Khi “quốc nạn” giao thông lên... sàn kịch

Thứ Ba, 03/06/2008, 15:00
4 tiểu phẩm hài trong "Đời cười 7" của Nhà hát Tuổi trẻ mang một thông điệp cảnh báo rất hữu ích về thói đi xe bất chấp luật lệ của một bộ phận người dân, đặc biệt là lớp trẻ, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc đã làm khán giả cười nghiêng ngả và sau đó là những suy ngẫm, những xót xa về thời cuộc, về nhân tình thế thái.

10 năm nay, "Đời cười" đã trở thành một thương hiệu ăn khách của Nhà hát Tuổi trẻ. Lấy những câu chuyện thời sự nóng hổi từ đời sống, chủ yếu qua báo chí, mỗi lần ra mắt, "Đời cười" đều mang đến những bất ngờ thú vị cho khán giả.

Sau những chủ đề hết sức thành công về ôsin, cờ bạc, "Đời cười 7" vừa ra mắt khán giả thủ đô hướng vào một chủ đề đang được quan tâm nhất hiện nay: Quốc nạn giao thông.

Làm khán giả cười nghiêng ngả, 4 tiểu phẩm hài trong "Đời cười 7" mang một thông điệp cảnh báo rất hữu ích về thói đi xe bất chấp luật lệ của một bộ phận người dân, đặc biệt là lớp trẻ, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Đó là câu chuyện về một cụ già 83 tuổi phóng xe máy vè vè ra đường bị tai nạn "tiêu" mất bộ râu đẹp đẽ mà cụ nâng niu suốt 40 năm; một trại tâm thần với những bệnh nhân bị bệnh do ham mê tốc độ dẫn đến tai nạn giao thông, một anh chàng lái công nông đâm trúng vào người cha của mình, một ông bố mê rượu đã chuốc say cho con trai để rồi gây ra hậu quả thảm khốc...

Những câu chuyện đó được bàn tay đạo diễn khéo léo dẫn dắt, kết nối bởi Diêm vương và một con quỷ đi giám sát tình hình giao thông ở Việt Nam sau khi nhận thấy có quá nhiều cư dân "nhập cư" trái phép xuống âm phủ...

Đạo diễn Lê Hùng vẫn giữ phong cách hóm hỉnh của mình khi ông đưa lên sàn diễn đủ các loại phương tiện giao thông: ôtô, xe đạp, xe máy. Có lúc sân khấu xuất hiện hàng chục chiếc xe máy mini với cuộc đua tốc độ huyên náo của các nhân vật "anh hùng xa lộ" khiến khán giả vô cùng ấn tượng. Những âm thanh chát chúa đập vào thính giác và những hình ảnh nhộn nhạo đập vào thị giác khán giả gây một hiệu ứng về mức độ nguy hiểm của việc tham gia giao thông coi thường pháp luật, coi thường tính mạng.

Đạo diễn Lê Hùng tâm sự, ông đã phải chịu sức ép rất lớn khi dàn dựng "Đời cười 7". Làm sao để thu hút được sự quan tâm của khán giả như những lần ra mắt trước, lại đề cập trúng được vấn đề mà khán giả đang quan tâm, đang bức xúc.

Sau những tiếng cười giải trí còn phải là những suy ngẫm, những xót xa về thời cuộc, về nhân tình thế thái. Mỗi tình huống kịch cũng chính là một tình huống thực tế trong đời sống thường ngày mà bất kỳ ai cũng từng có thể gặp phải. Bởi thế các tiểu phẩm vừa mang tính cách điệu của sân khấu vừa hết sức gần gũi với người xem. Họ như thấy chính mình trong đó.

Ông Trương Nhuận, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói về "Đời cười 7": "Đây là vở diễn hài kịch được ví như một phương thuốc góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông của người dân hiện nay.

Nghệ thuật có thể mang đến sự thư giãn, giải trí tức thời cho khán giả, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu nó góp phần làm thay đổi hành vi theo chiều hướng tốt đẹp hơn của khán giả. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn, bồi đắp và xây dựng thương hiệu lâu dài cho "Đời cười", để mỗi lần ra mắt một chủ đề nào đó đều xứng đáng với sự chờ đợi của khán giả”.

"Đời cười 7" chủ trương không câu khách bằng những gương mặt diễn viên ăn khách của Nhà hát, cũng không có tuyến tính nhân vật chính hay phụ.

Đạo diễn Lê Hùng dụng ý hướng sự quan tâm của khán giả vào vấn đề mà ông đang đặt ra trên sàn diễn, để khi tình huống gây cười qua đi, họ sẽ đối diện với một thực tế có khả năng ảnh hưởng đến hành vi của họ ngay khi họ rời khỏi nhà hát đi về nhà, là hãy tham gia giao thông cho đúng luật, nếu không muốn gánh chịu những hậu quả khó lường...

Tường Hương
.
.