“Hot teacher”Trần Quốc Anh: Âm nhạc nuôi dưỡng tình yêu toán học

Thứ Hai, 13/08/2018, 08:05
Trần Quốc Anh là một “hot teacher” không chỉ bởi thầy giáo này dành cho toán học một tình yêu quá lớn lao, mà trong 10 năm qua, Quốc Anh đã khơi gợi và lan tỏa tình yêu ấy đến với rất, rất nhiều học sinh Hà Nội.

Chưa đầy 30 tuổi, thầy giáo trẻ đã có trong tay gia tài hơn 10 cuốn sách viết về toán và một Trung tâm chuyên dạy toán. Một điều đặc biệt nữa ở Trần Quốc Anh, từ khi còn là một cậu học sinh yêu toán đến lúc trở thành “hot teacher”, âm nhạc đã đồng hành và nuôi dưỡng tình yêu này của anh.

1.Trông vẻ bề ngoài, không ai nghĩ Trần Quốc Anh là một thầy giáo. Mái tóc hơi bồng, vầng trán cao, cái răng khểnh cùng cặp kính cận dễ khiến người đối diện nghĩ anh là nghệ sỹ hơn. Bản thân Quốc Anh cũng thừa nhận, anh đã chọn khoa Toán – Tin của Đại học Bách khoa Hà Nội chứ đâu có chọn Trường Sư phạm sau khi tốt nghiệp THPT.

Từ một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của khoa Toán – Tin, trở thành một thầy dạy toán nổi tiếng ở Hà Nội với danh sách dài dằng dặc học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi toán, học sinh thi đỗ vào các trường chuyên danh giá và các trường đại học nổi tiếng, thì việc trở thành thầy giáo của Quốc Anh như là định mệnh.

Năm 2018, Beta Education do Quốc Anh sáng lập có 94% học sinh thi lên lớp 10 đỗ vào các trường chuyên, trong đó một số lượng không nhỏ các em đỗ thủ khoa đã làm tăng thêm những con số thuyết phục rằng, người thầy sinh năm 1989 này đã có cách đi đúng đắn khi đã khơi đúng mạch nguồn yêu thích những con số cho học sinh của mình.

Nói chuyện với Quốc Anh, tôi thấy anh không chỉ là một người chỉ biết đến toán và toán. Đó còn là một chuyên gia tâm lý, một nhà sư phạm, một thanh niên giàu hoài bão, một nghệ sỹ. Có lẽ, bởi hội tụ những điều này nên khi đứng lớp, thầy Quốc Anh không chỉ giảng cho học sinh của mình những con số, vì thế bài giảng hấp dẫn hơn. Tôi cũng thắc mắc, Quốc Anh đã làm thế nào để truyền cho học sinh của mình tình yêu với toán, nhất là đối với những em thấy toán khó, sợ toán và cả ghét toán.

Thầy giáo trẻ cười tươi cho biết, trước hết, đó là phải biết tôn trọng học sinh. Nói rồi anh ví dụ, khi bước chân vào giảng bài ở lớp 5, giáo viên có thể đặt câu hỏi: “Hôm nay, tôi được dạy học sinh lớp mấy?”. Trong lớp, có thể có rất nhiều tiếng trả lời “Lớp 5 thầy ạ”, nhưng cũng có cả câu trả lời “Lớp 4…”.

Khi nghe câu trả lời này, thầy sẽ vui vẻ nói: “Đúng rồi, năm ngoái con học lớp 4”. Như vậy, cậu học sinh tinh nghịch có câu trả lời “Lớp 4” sẽ thấy mình không nói sai và nhận ra sự tôn trọng thầy dành cho mình. Trong quá trình dạy học cũng vậy, nếu học sinh làm bài sai mà thầy cô nói “em làm sai hết” sẽ khiến em này nản.

Thay vì phê thẳng như vậy, thầy cô nói “Em cứ làm tiếp đi”. Khi được khích lệ, học sinh sẽ tìm tòi và cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, đáp án sẽ dần hiện ra. Khích lệ sẽ khiến học sinh tự tin hơn, hào hứng hơn thay vì tư tưởng thoái trào, đầu hàng nếu thầy cô phê.

Để học sinh thích học toán thì chính thầy cô cũng phải là người yêu thích môn học này. Người thầy có đam mê thì mới truyền cho trò niềm yêu thích được. Quốc Anh lấy ví dụ rằng, anh có những học sinh đang học ở Nhạc viện Âm nhạc quốc gia. Điều gì khiến một học sinh yêu thích âm nhạc lại thích học toán? Anh lý giải rằng, với một người sáng tác bài hát cần phải biết các quy tắc, luật chơi. Toán học cũng giúp nắm rõ các quy tắc và luật chơi này, là công cụ để giúp việc làm nhạc tốt hơn. Toán giúp người ta có cái nhìn logic, tư duy mạch lạc, sự tự tin.

Trong cuộc sống, câu hỏi “Tại sao?” (Why) luôn quan trọng hơn “Như thế nào?” (How). Bởi khi hỏi “Tại sao?” sẽ có những động lực cao hơn. Trong cuộc sống thường nhật, toán áp dụng vời đời sống rất nhiều. Đó không chỉ là những phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Ví như khi học gia tốc, nếu thầy giáo đưa ra ví dụ, xe máy tay ga giảm vận tốc nhanh hơn xe số và giải thích rõ thì học sinh sẽ thấy, toán rất gần gũi và thú vị.

Rất nhiều, rất nhiều ví dụ sinh động về ứng dụng của toán học trong đời sống được thầy đưa ra trong bài giảng khiến học sinh hứng thú bởi tính thiết thực của nó. Điều đó khiến toán trở nên gần gũi và cũng đầy bất ngờ thú vị khi học sinh được tiếp cận, khai mở, khám phá. Từ đó, việc học toán với các em không chỉ là học để thi, mà còn là một thế giới đầy bất ngờ và hứng thú.

2.Vốn là một học sinh yêu thích môn Toán (Quốc Anh từng là học sinh chuyên Toán trường Amsterdam), rồi trở thành thầy dạy Toán nên anh có nhiều lý lẽ và nhiều cách để thuyết phục, khuyến khích người ta học toán. Nhưng với những giáo viên – những đồng nghiệp của anh tại Beta Education thì sao? Khi nghe tôi đặt câu hỏi này thì dường như trong ký ức thầy giáo trẻ lại trở về cái tuổi 17, lúc mới học lớp 11 nhưng anh đã nung nấu viết cuốn sách về toán.

Theo Quốc Anh,  thời điểm ấy cả thế giới như quay lưng với anh. Bởi chả ai tin một cậu học trò với “gia tài” chỉ là sự bồng bột làm sao có thể viết được một cuốn sách về toán học. Thế nhưng, anh đã viết những trang bản thảo đầu tiên và rồi cứ say mê viết trong 2 năm. Viết xong, đạp xe tìm đến các nhà xuất bản thì đều nhận được câu hỏi: “Có quen ai không?”.

Đương nhiên, cậu học trò này chẳng quen ai nên lại lóc cóc đạp xe về. May mắn là sau đó, anh quen và viết chung một cuốn sách với giáo sư người nước ngoài. Việc được in sách ở nước ngoài và sách được bán trên trang http://www.amazon.com/Inequalities-Beautiful-Solutions-Vasile-Cirtoaje/dp/6065000140 là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với chàng trai trẻ. Sau đó, anh viết cuốn sách tiếp theo. Anh cầm bản thảo cuốn sách mới viết cùng bản in cuốn sách được in ở nước ngoài tìm đến một nhà xuất bản. Họ lập tức in ngay, đó là cuốn “Bất đẳng thức những bài giảng hay”.

Cuốn sách ra đời được đón nhận nồng nhiệt và tái bản liên tục. Đến nay, Quốc Anh đã có trên 10 cuốn sách về toán học được thầy cô giáo, học sinh, đặc biệt là học sinh các trường chuyên đón nhận.

Yêu toán từ khi còn là học sinh THPT, viết sách về toán với khát vọng truyền tải tình yêu này đến thật nhiều, thật nhiều người, thế nhưng ngã rẽ đặc biệt của Quốc Anh đối với việc dạy toán bắt đầu từ năm 2014, khi anh mở câu lạc toán học với 7 học sinh. Đến cuối năm, lớp học lên 50 người.

Năm tiếp theo, có 150 bạn theo học thầy Quốc Anh. Năm 2016, có 400 học sinh tìm thầy Quốc Anh để học. Thời điểm đó, thầy Quốc Anh là một hiện tượng ở Hà Nội bởi tình yêu toán học và cách truyền thụ môn toán đến với học sinh của anh quá đặc biệt. Lúc này, một mình anh không thể cáng đáng nổi mà còn có một cô giáo tham gia giảng dạy cùng.

Tháng 6-2017, thầy Quốc Anh chính thức có một ngôi nhà 1 triệu USD để xây dựng hệ thống giáo dục chuyên nghiệp đúng như ước mơ của mình – Thương hiệu Beta Education ra đời. Và chỉ 1 năm sau, số lượng học sinh của thầy Quốc Anh đã là 600. Lúc này, cùng với thầy Quốc Anh còn có đội ngũ các giáo viên trẻ - Những người yêu toán học khác cùng hội tụ ở “ngôi nhà” Beta Education.

Nói về việc tuyển chọn người, Quốc Anh cho rằng, anh rất thích kinh nghiệm của một nhà tuyển chọn nhân sự nổi tiếng rằng: Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp không phải con người mà những người phù hợp. Với phương châm này, Quốc Anh đã chọn cho Beta Education những thầy cô giáo cùng chung niềm đam mê với toán học; cùng chung font văn hóa. Những tiêu chí mà Quốc Anh và đội ngũ của mình đưa ra và đeo đuổi: nhân văn, đam mê, sáng tạo, hiệu quả được thực hiện một cách đầy hứng khởi. Cảm nhận của tôi khi tiếp xúc với những giáo viên ở đây là sự nhiệt huyết, trách nhiệm, tạo cảm hứng.

“Đội ngũ giáo viên của em đến từ rất nhiều, rất nhiều các trường đại học, cao đẳng nhưng họ có chung một đặc điểm – đam mê toán học”. Khi tôi đến Beta Education vào giữa buổi chiều để phỏng vấn Quốc Anh và vô tình nhìn lên màn hình camera thì thấy đa số các phòng học đều trống (học sinh ở đây học ngoài giờ hành chính), nhưng có một phòng chỉ thấy toàn giáo viên… đang học.

Thấy tôi thắc mắc, Quốc Anh giải thích rằng, giáo viên thường xuyên phải traning (bồi dưỡng) như vậy. Hóa ra, đây là cách đào tạo giáo viên của vị thầy giáo kiêm Giám đốc trẻ. Mỗi người thầy trước giờ lên lớp đã có nhiều giờ giảng trước đồng nghiệp và được đồng nghiệp góp ý, xây dựng thì hẳn bài giảng của họ sẽ tốt hơn lên. Với cách test hằng ngày này, mỗi giáo viên sẽ được  nâng cao trình độ cũng như kỹ năng sư phạm để có bài giảng tốt nhất.

3. Sáng tác ca khúc, chơi guitar và truyền cảm hứng âm nhạc đến học sinh vào những ngày nghỉ bằng những buổi học đàn miễn phí là việc mà Quốc Anh dành cho học sinh của Beta Education. Chính âm nhạc đã nuôi dưỡng tình yêu toán học của Quốc Anh và hôm nay, anh cũng khích lệ học sinh của mình tìm đến món ăn tinh thần đưa con người ta vào thế giới giai điệu vốn dĩ rất kích thích sự sáng tạo và truyền cảm hứng. Toán học vì thế đâu chỉ là những con số khô khan mà đã trở thành một thế giới thôi thúc sự khám phá. Đó chính là cách mà thầy Quốc Anh lan tỏa tình yêu dành cho toán học cho học sinh của mình. 
Cao Hồng
.
.