Khi sân khấu "được mùa" chính kịch

Thứ Ba, 12/01/2016, 08:00
Lâu nay, đời sống sân khấu cả nước thường chia thành 2 dòng chủ lưu khá rõ rệt: sân khấu phía Nam tập trung khai thác những đề tài có tính chất giải trí như hài, kinh dị, tâm lý tình cảm trong khi sân khấu phía Bắc thường hứng thú với những tác phẩm kinh điển, chính kịch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không khó để nhận thấy có sự nhập dòng khi ngày càng có nhiều tác phẩm chính kịch xuất hiện trên sân khấu phía Nam.


1.Có một điều"bất thường nhưng dễ hiểu" tồn tại khá lâu trong đời sống sân khấu là sự khác biệt rõ rệt giữa hai miền Nam - Bắc. Nếu như sân khấu phía Bắc luôn được nhắc tới với những vở chính luận, kinh điển thì sân khấu phía Nam với đặc trưng xã hội hóa nên luôn có sự thay đổi, biến hóa trong đề tài. Có lúc là trào lưu hài kịch, khi lại là kịch kinh dị chiếm ưu thế, rồi chuyển qua đề tài tâm lý, tình cảm lúc nào không hay.

Để có thể kéo khán giả tới rạp, sân khấu phía Nam phải "đổi món" liên tục, tránh tình trạng nhàm chán. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sân khấu phía Nam có một sự thay đổi đáng kể: khi những trào lưu kịch giải trí có xu hướng đi xuống thì những vở diễn chính kịch mang đậm giá trị nghệ thuật xuất hiện nhiều hơn.

Trong số các vở chính kịch trình làng năm 2015 trên sân khấu kịch phía Nam không thể không kể tới "Nửa đời hương phấn" của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Đây là tác phẩm nổi tiếng trên sân khấu cải lương khi được chuyển thể sang kịch nói vẫn tiếp tục ăn khách. Ngoài vở diễn nổi tiếng này, sân khấu Hoàng Thái Thanh còn đầu tư vào hai vở "Tình như trang giấy trắng" và "Lọ lem và hoàng tử". Sân khấu Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân cũng đổi gu từ kịch kinh dị sang kịch chính luận bằng 3 vở diễn trong năm 2015: "Người đàn bà uống rượu", "Đàn bà dễ có mấy tay" và "Một cha ba mẹ".

Vở kịch “Bệnh sĩ” của Nhà hát kịch Việt Nam gây ấn tượng mạnh với khán giả Thủ đô.

Sân khấu kịch 5B - một trong những sân khấu chịu khó theo đuổi mảng chính kịch thì trình làng vở ca vũ kịch "Cây bàng vuông" với sự đầu tư lớn về kinh phí. Sân khấu Thế giới trẻ vốn được biết đến với những vở kịch kinh dị thì giờ đây cũng chuyển hướng sang khai thác những đề tài tâm lý xã hội như gia đình, tình mẫu tử với "Cõng mẹ đi chơi", "Điện thoại lúc nửa đêm". Kịch Idicaf thì có "Sơn ca không hát"...

Có thể nói, sân khấu xã hội hóa phía Nam đã đi qua giai đoạn hoàng kim và đang đứng trước muôn vàn khó khăn. Sức cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức hút như giai đoạn trước, dù những người làm sân khấu nghĩ đủ chiêu trò để kéo khán giả tới rạp.

Việc tự thân vận động trong một thời gian dài thực sự không đơn giản khi nhu cầu thưởng thức giải trí của khán giả thay đổi liên tục. Thay vì 1-2 tháng ra một vở, giờ đây các sân khấu rút bớt số lượng vở diễn và tập trung vào những vở diễn chính kịch. Qua rồi thời sân khấu kịch loạn nhịp với những vở diễn đơn thuần giải trí để câu khách bằng những yếu tố sốc, sex, đồng tính. Giờ đây, những vở kịch được chăm chút kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, công tác dàn dựng đến sự hết mình của diễn viên có lẽ cũng là một cách thay đổi của sân khấu kịch phía Nam.

Trong khi sân khấu kịch phía Nam đang chậm lại bằng chính kịch thì từ lâu, sân khấu phía Bắc luôn được coi là thánh đường của loại hình này. Tuy nhiên, sân khấu nơi đây lại luôn gặp một trở ngại, đó là thiếu vắng khán giả tới xem. Có không ít vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng nhưng chỉ diễn một hai suất báo cáo hoặc mang đi hội diễn rồi đắp chiếu. Năm qua, một trong những điểm sáng của sân khấu phía Bắc chính là vở diễn "Hamlet" của Nhà hát kịch Việt Nam. Buổi biểu diễn đặc biệt tại Nhà hát Lớn dù giá vé lên tới 1 triệu đồng nhưng vẫn đông khán giả ủng hộ.

Không chỉ chinh phục khán giả phía Bắc, "Hamlet" còn được Nhà hát kịch Việt Nam mang đi chinh chiến phương Nam và đã tạo được dấu ấn tốt với khán giả xứ mai vàng. Thời gian qua, "anh cả đỏ" của sân khấu kịch đã dựng được những vở diễn lớn, đề cập đến nhiều vấn đề bức thiết của xã hội như "Tai biến", "Trong mưa giông thấy nắng","Những chấn động còn lại"... Bên cạnh đó, phục dựng những vở diễn từng tạo thương hiệu cho nhà hát như "Bệnh sĩ", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Vở "Bệnh sĩ" được Nhà hát kịch Việt Nam chọn công diễn khai xuân, ngay từ khi ra mắt đã cháy vé. Trong đợt lưu diễn tại Đà Nẵng đã thu hút đông đảo khán giả tại Nhà hát Trưng Vương.

Nhà hát Tuổi trẻ được coi là nhà hát năng động nhất miền Bắc, thường xuyên thay đổi kịch mục phù hợp với các đối tượng khán giả nhưng vẫn không quên những vở chính kịch. Năm 2015, đơn vị này đánh dấu bằng dựng hai vở diễn là "Quan thanh tra" của tác giả nước ngoài và "Ai là thủ phạm" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Sau thành công và được đánh giá cao tại Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ, vở "Mùa hạ cuối cùng" được Ngân hàng SHB chọn để tài trợ biểu diễn miễn phí 100 đêm cho các học sinh, sinh viên. Sau đó, ngân hàng cũng tiếp tục dự án này với "Ai là thủ phạm" và đối tượng khán giả mở rộng tới các tỉnh miền Bắc, miền Trung...Trong cố gắng nỗ lực để giữ chính kịch không thể không kể tới Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát cải lương Việt Nam... cũng thường xuyên có những vở diễn mới dù việc chinh phục khán giả vẫn là một con đường dài.

2. Việc sân khấu "được mùa" chính kịch phải kể tới một yếu tố khách quan, đó là trong năm qua có tới 2 hội diễn quan trọng. "Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc" tổ chức tháng 6 tại thành phố Thanh Hóa và "Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ 3 tại Thủ đô Hà Nội. Thay vì thái độ thờ ơ, dè dặt của không ít sân khấu phía Nam ở một vài Liên hoan trước, những Liên hoan gần đây cho thấy sự nhập cuộc mạnh mẽ của nơi này.

Rõ ràng, dù với sân khấu xã hội hóa, việc bán vé, doanh thu mới là quan trọng nhưng tham gia để giao lưu, cọ sát, đặc biệt những giải thưởng cũng là điều cần thiết với mỗi vở diễn hay nghệ sĩ. Và để tham gia Hội diễn thì chắc chắn đó phải là những vở diễn công phu được đầu tư, luyện tập kỹ lưỡng chứ không phải là những vở làm nhanh làm nhiều để câu khách.

Một cảnh trong vở “Người đàn bà uống rượu” của sân khấu kịch Phú Nhuận.

Chính kịch lên ngôi rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng, dù với sân khấu phía Nam đó có thể đơn giản chỉ là cách đổi món cho khán giả. Một thời gian dài phải xem những vở diễn được dàn dựng dễ dãi, với những tiếng cười nhạt, những chiêu câu khách rẻ tiền thì giờ đây, khán giả có cơ hội đắm mình vào không gian sân khấu thực sự. Bản thân nghệ sĩ cũng được lao động nghệ thuật đúng nghĩa, được khóc cười với những vai diễn sâu sắc.

Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy là những vở chính kịch mới hiện đại không hấp dẫn khán giả bằng những vở đã được viết từ trước đây. Xem những tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ, khán giả vẫn thấy tính thời sự đầy ắp trong từng vở diễn. Những vở diễn hiện đại sau này thường mắc những lỗi chung như tình tiết khiên cưỡng, không hợp lý. Tính cách nhân vật xây dựng không sống động, điển hình...

Vở diễn dài lại không hấp dẫn khiến khán giả mỏi mệt. Những vở diễn chính kịch của sân khấu Phú Nhuận, Idecaf, Nhà hát kịch thành phố...dù đã đề cập tới những vấn đề nổi cộm của xã hội nhưng việc phản ánh chưa tới, chưa trúng khiến khán giả không cảm thấy đã. Người xem vẫn đau đáu mong chờ những nhân vật trung tâm thuyết phục và điển hình hơn.

Hơn nữa, những vở chính kịch vào tay các đạo diễn phía Nam vẫn bị lạm dụng yếu tố hài. NSND Hồng Vân quan niệm: "Nếu nghiêng hẳn chính kịch sẽ làm vở diễn nặng nề. Phải tập cho khán giả quen nên pha một chút hài, thậm chí có đoạn náo kịch và để đảm bảo doanh thu". Mục đích đúng nhưng đôi khi pha liều lượng quá tay khiến cho những vở chính kịch ở phía Nam rơi vào tình trạng nửa nạc nửa mỡ. Trong khi ở sân khấu phía Bắc lại bị tình trạng nghiêm ngắn quá dẫn đến khô cứng, nặng nề.

Điều cốt lõi của tình trạng này chính là chúng ta chưa có được một đội ngũ tác giả chắc tay nghề. Cũng như các đơn vị nghệ thuật còn chạy theo thị hiếu, dựng vở thiếu kỹ lưỡng nên sân khấu Việt vẫn thiếu những tác phẩm chính kịch mới mang tầm thời đại.

Khánh Thảo
.
.