Khi giai thoại làm hại nhà văn

Thứ Tư, 27/04/2005, 07:34
Mẩu chuyện “Huy Cận chia đá lửa” thường được kể như là giai thoại về tính keo kiệt. Song ngẫm kỹ lại thấy bản chất sự việc là rất khác nhau, nhất là khi Huy Cận phải chia quà cho “hàng trăm người” thì thấy cái tình của Huy Cận đối với mọi người thắm thiết đến nhường nào!

Trong loạt bài tưởng nhớ nhà thơ Huy Cận in trên các báo thời gian vừa qua, bài “Huy Cận đời thường như tôi biết” của tác giả Vũ Duy Thông (Văn nghệ Công an số tháng 3/2005) là một trong những bài viết để lại trong tôi nhiều xúc động. Xúc động vì bên cạnh những chi tiết đời thường rất hồn nhiên, đáng mến của người quá cố, bài viết còn giúp tôi hiểu đúng hơn về một cách hành xử của Huy Cận khiến tôi càng thương cảm và trân trọng ông hơn.

Trước tiên xin được kể lại mẩu giai thoại đã làm sai lệch hình ảnh nhà thơ lớn của chúng ta. Chuyện rằng, sau một chuyến đi công tác nước ngoài về, Huy Cận cho gọi người lái xe của mình tới để tặng... quà. Ông hỏi một cách hồ hởi: “Cậu có bật lửa chưa?".  Bác “tài”, mặc dù cũng chẳng hào hứng lắm với món quà “mọn” này, song lại nghĩ “có còn hơn không” nên đành tặc lưỡi trả lời là “chưa”. Tức thì Huy Cận phẩy tay: “ồ, tưởng cậu có bật lửa rồi thì tớ cho cậu mấy... viên đá lửa. Không có thì thôi vậy”.

Đây là một giai thoại được lưu truyền nhiều trong giới văn nghệ.  “Chủ đề” không gì khác hơn là cho thấy một nhà thơ Huy Cận với đặc tính ky kiệt cố hữu của mình.

Hẳn nhà thơ Vũ Duy Thông đã nhớ đến giai thoại này, và vì ông có cách nhìn nhận sự việc thấu đáo hơn nên trong bài báo nhắc tới trên, ông cho hay: “Ngay từ thời hàng hóa còn phân phối, đi nước ngoài về cũng chỉ vài viên đá lửa, chiếc lưỡi dao cạo là cùng, nhưng ông chia cho tất cả mọi người, cộng lại mỗi lần cả trong và ngoài cơ quan có đến hàng trăm người được ông chia quà, nghĩ kỹ rất là thương”.

Ai đó đã nói rằng “một nửa sự thật chưa phải là sự thật”. Đối chiếu những điều nhà thơ Vũ Duy Thông kể với mẩu giai thoại đã dẫn, ta thấy có vẻ như chi tiết chia quà... đá lửa không phải là chuyện... bịa. Cũng cần biết bối cảnh câu chuyện xảy ra là vào thời kỳ bao cấp. Việc các nhà thơ, nhà văn ta đi công cán nước ngoài đâu có mang ý nghĩa kinh tế gì.

Quà cáp đa phần do nhà văn nước bạn tặng lại và hầu hết cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng (trong cuốn hồi ký “Cát bụi chân ai”, nhà văn Tô Hoài chẳng đã kể lại việc nhà thơ Xuân Diệu đem đến tặng ông... đôi bít tất vì ông phụ trách công tác đối ngoại của Hội Nhà văn đó sao?). Xem thế, mới thấy trong việc tặng quà, Huy Cận vẫn còn “rộng rãi” chán.

Từ câu chuyện trên, bỗng chốc tôi lại nhớ tới việc ông thường bị anh em biên tập một số báo, đài “kêu” là quá sát sao với vấn đề tiền nong. Rằng thì đâu đó có in lại những bài thơ cũ của ông mà chậm trả nhuận bút, phải để ông “phát hiện ra” thì cứ gọi là “chết” với ông, ông “nã” cho đến nơi đến chốn. Rồi chuyện các phóng viên đến làm phỏng vấn ông, ông hay mặc cả tiền thù lao (trong khi nhiều báo chỉ có chế độ nhuận bút cho người thực hiện phỏng vấn)...

Quả là, với những người vốn xem nghề viết là nghề “tay trái”, việc thơ phú làm để cho vui thì những chuyện nhỏ nhặt kiểu “con cá, lá rau” ấy của một nhà thơ lớn dễ khiến họ dị ứng. Song bây giờ, khi mà Huy Cận đã nằm xuống rồi, nghĩ lại, ta bỗng thấy thương ông và nhận thấy những đòi hỏi trên của ông thật ra cũng chẳng có gì là quá đáng.

Thử hỏi, giữa một bên là ông già hơn tám chục tuổi đầu, cuộc sống - như nhà thơ Vũ Duy Thông đã viết - cũng thuộc diện thanh bần, và một bên là một số cơ quan báo, đài đôi lúc còn chưa được chu đáo trong việc thực hiện chế độ bản quyền đối với ông, ai đáng trách hơn ai?

Vả chăng, chúng ta không nên quên một điều, trong đời thường, cũng như chúng ta, các nhà văn nhà thơ lớn họ cũng phải ăn, phải uống. Chúng ta không thể bắt họ sống mãi với cái danh suông được. ở đây, tôi hoàn toàn tán thành với nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh trên báo Văn nghệ, rằng “thiết thực khác thực dụng” và “Huy Cận là người thiết thực chứ không thực dụng”

Hà Khải Hưng
.
.