Khắc khoải Mỹ Sơn

Thứ Ba, 02/10/2018, 11:13
Khi bước vào khu thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), ai cũng phải ngỡ ngàng với những nét cổ kính, kỳ bí của những ngôi tháp Chăm. Đó là những tác phẩm kiến trúc được thiết kế khác nhau, với một chất liệu gạch nung đỏ như son. Sự điêu tàn theo thời gian, những ngôi tháp đổ vỡ tạo nên sự mê hoặc chất chồng. Có lẽ chúng chính là những giọt nước mắt cô liêu của một đế chế Chàm huy hoàng một thuở...


Vượt qua bom đạn hiểm nguy

Đó là câu chuyện về kiến trúc sư Kazic người Ba Lan, sau những năm tháng gắn bó với công việc tu bổ, bảo tồn những ngôi tháp Chăm ở thánh địa Mỹ Sơn. Kazic gắn bó gần hai mươi năm với mảnh đất rừng núi Quảng Nam như một định mệnh. Bởi không ai nghĩ rằng, Kazic sẽ quay lại Mỹ Sơn sau trận bị vướng bom mìn còn sót lại của giặc Mỹ, trong khu chiến địa này.

Đó là một câu chuyện khủng khiếp đã xảy ra ngay chuyến đi đầu tiên của Kazic vào năm 1981, cùng với đoàn khảo sát vào Mỹ Sơn. Mọi người như bị giăng bẫy. Bom nổ rền vang. Những ngôi tháp Chăm bừng tỉnh rung rinh. Khu di tích bị bỏ quên hàng trăm năm bỗng lóe sáng những chùm lửa. Đoàn khảo sát gặp tai họa, bỏ lại 6 mạng người, 11 thành viên khác trở thành phế nhân.

Du khách đến Mỹ Sơn.

Kiến trúc sư Kazic, đoàn trưởng ngất đi trong bức tường đổ nát, hoang tàn đỏ lịm những vết máu. Vậy mà sau thời gian dưỡng thương, kiến trúc sư Kazic hăm hở trở lại trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông coi việc cứu vớt những ngôi đền tháp Chăm là sứ mệnh thiêng liêng và tuyên bố: "Nếu chết hãy chôn tôi lại Mỹ Sơn".

Kazic ngày đêm sống và mơ mộng cùng với tháp Chăm, đúng với hình ảnh cứu vớt sự sống còn thoi thóp của một dấu ấn văn hóa, lịch sử còn sót lại của dân tộc Chăm. Đó chính là màu sắc của văn minh nhân loại, cần phải gìn giữ chúng bằng mọi giá.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung Tâm quản lý danh thắng và di tích Quảng Nam), người đã cùng Kazic dấn thân vào Mỹ Sơn từ những ngày đầu cho biết, kiến trúc sư Kazic có nguyên tắc bảo tồn và gìn giữ di sản rất chuẩn mực. Đó là những đúc kết qua hàng chục công trình mà ông đã làm ở một số nước trên thế giới.

Kiến trúc sư Kazic thường dạy: "Giữ gìn nguyên vẹn di tích gốc và thành phần gốc còn giữ được. Kiên quyết không làm sai lệch và làm giả di tích. Chủ yếu sử dụng biện pháp gia cố kỹ thuật để duy trì hiện trạng. Chỉ phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học. Không phục nguyên, không làm lẫn cái gốc với cái mới…". Ông đã miệt mài theo đuổi những nguyên tắc đó suốt 17 năm gắn bó với thánh địa Mỹ Sơn.

Một công dân làng quê Việt

Người dân bản địa đã coi Kazic là người làng của mình. Vì ông đã thức trắng nhiều ngày đêm để đo đạc, thiết kế và gia cố bảo vệ di sản cho họ. Với bản tính của một nghệ sĩ, Kazic hết sức trần ai với những ngôi tháp Chăm. Có những ngày mưa, ông ngủ trong đền tháp và hát những câu ca Chăm. Ông mơ đến những nàng Apsara hiện ra từ vách đá.

Rồi bất ngờ ông ngồi bật dậy, chong đèn vẽ những điệu múa Chăm, vẽ những người nông dân trong cơn mưa và sấm chớp trên sa mạc cát. Đó là những cung bậc say mê sáng tạo và bứt thoát của những giấc mơ của người nghệ sĩ.

Nghe chuyện đến đây, tôi sực nhớ những câu thơ ma mị của Chế Lan Viên viết về vũ nữ Chăm: "Bên cửa tháp ngóng trông người Chiêm nữ/ Ta vẩn vơ nhìn không khí bâng khuâng/ Vài ngôi sao lẻ loi hồi hộp thở/ Một đôi cành tơ liễu nhúng trong trăng! Nàng không lại, và nàng không lại nữa/ Cả thân ta dần tan trong hơi thở/ Ôi đêm nay, lòng hỡi, biết bao sầu!..." (Đợi người Chiêm nữ)

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể, năm 1991, khi hiệp định ký kết hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Ba Lan kết thúc sau 10 năm, nghĩa là không còn tiền để tiếp tục hành trình bảo tồn còn dang dở, Kazic lập tức trở về nước vận động quyên góp để gây quỹ tiếp tục công việc ở Mỹ Sơn. Ông còn cho cả hai con trai mình, cũng là những kiến trúc sư sang Việt Nam tham gia nhóm chuyên gia Ba Lan nhận làm công việc bảo tồn gìn giữ một di sản hiếm có trên thế giới.

Kazic là thế. Hết mình và đam mê với Mỹ Sơn. Ông là người có công đưa Mỹ Sơn ra thế giới qua các bài báo và công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế. Tiếc thay, bệnh tật đã quật ngã ông, nếu không nói rừng núi Mỹ Sơn đã chôn vùi cuộc đời ông. Đúng như Kazic đã "ước ao".

Năm 1997, Kazic trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở Huế, vào tuổi 53. Ông đã sống trọn đời với Mỹ Sơn như thế. Chỉ hai năm sau, tổ chức UNESCO đã ghi danh khu Thánh địa Mỹ Sơn vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại. Ông không kịp hưởng thành quả ấy, nhưng công lớn thuộc về Kazic, như nhiều người vẫn nghĩ.

Có lần Chủ tịch huyện Duy Xuyên, ông Hoàng Châu Sinh nói: "Chính Kazic chứ không ai khác là người cứu Mỹ Sơn thoát khỏi nguy cơ biến mất vĩnh viễn". Không những thế, Kazic còn có công nghiên cứu và đưa Thành phố Hội An ra thế giới. Hiện bảo tàng còn giữ hàng trăm công trình nghiên cứu, đo đạc, thiết kế và kế hoạch bảo tồn Hội An ngay từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước của ông. Người ta đã dựng tượng ông tại Mỹ Sơn và Hội An là vì vậy. 

Vẫn còn đó những bí ẩn ngàn năm

Tiếp tục con đường kiến trúc sư Kazic đã chọn, sau này có một cô gái Italia - kiến trúc sư Mara Landoni - cũng dấn thân cho công việc bảo tồn, phục dựng những ngôi tháp Chăm. Sự quên mình của cô cho sự nghiệp Mỹ Sơn thật hy hữu. Mara mê mải với vẻ đẹp kiêu sa, bí ẩn của những ngôi tháp.

Kiến trúc Chăm cổ đã mê hoặc cô. Bỏ công sức nghiên cứu hai năm trời về văn hóa Chăm và khảo sát những công trình bảo tồn còn nhiều điều dang dở của Kazic, cô tình nguyện xin tham gia dự án trùng tu tháp Chăm Mỹ Sơn do UNESCO khởi xướng. Mặc cho cuộc sống riêng tư còn dang dở ở tuổi 35, Mara sang Việt Nam (năm 2004) với sự bồi hồi khó tả.

Vũ nữ Apsara bên tháp cổ Mỹ Sơn.

Tâm hồn nghệ sĩ của Mara bị choáng ngợp bởi thung lũng di sản độc đáo này. Cô đã đứng như trời trồng, chết lặng trước sự thâm nghiêm, u tịch đầy thi vị liêu trai trong khu rừng còn ám mùi thuốc súng. Cảm xúc Mara dâng trào. Cô ôm mặt khóc khi nhìn thấy khu tháp G bị sụp đổ gần hết. Đây là khu tháp gây nhiều khó khăn cho việc trùng tu trước đó, mà kiến trúc sư Kazic đã trải qua. Mara bắt đầu sự nghiệp của mình từ đây.

Một trong những bí ẩn của tháp Chăm mà nhiều nhà khoa học chưa có lời giải thỏa đáng, đó là câu chuyện về nguyên liệu gạch và sự kết dính của chúng trong xây dựng. Giải mã chúng ra sao? Hơn một trăm năm qua, mọi chuyện vẫn còn nằm trong những giả định thiếu căn cứ. Vậy mà nhóm kiến trúc sư của Mara Landoni đã phần nào tiến tới, cận kề với kỹ thuật của người Chăm xưa. Cấu trúc của những viên gạch. Chất liệu dính kết chúng là gì đây?

Lời giải đáp cho một trình độ kiến trúc, xây dựng của thời kỳ vàng son Chăm không dễ dàng gì. Sau những năm tháng nghiên cứu thử nghiệm, thực hành trong quá trình trùng tu tháp Chăm; kiến trúc sư Mara cùng đồng nghiệp đã khẳng định bằng thực tế, dựng lại các mô hình kiến trúc Chăm đổ nát khá hiệu quả. Họ đã tìm ra mẫu chất Lamar có nhiều giữa hai viên gạch. Phân tích hóa học của thành phần đó, họ thấy chất này chủ yếu có trong nhựa cây Dầu rái, ở ngay khu rừng núi Quảng Nam. Khi đưa ra áp dụng, phục dựng lại các dấu tích Chăm cổ tại Mỹ Sơn, họ cho biết gần chính xác loại chất kết dính gạch của người Chăm.

Vậy đó, sau bảy năm đầu tắt mặt tối với những "siêu vi mạch" kết dính, mà nhóm nghiên cứu ở Đại học Milan mới chỉ tìm ra điều tương thích, gần giống mà thôi. Nhưng kiến trúc sư Mara Landoni và đồng nghiệp luôn hy vọng, những ngôi tháp được phục dựng sẽ bền vững với thời gian. Tương lai Mỹ Sơn vẫn còn trong bí ẩn chưa được giải mã hoàn chỉnh. Biết sao được?

Kiến trúc sư Mara Landoni quả quyết: "Dẫu biết rằng Mỹ Sơn đã để lại những điều ngỡ như không thể. Nhưng tương lai thuộc về chúng ta. Trí tuệ và khoa học cùng công nghệ thông tin sẽ chinh phục được những bí ẩn ngàn năm đó. Hãy hy vọng!". Nói về những giấc mơ đẹp, thì với Mara, những ngôi tháp ẩn mình luôn luôn hiện về, trong những mộng ảo thần tiên. Cô nguyện đánh đổi cuộc đời mình cho chúng. Đó chính là niềm hạnh phúc mang tên Mỹ Sơn.

Vương Tâm
.
.