Khát chương trình nghệ thuật vui chơi, giải trí
Thiếu vắng những chương trình mới
Khác với một số năm gần đây, mặc dù Tết Trung thu đã gần kề nhưng không khí dàn dựng các chương trình dành cho thiếu nhi tại các đơn vị nghệ thuật vẫn khá im ắng. Với không ít đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô Hà Nội dường như họ vẫn luôn mặc định khán giả trẻ em không phải là đối tượng phục vụ của mình. Chính vì thế cho tới thời điểm này, vẫn chỉ có duy nhất Nhà hát Tuổi trẻ có chương trình phục vụ các khán giả nhí.
Theo đó, từ ngày 21 đến 27/9, tại Cung thiếu nhi Hà Nội, Nhà hát sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Cổ tích cười - Trung thu Xưa và Nay 2015". Tham gia chương trình, các em thiếu nhi sẽ được tham gia các trò chơi dân gian thú vị như: kéo co, nhảy bao bố, đập niêu, ném bóng… hay Gà đẻ trứng vàng, Chân ai dép ai, Mặt xanh mặt đỏ… Cùng với đó là chương trình nghệ thuật đặc sắc với những tiết mục: Hề xiếc "Vua đầu bếp", kịch vui thiếu nhi "Chú cuội dũng cảm"… Chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ: NSƯT Minh Hằng, nghệ sĩ Thu Hương, Tùng Linh, Quang Ánh, Thanh Tú…
Xiếc là một lĩnh vực luôn hấp dẫn khán giả nhí, nhưng chưa được đầu tư đúng mức. |
Ông Trương Nhuận, giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ mong muốn với nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc dành cho thiếu nhi, Nhà hát hy vọng sẽ mang đến cho khán giả nhí những món quà tinh thần bổ ích và những bài học giáo dục nhân văn trong dịp Tết Trung thu.
Có lẽ, ở Hà Nội chỉ duy nhất Nhà hát Tuổi trẻ vẫn giữ được truyền thống dù ít dù nhiều nhưng vẫn có những chương trình nghệ thuật mới dành tặng thiếu nhi vào những dịp đặc biệt. Còn các sân khấu kịch khác cũng như các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn gần như đóng cửa và nói không với khán giả thiếu nhi. Một trong những địa chỉ mà các em cũng thường xuyên quan tâm vào mỗi dịp hè hay Trung thu là rạp xiếc. Tuy nhiên, một thực tế khá đáng buồn là hiện nay những chương trình xiếc chưa được đầu tư đúng mức để ngày càng mới lạ, hấp dẫn các em nhỏ. Nếu thường xuyên đưa trẻ đi xem xiếc, khán giả sẽ dễ dàng nhận thấy sự quen thuộc tới nhàm chán và lặp đi lặp lại của một vài tiết mục xiếc tiêu biểu. Chính vì thế, để kéo khán giả quay lại xem xiếc lần 2, lần 3… không phải là điều dễ dàng.
Sôi động hơn sân khấu phía Bắc, sân khấu phía Nam có nhiều hơn những địa chỉ dành cho các em. Có thể kể tới như sân khấu Idecaf, Hoàng Thái Thanh, sân khấu Sao, Lê Hay... Tuy nhiên, trung thu năm nay, thay vì có những chương trình mới, có lẽ các em sẽ chỉ được thưởng thức lại các kịch mục đã ra mắt từ đầu hè.
Thực tế cho thấy, hiện tại TP Hồ Chí Minh có hơn 10 sân khấu kịch nhưng trong số đó chỉ có vài sân khấu tâm huyết với khán giả thiếu nhi. Và mỗi năm, các sân khấu này cũng chỉ làm kịch cho đối tượng này vào dịp hè hoặc Tết Trung thu. Tuy nhiên, theo quan sát thì số lượng các vở diễn này lại đang có xu hướng giảm dần. Thời điểm hè 2013, có tới 8 vở diễn được dàn dựng nhưng sau đó số lượng vở diễn cứ thưa dần, đến năm 2014 giảm xuống còn 5 và hè 2015 chỉ còn 4 vở mới ra mắt. Sẽ vô cùng thiệt thòi cho các khán giả nhí vì không được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc. Các em chỉ được xem những chương trình tạp kỹ được chuẩn bị sơ sài của một nhóm nghệ sĩ hoặc công ty tổ chức sự kiện nào đó. Kịch bản viết qua loa với mục tiêu gây cười là chính, dàn dựng cẩu thả nhiều khi những chương trình này còn chứa đựng nhiều tình tiết, câu thoại phản cảm. Nhưng các phụ huynh cũng đành tặc lưỡi vì có sự lựa chọn nào khác đâu.
Nội dung đơn điệu, nhàm chán
Dù chỉ chạy theo mùa vụ nhưng đã "thiếu còn yếu" là điều dễ dàng bắt gặp ở các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Nội dung những chương trình này khá đơn điệu khó có gì ngoài cổ tích. Nhiều đạo diễn từng làm các chương trình cho thiếu nhi cũng thừa nhận không có nhiều đổi mới. Các chương trình vẫn theo hướng hoạt cảnh, có tình huống vui vui, có chú Cuội, chị Hằng gặp gỡ các bạn thiếu nhi chăm ngoan…
Hầu hết những vở kịch, những chương trình được dàn dựng đều lấy cảm hứng từ truyện cổ tích. Vẫn biết đây là kho tàng vô giá và vô tận cho các sân khấu khai thác. Tuy nhiên, nếu năm này qua năm khác các nghệ sĩ chỉ cho các em ăn duy nhất một món cổ tích cũng không tránh khỏi nhàm chán. Cần phải có thêm những kịch bản hiện đại, gần gũi với đời sống mới để có thể truyền tải rõ nét những thông điệp cần thiết của cuộc sống ngày nay. Điều đáng nói là nhiều đạo diễn có tâm lý chọn cổ tích cho an toàn, yên tâm bởi đã có trường hợp vở diễn mang hơi hướng kinh dị, có tạo hình, ngôn ngữ và một số hành động của nhân vật được cho là gây hiệu ứng không tốt về thị giác và tâm lý đối với khán giả nhí.
“Cổ tích cười - Trung thu Xưa và Nay 2015” là một trong số hiếm hoi chương trình dành tặng khán giả nhí. |
Câu chuyện về sự tồn tại của tính mùa vụ, của cách làm việc hời hợt, chụp giật ở các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi là có thật. Nhìn vào mức độ ăn khách của chương trình "Thế giới tuổi thơ" bên Idecaf là đủ biết nhu cầu xem kịch của thiếu nhi cao đến đâu. Tuy nhiên, khán giả nhí chưa thực sự thỏa mãn với số lượng ít ỏi các vở kịch được công chiếu theo mùa vụ. Các nghệ sĩ thì có nhiều lý do để giải thích cho tâm lý làm việc mùa vụ cả mình. "Phụ huynh hay đưa con đi xem theo quán tính, rằng dịp này, dịp kia thì phải đưa con đi xem khiến cho các nghệ sĩ cũng làm việc theo tinh thần đó. Và sự thực, nếu không có dịp đó, bố mẹ cũng không đưa con đến xem" - một đạo diễn tiết lộ.
Bên cạnh đó, đời sống nghệ thuật dành cho khán giả nhỏ tuổi nghèo nàn còn bởi nó đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Mà khó khăn đầu tiên phải kể tới là kịch bản. Để có được một kịch bản hay, vừa thú vị vừa mang tính giáo dục cao là điều không hề đơn giản trong điều kiện phải cạnh tranh gay gắt với các loại hình giải trí khác.
Kinh phí làm kịch cho thiếu nhi cũng tốn kém hơn gấp đôi, gấp 3 so với kịch người lớn vì khâu trang phục, cảnh trí, âm nhạc cũng cần cầu kỳ hơn. Nhưng các em lại không phải là đối tượng chủ động bỏ tiền ra mua vé mà phải thuyết phục một đối tượng khác đó là phụ huynh. Mạo hiểm và nguy cơ lỗ vốn cao khiến cho các nghệ sĩ cũng kém mặn mà, ít mạnh dạn đầu tư vào các chương trình thiếu nhi. Rồi vấn đề diễn viên có thể đóng những vai thiếu nhi cũng khiến nhiều đơn vị sản xuất đau đầu. Không phải nghệ sĩ nào cũng có khả năng đóng dạng vai này trong khi các diễn viên nhí lại bận học hành, khó có thể tham gia được đường dài…
"Cái khó bó cái khôn" đã khiến cho trẻ em là những người thiệt thòi vì chưa được thỏa mãn những món ăn tinh thần đặc sắc. Nhưng vấn đề gốc rễ vẫn là chúng ta chưa có được chiến lược quan tâm đúng mức tới trẻ em. Dường như giới văn nghệ sĩ chưa nhiệt tình bắt tay và thật quan tâm đến nhu cầu tinh thần của các em. Điểm mặt trên sàn diễn sân khấu hay rạp chiếu phim, thậm chí ngay trên sóng các Đài truyền hình, ít thấy những vở kịch hay bộ phim thiếu nhi trong nước được dàn dựng, biểu diễn và phát sóng trong khi tràn ngập những chương trình hài kịch, những bộ phim tâm lý dành cho người lớn.
Sự đơn điệu, tẻ nhạt trên lĩnh vực văn họa nghệ thuật dành cho thiếu nhi là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều em nhỏ chỉ biết tới những nhân vật hoạt hình nước ngoài, những câu chuyện siêu nhân nhuốm màu bạo lực. Những câu chuyện nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ về tình thương, lòng nhân ái vì thế cũng thưa vắng với các em. Đó là điều vô cùng nguy hiểm trong việc giáo dục và hình thành nhân cách của các em - những chủ nhân tương lai của xã hội.