Hơi bị...thoáng

Thứ Tư, 16/09/2009, 09:30
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa trình Chính phủ Dự thảo Quy chế về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng lần thứ 2 (trước đó, vào tháng 4/2009, bản Dự thảo này được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và sau đó được bổ sung, sửa đổi thêm một số điều khoản). Có thể nói, so với Dự thảo lần một thì Dự thảo lần này có khá nhiều sự thay đổi.

Ngoài một thay đổi theo chiều hướng "siết chặt" là hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử không được quá 10h đêm (trước đây là không quá 11h đêm) thì hầu hết đều có xu hướng "mở".

Điểm "mở" đầu tiên là sau 4 năm ngừng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường theo Chỉ thị 17 của Chính phủ thì thời gian tới loại hình này sẽ tiếp tục được cấp phép mới. Quyết định này được đề xuất từ cuộc họp lấy ý kiến của 11 Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Điều đáng chú ý là tất cả các đại biểu tham dự cuộc họp này đều đồng thuận với kiến nghị cấp mới giấy phép cho kinh doanh dịch vụ karaoke. Theo các đại biểu, căn cứ vào tình hình thực tế, thời gian gần đây, số vụ vi phạm liên quan tới karaoke, vũ trường giảm hẳn. Trong khi đó, ở nhiều địa phương, nhu cầu giải trí của người dân bằng dịch vụ này tăng cao.

Hơn nữa, chính việc không cấp phép kinh doanh karaoke đã nảy sinh một số biến tướng tiêu cực như nhiều cơ sở lách luật bằng cách đăng ký kinh doanh dịch vụ thu âm nhưng ngoài thiết bị thu âm thì vẫn có thiết bị để hát karaoke. Trong hóa đơn thanh toán sẽ chỉ ghi là tiền thu âm hay tiền uống nước. Nhiều nhà hàng còn đưa ra lý do là mua thiết bị karaoke để đáp ứng nhu cầu giải trí của… nhân viên.

Bên cạnh việc tái cấp kinh doanh karaoke thì quy định cấm khiêu vũ trong phòng karaoke được thay bằng "chỉ được kinh doanh dịch vụ khiêu vũ, vũ trường ở những địa điểm đủ điều kiện".

Trong quy chế mới cho phép khách sạn 4 sao trở lên được mở cửa kinh doanh dịch vụ văn hóa sau 12h đêm nhưng không quá 2h sáng. Các quán bar nằm trong khách sạn và cơ sở lưu trú 3 sao trở lên cũng được áp dụng thời gian hoạt động tới 2h sáng. Sở dĩ có quy định này vì các nhà quản lý cho rằng, các khách sạn 4 sao trở nên có đủ trình độ để quản lý chặt chẽ. Hơn nữa, khi thăm dò ý kiến khách du lịch nước ngoài tại các khách sạn thì họ đều có nhu cầu được giải trí tại khách sạn sau 12h đêm.

Có thể nói, Dự thảo lần này có nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên cũng không ít người lại lo ngại hiệu quả của những biện pháp này. Với loại hình kinh doanh trò chơi điện tử thì việc quản lý thực chất thế nào mới là quan trọng. Trước đây, chúng ta quy định không được quá 11h đêm nên rất nhiều cửa hàng tới giờ này sẽ đóng cửa, tắt đèn nhưng thực chất khách vẫn chơi ở bên trong.

Việc tái cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke khiến nhiều người lo ngại loại hình dịch vụ này ồ ạt xuất hiện. Đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết sẽ không có tình trạng này vì các địa phương sẽ phải gửi quy hoạch cho Bộ duyệt. Việc cấp phép phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn đề ra cũng như quy hoạch của từng địa phương. Tuy nhiên, điều lo ngại là nếu cấp phép theo quy hoạch của từng địa phương sẽ dẫn đến tình trạng người nào xin đăng ký trước thì được, người sau thì không. ấy là chưa kể, một khi đã cấp phép mà không quản lý sát sao, dịch vụ này sẽ "bung ra" khiến chúng ta khó mà nắm được con số chính xác.

Hy vọng rằng, cùng với Dự thảo, những biện pháp quản lý hữu hiệu sẽ giúp chúng ta có được môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh

Khánh Thảo
.
.