Khi lễ hội không còn là hội lễ

Thứ Năm, 09/02/2017, 08:45
Mỗi độ xuân sang, hàng trăm lễ hội lớn nhỏ đều được tổ chức trên khắp cả nước nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nhắc nhở con cháu phải biết "uống nước nhớ nguồn". Đồng thời cũng là dịp để người dân cả nước thực hiện tập tục hành hương dâng lễ, cầu an cầu phúc, cầu tài lộc cho một năm mới diễn ra tốt đẹp... 


Thế nhưng đi kèm với tập tục này là những hiện tượng phản cảm xảy ra trong mùa lễ hội như tranh cướp lộc, các nghi thức giết súc vật tế thần linh dã man... khiến cho các lễ hội đang dần mất đi ý nghĩa ban đầu của chúng mà càn ngày càng bị biến dạng phục vụ cho những nhu cầu thực dụng một cách thiếu văn hóa của một số người.

Mang "thâm - sân - si" đến nơi tín ngưỡng

Mặc dù đã bị phê phán kịch liệt ở các mùa lễ hội trước song tình trạng tranh cướp lộc phản cảm tại các lễ hội xuân đầu năm nay lại tiếp tục tái diễn và thậm chí là còn xảy ra nhiều hơn. Khởi điểm và cũng là đỉnh điểm của sự biến tướng lễ hội là vụ việc xảy ra vào sáng ngày mùng 2/2, sư thầy Thích Đạo Trụ "ngẫu hứng" phát lộc khiến người dân lao vào tranh đoạt tại chùa Hương.

Đoạn clip ghi lại hình ảnh sư Trụ đứng trên cao tung những dây chuyền nhựa có in hình Phật xuống gây nên cảnh cướp lộc hỗn loạn giữa các du khách tham dự vào ngày khai hội chùa Hương hôm đó đã được đăng tải trên mạng và làm dậy lên làn sóng bất bình và phản đối mạnh mẽ. Điều đặc biệt là vụ việc đáng tiếc này lại xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của chính một sư thầy đang tu tại chùa.

Sư Thích Đạo Trụ tung lộc ngày khai hội chùa Hương (Nguồn: Anh Tuấn).

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, chính sư thầy là người đã tạo ra sự tham, sân, si cho người dân. Thay vì phát lộc đến tận tay người dân để thể hiện sự thành kính, chân thành thì sư thầy lại ném lộc trong lúc rất đông người để họ chen lấn, tranh cướp lẫn nhau. Hình ảnh phản cảm này không nên xảy ra ở một nơi tôn kính như chùa Hương và càng không nên bắt nguồn từ những đấng bậc tôn kính như sư thầy trong chùa.

Sau sự việc này, ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017 đã có văn bản gửi Thượng tọa Thích Minh Hiền - Trụ trì chùa Hương, Phó Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017 đề nghị chấn chỉnh lại sư Trụ, cần rút kinh nghiệm và không để xảy ra những việc nằm ngoài chương trình lễ hội, tạo ra những hình ảnh không đẹp cho mùa lễ hội.

Cảnh tranh cướp lộc còn xảy ra ở ngôi chùa Phúc Khánh (Hà Nội) ngay cả khi nhà chùa đã tổ chức chia lộc lên ba xe cơ động và phát số còn lại rải đều tại các khu vực bên trong. Tuy nhiên du khách đi chùa không biết mà lại chen lấn xin lộc gây hỗn loạn, tắc nghẽn cả một đoạn đường trước cửa chùa.

Tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn), nghi lễ quan trọng nhất là phần dâng hoa tre, dâng trầu cau lên đền thờ Thánh Gióng. Sau lễ dâng hoa, một đoàn tùy tùng có nhiệm vụ rước các vật phẩm này qua các đền, kết thúc hành trình ở đền Hạ. Sau đó, hoa tre được tung ra sân để cho người dự hội "cướp" lấy may.

Mặc dù là tục lệ lâu đời nhưng cũng không tránh khỏi cảnh hỗn loạn xảy ra. Hàng trăm thanh niên hò hét, bay qua rào, băng tường lao vào cướp lộc hoa tre, trầu cau bất chấp lực lượng Công an, an ninh được ban tổ chức lễ hội bố trí dày đặc để rút kinh nghiệm từ những năm trước.

Điều đáng buồn là nhiều thanh niên khi được phỏng vấn vẫn tỏ ra rất hào hứng khi tham gia vào việc "cướp" hoa tre, họ cho rằng cướp được càng nhiều lộc thì càng may mắn. Chính quan niệm "thâm căn cố đế" này của người Việt Nam khiến cho tình trạng tranh cướp lộc tại các đền, chùa xảy ra càng hỗn loạn, phản cảm và thậm chí là bạo lực.

Hỗn loạn nơi chùa chiền

Ngoài tình trạng tranh cướp lộc ra thì vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại khác như ở khu vực Phủ Dầy (Nam Định), ngày khai hội chợ Viềng rạng sáng mùng 4/2 hàng vạn lượt khách đổ về đi lễ, mua hàng cầu may.

Những hình ảnh phản cảm như dịch vụ đổi tiền lẻ lấy chênh lệch công khai ngay trước cửa chùa, người đi lễ rải tiền lẻ khắp nơi từ trong Phủ ra ngoài Phủ, phủ kín các bức tượng "Đức Ông", "Thánh Mẫu",… trong tiền lẻ, thậm chí là ném cả tiền lẻ và rác rưởi xuống giếng trong Phủ. Điều này góp phần khiến  hiện tượng người ăn xin ngồi giữa đường xin tiền du khách tăng vọt.

Hay vào ngày khai hội chùa Bái Đính, người dân đi lễ có thói quen sờ tay các tượng Phật tại dãy hành lang La Hán nhằm "lấy may" khiến cho tay của các tượng Phật bị ngả sang màu đen mặc dù ban quản lí nhà chùa đã phát loa nhắc nhở. Đồng thời còn có hiện tượng người dân cầm tiền đủ mệnh giá xoa lên bức tượng đồng A Di Lặc cũng để "lấy may".

Thanh niên dẫm đạp lên nhau để cướp lộc đền Gióng (Nguồn: Phapluatplus).

Tại khu vực tháp chuông, nơi chứa quả chuông đồng nặng 36 tấn lớn nhất Việt Nam, cũng vậy. Sau khi leo cầu thang đi lên sàn với độ cao 6,9m, từng đoàn du khách ngắm nhìn rồi vo tiền lẻ ném về phía chuông và mặt trống đồng 70 tấn phía dưới. Tiền giấy đủ mệnh giá lơ lửng rồi rớt lên khắp mặt và quanh chân trống đồng.

Điều buồn cười là nhiều người không biết việc làm như thế đem lại điều gì cho bản thân. "Thấy mọi người ném tiền lên thì tôi cũng làm theo chứ không hiểu có ý nghĩa gì cả", một du khách đến từ Nam Định cho biết.

Ngay cả lễ dâng sao giải hạn, một tín ngưỡng rất tốt đẹp của dân tộc ta, nó mang ý nghĩa cầu mong điều lành đến với mình và người thân trong gia đình mà không tốn kém, có ý nghĩa như một chỗ dựa tinh thần, khiến cho người bị sao xấu ứng chiếu cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn về mặt tâm lý cũng bị biến tướng.

Cuộc sống ngày càng có nhiều khó khăn xảy đến, khiến nhiều người nghĩ rằng có một thế lực siêu nhiên nào đó tác động đến cuộc sống, đến những vận hạn của mình. Vì vậy để an ủi mình, ngày càng nhiều người tìm đến những khóa lễ giải hạn, cầu bình an. Điều đáng nói là không ít người đã thái quá nghi lễ này, sẵn sàng bỏ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu để thuê thầy cúng về làm lễ cho gia đình. Thậm chí nhiều người nghèo khó không có điều kiện cũng vay mượn, bán cả tài sản để làm lễ.

Cộng với tác động của kinh tế thị trường, những nghi lễ này đã trở thành một "loại hình dịch vụ" ở nhiều cơ sở thờ tự. Đây là một thực trạng đáng buồn cho nền văn hóa lịch sử tốt đẹp mà chúng ta đã duy trì từ xưa đến nay. Mặc dù trong đạo Phật không lễ nghi nào gọi là lễ dâng sao, giải hạn nhưng nhiều ngôi chùa vẫn nhận làm lễ dâng sao, giải hạn cho Phật tử.

Trả lời cho thắc mắc này, Tiến sĩ Hoàng Hiệp, chuyên gia văn hóa phương Đông giải thích: "Bởi nhà Phật lấy từ, bi, hỷ, xả làm trọng. Vì vậy các Phật tử có nguyện vọng làm nhưng điều tốt đẹp, cầu cho quốc thái, dân an thì nhà chùa cũng đứng ra tổ chức lễ giúp chúng sinh". Như vậy có thể thấy, việc làm lễ dâng sao, giải hạn không hề xấu nhưng chính sự biến tướng của nó đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Mùa lễ hội đầu năm ở Việt Nam thường kéo dài từ Tết Nguyên đán cho đến hết tháng Giêng, Hai... khá là lê thê, lãng phí nguồn lực của toàn xã hội. Báo chí đã phản ánh nhiều hiện tượng tranh cướp lộc, ẩu đả náo loạn vì cướp lộc, đốt vàng mã, hương khói biến tướng, xe công đi chùa, công sở vắng vì cán bộ đi lễ,… nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thay đổi.

Không biết từ khi nào mà việc đi chùa dâng hương đầu năm đã dần trở thành một thứ gì đó mang tính thực dụng, người ta bắt đầu có những quan niệm không đi chùa dâng lễ thì không được, không đi miếu đi đền cầu xin các ước nguyện thì sẽ không thành hiện thực, đi chùa thì phải dâng thật nhiều lễ để có nhiều lộc,…

Đồng thời văn hóa ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, với những người xung quanh khi đi chùa càng ngày càng thụt lùi, gây nên những hiện tượng phản cảm, phá hủy nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt như xả rác bừa bãi, bẻ cây cối trong chùa để lấy lộc, ăn mặc hở hang, thiếu vải, chen lấn xô đẩy, nhét tiền lẻ khắp nơi,…

Điều đáng báo động hơn nữa là những hiện tượng, tình trạng nêu trên đã xảy ra từ lâu nhưng không được giải quyết triệt để, bất chấp những cố gắng, nỗ lực cải thiện bằng cách vận động, tuyên truyền và các điều lệnh được ban bố từ các cơ quan cấp cao.

Dương Thục Anh
.
.