Hồi sinh cổ phong không phải chỉ yêu là đủ

Thứ Sáu, 12/07/2019, 08:09
Đi theo trào lưu cổ phong đang rộ lên trong cộng đồng trẻ, rất nhiều dự án gặt hái được sự chú ý và thành công bước đầu. Chọn cổ phong cũng đồng nghĩa với chọn con đường chông gai mà ở đó, họ phải có niềm đam mê mãnh liệt, kiến thức sâu rộng lẫn bản lĩnh đối đầu với dư luận trái chiều.

Trào lưu cổ phong được hiểu nôm na là trào lưu cách tân hoặc phục/phỏng dựng nguyên bản các giá trị văn hóa cổ, lịch sử phong kiến. Trào lưu này phủ rộng ở nhiều lĩnh vực như điện ảnh, hội họa, truyện tranh, thời trang, kiến trúc, game online... như một cách người trẻ khẳng định căn cước văn hóa khi sánh vai bạn bè quốc tế.

Ở mảng hội họa và thời trang, các dự án như "Vẽ về hát bội", "Đương đại hóa tranh Đông Hồ" hay ứng dụng các họa tiết của tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống... lên các sản phẩm hiện đại như ly chén, móc khóa, giày dép, túi xách, áo váy... khiến công chúng thích thú.

Nghệ thuật hát bội trở nên cuốn hút, lay động khi được các họa sĩ trẻ của dự án "Vẽ về hát bội" kể bằng các tác phẩm hội họa, trang trí mặt nạ, triển lãm sắp đặt lạ lẫm. Riêng dự án "Đương đại hóa tranh Đông Hồ" thì trình làng các bức tranh cách tân mang đậm không khí đương đại.

Nhóm Ỷ Vân Hiên nghiên cứu và phục dựng các trang phục cổ của người Việt.

Nhịp sống hiện đại như tập gym, lướt Facebook, Twitter hay chụp hình selfie được nhóm họa sĩ 9x, 10x được đưa vào tranh bằng tạo hình và kỹ thuật vẽ truyền thống của tranh Đông Hồ. Không chỉ là cuộc chơi ngẫu hứng, người trẻ còn làm sống lại hồn dân tộc bằng hành trình nghiên cứu đầy công phu và bền bỉ. Đó là nhóm Ỷ Vân Hiên, nhóm Đại Việt Cổ Phong (nghiên cứu và phục dựng trang phục, hoa văn triều đại phong kiến), nhóm Thiên Nam Lịch đại Hậu phi (chuyên khảo về lịch sử hậu cung Việt Nam)…

Bên cạnh đó, không ít dự án mang giá trị truyền thống trở lại và hồi sinh trong nhịp sống đương đại bằng công nghệ 4.0. Nhiều bạn trẻ thích thú với các tựa game lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử, truyền thuyết Việt Nam như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Lý Thường Kiệt, Hồ Xuân Hương... trong game "Sử Hộ Vương". Game "Nam Binh Thần Khí" giúp người chơi hiểu hơn về các loại binh khí cổ của nước nhà.

Ở lĩnh vực truyện tranh và điện ảnh, đáng chú ý nhất hiện nay là bộ webtoon (truyện tranh online) "Cánh hoa rơi giữa hoàng triều" của Tuyết Tuyết (khai thác về cuộc đời vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam Lý Chiêu Hoàng) và dự án "Phượng Khấu" của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (khai thác về cuộc đời Thái hậu Từ Dụ).

Ngoài bộ phim "Phượng Khấu" được thực hiện theo hình thức Original series - phim nguyên gốc chiếu trên nền tảng truyền hình trực tuyến trả phí, ekip dự án "Phượng Khấu" còn thực hiện app cùng tên trên smart phone để các em học sinh tìm hiểu trang phục, mũ mão, kiến thức lịch sử... triều Nguyễn.

Tuy vậy, hồi sinh di sản cha ông là thử thách đầy khó khăn. Dù được trông đợi về nội dung nhưng tạo hình nhân vật của webtoon "Cánh hoa rơi giữa hoàng triều" vẫn bị nhiều người cho là chưa thuần Việt. Trang phục và cách trang điểm của các bà hoàng, công chúa trong phim "Phượng Khấu" bị nhiều khán giả chê xấu, nhìn giống geisha Nhật. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết, với mong muốn phỏng dựng sát sử nhất có thể từ trang phục, cách điểm trang, bối cảnh, đền đài, ẩm thực... thời vua Thiệu Trị, điều đau đầu và khó khăn nhất của ekip phim "Phượng Khấu" không phải là việc làm phim mà là hàng loạt ý kiến soi mói vô căn cứ, chê bai vô tội vạ.

"Ai cũng nhân danh mình biết sử để ý kiến này nọ nhưng họ lại không đưa ra được bằng chứng xác đáng. Quá nhiều ý kiến trái chiều khiến không ít người trong ekip hoang mang. Tôi phải động viên ekip rằng chúng ta không phải là người nghiên cứu sử, chúng ta làm điện ảnh.

Các vấn đề thuộc sử, phim có ban cố vấn là những nhân vật uy tín như Giáo sư sử học Lê Văn Lan, TS Nguyễn Khắc Thuần, nhóm nghiên cứu Thiên Nam Lịch đại Hậu phi; trang phục có nhóm phục dựng Ỷ Vân Hiên, mũ mão có nghệ nhân lão làng Vũ Kim Lộc. Ekip chỉ tin tưởng một nguồn duy nhất: đó là hiện vật, tài liệu mà người xưa để lại. Do đó, mọi góp ý, phản biện thì chúng tôi xin nghe nhưng góp ý, phản biện đó phải có căn cứ, bằng chứng tin cậy. Còn suy diễn thì ai chẳng suy diễn được" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bức xúc.

Trong buổi ra mắt dự án "Phượng Khấu", một khán giả chất vấn ekip rằng "Bộ phim sẽ cố gắng phỏng dựng sát sử nhất có thể vậy thì các anh có e ngại việc không đúng 100% sẽ khiến người xem hiểu lệch lạc lịch sử không?".

Thật khó để đảm bảo mọi thứ đều 100%, nhất là với phim điện ảnh mang hơi hướng phỏng dựng. Dễ nhận thấy phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc... đều có sự sáng tạo, tung tẩy nhưng vẫn được khán giả chấp nhận vì kinh nghiệm sáng tạo và văn hóa tiếp nhận của họ đã có bề dày. Riêng ở Việt Nam, chính yêu cầu "100% sát sử" khiến những người làm phim cổ trang, lịch sử nói riêng và người làm cổ phong nói chung hóa... nhát tay. Họ như con chim sợ cành cong.

Nhóm "Đương đại hóa tranh Đông Hồ" thì vấp phải phản ứng: cách tân hay là phá nát tranh Đông Hồ? Nhiều người cảm thấy khó chịu khi nhìn hình ảnh cậu bé ôm gà trong bức "Vinh hoa" được nhóm họa sĩ biến thành "Cậu bé ôm gà chụp hình sefile" còn bà Nguyệt thì se duyên bằng cách thả nút trái tim, nút like của ứng dụng Facebook.

Đáp lại luồng ý kiến này, cụ Nguyễn Đăng Chế - một trong hai nghệ nhân tranh Đông Hồ còn lại của Việt Nam khẳng định: "Bản thân tôi và cha ông xưa kia từng cải tiến, làm mới tranh Đông Hồ theo các thời điểm lịch sử như giai đoạn chống Pháp có bức "Không cho chúng nó thoát" rồi đến giai đoạn chống Mỹ, giai đoạn bao cấp… Thì nay, việc các bạn trẻ cách tân tranh theo thời đại của mình là điều không có gì phải tranh cãi, miễn sao giữ gìn được cái hồn của tranh Đông Hồ".

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sự "quan tâm" đặc biệt của công chúng cũng giúp ích rất nhiều cho người làm cổ phong, chỉ ra khá nhiều sai sót trong các dự án. Tạo hình nhân vật Hồ Xuân Hương trong game "Sử Hộ Vương" bị cho là hở hang, phản cảm là có căn cứ. Các nhân vật khác như Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân, Âu Cơ... có tạo hình không khác gì các nhân vật truyện manga Nhật.

Trước đây, nhiều bộ phim cổ trang nước ta cũng bị khán giả phản ứng vì vô số lỗi. Trong phim "Mỹ nhân", áo một vị quan lại in hình Vua sư tử - một nhân vật nổi tiếng trong phim hoạt hình "Vua sư tử" của hãng Disney. Một số trang phục, phục sức, tình tiết của web drama "Bí mật Trường Sanh Cung" bị chỉ rõ là lai căng nước bạn.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh giãi bày: "Làm cổ phong rất khó. Không phải ai cũng dày dạn kiến thức, kiên gan, bền chí để theo đuổi lâu dài. Tư liệu lịch sử thiếu thốn, mất mát, nhất là các triều đại càng xa xưa thì càng ít tư liệu.

Tạo hình nhân vật lịch sử, truyền thuyết Việt Nam trong game "Sử Hộ Vương" bị phản ứng vì kiệm vải và giống manga Nhật.

Do đó, sai sót, chệch choạc là điều khó tránh khỏi. Tôi chỉ mong công chúng hãy nhìn tác phẩm, dự án của người làm cổ phong ở vai trò khơi gợi, truyền cảm hứng để mọi người cùng đi sâu tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Từ đó họ có cái nhìn nhân hậu, vị tha hơn với những người làm cổ phong chứ đừng hằn học, vùi dập. Những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng và xác đáng sẽ giúp chúng tôi ngày càng hoàn thiện tác phẩm".

Trào lưu cổ phong đã và đang góp phần vực dậy và hồi sinh rất nhiều di sản, văn hóa truyền thống dân tộc, khiến lịch sử các triều đại phong kiến gần gũi với thế hệ hậu sinh. Người trẻ có cách làm riêng, đưa cổ phong đến gần với công chúng bằng những cách vô cùng sáng tạo, cuốn hút và hợp thời. Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng đưa cổ phong vào tác phẩm nghệ thuật - giải trí như phim ảnh, văn chương, truyện tranh… là một cách rất thú vị, hấp dẫn để mọi người học sử, tìm hiểu văn hóa.

Tuy nhiên, người làm cổ phong phải có bề dày kiến thức để hạn chế thấp nhất những sai sót. Đồng quan điểm, họa sĩ Phạm An nhận định: "Nếu chỉ đam mê, yêu văn hóa - lịch sử dân tộc thôi thì chưa đủ, người làm cổ phong còn phải có kiến thức sâu rộng và quan điểm vững chắc để tạo ra những sản phẩm chất lượng và đủ sức đứng trước sóng gió dư luận. Yêu mà thiếu hiểu biết thì bằng mười hại nhau.

Chạm vào văn hóa - lịch sử là chạm vào hồn dân tộc nên công chúng vô cùng khắt khe. Các dự án luôn bị họ "soi" cặn kẽ. Nên người làm cổ phong phải có đủ kiến thức và bản lĩnh để bước qua những điều đó".

Mai Quỳnh Nga
.
.