Hội xuân của người H’mông

Thứ Hai, 23/01/2017, 08:03
Là cư dân nông nghiệp, nên lịch của người H'mông theo lịch mặt trăng - Âm lịch. Mỗi tháng có 30 ngày, không có tháng thừa, tháng thiếu. Theo đó, sản xuất, sinh hoạt, tết nhất, lễ hội… đều căn cứ tùy vào thời gian ngày tháng âm để tổ chức.


Sau khi đã thực hiện xong các nghi lễ bên nội ngoại, chúc tết, người H'Mông tổ chức lễ hội, chơi xuân cho tới hết tháng giêng âm lịch. Trước đây có nhiều lễ hội như hội trống, hội hoa, các hội khác có nội dung khác nhau: Thi tài năng tiếng hát của phụ nữ, võ nghệ của nam giới, thi tài kim chỉ vá may, thi bò ngựa béo khỏe, thi vác đá lên dốc… nhưng nay đã mai một đi nhiều mà chưa khôi phục đủ.

Ngày nay còn giữ được khá đầy đủ và phổ biến là Hội Gâu tào và Hội Sải sán. Hội Gâu tào tiếng H'mông là Tria Gâu tào phổ biến trong cộng đồng người H'mông ở Hà Giang và vùng Đông bắc. Còn Hội Sán sải phổ biến ở Lào Cai và vùng Tây Bắc.

Gâu tào có nghĩa là chơi ngoài bãi, còn Sải sán (đọc theo âm Quan hỏa) là chơi  núi, leo núi. Hai hội giống nhau là đều chơi ở ngoài trời. Tria Gâu tào là để tạ ơn (hay trả ơn) TU (thế giới linh thiêng, nơi sinh tụ của tổ tiên người H'mông) đã giúp người ốm khỏi bệnh, thoát được cái chết. Còn Sải sán là tạ ơn TU đã giúp các gia đình hiếm con sinh đẻ được theo ý muốn - đặc biệt sinh được con trai.

Nam nữ múa hát nhộn nhịp trong ngày hội chính của Lễ Gầu Tào.

Theo phong tục xa xưa, lễ trả ơn được tổ chức liên tục trong 3 năm. Năm đầu trong 3 ngày, năm sau 5 ngày, năm thứ 3 là 7 ngày. Nếu vì một lý do nào đó, năm thứ nhất và thứ 2 gia chủ không tổ chức được thì năm thứ 3 phải diễn ra trong 9 ngày. Ngày tổ chức được gia chủ báo trước mời anh em dòng họ (gọi là Xênh) khách quý gần xa, bạn bè thân hữu đến chia vui, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ góp vui với gia chủ.

Như vậy, Hội Gâu tào và Sải sán về phần hội giống nhau. Về phần lễ có sự khác nhau đôi chút. Cả 2 lễ hội đều nặng tính cộng đồng làng bản, có tính xã hội rộng, thoáng hơn so với Tết H'mông truyền thống bó hẹp trong dòng họ. Ngày nay, hội không diễn ra nguyên bản như truyền thống mà giản tiện hơn. Thông thường hội tổ chức trong 5 ngày hằng năm từ 3-7 tháng giêng. Ngày đầu và ngày cuối là phần lễ (lễ nghi, nghi thức), 3 ngày giữa là phần hội.

Nơi tổ chức là một bãi đất trống rộng rãi, cao ráo, có địa hình thuận lợi, phong cảnh hữu tình. Có thấp thoáng cây đào, cây mận nở hoa, có bụi cây, mỏm đá thấp sạch sẽ, có cây để buộc ngựa… Giữa bãi đất trồng một cây nêu bằng luồng hay bương cao chừng 6-10 mét được róc hết cành. Chỉ để lại một chòm lá trên ngọn cây bay phấp phới. Thân cây được quấn bằng các loại giấy màu trông rất đẹp mắt.

Trên ngọn cây nêu có treo một chai rượu buộc bằng một dải vải đỏ rủ xuống gần tới đất - đó là thông điệp báo hiệu gửi tới, mời mọc TU về vui xuân với con cháu. Cạnh cây nêu dựng một đàn cúng. Sau khi mổ lợn và làm cỗ xong, thầy cúng được mời tới để làm lễ tạ ơn TU đã giúp gia chủ được toại nguyện; đồng thời xin phép thổ công, các thần, ma xung quanh cho phép mở hội.

Trong những ngày lễ hội, ai đói thì về nhà mình ăn uống, sau đó tiếp tục đến vui chơi. Như vậy, hội ở đây không nặng về ăn uống như ngày tết mà vui chơi là chủ yếu. Khi đã tiễn đưa các bậc anh linh của tổ tiên về cõi TU, cây nêu được hạ xuống. Gia chủ vác cây nêu về nhà chẻ ra làm giát giường để hưởng may mắn và lộc của tổ tiên.

Đến với Hội Gâu tào có đầy đủ các thành phần xã hội. Họ ăn mặc những trang phục đẹp nhất đi chơi xuân, đồng thời mang theo các nhạc cụ dân gian như: Khèn, sáo, nhị, quả pao, ống hát, con quay… tùy theo lứa tuổi. Dắt theo bò, ngựa (trước đây), chim Họa mi chọi, Họa mi hót… để xem bò ngựa ai béo hơn, phi giỏi hơn.

Trai gái thanh niên thi phi ngựa, bắn nỏ, đánh võ, ôm đá chạy lên dốc, múa ô, ném pao, hát đối đáp. Người già chơi chọi gà, chọi chim, chơi cờ ô, kéo nhị, thổi sáo. Trẻ em chơi đánh quay… tạo ra một sân chơi hết sức phong phú, đa dạng, hấp dẫn người xem.

Phấn khởi nhất là thanh niên. Dịp này là cơ hội để họ gặp gỡ, tìm hiểu, kết bạn với nhau. Thông qua các hoạt động thể thao, văn nghệ, trai tài, gái đẹp tìm được ý trung nhân để sau lễ hội tiếp tục đến với nhau. Sau lễ hội, nhiều cặp nên vợ nên chồng. Ngoài việc để ý đến nhau qua thi thố, họ tìm hiểu nhau bằng cách ném pao cho nhau, đánh mông (có chiếc bảng gỗ nhỏ đánh con cầu làm bắng chiếc lông gà cắm vào đồng xu) hát ống, hát đối đáp...

Khi đã thấm mệt, họ ngồi nghỉ ngơi trên các mỏm đá dưới gốc cây đào, cây mận nở hoa, hay tán cây thấp. Các cô gái H'mông sôi nổi bình luận về các chàng trai và che ô tránh ánh mắt tinh nghịch của các chàng. Còn các chàng do đã để ý trước, hoặc nhận được tín hiệu tình cảm từ các cô gái bèn nhẹ nhàng đi đến nơi các cô ngồi để tìm cơ hội tỏ tình.

Có chàng đến ngồi cạnh cô gái mình đã để ý, khẽ nghiêng đầu vào chiếc ô cô cầm. Nếu cô gái để yên có nghĩa là đồng ý, nếu cô cụp ô tức là từ chối. Có chàng bước đến phía sau cô gái, tay gõ nhẹ vào ô của cô gái mình ưng ý. Nếu cô gái khẽ giật mình, e thẹn quay lại mỉm cười thì đó là tín hiệu đồng ý…

Lúc đó, các chàng trai bắt đầu trổ tài múa và thổi khèn để tỏ tình nhằm củng cố thắng lợi ban đầu. Làm sao cho cô gái bị thuyết phục, vừa lòng, tách ra khỏi đám bạn bè ra tâm sự riêng với mình…

Tóm lại, Gâu tào hay Sán sải là một hoạt động tổng hợp vừa mang tính chất tín ngưỡng, tâm linh, mừng thành quả lao động vất vả một năm, cầu may mọi sự tốt lành khi năm mới đến, đồng thời là lễ hội của các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ, đề cao tinh thần thượng võ thấm đượm các giá trị nhân văn sâu sắc, độc đáo giàu bản sắc dân tộc.

Cây nêu báo hiệu cho cả bản biết năm nay sẽ có gia đình tổ chức lễ hội Gầu Tào.

Ngày nay, những hội này không còn mang tính gia đình mà mang tính cộng đồng, xã hội rộng lớn hơn. Nhiều nơi chính quyền địa phương đứng ra tổ chức để các làng bản gần xa có thể về dự, tham gia, chia vui cùng đồng bào H'mông.Và thực sự những lễ hội này đã thu hút các dân tộc anh em đến dự, cổ vũ, trở thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc phục vụ cho một công chúng đông đảo, rộng rãi hơn trước rất nhiều.

Điều đó chứng tỏ thiết chế xã hội dòng họ khép kín của người H'mông dần thay đổi cho phù hợp với đặc điểm sống chen kẽ với cộng đồng các dân tộc anh em. Các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam đoàn kết cùng nhau chống kẻ thù xâm lược trong các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Vì vậy, Hội Gâu tào, Sán sải hay lễ hội của các dân tộc thiểu số khác cần được khôi phục, giữ gìn, phát huy. Có thể đưa một số các hoạt động văn hóa, thể thao mới để thêm tính đương đại phù hợp với xu thế hòa nhập, phát triển trong thế giới hiện đại với một dung lượng hợp lý. Để các dân tộc anh em không chỉ đến xem mà cùng tham gia, nhằm củng cố thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc.

Điều đó hoàn toàn không có gì mâu thuẫn, trái với quy luật phát triển tự nhiên của văn hóa - đặc biệt trong điều kiện các dân tộc nước ta sống xen kẽ với nhau. Quy luật của văn hóa là ảnh hưởng, giao thoa, tiếp nhận, chọn lọc và hòa nhập nhưng không dễ mất đi bản sắc của mỗi dân tộc...

Đinh Đức Cần
.
.