Hòn sỏi thiêng đánh thức mặt hồ ngủ yên

Thứ Hai, 21/03/2016, 08:01
Với Trịnh Tú, vẽ là một khái niệm cho đi. Vẽ tức là đem cho. Trước tiên là cho chính mình, cho bạn bè, cho cái cõi nhân gian sâu rộng này những cái đẹp đã lưu dấu trong tâm hồn họ. Bản năng tối thượng của người họa sĩ là thể hiện ra được chiều sâu của vẻ đẹp ấy qua nét cọ tài hoa của mình, qua tài nghệ sử dụng bảng màu để tạo ra một thứ nghệ thuật hội họa sang trọng có sức lay động tâm hồn con người từ vẻ đẹp vĩnh cửu.


Tôi đến thăm Trịnh Tú ở ngôi nhà lịch sử 108 phố Quán Thánh nức tiếng một thời vào chớm tiết tháng 3. Sau những ngày đông lạnh mù sương, tháng 3 mang nắng nhỏ rải trên góc phố nơi có một chốn riêng tư dành cho Trịnh Tú trong tòa biệt thự xưa của cụ thân sinh Trịnh Tú là họa sĩ thiền sư Trịnh Hữu Ngọc.

Một cảm giác xưa cũ của Hà Nội chợt ùa về khi Trịnh Tú chỉ dẫn muốn tìm ông hãy tìm cái chuông cửa ghi Tú-Thúy-Nhi. Một kiểu biển nhà rất đặc trưng của người Hà Nội từ thuở bao cấp vẫn còn lưu dấu nơi đây, và thi thoảng ta bắt gặp ở đâu đó trong những khu chung cư cũ, những tòa biệt thự có nhiều chủ nhân, hay trong những ngóc ngách nhỏ của Hà Nội. Trịnh Tú thong thả xuống gác với chú chó xù xì nhưng thân thiện, hễ thấy bạn của chủ nhân là lăn xả vào để làm quen.

Họa sĩ Trịnh Tú và tác giả bài viết bên những bức tranh đang vẽ dở.

Tóc Trịnh Tú bạc. Chiếc áo len khoác cũng bạc đúng điệu. Hàm râu cũng bạc lất phất... chỉ có đôi mắt là to với cái nhìn thấu nhận mọi sự ở đời. Trên gương mặt bàng bạc có đôi mắt sâu, cái nhìn chăm chú hun hút ấy, trông Trịnh Tú giống như một bức điêu khắc cổ, một điêu khắc động. Có cái gì đó thẳm sâu phía sau gương mặt ấy.

Trịnh Tú ở trong căn hộ 3 tầng trong khu biệt thự của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc để lại. Có lẽ phải thú nhận rằng, thứ ma lực hấp dẫn tôi đi tìm Trịnh Tú một phần cũng là bởi ngôi nhà 108 này. Ở đó có một đại gia đình nghệ sĩ trí thức Hà Nội cũ.

Chủ nhân của ngôi nhà này nổi tiếng là một họa sĩ, một nhà tư sản, cuối đời đi tìm ý nghĩa sống trong sự tĩnh tại của hội họa và thiền. Ông có 2 vợ và 12 người con. Các con của ông sau này phần lớn đều trở thành nghệ sĩ và đa số họ đều nổi tiếng theo cách riêng của mình. Ngôi nhà 108 Quán Thánh là một nơi chốn lưu giữ những ký ức vàng son một thuở…  là nơi những nghệ sĩ trí thức Hà Nội cũ được sinh ra, lớn lên và sống một đời sống đặc biệt ý nghĩa...

Có một cảm giác thư thái, bình yên đến lạ khi đặt chân vào nơi này, không gian này. Cảm giác như ta đang ở đâu đó một nơi khuất sâu của Hà Nội cổ kính, tĩnh lặng. Tôi đã muốn được chạm vào những vàng son đó để càng hiểu hơn về một Hà Nội cũ xưa và những con người đã góp phần làm nên nét đẹp của đất kinh kỳ.

Nhà của Trịnh Tú nhỏ thôi, nhưng tất cả đều có chỗ của mình và được sắp đặt đúng điệu. Bủa vây cả căn nhà có chút biếng nhác của người họa sĩ đã lớn tuổi, đã qua hết mọi khúc nhịp, trường đoạn của chính mình giờ như không lấy điều gì làm trọng...

Phòng vẽ trên tầng áp mái sơ sài... La liệt những hộp sơn dầu đang mở đặt trần xì trên sàn gỗ. Một cái giá vẽ nhỏ, một chiếc ghế tựa dành cho chủ nhân ngồi vẽ cũng nhỏ thôi. Thêm một chiếc ghế đẩu cũ kỹ chi chít dấu sơn... và chiếc bàn nhỏ vừa vặn hai cái ghế. Căn phòng dựng đầy những bức tranh đã vẽ xong, đang vẻ dỡ xếp cạnh nhau dưới chân tường.

Không cầu kỳ, tối đơn giản,... những bức tranh mộc mạc nằm phơi mình trong nắng nhỏ lọt qua khe cửa vào một sáng trưa. Duy nhất một thứ làm cho căn gác trở nên đúng điệu của họa sĩ Trịnh Tú chính là một cành đào tí hon, chi chít nụ đã sắp tàn đặt trên chiếc bàn thờ gia tiên cũng nho nhỏ thôi làm nên một chút gì đó rất Trịnh Tú và Hà Nội xưa cũ ít phô trương, tĩnh tại...

Trịnh Tú vẽ như thở, có gì đó như thực, như không trong những bức tranh đàn bà và hoa mang một gam màu bảng lảng mơ hồ, dịu dịu, trong veo kiểu Trịnh Tú. Trịnh Tú cũng thật lạ. Đến với hội họa rất muộn, ông tổ chức triển lãm tranh đầu tiên cách đây mới 2 năm, khi đã ở tuổi bên kia dốc đời. Triển lãm cũng nhỏ bé, nhẹ nhàng với 18 bức tranh vẽ với tất cả những đắm đuối,, đam mê, yêu thương và gìn giữ. Ông làm triển lãm cũng là để tặng cho con gái út, người con hình như sẽ theo nghiệp bố và triển lãm là tất cả sự yêu thương khích lệ của bố đối với con trên bước đường con sẽ đi ở phía trước. Nhưng triển lãm cũng chính là cách để Trịnh Tú tìm ra con đường ở phía cuối chân trời. Đó là con đường của hội họa đích thực.

Trước đó, tôi ấn tượng với Trịnh Tú ở những trang viết nhỏ. Những khúc đoạn ngắn thôi về hội họa, về nghệ thuật nói chung cực kỳ ấn tượng trong những triển lãm của bạn bè. Trịnh Tú viết còn hay hơn cả vẽ, hay đúng ra ông là người có thể xác tín được nghệ thuật. Ông giỏi đánh thức, xâu chuỗi, gọi tên được cái đẹp ở trong nghệ thuật, cụ thể là hội họa.

Ở đó Trịnh Tú tham dự như một chuyên gia viết lời bình, như một người đi thung dung ở triển lãm, ghé qua những bức tranh của bạn bè để rồi về nhà, ngồi trước trang giấy trắng và họa lại những cái đẹp mà ông cảm nhận được bằng ngôn ngữ. Tôi biết về Trịnh Tú với danh nghĩa là một nhà phê bình hội họa nhiều hơn vì nói thực, trong số các họa sĩ, có thể có nhiều những họa sĩ tài danh, tranh bán giá khủng, nhưng để tìm được một họa sĩ ngoài dùng màu, còn biết vẽ tranh bằng ngôn từ thì hiếm ai bằng Trịnh Tú.

Cũng ít ai biết, Trịnh Tú đã từng là họa sĩ giải phẫu riêng cho Giáo sư Tôn Thất Tùng. Phải chăng, những bức tranh được phác thảo, ký họa ngay bên bàn mổ, bên cạnh máu và nước mắt, trong những giờ phút sinh tử, trong nỗi đau của con người, bên một nhân cách lớn về y học như Giáo sư Tôn Thất Tùng mà Trịnh Tú có được cái chất thiền thấm đẫm sau này trong chân dung và chính cuộc sống của ông.

Cả trong hội họa, lẫn phê bình nghệ thuật, Trịnh Tú có cái chất thăm thẳm của người giàu yêu thương, ham muốn được cho đi, được chia sẻ, và bao bọc cả nỗi đau, trân trọng nỗi đau. Bởi thế mà gặp Trịnh Tú, xem tranh của ông, ta như cảm thấy ấm áp, như được buông bỏ, như trở về ban sơ với một hơi thở nhẹ nhàng... 

Cảm như mọi thứ thuận theo tự nhiên, như dòng chảy của đời sống kia, qua bao công việc khác nhau như vẽ minh họa, viết phê bình báo chí, thì cuối cùng, cái hòn sỏi thiêng định mệnh của hội họa (chữ của Lê Thiết Cương) cũng đã búng xuống mặt hồ tưởng đã ngủ yên, đã bằng lòng, đã tĩnh lặng trong Trịnh Tú để đánh thức một tình yêu, một sự bùng nổ sau tất cả những đau đáu, trải nghiệm, day dứt mang tên Trịnh Tú.

Cả cuộc đời (ít ra cho đến thời điểm này), Trịnh Tú chỉ mới trình làng được 1 triển lãm với 18 bức tranh vẽ về đàn bà và hoa đẹp mong manh như nắng nhỏ, như hơi thở, như gương mặt bé con Trịnh Nhi nghiêng xuống đời ông một đóa hoa thiền.

Nhiều người nói như thế là ít. Tất nhiên Trịnh Tú vẫn đang vẽ. Ông vẽ như lên đồng, vẽ quên ngày tháng và vẽ cho một sự bùng nổ mới... Và trong những lúc vẽ, li cốc thủy tinh là người bạn duy nhất chứng kiến những phút tỏa sáng của ông. Vẽ và uống rượu... làm cho tôi nhớ vô cùng trong căn nhà nhỏ, mọi thứ đều đơn sơ và biếng nhác của Trịnh Tú, thì những chiếc ly thủy tinh uống rượu vang luôn sáng choang, lộng lẫy, bên giá vẽ ngời sáng.

Sớm hay muộn không quan trọng, quan trọng là nhắc đến Trịnh Tú người ta nhớ ngay những đóa hoa thiền nở ra từ ký ức, trong hoài niệm... hay những người đàn bà mơ ngủ biếng nhác trong veo... và chan chứa trong đó một niềm yêu thương không bao giờ cũ.

Họa sĩ - nhạc sĩ Lê Tâm: "Đàn bà và hoa trong tranh Trịnh Tú, chỉ là hai danh từ khác nhau để cùng xác lập một định nghĩa về cái đẹp, bởi thế mà nó nhập nhòa, trộn lẫn vào nhau làm ra một thứ chất liệu huyền ảo để họa sĩ tạo thành tác phẩm. Những bức tranh là những xúc cảm, cũng là những mùa hoa mà Trịnh Tú đã từng đi qua, đã từng thưởng ngoạn và mô tả lại nó bằng màu sắc, hình khối và độ đậm nhạt của ánh sáng chảy trên toan.

Và bởi vì Trịnh Tú là người họa hình cái đẹp, nên ngoài sự nâng niu, trân trọng, người xem còn cảm nhận được một cái tình vừa nuối tiếc vừa xót thương sâu đậm của ông. Những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của một mùa hoa, của một đời người, bàn tay nào có thể giữ lại để đừng trôi, đôi mắt nào có thể lưu lại để đừng nhòa, làm sao để cái đẹp được chảy mãi như một dòng sông hiền hòa trong cõi thế.

Xem tranh Trịnh Tú thấy rõ nhất là "món nợ" của ông, món nợ như một gánh nặng mà người nghệ sĩ đã thụ hưởng được biết bao cái đẹp từ cuộc sống, giờ phải trả lại cho đời. Món nợ ấy lớn lắm, vì đâu phải ai cũng là người được Thượng Đế hào phóng mở hầu bao cho vay cái đẹp, trong khi tiền tài và quyền lực thì ngài lại vung vãi khắp nơi, đến độ trở thành một món quà rẻ rúng".

Lê Thiết Cương: "Xem tranh Trịnh Tú, người ta không còn bị thấy những nỗ lực, những cầu kỳ, những khổ ải, những "hành nghề". Khi cực nhọc đã nằm ở đoạn trường đi tìm câu hỏi thì câu trả lời của Trịnh Tú trở nên đầy thong thả, đầy chia sẻ, an lành. Trịnh Tú ưa dùng bảng màu trung độ, không lạnh quá, nóng quá, không đậm quá nhạt quá, không chói chang, xanh đỏ tím vàng, tất cả các mầu đều đã được giảm đi cường độ tươi vốn có.

Cứ riết dóng mãi chuyện đen trắng, sai đúng, phải quấy để làm gì? Ngẫm kỹ thì sẽ thấy, cũng phải vào tuổi này, khi mọi sự ở đời đã được nhìn với cái nhìn quân bằng hơn, vô sự hơn thì mới có thể dùng được bảng mầu trung độ, mới có thể làm cho trung độ sâu thẳm hơn.

Trịnh Tú muốn khai thác độ đậm nhạt của mầu hơn là bản thân các mầu ấy. Trịnh Tú muốn cảm về mầu hơn là chính mầu ấy. Cảm về nhau là đã có nhau rồi. Một thú vị nữa là cách Trịnh Tú tạo hình bằng những miếng mầu to nhỏ, dài ngắn, vuông tròn, xô lệch kiểu mosaic giống như đụng chạm, như vô tình, như dấu vết của yêu thương, của vui buồn. Dù bất hạnh hay hạnh phúc thì mọi sự khi đã qua, đã là ký ức, là kỷ niệm, đã là một phần của ta thì nó đều đẹp".

Như Bình
.
.