Günter Grass:

Kẻ khiêu vũ xuyên qua những nỗi hoảng loạn của lịch sử

Thứ Năm, 07/05/2015, 08:45
Günter Grass - nhà văn Đức đoạt giải Nobel văn học năm 1999 - vừa qua đời ở tuổi 87. Báo chí Đức cho biết, Günter Grass trút hơi thở cuối cùng hôm 13/4 ở thành phố Lubeck, sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh viêm phổi. 

Lời người dịch: Hai danh tác gia của thế kỷ XX, một người bị kết án tử hình vắng mặt bởi lãnh tụ Hồi giáo tối cao, một bị chính những người cùng dân tộc với mình kết án là kẻ bài Do thái (dù sự thực không phải thế). Vết thương lòng của họ chính là vết thương thân phận của những con người sống giữa một thế giới bị phân rã bởi chằng chịt những đường biên. Và người còn sống đã viết về người mới ra đi bằng những lời chân thực nhất, như một ai điếu vọng từ nước Anh, xuyên qua nước Mỹ (tờ New Yorker) để thấm sâu vào lòng nước Đức.

Günter Grass - nhà văn Đức đoạt giải Nobel văn học năm 1999 - vừa qua đời ở tuổi 87. Báo chí Đức cho biết, Günter Grass trút hơi thở cuối cùng hôm 13/4 ở thành phố Lubeck, sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh viêm phổi.

 *

Năm 1982, khi tới Hamburg để ra mắt bản dịch tiếng Đức cho cuốn "Những đứa trẻ lúc nửa đêm", những người chịu trách nhiệm xuất bản có hỏi xem liệu tôi có muốn gặp mặt Günter Grass hay không. Chà chà, rõ ràng là tôi rất muốn một cuộc gặp như thế và tôi được chở tới một ngôi làng thuộc vùng Wewelsfleth, ngoại vi Hamburg, nơi Grass đã sống khi ấy. Ông ấy có hai căn nhà trong cùng ngôi làng đó; một để sống và viết, còn một thì được sử dụng như một studio nghệ thuật.

Nhà văn Günter Grass.

Sau một thoáng rụt rè (mà tôi đã từng nghĩ rằng, ở cương vị một tay bút trẻ hơn, để tỏ lòng tôn kính mà thực sự tôi rất muốn thể hiện ra), tôi đã được ông đón nhận một cách rất bất ngờ bằng việc dẫn tôi vào trong phòng riêng của mình, nơi mà ông lưu giữ những bộ sưu tập ly cổ của mình, và đề nghị tôi hãy chọn lấy một cái ly. Liền sau đó, ông chọn một chai rượu mùi loại ngon và khi cạn chai, chúng tôi đã thực sự trở thành những người bằng hữu. Rồi chúng tôi loạng choạng, chuếnh choáng bước qua studio của ông, nơi đã khiến tôi ngỡ ngàng với những gì đập vào mắt mình chính là tất cả những điều tôi đã nhận ra trong những cuốn tiểu thuyết của ông; những con lươn đồng, những chú cá bơn bằng đất nung, chú bé chơi trống thiếc được khắc đồng bằng kỹ thuật ăn mòn acid. Tôi đã phát ghen lên vì thiên khiếu mỹ thuật ấy còn hơn là vì tài năng văn chương của ông.

Sau cuộc gặp, tất cả các ký giả Đức mà tôi gặp đều mong tôi chia sẻ những gì tôi nghĩ về ông, và khi tôi đáp rằng tôi tin chắc chắn ông là một trong hai hoặc ba văn sỹ vĩ đại nhất thế giới đương thời, kha khá ký giả trong số đó đã tỏ ra thất vọng, và nói rằng: "Ồ, vâng, "Chiếc trống thiếc" (tên một tiểu thuyết lừng danh của Grass - ND), nhưng không phải đó là thứ hào quang đã quá xưa cũ hay sao?". Với họ, tôi cố chứng minh rằng, nếu Grass chưa bao giờ viết cuốn tiểu thuyết ấy thì những cuốn sách khác của ông đủ để vinh danh ông như những nhận xét của tôi rồi. Và thực tế là ông ấy đã viết "Chiếc trống thiếc", tác phẩm khiến ông trở nên bất tử. Những tay ký giả đầy hoài nghi kia trông càng thất vọng hơn. Họ muốn nghe những nhận xét cay nghiệt hơn nhưng tôi lại chẳng có điều cay nghiệt nào để nói ra cả.

Tôi yêu mến ông vì sự nghiệp viết lách đồ sộ của ông, và tất nhiên, vì cả tình yêu ông dành cho những câu chuyện cổ Grim (thứ mà ông đã tái chế nó trong những xống áo hiện đại hơn), vì những tấn bi - hài kịch ông thổi vào những tấm gương lịch sử, vì sự khôi hài mà ông thấm nó vào trong cái nghiêm túc của mình, vì lòng dũng cảm không thể nào quên mà với nó, ông nhìn thẳng vào gương mặt thật của những sự dữ trong thời đại ông sống và diễn tả những điều không thể nói ra bằng một nghệ thuật trác tuyệt.

Vào dịp sinh nhật lần thứ bảy mươi của ông, rất nhiều văn hào - Nadine Gordimer, John Irving, và gần như cả nền văn học Đức - đã tề tựu để chúc mừng ông ở nhà hát Thalia, Hamburg. Nhưng tôi chỉ nhớ nhất khi những lời chúc tụng đã rời môi, và âm nhạc cất lên, sân khấu nhà hát bỗng trở thành một sàn khiêu vũ, nơi Grass đã cho thấy ông là một bậc thầy của thứ tôi gọi là "điệu-vũ-gọi-mời". Ông có thể cuốn theo điệu waltz, polka, foxtrot, tango hay gavotte…, và dường như tất cả những kiều nữ Đức xinh đẹp nhất đều muốn xếp hàng để được làm bạn nhảy của ông. Mỗi khi ông hân hoan lắc, nhún, xoay vòng, tôi nhận ra rằng đó mới là ông thật nhất: một vũ công bậc thầy của văn học Đức, khiêu vũ xuyên qua những nỗi hoảng loạn của lịch sử và tiến vào trong thế giới lộng lẫy của văn chương, cứu chuộc những tâm hồn  ám nhờ vào cái cốt cách phong nhã, khiếu hài hước và sự kỳ khôi của mình.

Tôi đã từng nói với những tay ký giả muốn tôi dè bỉu ông vào năm 1982 ấy rằng: "Có thể ông ấy sẽ qua đời trước khi tụi mày hiểu rằng tụi mày đã mất đi một bậc kỳ tài vĩ đại thế nào" và bây giờ, thời khắc ấy đã điểm. Tôi mong rằng, họ cũng đã thấm điều ấy lắm rồi.

By Salman Rushdie- Hà Quang Minh (dịch)
.
.