo diễn nên chúng tôi phải luôn thay đổi biện pháp thể hiện để tạo nên sự mới lạ cho từng tác phẩm.

-         Xin cảm ơn ông!

Khánh Thảo(thực hiện)
.
.