Khi họa sĩ quyết liệt với nạn đạo tranh
- Trong mỹ thuật người lớn cũng đạo tranh
- Đạo tranh, đạo ảnh ở các nhà xuất bản: Một hiện tượng dễ được “cho qua”?
- Lại chuyện đạo tranh
Vụ việc bắt đầu từ cuối tháng 4 khi họa sĩ Bùi Trọng Dư phát hiện bức "Ao sen" vẽ năm 2011 của mình bị một công ty in trên tà áo dài và quảng cáo, rao bán công khai trên website và mạng xã hội. Bức tranh bị cắt ghép, làm nền để in chồng chéo bằng bức tranh của một họa sĩ khác và họ gọi đó là "mẫu tự thiết kế".
Rà soát kỹ hơn, ông phát hiện thêm nhiều bức bị công ty kinh doanh áo dài khác xâm phạm tương tự. Từ trường hợp họa sĩ Bùi Trọng Dư, nhiều họa sĩ khác sốt sắng rà soát xem tác phẩm của mình có bị "ăn cắp" không. Kết quả: có 7 họa sĩ khác cùng chung số phận. Đó là họa sĩ Nguyễn Quý Tâm (Huế), Lâm Đức Mạnh (Hà Nội), Ngụy Đình Hà (Hà Nội), Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội), Nguyễn Đăng Sơn (Huế), Lê Phan Quốc (Huế) và Phan Linh Bảo Hạnh (Bình Dương).
Bức "Đêm thu" bị đơn vị kinh doanh sao chép lên áo dài. |
Ngay sau đó, nhóm họa sĩ bức xúc phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên phía các đơn vị vi phạm vẫn im hơi lặng tiếng. Nhờ sự tư vấn của luật sư Nguyễn Giang Nam, 8 họa sĩ gửi thư đến các đơn vị vi phạm, yêu cầu chấm dứt ngay lập tức và không điều kiện việc sử dụng hình ảnh trái phép, cam kết không tái phạm, xin lỗi bằng văn bản.
Trong văn bản, nhóm họa sĩ quyết liệt: "Nếu không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của chúng tôi, phía chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp pháp lý để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền, trong đó có thể phải kiện ra tòa án có thẩm quyền". Theo Luật Sở hữu trí tuệ, mọi hành vi sao chép, sử dụng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu đều vi phạm quyền tác giả (trừ trường hợp sao chép để sử dụng cho mục đích học tập, hay nghiên cứu của riêng mình).
Thấy các họa sĩ làm căng, phía công ty P.T nhanh chóng xin lỗi, cam kết thực hiện những điều trong văn bản. Đơn vị này thừa nhận do thiếu hiểu biết pháp luật nên trong quá trình tìm kiếm những hình ảnh đẹp để đưa vào sản phẩm đã sử dụng các hình ảnh của nhóm họa sĩ mà không xin phép. Đến nay, hầu hết các đơn vị vi phạm đều có lời xin lỗi chính thức đến 8 họa sĩ.
Riêng công ty P.M (đơn vị bị cho là xâm phạm nhiều tranh nhất) vẫn cãi cùn với lý do: lấy tranh trên trang mạng miễn phí thì không xâm phạm bản quyền. Còn đại diện công ty L.A thì quanh co nói là khách đưa thiết kế như thế nào thì in vậy.
Vụ việc này một lần nữa khơi dậy vấn nạn đạo tranh nhức nhối ngang nhiên tồn tại lâu nay. Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho hay ông cũng từng bị vi phạm nhiều lần bức tranh sơn mài "Ao sen" như bị một đơn vị kinh doanh bánh kẹo tự ý in lên bao bì hay một gameshow ca hát nổi tiếng trên truyền hình lấy làm hình nền mà không xin phép.
Họa sĩ, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cũng là trường hợp có nhiều tranh và tác phẩm nhiếp ảnh bị sao chép. Ông cho biết vừa rồi, ở Vĩnh Long có hai cơ sở còn lấy file tác phẩm của ông về xoá logo của tác giả rồi in thẳng ra bán. Khi cố tình xoá logo tức là họ biết tác phẩm là của ai, như vậy khác nào ăn cắp trắng trợn.
Ông ngao ngán: "Thiên hạ cứ cố lầm lẫn là thứ gì thấy trên mạng cũng có thể lấy về. Họ chả cần quan tâm tới tác giả là ai. Hàng ngày các phòng tranh cứ chôm chép thoải mái các tác phẩm của tôi và đồng nghiệp khác bày bán vô tư cũng như quảng cáo tự nhiên như của mình trên trang cộng đồng. Buồn là họ còn xem đó là việc hết sức bình thường và có lẽ họ còn không biết mình đang sai phạm nên vô tư quảng cáo trên trang xã hội và trang cá nhân của họ. Dù tác phẩm có đăng trên mạng thì thông tin và hình ảnh là sở hữu trí tuệ của tác giả, dù nó có hay chưa được đăng ký bản quyền đi nữa nhưng quyền tác giả và quyền kinh doanh vẫn thuộc về tác giả".
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền tâm sự: "Tác phẩm là đứa con tinh thần mà người họa sĩ mang nặng đẻ đau, trăn trở qua không biết bao nhiêu tháng ngày, chắt lọc từ trí óc, thực tế... để cho ra đời những bức tranh nghệ thuật để đời. Vậy nên ai mà không đau xót khi đứa con của mình ngang nhiên bị đánh cắp, bị người khác xào xáo để kiếm lời".
Bức "Ao sen" của họa sĩ Bùi Trọng Dư bị một công ty tự ý in lên áo dài để rao bán. |
Các họa sĩ khóc ròng vì tác phẩm của họ luôn bị coi là "của chùa" nên bị sử dụng vô tội vạ mà không lời hỏi han, xin phép. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết, ở các nước phát triển vẫn có tranh chép nhưng bắt buộc tranh chép phải ghi "Đây là tranh chép" và phải có kích thước khác với tranh gốc. Ngoài ra, họa sĩ đã qua đời 50 năm thì người khác mới được phép chép và cũng phải tuân thủ nguyên tắc trên.
Vụ việc đạo tranh lên áo dài vừa rồi có thể coi là một trong số ít trường hợp mà giới họa sĩ cùng đoàn kết lại để phản ứng quyết liệt, đòi quyền lợi cho mình. Bởi từ trước đến nay, hầu hết họa sĩ khi phát hiện đứa con tinh thần bị ăn cắp, họ chỉ có thể than vãn, kêu ca nếu đã phản ánh mà phía xâm phạm vẫn chây ì. Cùng lắm là vụ việc được xử lý nội bộ với họa sĩ, phía vi phạm xin lỗi là xong xuôi. Việc kiện tụng gần như quá hiếm hoi.
Họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng dù chúng ta đã tham gia Công ước Berne, có Luật Sở hữu trí tuệ, có quy định quyền tác giả nhưng hầu như chỉ có những gallery tầm cỡ và nhà sưu tập, các nghệ sĩ tự trọng quan tâm. Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần lên tiếng về vấn nạn này nhưng hiện nay thật giả rất lẫn lộn và thiếu những định chế về pháp luật một cách mạnh mẽ để nghiêm cấm.
Mà điều này gần như vượt ra tầm tác động và trách nhiệm của Hội. "Chúng tôi chỉ còn biết kêu gọi các hội viên phải tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký bản quyền theo luật Sở hữu trí tuệ. Nhưng nhiều anh em thấy thủ tục rườm rà, tính cách nghệ sĩ nên không xem trọng việc này. Đến khi xảy ra chuyện thì bức xúc nhưng cũng không thưa kiện vì sợ "được vạ thì má đã sưng" - ông cho biết.
Tuy nhiên chính tâm lý ngại "đáo tụng đình" cộng với chế tài xử phạt của cơ quan chức năng không đủ sức răn đe càng khiến việc vi phạm bản quyền mỹ thuật ngày càng trắng trợn và biến tướng. Những kết quả tích cực từ sự phản ứng mạnh mẽ của 8 họa sĩ trên là tiền đề quan trọng để các họa sĩ khác mạnh dạn đấu tranh với nạn xâm phạm bản quyền mỹ thuật trong thời gian tới.
Đồng thời, vụ việc cũng là bài học để các đơn vị, cá nhân hiểu hơn về Luật Sở hữu trí tuệ, trân trọng những sáng tạo nghệ thuật. Bởi nói như họa sĩ Huỳnh Văn Mười, hiểu biết về bản quyền của người dân Việt Nam còn rất hạn chế dù chúng ta đã có đầy đủ luật định và tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.
"Phía quản lý nhà nước cần tăng cường tính quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho họa sĩ đăng ký bản quyền. Bên cạnh việc bổ sung ngay những quy định còn thiếu trong quản lý mỹ thuật thì vẫn cần có sự phối hợp giữa công an kinh tế và nhà quản lý văn hóa. Đồng thời, ngay từ khi ngồi ở ghế nhà trường, học sinh cũng phải được giáo dục về vấn đề bản quyền, tác quyền" - ông đề xuất.