Huyền thoại Duras “trở lại” Việt Nam

Thứ Năm, 06/12/2007, 20:20
Trong khuôn khổ ngày hội đọc sách (lire en fête) được tổ chức thường niên tại Trung tâm Văn hóa Pháp, năm nay, lần thứ sáu, những người tổ chức đã có sáng kiến đưa Marguerite Duras, một trong những nhà văn “ăn khách” nhất tại Pháp thế kỷ XX trở thành hình ảnh trung tâm.

Hàng loạt các hoạt động chiếu phim, triển lãm sách, ảnh, gặp gỡ, trao đổi của nhóm tác giả sách và phim về Duras, với Duras... đã gây rất nhiều hứng thú cho công chúng bạn đọc Hà Nội.

Điều đó hoàn toàn dễ hiểu bởi chính tên tuổi của nhà văn, người đã từng có tới gần 18 năm gắn bó với Việt Nam, một phần bộ phim dựa theo tác phẩm của bà (Người tình) cũng được thực hiện nhiều cảnh quay tại Việt Nam; và còn nữa, nhóm tác giả đến từ Pháp tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với công chúng bạn đọc Hà Nội, lần này, còn có một nhân vật rất đặc biệt, đó là nhà làm phim Jean Mascolo, “giọt máu” thân yêu duy nhất còn lại của Duras...

Duras thật sự đã tạo ra một huyền thoại ở thế kỷ XX. Sinh ra và lớn lên tại Gia Định, Sài Gòn cách đây gần một thế kỷ, dường như số phận của M.Duras gắn bó máu thịt, không thể tách rời với cái xứ sở nhiệt đới lạ kỳ, nhiều bí ẩn và vô cùng hấp dẫn ấy.

Duras chính thức viết văn sau khi rời Việt Nam về Pháp chừng 10 năm (1943) và trong khoảng hơn 50 năm sống và viết, bà để lại 40 cuốn tiểu thuyết, 10 vở kịch và cũng chừng ấy bộ phim vừa trong tư cách biên kịch vừa đạo diễn. Trong tất cả các lĩnh vực sáng tác và trong cả cuộc đời, Duras đều để lại ấn tượng hết sức đặc biệt trong lòng công chúng.

Về tiểu thuyết, chỉ riêng “Người tình” đã trở thành một trong hai mươi sự kiện lớn nhất trong văn học Pháp ở thế kỷ XX, được bán ra tới gần 3 triệu bản, chuyển thể thành phim và gây nên nhiều tranh cãi.

Điện ảnh cũng là một mảng hết sức thành công của Duras vì chỉ riêng kịch bản phim “Hirosima, tình yêu của tôi” hợp tác với đạo diễn Resnais, đã giành tới hai giải thưởng lớn ở Pháp và ở Mỹ. Làm phim ở thế kỷ XX, nhưng tư tưởng của Duras luôn hướng về thế kỷ XXI.

Bộ phim “Những đứa trẻ”, đồng tác giả với con trai Jean Mascolo vừa được chiếu giới thiệu ở Trung tâmVăn hóa Pháp vào đêm 25 tháng 10, đã để lại thật nhiều dư vị với khán giả Việt Nam. Bộ phim ngắn 84 phút, chỉ nói về một câu chuyện giản dị, một đứa trẻ 7 tuổi (do một diễn viên 40 tuổi sắm vai) một ngày kia tuyên bố với cha mẹ rằng sẽ ngừng đến trường với lí do ở đó người ta chỉ dạy những điều cậu không biết. Một lý do có vẻ rất đỗi nực cười nhưng lại là một thông điệp đầy triết lý cho ngay nền giáo dục nước ta: đừng nên dạy cho trẻ con những điều chúng không muốn học...

Ở lĩnh vực kịch, Duras đã từng được nhận giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp vào năm 1983. Trong cuộc đời, những huyền thoại tự thêu dệt và được thêu dệt của Duras cũng luôn khiến người đọc yêu mến bà bất ngờ và sửng sốt. Những năm cuối đời, bà lao vào rượu chè và được gán cho đủ thứ “danh hiệu”: “đa tình”, “đa hút”, “đa rượu”, “đa sex”, “đa viết”, “đa cãi”, “đa chống”...

Bà tự “huyền thoại hóa” mình đến mức một nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã phải cảnh báo trong một bài viết trên tờ “Người quan sát mới” như sau: “Bây giờ phải nghiên cứu Duras một cách tỉnh táo, chẳng hạn, phải tố cáo tật tự “huyền thoại hóa” của bà. Bởi Duras lại làm Duras thật nực cười và vô bổ”.

Xung quanh tác phẩm “Người tình”, cuốn tiểu thuyết được nhận giải Goncourt 1984 cũng có vô khối huyền thoại được thêu dệt. Câu chuyện tình giữa cô bé da trắng “15 tuổi rưỡi” với người đàn ông Trung Hoa tuổi lớn gần gấp hai, liệu có phải là của chính bà?

Thật khó có thể trả lời chính xác vì Duras luôn pha trộn nhiều sự thật để biến chúng thành huyền thoại trong tác phẩm. Có người cho rằng, người tình Trung Hoa kia, đích thực là người tình của mẹ bà chứ không phải của bà. Do sự sao nhãng của người chồng (bố bà) mà người vợ trẻ trong phút giây lầm lỡ với người đàn ông xứ lạ, giàu có đã sinh ra bà. Vì thế trên gương mặt Duras thời trẻ đậm đặc chất “Chinadoll” (búp bê Trung Hoa).

“Đến” Việt Nam lần này, dù chỉ hiện hình qua những con chữ và hình ảnh, nhưng Duras đã làm sống lại huyền thoại một thời của bà với Việt Nam, người đã từng tuyên bố sau khi rời Việt Nam về Pháp vào năm 18 tuổi: “Coi như tôi đã chết từ lúc đó”...

Trần Hinh
.
.