Khi Lầu Năm Góc làm nhà biên kịch

Thứ Sáu, 04/09/2015, 08:34
Không phải ai cũng biết là Bộ Quốc phòng Mỹ đã có những can thiệp trực tiếp vào rất nhiều sản phẩm phim ảnh cũng như truyền hình của nước này. Trong những trường hợp nhà sản xuất cần phải dùng đến cơ sở vật chất quân sự, việc chi phối này có thể còn ở mức sửa chữa từng dòng kịch bản!

Đó là những thông tin vừa được cung cấp vào cuối tháng 7 vừa qua trên tạp chí Salon rất có uy tín tại Mỹ. Trước đó, trang Spy Culture cung cấp gần 1.400 trang tài liệu từ Văn phòng thông tin liên lạc trong lĩnh vực giải trí của quân chủng Lục quân Mỹ (Army's Entertainment Liaison Office - AELO) cho thấy các nội dung liên quan từ tháng 1/2010 đến tháng 4/2015.

Bên cạnh đó là hơn 100 trang tài liệu báo cáo của văn phòng thuộc quân chủng Không quân Hoa Kỳ cho thấy những sự việc liên quan trong năm 2013.

Tuy chưa phải là tất cả, nhưng đây cũng là lần công bố tài liệu lớn nhất và cập nhật nhất của AELO, giúp công chúng hình dung được rõ hơn về quy mô và cách thức can thiệp của Lầu Năm Góc trong các bộ phim bom tấn và những chương trình truyền hình ăn khách. Dù vậy, theo yêu cầu (không có gì ngạc nhiên) của Lầu Năm Góc, những chi tiết liên quan đến các thay đổi trong kịch bản phim hay chương trình truyền hình theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không được tiết lộ.

Đưa sỹ quan tâm lý chiến đi thi "American Idol"

Trang tài liệu mở đầu của Bộ Quốc phòng có thông tin cập nhật: "American Idol đang tiến hành quay thử SGT (b) (6) trong cương vị ứng viên tiềm năng lọt vào chung kết của chương trình mùa thu năm nay của họ. Thật tiếc là cô ấy đã bị hội đồng giám khảo bỏ phiếu loại khỏi chương trình vào tuần trước trong khi đang quay chương trình ở Hollywood và đã quay trở về Fort Bragg hôm thứ sáu.

Các ngôi sao Keith Urban, Jennifer Lopez, Harry Connick (từ trái sang phải) trong chương trình "American Idol" - Ảnh: Reuters.

SGT (b) (6) là một chuyên gia tâm lý chiến có mã số 37F PSYOP được điều công tác tại Nhóm hỗ trợ thông tin quân sự (tên gọi chính thức là Nhóm PSYOP thứ 4). American Idol là chương trình rất thành công và doanh thu chương trình đem lại đã giúp Fox trở thành kênh truyền hình hàng đầu (của Mỹ) năm 2008. Chương trình này đã thu hút trung bình 24 triệu lượt người xem và là một trong những chương trình quen thuộc nhất với nhóm khán giả độ tuổi từ 18-49. Chương trình này cũng được phát sóng trên 100 quốc gia khác ngoài Mỹ".

Mặc dù tên của người trung sỹ đã bị lược bỏ, nhưng các chi tiết về nhân thân như cô ấy là một thành viên PSYOP - psychological operations (chiến tranh tâm lý), là một chuyên gia công tác tại Nhóm hỗ trợ thông tin quân sự ở căn cứ Fort Bragg đã được công chúng biết.

Những tài liệu lưu trữ về trường hợp cụ thể này cho biết sỹ quan này đã vượt qua các vòng sơ khảo để đến được vòng chung kết nhưng rồi lại vuột mất cơ hội thành người chiến thắng. Người ta cũng biết ê-kíp quay chương trình American Idol cũng đã đến Fort Bragg, khu quân sự lớn nhất của Mỹ nằm ở phía Tây thành phố Fayetteville, bang Bắc California để quay về thí sinh này. Và như vậy, không hề khó khăn nếu ai muốn biết về cô ấy. Người ta chỉ cần xem lại các chương trình phát sóng hồi đầu mùa giải thứ 10 của cuộc thi American Idol.

Tuy nhiên đó chỉ là một trong vô số các ví dụ vì không thể lường hết quy mô các lần can thiệp của Lục quân và Không quân Hoa Kỳ trong các chương trình truyền hình thực tế được tiết lộ ở gần 1.500 trang tài liệu của Spy Culture.

Có thể điểm tên các chương trình đã có sự "nhúng tay" này ở nhiều cấp độ "nông", "sâu" khác nhau: American Idol, The X-Factor, Masterchef, Cupcake Wars, rất nhiều chương trình của Oprah Winfrey, Ice Road Truckers, Battlefield Priests, America's Got Talent, Hawaii Five-O, nhiều chương trình của đài BBC, của kênh History Channel, các phim tài liệu của kênh National Geographic, các chương trình của War Dogs, Big Kitchens,…

Lục quân Mỹ cũng đã can thiệp vào dự án thực hiện một chương trình liên quan đến mạng xã hội Facebook. Tài liệu của Lầu Năm Góc ghi: "Công ty New Remote Productions là một công ty sản xuất chương trình âm nhạc MTV đang thực hiện bộ phim tài liệu dài 1 tiếng với những nội dung cho thấy họ đang làm việc cho mạng xã hội Facebook.

Là một phần của chương trình này, nhóm công tác của Facebook đã liên lạc với bộ phận phụ trách truyền thông xã hội và trực tuyến về việc tham gia sự kiện "Các câu chuyện của Facebook". SSG (b) (6) đã bay tới Palo Alto và đại diện cho phía quân đội.

Facebook cũng đã đưa mọi người từ khắp nơi trong cả nước tới các trụ sở của họ để những người đó trực tiếp kể câu chuyện Facebook của họ trước hàng trăm viên kỹ sư. Một người lính khác ở Afghanistan cũng tham gia chương trình qua Skype.

Cả SSG (b) (6) và người lính kia đều đã ký vào các biên bản cam kết tham gia chương trình. (b) (6) đã liên hệ với bộ phận pháp lý và đảm bảo những biên bản cam kết đó đã được hủy theo như thỏa thuận đã ký giữa bộ phận trợ lý sản xuất chương trình và tất cả những quân nhân tham gia phim tài liệu".

Tờ Spy Culture cho rằng, chưa thể biết ngay vì sao Bộ quốc phòng Mỹ đặc biệt quan tâm tới việc tham gia một bộ phim tài liệu với những nội dung chính nhằm ca ngợi Facebook, nhưng thực tế rất hiển nhiên ở đây là họ sẵn sàng cử thành viên nhập cuộc trong bất cứ chương trình truyền hình nào có thể tăng thêm cơ hội tuyển quân.

Một điều cũng rõ ràng khác là quân đội Mỹ luôn có những mục tiêu rất chính xác trong những động thái gia nhập hoạt động của làng giải trí. 

Cảnh trong phim Transformer, một trong những bộ phim bom tấn có sự can thiệp của Lầu Năm Góc. Ảnh Reuters.

Những tài liệu mà Spy Culture vừa công bố chỉ là của quân chủng Lục quân và Không quân Hoa Kỳ. Trong khi đó, các quân chủng khác như Thủy quân lục chiến, Hải quân và Tuần duyên Hoa Kỳ đều có riêng các văn phòng liên lạc phụ trách về lĩnh vực giải trí riêng.

Trong khi thực tế cho thấy có vẻ như Lục quân là quân chủng "bận rộn nhất" trong việc can thiệp vào các chương trình truyền hình hay phim ảnh thì cũng không có nghĩa các quân chủng khác lại "thờ ơ". Tờ Spy Culture ước tính quy mô tổng thể trong sự can thiệp này nếu tính ở các quân chủng khác ít nhất cũng phải gấp đôi những gì mà tài liệu của Lục quân tiết lộ.

Hợp tác hai bên cùng có lợi

Danh sách các chương trình truyền hình có sự tham gia của Bộ Quốc phòng Mỹ có thể nói là vô tận. Hàng loạt bộ phim "bom tấn" cũng đã chịu sự can thiệp của lực lượng quân đội như "Godzilla", "Transformers", "Aloha và Superman: Man of Steel"…

Ngay sau Thế chiến thứ 2, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu có những hoạt động tham gia vào công việc của thế giới điện ảnh Hollywood. Kể từ đó tới nay, họ đã can thiệp hàng trăm bộ phim nhưng cho tới nay, chưa ai biết chính xác số lượng đó.

Theo Los Angeles, trong nhiều thập kỷ, mối quan hệ giữa Hollywood và Lầu Năm Góc được thiết lập trên cơ sở lợi ích của cả hai phía bất chấp việc không phải lúc nào cũng "cơm lành canh ngọt" nếu không muốn nói là thường xuyên căng thẳng.

Trong khi các nhà làm phim muốn tiếp cận các trang thiết bị, địa điểm trường quay, các quân nhân và thông tin quân sự giúp họ có được sản phẩm nghệ thuật chân thực, hấp dẫn, phía quân đội cũng muốn có thêm những biện pháp kiểm soát về hình ảnh của họ được đề cập đến trong các bộ phim.

Điều này không chỉ quan trọng với công tác tuyển quân mà còn góp phần định hướng hành vi ứng xử của lực lượng quân nhân hiện có và gây ấn tượng tốt với công chúng Mỹ, những người vốn trực tiếp đóng thuế để tạo nguồn ngân sách cho các hoạt động của Bộ Quốc phòng.

Với thực tế gần 1% dân số Mỹ hiện đang phục vụ trong quân đội, các nội dung giải trí như phim ảnh, truyền hình và các trò chơi game video rõ ràng là yếu tố trọng yếu góp phần giúp người dân có khái niệm rõ ràng về một người lính của quân đội Hoa Kỳ.

Lawrence H. Suid, tác giả cuốn "Guts & Glory: The Making of the American Military Image in Film" (tạm dịch: Dũng cảm và danh vọng: Việc xây dựng hình ảnh quân đội Mỹ trong phim) nhận xét: "Các bộ phim đình đám của Hollywood đã trở thành phương tiện quan trọng để biện minh cho quân đội. Người Mỹ yêu bạo lực và các bộ phim chiến tranh đều chứng tỏ bạo lực không hề nguy hiểm".

Trần Đắc Luân
.
.