Khi đại sứ trở thành nhà văn

Thứ Bảy, 20/05/2017, 08:01
Trò chuyện với ngài cựu Đại sứ Italia tại Việt Nam Lorenzo Angeloni, tôi cảm nhận được rằng, dù làm bất cứ công việc gì, với tư cách là một nhà ngoại giao hay một nhà văn, ít nhiều, ông đều "búng" thứ gọi là tình yêu của mình vào trong đó - một tình yêu rất giản dị, nhân văn và sâu sắc vô cùng. 


Đối với tôi, mỗi lần gặp gỡ, được giao lưu và trò chuyện cùng ông Lorenzo Angeloni là một cái duyên. Cách đây 3 năm, khi ông còn là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam và phát động cuộc thi viết về Italia, tôi đã gửi bài viết của mình vào hòm thư điện tử cho ông.

May mắn và bất ngờ, tôi đã đoạt giải và được chính ngài Đại sứ trao thưởng. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn nhớ như in những điều mà ông Lorenzo Angeloni nói với mình lúc đó: "Tôi rất cảm động và vinh dự khi được đọc những cảm xúc, những điều tốt đẹp và tình yêu mà bạn đã dành cho Italia - đất nước mà chúng ta luôn khắc sâu trong tim. Hãy tiếp tục viết nhé, cảm ơn bạn rất nhiều".

Và 3 năm sau, tôi được gặp lại Lorenzo Angeloni ở một tâm thế khác, trái ngược hoàn toàn với trước đây. Chính tôi là độc giả của một tác phẩm lấy bối cảnh tại Việt Nam mà ông vừa ra mắt - cuốn tiểu thuyết "Vùng cách ly".

Cựu Đại sứ Italia tại Việt Nam - Nhà văn Lorenzo Angeloni và dịch giả Trần Hồng Hạnh.

Đại dịch SARS và "Vùng cách ly"

Cảm hứng để tác giả đặt bút viết cuốn tiểu thuyết này đến từ một chuyến công tác tại thành phố Huế. Ông Lorenzo tới thăm Trung tâm nghiên cứu về nhiễm trùng hô hấp cấp tính mang tên Carlo Urbani - người bác sĩ đầu tiên phát hiện ra virus SARS, tới Việt Nam nghiên cứu và đề xuất các biện pháp khống chế dịch bệnh chết người này năm 2003.

Trở về từ chuyến đi ấy, ông Lorenzo nhận ra Hà Nội - thành phố nơi ông đang sinh sống và làm việc đã từng phải trải qua những năm tháng kinh hoàng trước nguy cơ lây nhiễm một căn bệnh chưa từng được biết tới. Sau khi suy nghĩ và trăn trở, ông đã quyết định xây dựng lại hình ảnh "Vùng cách ly" tại Bệnh viện Việt-Pháp những ngày u ám đó, cùng với mong muốn tưởng nhớ bác sĩ Carlo Urbani, người đồng bào của ông đã từng chiến đấu hết mình vì sự sống con người.

Tiểu thuyết "Vùng cách ly" là cuốn sách duy nhất lấy bối cảnh đại dịch SARS và Lorenzo Angeloni cũng là tác giả đầu tiên viết về câu chuyện dường như đã bị lãng quên này tại Việt Nam. Có lẽ, ký ức đau thương ấy chẳng ai muốn nhắc lại vì đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân vô tội, trong đó có các bác sĩ ưu tú. Nhưng với ông thì lại khác, từ một vấn đề trong quá khứ, Lorenzo Angeloni có thể liên hệ đến nhiều lĩnh vực và rút ra bài học cho hiện tại.

Joe - nhân vật chính trong tác phẩm là một tỉ phú thuộc top 1% giàu nhất thế giới. Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ Joe có tất cả, nhưng thực tế không phải vậy. Anh ấy chỉ biết đến làm việc và tự đưa mình vào một vùng cách ly với tất cả mọi người. Phải đến khi quay trở lại Việt Nam, bị nhiễm SARS, bị đưa vào vùng cách ly thực sự tại Bệnh viện Việt-Pháp, Joe mới có thời gian để chiêm nghiệm lại cuộc đời và nhận ra rào cản của mình với thế giới xung quanh chính là tâm lý.

Con người có thể làm ra tiền bạc, nhưng tiền bạc thì không thể tạo nên con người, dù ở bất kỳ thời nào. Cuốn tiểu thuyết có cấu trúc chặt chẽ, khi đọc vài trang đầu ta có thể cảm nhận đây là một cuốn sách viết về văn hóa, nhưng sau đó lại có những tình tiết bí ẩn, mang hơi hướng trinh thám.

Hết bất ngờ này tới bất ngờ khác, tác giả đề cập tới một câu chuyện tình yêu, rồi đại dịch SARS và cú đổ domino của hệ thống tài chính toàn cầu. Và cả những nhân vật phụ như Quỳnh hay Phương, mỗi người đều có một số phận. Nếu chúng ta đi tìm hạnh phúc thì sẽ chẳng bao giờ thấy được, nhưng nếu ta cảm nhận nó thì hạnh phúc sẽ luôn cùng ta đồng hành trên mọi nẻo đường.

Ông Marco Brunacci - Tổng biên tập báo Messaggero của Italia bình luận: "Vùng cách ly" là một cuốn tiểu thuyết mang giá trị nghệ thuật cao với một phong cách viết tuyệt vời. Tôi đã rất ấn tượng với phần cuối về người con gái câm và cái kết bất ngờ của toàn bộ cuốn sách".

Nhà văn Việt Nam Di Li cũng nhận xét: "Cuốn sách này là một chuyến du hành xuyên Việt với những sự kiện đáng nhớ, rất đời và khoa học. Tác giả có hiểu biết rất sâu sắc về Việt Nam, về các bộ môn nghệ thuật, về võ quyền truyền thống và cả tử vi lá số. Lorenzo Angeloni đã viết sách bằng cảm xúc chân thực nhất".

Phẩm chất "Quý ông"

Khác với dáng vẻ của một nhà ngoại giao như những lần diện comple sang trọng, trong buổi giới thiệu sách lần này, Lorenzo Angeloni vận một chiếc sơ mi trắng cùng chiếc blazer thời thượng và quần bò rất năng động. Nhưng dù gì, tác phong và cử chỉ của ông vẫn lịch lãm và không kém phần thân thiện. Nói về cảm xúc khi quay lại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, ông xúc động nghẹn ngào. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông được cử tới Ấn Độ để tiếp tục nhận nhiệm vụ.

Lorenzo Angeloni cho biết, suốt 2 năm cuối nhiệm kỳ tại Việt Nam và một năm đầu tiên tại đất nước của ngôi đền Taj Mahal - những khoảng thời gian được cho là bận rộn nhất, thì ông vẫn cố gắng viết và hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình.

"Tôi là một nhà ngoại giao. Nghề nghiệp của tôi là ngoại giao, còn đam mê là cầm bút. Thực ra, cũng có thể nói rằng tôi làm công việc ngoại giao với một đam mê luôn hiện hữu, trong khi viết lách đôi khi lại trở thành một điều bận rộn không kém. Nhưng dù cuộc sống có lẫn lộn như thế nào thì chúng ta vẫn luôn tìm ra cách để có thể cân bằng", ông Lorenzo chia sẻ.

Ông Lorenzo Angeloni trình diễn thời trang trong show diễn của NTK Minh Hạnh. 

Là vậy đó, với kinh nghiệm sống và làm việc, cái cách mà Lorenzo Angeloni sắp xếp giữa nghề nghiệp và đam mê đan xen, giống như những dòng xanh và dòng trắng của sông Nile hòa vào nhau tại Khartoum (Sudan) vậy. Hòa vào nhau, cùng trôi đi một quãng đường dài nhưng vẫn luôn giữ được đặc tính riêng của mỗi dòng.

Trước đó, Lorenzo Angeloni cũng từng đi nhiệm kỳ tại các nước như Uruguay, Đức, Angeria, Sudan... Và khi làm Đại sứ tại Việt Nam, ông cũng đã rất thành công khi xuất bản và được độc giả Việt Nam đón nhận cuốn sách "Phía sau mỗi người" (năm 2014). Giọng văn của ông trẻ trung và sát thực với từng quốc gia mà ông lấy bối cảnh. Lorenzo Angeloni viết không chỉ để thỏa mãn đam mê hay bổ trợ cho sự nghiệp ngoại giao của mình, mà khi chắp bút ở bất cứ vấn đề nào, ông đều mong muốn góp phần nâng cao được nhận thức của con người trong vấn đề đó, nhất là thế hệ trẻ hiện nay.

Là một nhà ngoại giao nên sự linh hoạt của Lorenzo Angeloni được thể hiện khá rõ ràng. Ông là một trong những người sáng lập nên Trung tâm văn hóa Ngôi Nhà Italia (Casa Italia) tại Hà Nội. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ tại Việt Nam từ tháng 10-2010 đến tháng 3-2015, Lorenzo Angeloni còn thử sức mình trong nhiều lĩnh vực khác nữa.

Phải kể đến lần ông hóa thân thành một người mẫu trình diễn thời trang của nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh, hay là khi ông chia sẻ công thức nấu các món ăn gia truyền nhân dịp năm mới của bà ngoại cho một nhà hàng tại Hà Nội. Tất cả những hoạt động này không đơn giản là việc phải làm, mà ông Lorenzo cho rằng, có thực sự yêu, thực sự tò mò muốn tìm hiểu về một nền văn hóa nào đó, muốn biết được thế giới ngoài kia nghĩ gì về mình thì phải chủ động hội nhập.

Lorenzo Angeloni - nhà ngoại giao, nhà văn người Italia sinh ngày 3-5-1958 tại thành phố Perugia, miền Trung Italia. Ông tốt nghiệp Đại học Luật Perugia năm 1981 và gia nhập ngành ngoại giao từ tháng 2- 1985 cho tới nay. Tháng 2-2016, ông được phong hàm Đại sứ bậc cao nhất của nhà nước Italia.

Tác phẩm đầu tiên của ông là cuốn "Và chúng ta phải làm gì tiếp theo" (2002), bàn về vai trò của Italia trong việc phòng chống xung đột xảy ra tại châu Phi. Lorenzo Angeloni cũng chính là một trong những nhân tố giúp thúc đẩy quá trình đàm phán Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Linh Bùi
.
.