Hương núi thơm dâng hồn về đâu

Thứ Sáu, 07/02/2020, 08:09
Người Dao sống trên núi Ba Vì từ hàng trăm năm trước. Họ là một bộ tộc đầy bí ẩn từ bao đời nay ở phía Tây Hà Nội (cách trung tâm thủ đô chừng 60 cây số). Xưa dân quanh vùng vẫn gọi là người Mán sơn đầu. Thực ra đó là một dòng Dao quần chẹt vì sự khác biệt ở trang phục và nếp sống văn hóa riêng biệt. Từ khi thành lập rừng Quốc gia Ba Vì (1991) bộ tộc này xuống chân núi Ba Vì sinh sống.


Bí ẩn đầu tiên 

Khi bộ tộc người Dao này xuống núi và được tổ chức thành đơn vị xã Ba Vì gồm ba thôn và ở rải rác quanh chân núi kéo dài tới 12 cây số. Thôn đầu tiên là Yên Sơn tính từ ven núi gần cửa rừng quốc gia kéo dài tới thôn Hợp Nhất. Cuối cùng là thôn Hợp Sơn qua dốc Sở.

Người đầu tiên tôi gặp là anh Hạnh ở thôn Yên Sơn. Anh là chồng của lương y Triệu Thị Thịnh và thường tham gia các phong trào hoạt động văn hóa trong xã Ba Vì. Câu chuyện chúng tôi lan man chưa biết bắt đầu từ đâu nhưng khi đó bất ngờ có tiếng hát từ trong xóm vang lên. Anh Hạnh giải thích đội văn nghệ đang tập hát chuẩn bị cho lễ hội mùa xuân. Giọng hát của một cô gái trong trẻo ngọt ngào làm chúng tôi ngỡ ngàng với câu ca: "Khi đi săn đi núi. Anh hãy cõng hồn em. Khi nóng bức, mệt mỏi anh hãy uống hồn em. Thì sẽ làm cho mát dịu". Đó chính là một làn điệu của dân ca Páo dung.

Theo như anh Hạnh nói, "Páo dung" theo tiếng Dao là ca hát gồm nhiều làn điệu khác nhau. Những làn điệu Páo dung được cất lên trong mọi sinh hoạt của người Dao. Có thể là "Páo dung" trong đám cưới, hoặc nghi lễ, hay trong sinh hoạt lao động thường ngày. Đặc biệt là những làn điệu hát về tình yêu. Có tới hàng trăm lời ca cho đêm Páo dung tỏ tình trong đêm trăng.

Người Dao ở Ba Vì chế biến thuốc nam.

Ngay lúc đó sau tiếng kèn Pí lè vang lên lảnh lói, thì giọng hát chàng trai cất lên tha thiết rằng: "Nghe em hát tim anh vời vợi. Từng lời em như cháy bỏng trong lòng. Khi em về anh chẳng biết làm sao nữa. Nghĩ về em, Nhớ về em".

Sau đó tiếng kèn lại vang lên như lời than thở mong nhớ trong trái tim của người con trai. Thật không ngờ lời ca của những làn điệu Páo dung lại hay đến vậy. Tuy giờ đã xuống núi, người Dao đã bỏ lại trên đỉnh núi những nét xưa cũ như cách dùng sáp ong chải tóc và quấn trên đầu, nhưng riêng các làn điệu Páo dung không bao giờ bị rơi vãi. Kèm theo đó là những điệu múa phụ họa cho các cuộc hát ca. Nào là Lễ cấp sắc hay Tết nhảy hoặc Lễ mừng thọ… Tất cả đều có tổ chức Páo dung và nhảy múa. Đặc điểm của người Dao là vậy. Đó chính là điều bí ẩn của người Dao quần chẹt. Người con gái bao giờ cũng mặc quần ống nhỏ ôm chặt tới gối. Bắp chân được cuốn xà cạp trắng tới mắt cá chân. Đây là cách làm đẹp với tục bó chân cổ truyền. Do đó họ nhảy múa rất sinh động và lôi cuốn người xem. Kho tàng hàng trăm làn điệu "Páo dung" là báu vật vô giá của người Dao.

Sau đó tôi đi men theo chân núi Ba Vì tới Ủy ban xã Ba Vì. Những cây đào trên sườn núi nở thắm một đường hoa. Những đám sương đang tan dưới nắng xuân về. Tiết trời vẫn se lạnh mỗi khi gió trên núi tràn xuống. Bất ngờ chúng tôi gặp một ngôi nhà sàn đẹp bên đường. Đây là ngôi nhà sàn hiếm hoi còn sót lại. Hơn 500 hộ dân giờ đã khác xưa.

Nhà cửa khang trang theo đời sống đô thị đã đổi thay. Nhưng thật bất ngờ có tiếng kèn Pí lè bay bổng từ ngôi nhà sàn. Những âm thanh chói chang cất lên trong nắng mới. Những giai điệu của ánh sáng làm tan chảy những khối mây đen chợt đến trên đỉnh núi Ba Vì. Tôi tần ngần bước thấp bước cao theo lời ca ngọt ngào trên nẻo đường qua suối: "Em ơi anh về đây gặp được em. Ta cùng nhau cất lên lời ca nhé". Tôi nghe mà ngỡ như lòng mình đang hát "Páo dung". Trước mắt tôi hiện lên các cô gái người Dao với bắp chân xinh xắn tung tăng trên đường nhỏ vào thôn. 

Kho báu thứ hai

Người ta nói các bộ tộc người Dao đi đâu bao giờ cũng gìn giữ ba bộ sách quý. Đó là bộ sách ghi lại những cách tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất về tổ tiên và phong tục tập quán của người Dao. Bộ sách thứ hai là hàng trăm làn điệu Páo dung. Sau đó là bộ sách thuốc. Riêng bộ sách thuốc được người Dao cổ truyền lại và tích lũy hàng trăm năm qua.

Trước đây khi sống trên núi người Dao tự chữa bệnh cho mình và những người trong gia đình. Hầu như ai cũng được học cách tìm cây thuốc từ khi còn nhỏ. Theo sách truyền lại có nhiều bài thuốc của người Dao rất lạ. Đây cũng là một bí ẩn của người Dao. Từ khi xuống núi người Dao xã Ba Vì đã bắt đầu sống bằng nghề làm thuốc ngoài canh tác nông nghiệp. Những lương y người Dao xã Ba Vì đã lang thang khắp nơi để bán thuốc. Phải nói họ khởi nghiệp bằng chính đôi chân của mình suốt hàng chục năm băng rừng lội suối.

Tôi đươc anh Hạnh chỉ dẫn đến thăm gia đình lương y Triệu Phú Quý ở thôn Hợp Nhất. Ông kể hơn 2.000 người Dao hạ sơn và đã được đổi đời vì nghề làm thuốc của mình. Kho báu của người Dao hiện nay chính là 500 vị thuốc quý được chế biến từ cây lá trên núi Ba Vì. Ông bồi hồi nhớ lại thuở thơ bé đã theo mẹ đi bán thuốc ở nhiều tỉnh xa. Hai mẹ con vừa rao bán vừa ủng hộ người bị bệnh nghèo ở mọi vùng quê. Do vậy bữa đói bữa no. Nhiều khi chỉ cần lấy lãi chút ít để bù công sức phần nào.

Những chú bé người Dao quần chẹt trên đường vào thôn Hợp Nhất.

Lương y Triệu Phú Quý, một người rất giỏi bắt bệnh bốc thuốc. Cả nhà ông đã năm đời làm nghề chữa bệnh cứu người. Đúng lúc đó, con trai út của ông vừa đi lấy một giấy xác nhận của xã về để xin vào học trường thuốc trên thành phố. Giờ đây xã đã có Công ty cổ phần thuốc Nam. Người làm thuốc không phải đi lang thang kiếm dạo lần hồi. Ông vừa nói vừa cười nhưng ánh mắt hoe đỏ vì ứa lệ. Có lẽ ông chợt nhớ lại những hình ảnh một thời lận đận cam go trên mọi nẻo đường mưu sinh thuở nào.

Điều vui sướng hiện rõ trên mặt lương y Triệu Phú Quý khi ông kể về cuốn sách của Viện dược liệu đã in về "Cây thuốc người Dao Ba Vì" (năm 2012). Phải nói đây là cuốn sách độc nhất của người Dao quần chẹt ở Ba Vì được ghi chép và tổng kết lại sau hàng chục năm hành nghề. Công trình do tiến sĩ Trần Văn Ơn chủ biên. Bộ sách thuốc chép tay bằng chữ Dao đã được biên soạn, điều chỉnh và kiểm soát trên thực tế hoạt động chữa bệnh, suốt 20 năm mới hoàn thành. Đây là công trình khoa học được sự tiếp sức khá sâu sắc của những lương y người Dao ở xã Ba Vì.

Chúng tôi đi dọc đường thôn và được hít thở hương thơm từ cỏ cây hoa lá tỏa ra từ các lò đun thuốc. Lương y Triệu Phú Quý cho biết hiện nay ngoài những bài thuốc chế biến bằng nguyên liệu thảo dược, người Dao còn chế thành những bánh cao thuốc. Sau khi đun hàng chục vị thuốc lá khác nhau trong hàng chục giờ cao thuốc được cô lại. Tôi đi trong làn hương thơm từ chân núi Ba Vì. Những ngọn lửa lò đang cần mẫn cháy. Mồ hôi của những lương y ngày đêm nhỏ xuống bên bếp lửa. Hương thơm bay khắp rừng núi. Tôi ngỡ như núi Ba Vì bồng bềnh trong khói ngát hương thơm

Ba Vì mờ cao

Đi trong hương núi hương rừng tôi bỗng nhớ đến bài hát "Ba Vì mờ cao" của cố thi sĩ Quang Dũng. Có lẽ ông vừa làm thơ vừa phổ nhạc cho chính mình. Ba Vì cũng là kỷ niệm sâu sắc của nhà thơ "Tây tiến" nổi tiếng này. Có lẽ ông đã sống ở Ba Vì trong thời kỳ lên đường lên Tây bắc. Đã có lần tôi từng được nghe ca sĩ trình bày bài hát này trên đài phát thanh. Lời bài ca ám ảnh tôi về hình ảnh làng bản ở Ba Vì. Bởi lẽ xưa ở đây có người Dao ở trên núi và người Mường ở chân núi. Dưới chân núi có sông Đà ngày đêm sóng cuộn. Một ngọn núi luôn đẫm sương mỗi sớm mai.

Hình ảnh Ba Vì mờ cao hiện ra: "Làn sương chiều xa buông gió về. Hương núi thơm dâng hồn về đâu. Rừng thông lên màu tím. Đồi lau ứa trong hơi mờ ướt. Nước róc rách đâu đây. Gót chân đi làng thang lối về miền mây…".

Tôi có cảm giác như câu thơ mới lạ của ông về "Hương núi thơm dâng hồn về đâu" được viết ra khi được hít thở mùi thơm của thuốc người Dao quần chẹt ngày nào. Màu tím trong bài hát gợi về một Ba Vì thơm trong tình người, thơm từ mỗi bàn tay người Dao tỏa hương bên bếp lửa đêm đêm bên chân núi Ba Vì.

Vương Tâm
.
.