Khi cả thế giới là một công xưởng

Thứ Hai, 18/09/2017, 08:01
Hôm 9-9 vừa rồi, tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra một cuộc triển lãm ảnh có tên "Sắc màu cuộc sống tôi yêu". Triển lãm này khá khác biệt so với nhiều triển lãm tương tự ở chỗ, nó giới thiệu 108 tác phẩm của 108 tác giả vốn là bạn đồng khoá PTTH 1991-1994 tại Hà Nội. 


Với cộng đồng ấy, họ gọi nó đơn giản bằng cái tên "triển lãm Dân Ảnh", với ám chỉ trong cộng đồng cả chục ngàn cựu học sinh PTTH khoá 1991-1994 tại Hà Nội, "dân ảnh" cũng như những "dân khác", là các nhóm nhỏ có chung đặc thù trong cả một cộng đồng lớn.

Sự kiện các cựu học sinh PTTH khoá 1991-1994 tại Hà Nội tề tựu nhau lại thành một nhóm lớn, với hai lần tổ chức gala riêng hoành tráng như một buổi biểu diễn chuyên nghiệp đã thúc đẩy các niên khóa sau thành lập cộng đồng riêng của mình, và cùng với các logo 91-94 rong ruổi đây đó trên mọi nẻo đường, đã bắt đầu xuất hiện những logo của 92-95, 94-97… với những sinh hoạt cũng rất riêng, mang đậm dấu ấn của một thời cắp sách.

Khai mạc triển lãm “Sắc màu cuộc sống tôi yêu” ở Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền.

Tất cả những liên kết nhóm kể trên đều bắt nguồn từ một thứ mà tất cả chúng ta đều biết, và đoán ra ngay được một cách dễ dàng: facebook. Và sự hình thành các nhóm, tức các cộng đồng nhỏ cùng điểm chung với nhau trong xã hội là một thứ đã quá quen thuộc với những người dùng facebook. Ít nhất, mỗi người tham gia sử dụng facebook cũng tham gia một nhóm nào đó. Nhóm nhỏ thì số lượng thành viên cũng phải trăm người còn nhóm lớn, nhiều khi con số lên tới trăm ngàn người.

Sự hình thành các nhóm một cách có ý thức nhưng được khởi đầu theo kiểu ngẫu hứng như trên cho thấy xã hội đã và đang thay đổi rất mạnh mẽ bởi tác động của các phương tiện mạng xã hội ảo. Tính ảo của mạng xã hội sẽ có khả năng mờ dần nếu các liên kết giữa những thành viên trong các nhóm kiểu dạng này trở nên mật thiết hơn, đặc biệt là khi facebook ngày càng thắt chặt tính "thật" của nhân thân người dùng bằng các phương pháp an ninh kiểm tra chéo với các yếu tố kép nhằm hạn chế các tài khoản nhân bản ảo. Và con người thì luôn có nhu cầu được gặp gỡ thể lý và việc các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội tổ chức gặp mặt ngoài đời (off-line) cũng sẽ thường xuyên hơn khi các mối quan hệ trong nhóm trở nên thân tình hơn.

Vấn đề đặt ra là nếu các nhóm hoạt động với tôn chỉ tích cực, trong sáng thì việc hình thành các nhóm là hoàn toàn có lợi cho vận động xã hội. Ví dụ như nhóm cựu học sinh PTTH Hà Nội 1991-1994 chẳng hạn. Nhóm này đã hai lần vận động thành công việc hiến máu nhân đạo, thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội cùng nhau, tổ chức các buổi biểu diễn, trưng bày nghệ thuật (như triển lãm ảnh "Sắc màu cuộc sống tôi yêu" kể trên là một ví dụ tiêu biểu) và việc các thành viên trong nhóm hỗ trợ nhau đầy nhiệt tình mỗi khi bạn bè gặp khó khăn đã là chuyện thường ngày.

Dễ hiểu, sinh hoạt của cựu học sinh thì vẫn luôn hướng tới tính trong sáng của học đường. Nhưng còn các nhóm khác, không được thành lập với tôn chỉ trong sáng ngay từ ban đầu thì sao? Đây chính là thách thức lớn đối với an ninh quốc gia và hãy hiểu rằng, nó không chỉ là thách thức riêng của Việt Nam mà của nhiều quốc gia phát triển khác. Thậm chí, đã có cả những kinh nghiệm thực tế đủ để minh chứng sự tiêu cực trong hoạt động của các nhóm sẽ tạo nên hỗn loạn xã hội dễ dàng như thế nào.

Trong cuốn PostCapitalism: A Guide to our future (Hậu tư bản luận: Một chỉ dẫn cho tương lai) xuất bản năm 2016 của tác giả Paul Mason đã chỉ ra rất rõ rằng "200 năm trước, diễn giả, nhà báo cấp tiến John Thelwall đã từng chỉ ra rằng, cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra những nhà máy nhưng kèm theo nó là cả một hình thái dân chủ mới đầy nguy hiểm. Mỗi công xưởng là một cộng đồng chính trị mà không chính quyền nào có thể can thiệp vào hay xóa bỏ. Hôm nay, cả thế giới là một công xưởng lớn mà ở đó, người tham gia không chỉ chia sẻ lợi ích mà còn chia sẻ cả kiến thức, thông tin lẫn sự giận dữ".

Và để chúng ta hiểu rõ hơn về khái niệm công xưởng toàn cầu này, hãy nhìn vào Wikipedia là đủ hiểu. Đó là một sản phẩm được đóng góp bởi khoảng 30 ngàn "công nhân mạng" và mang lại thu nhập quảng cáo lên tới 3 tỷ bảng Anh mỗi năm. Wikipedia chỉ là một ví dụ quá nhỏ so với những gì facebook, twitter, instagram đang làm thay đổi thế giới hôm nay. Tất cả, từ phong trào Indignados ở Tây Ban Nha cho tới "Mùa xuân Arab" đều được phát sinh từ chính các nhóm trên mạng xã hội và nó thực sự đang là mối đe dọa cho tất cả các chính phủ hôm nay.

Trước bối cảnh ấy, rõ ràng thách thức đối với Việt Nam càng lớn hơn khi nền tảng dân trí của chúng ta còn hạn chế, khiến người dùng còn chưa làm chủ được chính công cụ mạng xã hội trong tay, trong khi đó thì sự thấu hiểu xã hội kỷ nguyên 4.0 của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn quá hời hợt, dẫn tới nhiều phản ứng lại, hành xử với cộng đồng còn vụng về như thời cổ điển.

Khi cả thế giới là một công xưởng, Việt Nam cũng đang tồn tại những công xưởng như thế. Nắm bắt được bản chất mới của xã hội chính là đòi hỏi cấp bách nhất để đảm bảo duy trì an ninh quốc gia nhằm kiến tạo nền tảng cho xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa…

Hà Quang Minh
.
.