Khi du lịch gắn với các “đặc sản” văn hóa
- Vĩnh Phúc đưa du lịch thành ngành công nghiệp chủ lực
- Vì sao du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long vẫn dừng ở tiềm năng?
- Lào Cai phải hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững và bao trùm
- Trình Thủ tướng đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”
Ngày càng có nhiều show diễn nghệ thuật được tổ chức gắn với những địa điểm du lịch nổi tiếng gây được sự chú ý của khách du lịch và dư luận như “Tinh hoa Bắc Bộ” (Hoài Đức - Hà Nội), “Ký ức Hội An” (TP. Hội An - Quảng Nam) và gần đây là “Vũ điệu trên mây” (Sa Pa - Lào Cai)...
Điều này đã chứng tỏ hướng đi đúng đắn của các nhà làm du lịch chuyên nghiệp đạt trình độ đỉnh cao khi gắn du lịch với các “đặc sản” văn hóa của các vùng miền...
Sức hút của show nghệ thuật trong mây
Trung tuần tháng 7 vừa qua, show nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” biểu diễn tại khu du lịch Sun World Fansipan (Sa Pa) đã ra mắt khách du lịch. Sở dĩ nó gây được sự chú ý của dư luận không chỉ vì là một sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch như truyền thông khai thác mà còn bởi nó là một chương trình được xây dựng trên cơ sở từ cảm hứng văn hóa truyền thống Tây Bắc.
Show biểu diễn này sẽ kéo dài trong 3 tháng liên tục tại Sảnh sân mây (ga đến cáp treo) hoặc sảnh Bảo An Thiền Tự (ga đi) tùy thuộc vào điều kiện thời tiết với 2 suất diễn ngày thường và 3 suất diễn với ngày cuối tuần.
Màu sắc văn hóa Tây Bắc đậm đặc trong show diễn nghệ thuật “Vũ điệu trên mây”. |
Theo những thông tin, hình ảnh và clip đã được công bố với truyền thông, “Vũ điệu trên mây” sẽ đưa người xem vào một hành trình khám phá Tây Bắc nói chung, Sa Pa nói riêng theo một cách mới mẻ. Giám đốc nghệ thuật kiêm đạo diễn Phạm Hoàng Nam và hai biên đạo là NSND Kiều Lê, NSƯT Hồng Phong chỉ sử dụng ba loại đạo cụ là những tấm vải thổ cẩm lớn có độ dài tới 15m, những khung cửi, chiếc gùi quen thuộc của đồng bào dân tộc.
Nhưng những đạo cụ ấy lại chính là “vũ khí bí mật” dựng lên toàn bộ bối cảnh diễn, đồng thời kết nối các phần của show theo một mạch truyện xuyên suốt đầy bất ngờ: Những chiếc gùi đựng vải thổ cẩm được các chàng trai cô gái bản sắp xếp nghệ thuật thành bối cảnh phiên chợ tình; vẫn những tấm vải thổ cẩm đó được kết thành bộ trang phục của cô dâu và chú rể người Dao đỏ...
Và khán giả vô cùng kinh ngạc trước màn kết “Tòa sen chốn bồng lai”, khi 10 khung cửi của đồng bào dân tộc ở phần 1 - “Vũ điệu trên mây” được sắp đặt tạo thành một đài sen lớn, các diễn viên như những áng mây trắng hòa mình với thiên nhiên, tạo nên một hình tượng rực rỡ kỳ ảo.
Trong “Vũ điệu trên mây”, chất liệu Tây Bắc được đạo diễn Phạm Hoàng Nam và ê kip sáng tạo khai thác tối đa với thanh âm của gió và lá, tiếng thoi đưa, nhịp khung cửi rộn ràng, trai làng gái bản vừa lao động, vừa nhảy múa.
Cũng trong không gian đậm chất Tây Bắc đó, truyền thuyết về loài hoa Đỗ quyên vốn là biểu trưng nơi núi rừng Hoàng Liên, đám cưới người Dao Đỏ đặc trưng của vùng cao Tây Bắc, vũ hội Mường Hoa... được tái hiện một cách sống động, nên thơ.
Chia sẻ về ý tưởng cũng như những tham vọng gửi gắm vào show diễn mới này, đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết: "Vũ điệu trên mây” là sự chắt chiu những tinh túy của văn hóa dân gian và các vũ điệu của Tây Bắc.
Show diễn là sự tổng hợp và hòa quyện của các điệu múa quen thuộc, nổi tiếng, cộng hưởng cùng những sáng tạo mới của ekip, để làm nên sự thay đổi và điểm thu hút du khách hơn nữa đến với Fansipan, không chỉ trong nước mà còn cả khách du lịch nước ngoài...".
Du lịch Việt cần có thêm “đặc sản” văn hóa?
Tối 20-7 vừa qua, một sự kiện về du lịch khác cũng được nhiều người chú ý đó là khai mạc Lễ hội Hang động Quảng Bình với tên gọi “Quảng Bình - Bí ẩn bất tận” với một chương trình nghệ thuật hoành tráng, quy tụ nhiều tên tuổi nghệ sĩ hàng sao như Mỹ Tâm, Tùng Dương, Lê Anh Dũng, cặp anh em nghệ sĩ Quốc Cơ - Quốc Nghiệp...
Điều này cũng một lần nữa nói lên mối liên hệ thân thiết giữa lĩnh vực văn hóa với du lịch, thậm chí trong một vài trường hợp, nó còn là hai mệnh đề không thể tách rời. Giống như đi du lịch Huế nhất thiết là phải thăm chốn cung đình, thưởng thức ẩm thực đặc trưng xứ Huế nhưng sẽ chưa hoàn thiện nếu chưa một lần đi thuyền và nghe biểu diễn nghệ thuật ca Huế trên sông Hương, nghe nhã nhạc cung đình Huế. Và khi đến với miền Tây sông nước, cũng sẽ thật thiếu sót, thật không trọn vẹn chuyến đi nếu không đi nghe đờn ca tài tử miệt vườn...
Thực tế, cũng mục đích phục vụ du lịch, với “Vũ hội Ánh dương” diễn ra ở Bà Nà Hill, tuy cũng có quy mô hoành tráng nhưng thực ra mới chỉ dừng ở mức “vui vẻ, sôi động, thích mắt”, chứ ở đó chưa hàm chứa nhiều “nội hàm văn hóa”.
Vì thế, khi chuyển hướng sang khai thác yếu tố văn hóa mang màu sắc bản địa của núi rừng - con người Tây Bắc, thì show diễn nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” mới nhận được sự hưởng ứng của khán giả. Hẳn là điều này sẽ khiến nhiều người phải lưu tâm.
Người viết bài này mặc dù đã vài lần đến Sa Pa và đã đi cáp treo lên đỉnh Fansipan, nhưng vẫn mong muốn được một lần nữa đến nơi đây để thưởng thức một “show nghệ thuật trong mây” - vốn đang được đánh giá là đem lại những cảm nhận hết sức thú vị và khác biệt.
Một show diễn nghệ thuật gắn với du lịch nữa cần được nhắc tới, đó là chương trình biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”. Chính thức phục vụ khán giả du lịch đến với phố cổ Hội An được gần 1 năm nay, chương trình này do chủ đầu tư là công ty Gami Theme Park đầu tư sản xuất và sở hữu.
Thời gian đầu ra mắt, chương trình cũng vướng vào nhiều ồn ào và vấp phải sự phản đối của một số người quan tâm, nghiên cứu lịch sử văn hóa Hội An và phải chỉnh sửa, nhưng đến nay nó đã thật sự “lấy lòng” được dư luận cũng như khán giả. Với sân khấu được thiết kế xây dựng trên mặt bằng lên tới 2,5ha và số diễn viên tham gia biểu diễn lên tới 500 người, hệ thống âm thanh - ánh sáng hiện đại, quy mô, hiện tại “Ký ức Hội An” là chương trình ghi dấu nhiều kỷ lục, đã thực sự gây chú ý đối với du khách trong và ngoài nước đến với Hội An.
Chủ đầu tư của vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” có tham vọng chương trình này sẽ cán mốc 2 triệu lượt khán giả đến xem trong năm 2019. |
Bởi thế, từ buổi ban đầu mỗi tối biểu diễn chỉ có 30-50-100 khách, đến nay có những đêm diễn cuối tuần, khán đài 3.300 của “Ký ức Hội An” đã được lấp đầy. Qua khảo sát, đã có rất nhiều công ty du lịch - lữ hành hợp tác và đưa chương trình biểu diễn này vào các tour du lịch trọn gói và cố định. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có tham vọng “đẩy” chương trình đạt mốc 2 triệu khán giả trong năm 2019.
Chính vì thế, vào ngày 14-3 vừa qua, show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” đã được trình chiếu trên màn hình lớn của Quảng trường Thời Đại (Times Square - Mỹ). Điều này, tạo được những hiệu ứng truyền thông hết sức tích cực.
Đây là một chiến dịch quảng bá của đơn vị sở hữu nhằm hướng tới việc đưa hình ảnh của “Ký ức Hội An” vượt ra khỏi khuôn khổ của sông Thu Bồn để đến với công chúng quốc tế. Trước đó, chương trình “Ký ức Hội” cũng từng được Tổng cục Du lịch đánh giá là “Sản phẩm du lịch sáng tạo tiêu biểu năm 2018” và đưa sản phẩm này vào các chương trình xúc tiến du lịch quốc tế.
Mặc dù “Tinh hoa Bắc Bộ” mới là chương trình biểu diễn thực cảnh được khai sinh sớm nhất ở Việt Nam và cũng nhắm tới khách du lịch trong và ngoài nước, nhưng do vị trí không đắc địa bằng “Ký ức Hội An”, nên đã không có sự gia tăng vượt trội về khán giả, mặc dù nó cũng được đầu tư - quảng bá kỹ lưỡng.
Qua thực tế này có thể thấy, có những sản phẩm văn hóa sẽ nhận được sự cộng hưởng vô cùng tích cực nếu nó gắn chặt với du lịch. Bởi lẽ, khách du lịch với tâm lý khám phá và tận hưởng, rất sẵn lòng chi ra một khoản tiền lớn để xem đi nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đó lại mang màu sắc vùng miền đặc trưng cho nơi họ đã dừng chân.
Ví như, chương trình biểu diễn “Tinh Hoa Bắc Bộ” - một sản phẩm của Công ty cổ phần Tuần Châu - Hà Nội lại được xây dựng - biểu diễn tại sân khấu ở đảo Tuần Châu (Hạ Long - Quảng Ninh) chẳng hạn, thì có lẽ lượng khách du lịch đến xem cũng sẽ đông đúc hơn nhiều so với ở chân núi Sài Sơn (Hoài Đức - Hà Nội). Bởi khoảng 2 năm trở lại đây, khách du lịch trong và ngoài đổ về Quảng Ninh có sự gia tăng đột biến.