Hỏi chuyện tác giả " Mảnh đất lắm người nhiều ma"

Thứ Năm, 19/07/2007, 14:00
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường yêu những tác giả viết về nông thôn từ bé. Đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ cảm giác bâng khuâng, bần thần khi đọc những trang văn viết về cảnh “nhà quê” của Nam Cao, Kim Lân, khi đó trong ông bỗng có một mơ ước được thử sức về đề tài này và ông đã... thành công.

“Ngồi vào bàn trong nỗi cô đơn, nhà văn nhìn sâu vào cõi người, nhìn sâu vào những thiện ác...” - tác giả tiểu thuyết trứ danh “Mảnh đất lắm người nhiều ma” đã từng tự bạch như thế.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sinh năm 1946 tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Hiện ông là Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Các tác phẩm của ông: “Cửa khẩu” (truyện vừa, 1972); “Thác rừng” (tập truyện, 1976); “Miền đất mặt trời” (tập truyện, 1982); “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (tiểu thuyết, 1990; Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991. Cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim “Đất và người” và đã được dịch sang tiếng Pháp).

Vừa qua, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

- Mới 19 tuổi đã bước vào đời quân ngũ, vậy quê hương hay đời lính tác động mạnh nhất đến văn của ông?

+ Đã có lần tôi trả lời một cuộc phỏng vấn rằng: Tôi tự thấy mình thông thuộc hai đối tượng, hai đề tài, đó là nông thôn và người lính. Tôi nhập ngũ từ đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ và ở liên tục 26 năm đến khi chuyển ngành ra báo Văn nghệ. Trước khi nhập ngũ, tôi đi học phổ thông và là xã viên hợp tác xã nông nghiệp, thông thạo chuyện cày bừa, gánh phân, nhổ mạ…

Tôi yêu mến những tác giả viết về nông thôn từ bé. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác bâng khuâng, bần thần khi đọc những trang văn viết về cảnh “nhà quê” của Nam Cao, Kim Lân và trong tôi bỗng có một mơ ước rằng có lẽ mình cũng nên thử sức. Tôi học khá văn - sử - địa từ nhỏ. Khi học cấp II, thầy giáo dạy văn đã coi tôi như là bạn. Có lần ông nói: “Cậu đã đọc nhiều hơn tôi rồi đấy!”. Bây giờ ông vẫn còn sống, đã ngoài 80 tuổi. Tôi và ông vẫn giữ tình cảm như xưa.

Sau này có đi học nhiều nơi, nhưng đúng như người ta nói: Thầy dạy cấp I và cấp II là quan trọng nhất, bởi đấy là những người khuyến khích, thổi bùng lên ngọn lửa năng khiếu trong ta, hướng ta vào một mục đích và sẽ đi theo suốt cả cuộc đời. Giữa hai mảng nông thôn và người lính, tôi đều coi quan trọng như nhau. Những người lính của chúng ta hầu hết là con em nông dân. Vì thế khi viết hầu như không ai không động chạm tới hai đối tượng này.

Nhà văn Nguyễn Khải đã viết một câu rất hay: “Hãy lật lưng áo của bất cứ một ông tiến sĩ nào, ta đều thấy dấu vết của những ngày chăn trâu cắt cỏ!”. Cho đến bây giờ nông dân ở nước ta vẫn chiếm 80% dân số. Vậy cái gốc của người Việt Nam ta vẫn là nông dân. Cái mạnh, cái yếu của chúng ta trong việc hòa nhập quốc tế, trong việc gia nhập WTO cũng là từ đấy.

- Trong quân đội thì Quân chủng Phòng không – Không quân được trang bị hiện đại nhất với những vũ khí tối tân như tàu bay, tên lửa, pháo cao xạ… Những yếu tố hiện đại ấy có ảnh hưởng đến tư duy sáng tác của ông không?

+ Tôi nhập ngũ vào Quân chủng Phòng không – Không quân, làm kỹ thuật vô tuyến điện ở sân bay phản lực Vĩnh Phúc (sân bay Nội Bài). Rồi từ đấy tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971 và chiến dịch Quảng Trị năm 1972 ở đơn vị pháo cao xạ.

Lính ở đây phần đông đã tốt nghiệp cấp III, làm chủ dễ dàng những vũ khí hiện đại. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ những ấn tượng khâm phục hàng ngũ cán bộ đại đội - tức là Đại đội trưởng - đấy là những người giỏi toán, biết  tính góc tọa độ thế nào đó để bắn đón các loại máy bay một cách tài tình, để nổ súng là thắng lợi. Những điều ấy tôi cũng không biết có tác động gì đến tư duy sáng tác của mình hay không, nhưng quan trọng hơn là những việc ấy luôn luôn là tình cảm, là những ký ức đẹp của tôi trong đời quân ngũ.

- Trong các nhà văn lớp trước, ông nhận ai là thầy và ông học được gì ở họ?

+ Từ lâu, trên giá sách của tôi treo ảnh hai nhà văn là Sôlôkhốp và Nam Cao. Một ông nước ngoài và một ông trong nước! Với “Sông Đông êm đềm” viết về người Côdắc, về người nông dân Nga đến thế là tuyệt đích rồi! Còn Nam Cao thì khỏi phải kể những tác phẩm của ông. Nhà văn Nguyễn Minh Châu có lần nói với tôi rằng hãy đọc kỹ Nam Cao và rút ra cách nghĩ, cách viết của ông để vận dụng, thì đấy chính là ông thầy dạy viết văn cho mình! Tôi ngẫm nghĩ về cách miêu tả người nông dân của Sôlôkhốp và Nam Cao để cố gắng học được đôi điều ở hai ông “thầy” ấy.

- Tập tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” rất nổi tiếng và có thể coi là dấu ấn trong đời văn của ông. Ông rút được kinh nghiệm gì từ việc hoàn thành tác phẩm này. Và xin ông nói rõ hơn về hoàn cảnh ra đời tác phẩm?

+ Bấy giờ là năm 1989, tôi đang ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, tự xin đi thực tế ở Thanh Hóa, bởi lúc ấy Thanh Hóa nhiều chuyện um xùm lắm. Không có cơ sở gì ở tỉnh này. Tôi xin đến nhà một người bạn văn mới quen là Kiều Vượng nói ý định. Kiều Vượng rất nhiệt tình đưa tôi xuống huyện Triệu Sơn gặp bạn bè của anh ở đó để giới thiệu tôi (khi nhà văn chưa “tên tuổi” khổ thế đấy!).

Tôi nói với Kiều Vượng: “Bây giờ ông cứ về đi, mọi việc tôi tự lo, bao giờ thấy tạm ổn tôi sẽ về lại chỗ ông”. Từ đấy tôi đi liền ba huyện: Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nga Sơn, chừng gần hai tháng gì đó. Vấn đề đã lờ mờ hiện ra. Nhưng khi viết tôi lại “bốc” tất cả những hiện thực ấy về quê tôi là miền trung du Thái Nguyên, bởi những chuyện ở nông thôn thì đâu chả giống nhau, và đây là tiểu thuyết cơ mà, có phải viết truyện người thật việc thật đâu. Cụ Lỗ Tấn chả dạy đấy thôi, một con người trong văn học thì cái mặt ở Bắc Kinh, nhưng đôi chân lại ở Triết Giang, cánh tay lại ở Phúc Kiến. Tổng hợp lại mới thành người Trung Quốc.

Tôi đưa những thực tế từ Thanh Hóa về miền trung du bởi những phong tục, tập quán, lời ăn tiếng nói ở trung du tôi đã thông thuộc, khi viết sẽ không bị khiên cưỡng, không bị cho là “nhại”. Cũng vui là khi sách in ra cả Thanh Hóa và Thái Nguyên không ai “kêu” mà đều nhận đây là chuyện của huyện mình, xã mình!

- Một số nhà văn khi viết luôn luôn có nguyên mẫu. Vậy trong truyện của ông có nguyên mẫu không? Và tựa vào nguyên mẫu có lợi và hại gì?

+ Tôi không hề có nguyên mẫu. Tôi đã thăm dò cách xây dựng nhân vật của một số nhà văn đàn anh, thì thấy hai nhà văn Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Quang Sáng cũng rất ít có nguyên mẫu, họ đều gom góp những mảnh đời, những số phận, rồi nhào nặn thành một con người theo kiểu của mình.

Lại đúng như cụ Lỗ Tấn nói đấy: Vậy phải bịa thế nào cho người ta tin? Đấy chính là vốn sống, là cuộc đời, là sự thông thuộc một khu vực địa lý, một lớp người, một loại người nào đó. Tất cả những cái đó đã ở sẵn trong anh, như là những người thân, như chính là ta vậy. Để khi viết về đề tài đó, về vấn đề đó, thì tất cả cái vốn sống đã có sẵn nhưng lâu nay đang ngủ trong anh được đánh thức, được huy động và nó sẽ hiện lên trang giấy nhiều khi ngoài sức nghĩ, ngoài ý đồ của anh. Một nhà văn lớn đã nói đại ý: Những trang văn hay thường là không giải thích được, không cắt nghĩa được tại sao lúc ấy lại viết được như thế. Và người ta bình: Trời cho!

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thân tình này

Lan Hương
.
.