Khi các danh họa... vẽ nhau

Thứ Năm, 05/12/2013, 08:04
Xung quanh bức chân dung được bán với giá đắt nhất thế giới của danh họa Francis Bacon.

Trong phiên rao bán của nhà đấu giá Christie's diễn ra ở New York (Mỹ) ngày 12/11 vừa qua, bộ ba bức tranh "Ba hình nghiên cứu của Lucian Freud" của danh họa người Anh Francis Bacon đã được mua với giá kỷ lục: 142,2 triệu USD (khoảng 3.000 tỉ đồng tiền Việt). Đây là lần đầu tiên bộ tranh này được bán đấu giá tại Mỹ và ngay lập tức, nó trở thành họa phẩm đắt giá nhất trong lịch sử đấu giá tranh từ trước tới nay.

Được biết, trước đó, bức tranh được coi là đắt giá nhất trong lịch sử các cuộc bán đấu giá là bức "Tiếng thét" của danh họa Edvard Munch. Bức tranh này được bán vào tháng 5/2012 với giá 119,9 triệu USD. Như vậy, bức tranh của Francis Bacon đã vượt chênh bức tranh của Edvard Munch tới hơn 20 triệu USD.

Thật ra, cái giá mà một nhà sưu tập yêu cầu được ẩn danh trả cho "Ba hình nghiên cứu của Lucian Freud" là vượt xa dự tính ban đầu của nhà đấu giá. Jussi Pylkkanen, một người tham dự phiên đấu giá kể lại: "Đó quả là một khoảnh khắc lịch sử. Thoạt đầu, bức tranh được rao với giá 86 triệu USD. Sau đó tăng ngay lên 135 triệu USD và chốt lại ở mức giá 142,2 triệu USD. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 6 phút". Đây không phải lần đầu, hiện tượng "đội giá" bất ngờ như vậy xảy ra với tranh của Bacon. Còn nhớ, cách đây mấy tháng, tại buổi đấu giá của Sotheby được tổ chức tại London (Anh), bức tranh "Head III" của Bacon thoạt đầu được dự kiến giá bán khoảng 5-7 triệu bảng, vậy mà trong thực tế, nó đã được bán tới 10,4 triệu bảng (hơn ba trăm tỉ đồng tiền Việt).

Chào đời ngày 28 tháng 10 năm 1909 trong một gia đình khá giả người Anh tại Dublin (Ireland), ngay từ khi còn nhỏ, Francis Bacon đã tỏ ra là một người lập dị, có những ý thích khác thường. Là con trai song ông thường xuyên mặc váy, bôi son, trang điểm như con gái. Ông mắc thói tật hay ăn cắp vặt song đồng thời cũng là người dễ tự ái. Năm 16 tuổi, do bất đồng với cha - vốn là một huấn luyện viên môn đua ngựa - ông bỏ nhà đến ở tạm tại nhà một người bạn của cha ở London. Từ đây, khởi đầu cho một chuyến du hành của chàng trai trẻ tới một loạt nước châu Âu.

Năm 1927, tròn 18 tuổi, Bacon tới Pháp và tại "kinh đô văn hóa châu Âu" này, trong một lần đến tham quan triển lãm 106 bức tranh tân cổ điển của danh họa Pablo Picasso tại galery Paul Rossenberg Paris, ông nảy hứng vẽ tranh, làm thơ và làm phim siêu thực.

Danh họa Francis Bacon bên một số bức tranh của mình.

Nói tới Francis Bacon là nói tới một hình mẫu nghệ sĩ năng khiếu bẩm sinh. Tất cả những kiến thức hội họa ông có được là hoàn toàn do mày mò, tự học. Sinh thời, Bacon chưa từng bước chân vào bất cứ một trường nghệ thuật nào. Tự nghiên cứu lối vẽ của các bậc thầy và có ý thức tìm lối đi cho riêng mình, đã có thời, Bacon được xem là họa sĩ gây ấn tượng với người yêu nghệ thuật chỉ sau mỗi danh họa Picasso.

Về bước ngoặt trong chặng đường sáng tạo của Francis Bacon, các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật thường nhắc tới một tình tiết sau đây: Năm 1935, tại Paris, Bacon mua được một cuốn sách kể lại cặn kẽ căn bệnh lở loét mồm miệng. Cũng thời gian này, ông được xem bộ phim "Chiến hạm Potemkin" của đạo diễn người Nga Sergei Eisenstein. Trong phim, ông thực sự bị ám ảnh bởi cảnh một nữ y tá mặt mũi be bét máu vừa chạy xuống cầu thang vừa la hét. Từ đó, hình ảnh những gương mặt máu me, lở loét như vậy đã xuất hiện thường xuyên trong tranh của Bacon. Nhà họa sĩ trẻ quyết định chọn cho mình một khuynh hướng sáng tác thiên về khai thác nỗi đau, nỗi hãi hùng với những hình ảnh thậm chí còn hơn cả phim… kinh dị.

Từ năm 1935 đến 1944, Bacon đã tổ chức một số cuộc triển lãm nhằm giới thiệu ra công chúng các tác phẩm hội họa theo khuynh hướng dị biệt của mình. Hầu hết các tác phẩm đều có đặc điểm chung là những hình khối biến thái từ hình thể con người trong tư thế của Chúa Jesu bị đóng đinh trên cây thập tự. Những triển lãm này đã thu hút sự chú ý đáng kể của dư luận.

Mỗi họa sĩ đều có quyền lựa chọn cho mình một cách thức làm việc sao cho hiệu quả. Với Bacon, ông chỉ có thể nảy hứng sáng tác trong sự bừa bộn của giấy bút và trăm thứ bà rằn ở căn phòng nhỏ vừa là nơi ở vừa là phòng vẽ của mình. Ông nói, ông không thể làm việc được ở nơi quá gọn gàng, sạch sẽ. Cảm hứng sáng tạo của Bacon cũng thường chỉ được nảy sinh khi ông tiếp xúc với các bức ảnh, các minh họa trên sách báo. Từ các chi tiết nào đó trên ảnh hoặc trên các minh họa báo, ông tạo dựng nên ý tưởng hội họa của mình. Đó là lý do khiến người yêu hội họa rất khó tìm thấy trong tranh Bacon một bức nào đó ông vẽ cảnh…đời thường. Vốn là một người đồng tính, Bacon cũng hiếm khi vẽ chân dung phụ nữ. Các nhân vật trong tranh của Bacon hầu hết là đàn ông.

Tác phẩm "Ba hình nghiên cứu của Lucian Freud" của Bacon vừa lập kỷ lục bức tranh được bán với giá cao nhất trong lịch sử các cuộc đấu giá tranh từ trước tới nay.

Là một trong những họa sĩ hình tượng gai góc,"dữ dằn" nhất thời hậu chiến, với các bức họa thể hiện những đường nét méo mó, biến dạng, thậm chí là dị dạng về con người, họa sĩ Bacon đã liên tục tạo ra các scandal mỹ thuật ở Anh. Hầu hết những người trong nghề đều đánh giá cao tài năng của ông, song không phải ai cũng thích tranh của ông, càng ít người thích được ông lấy làm mẫu vẽ. Bacon chấp nhận thực tế ấy. Trong quan điểm của ông, có vẽ như vậy ông mới phản ánh được mọi kiểu dạng của sự vật mà ông cảm nhận được; đưa ông và người xem tới "gần hơn với bản chất của loài người". Ông bảo, ông đi xa hơn nhiều người trong nghệ thuật cũng là để đến gần loài người hơn nữa.

Ngày 28/4/1992, tại Thủ đô Madrit của Tây Ban Nha, sau một cơn đau tim đột ngột, danh họa Francis Bacon đã trút hơi thở cuối cùng. Trước đó, từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, dù còn ý kiến này khác, tài năng của Francis Bacon vẫn được khẳng định trên bình diện toàn thế giới.

Cuộc đời của họa sĩ Francis Bacon - người thường được gọi với biệt danh "nhà họa sĩ kỳ dị" - từng là đề tài của sách báo, phim ảnh. Năm 1998, đạo diễn John Maybury đã cho dựng và công chiếu một bộ phim về Francis Bacon, lấy tên gọi "Tình yêu là quỷ sứ" (dựa trên kịch bản của nhà văn Daniel Farson viết năm 1993, sau thời điểm Bacon mất 1 năm).

Sinh thời, Francis Bacon rất thích vẽ chân dung bạn bè, người thân, đặc biệt là những người nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (mặc dù đa phần những người này đều rất sợ trở thành… nhân vật của ông). Các bức chân dung của Bacon hầu hết đều được bán với giá cao. Hồi cuối tháng 6/2003, bộ tranh ba bức Bacon vẽ chân dung nữ họa sĩ Isabel Rawsthorne - người tình của ông - đã được một nhà sưu tập mua với giá 11,3 triệu bảng (tương đương 366 tỉ đồng tiền Việt).

Trở lại với bức "Ba hình nghiên cứu của Lucian Freud". Không nói thì bạn yêu nghệ thuật cũng biết đó là bộ ba bức tranh vẽ chân dung họa sĩ người Đức nổi tiếng Lucian Freud (cháu nội của nhà phân tâm học vĩ đại Sigmul Freud). Bộ tranh được Bacon thực hiện vào năm 1969, đúng 25 năm kể từ lần đầu hai người gặp nhau. Lucian Freud là bạn thân thiết của Francis Bacon. Trong thập niên 70 (của thế kỷ trước), bộ tranh được tách riêng thành ba tấm. Một tấm đã được triển lãm tại bảo tàng Tate năm 1985 và phải mãi đến sau này, người ta mới kết hợp ba tấm làm một.

Nhân đây, cũng cần nhắc tới một tình tiết: Không chỉ có chuyện Francis Bacon vẽ chân dung Lucian Freud, mà bản thân Lucian Freud cũng từng vẽ chân dung Francis Bacon. Bức chân dung này đã được họa sĩ Lucien Freud hoàn thành từ năm 1955 nhưng tiếc thay, nó đã bị đánh cắp khi đang "yên vị" tại Bảo tàng Quốc gia Neue, (Berlin, Đức) hồi tháng 5/1988. Đây là một bức tranh rất có giá trị.

Nói như ông Andrea Rose - người đứng đầu Hội đồng Nghệ thuật Anh - thì: "Đây là một kiệt tác về một họa sĩ kiệt xuất của đất nước. Đặc biệt, nó lại được hoàn thành bởi một họa sĩ kiệt xuất khác. Tôi thật sự muốn bức tranh được đưa về đúng vị trí của nó". Và đó cũng chính là lý do khiến Hội đồng Nghệ thuật Anh - vào hồi tháng 6/2011 - đã treo thưởng với mức 100.000 USD bảng Anh cho bất cứ ai cung cấp được thông tin giúp họ tìm ra bức tranh bị đánh cắp. Hội đồng này muốn có được bức tranh để trưng bày trong cuộc triển lãm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của họa sĩ Lucian Freud trong năm 2012

Lê Mạnh Hùng
.
.