Học làm… khán giả nghệ thuật

Thứ Năm, 23/04/2020, 07:47
Ai cũng có thể ngắm một bức tranh, nghe một ca khúc, xem một bộ phim... và bảo rằng mình thích hay không thích. Nhưng để giải thích một cách thuyết phục tác phẩm đó hay – dở chỗ nào, ý đồ nghệ thuật là gì, vì sao nó là kiệt tác... thì hơn 90% công chúng Việt hoặc sẽ lúng túng, hoặc nhận xét cảm tính, hoặc lặp lại y chang những gì các nhà phê bình định hướng mà không có nhận định riêng.


Cảm thụ nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoàn thiện tâm hồn, nhân cách con người. Biết cách thưởng thức cái đẹp, nhận diện được đâu là nghệ thuật, đâu là phi nghệ thuật sẽ giúp giới trẻ nâng cao trình độ thẩm mỹ, bồi bổ đời sống tinh thần.

Điều quan trọng hơn nữa, giới trẻ chính là tấm gương phản chiếu tương lai của nền nghệ thuật nước nhà. Bởi phần đông trong số họ chính là nguồn khán giả tương lai của văn hóa nghệ thuật, là mắt xích quan trọng trong bộ ba: người sáng tác – người biểu diễn – người thưởng thức. Đáng tiếc, trong khi trình độ của người sáng tác, người biểu diễn không ngừng được đầu tư, chăm chút thì trình độ của người thưởng thức gần như bị bỏ ngỏ.

Không chỉ học làm khán giả, học viên của chương trình “Tiếp bước trăm năm” còn thử sức với sân khấu cải lương.

Chúng ta luôn miệng chê bai thị hiếu công chúng thấp kém, kêu ca họ thờ ơ với nghệ thuật chất lượng cao (đặc biệt là nghệ thuật hàn lâm) nhưng rõ ràng làm sao đòi hỏi cao được khi bản thân khán giả không được đào tạo, hướng dẫn cách hiểu ngôn ngữ nghệ thuật một cách cơ bản. Đã không hiểu thì sao bắt họ yêu? Nếu các nước trên thế giới chú trọng giáo dục nghệ thuật cho học sinh thì ở Việt Nam, chúng ta chỉ chăm chăm cho học sinh nhồi nhét các môn khoa học mà xem nhẹ việc giáo dục nghệ thuật. 

Các nhà chuyên môn chỉ ra sự bức thiết của việc đẩy mạnh chương trình giáo dục nghệ thuật trong nhà trường. Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường không có nghĩa là chúng ta mang tham vọng tạo ra lực lượng sáng tác và biểu diễn bởi không phải ai cũng có năng khiếu. Điều quan trọng chính là đào tạo lực lượng khán giả tương lai có đủ trình độ, có thói quen thưởng thức văn hóa nghệ thuật.

Ở các quốc gia phát triển, việc dạy cảm thụ nghệ thuật quan trọng hơn thực hành nghệ thuật. Theo họa sĩ Nguyễn Trung Tín, đáng báo động là ngành giáo dục Việt Nam đang làm ngược lại. “Thử giở lại chương trình đào tạo mỹ thuật phổ thông sẽ thấy, chúng ta dạy các em cắt chữ, vẽ trang trí, kẻ dán, nặn theo mẫu... nhưng chúng ta lại ít dạy về thẩm mỹ mỹ thuật, chúng ta không dạy chúng biết cách thưởng thức mỹ thuật.

Làm vậy có khác nào chúng ta đang gắng sức đào tạo những họa sĩ nhí, thậm chí là thợ vẽ chứ không phải là những công chúng có gu thẩm mỹ, biết thưởng thức cái đẹp. Tôi qua nước Nhật và thấy học sinh Nhật được giáo dục rất kỹ về cách xem tranh. Mặc dù chỉ dạy cho học sinh tiểu học, nhưng sách giáo khoa Nhật Bản có rất nhiều tranh của các tác giả trong nước lẫn thế giới, được phân tích kỹ lưỡng, giới thiệu hoàn cảnh ra đời, tác giả là ai, bố cục, nội dung, chất liệu...

Tôi cũng rất ngạc nhiên khi sách dạy mỹ thuật cho học sinh Hàn Quốc đề cập rất kỹ đến nghệ thuật hiện đại. Nhờ vậy thanh thiếu niên ở nước bạn am hiểu tường tận về các trường phái mỹ thuật, ý nghĩa, thậm chí đưa ra góc nhìn riêng về các bức tranh, tác phẩm điêu khắc nổi tiếng” – họa sĩ Nguyễn Trung Tín cho hay.

Với giới trẻ Việt Nam, hầu hết sẽ ấm ớ khi được hỏi về các trường phái mỹ thuật, yêu cầu phân tích cái hay, cái đẹp của bức tranh. Đứng trước tác phẩm mỹ thuật theo trường phái trừu tượng, biểu hiện..., họ thấy đầu óc quay như chong chóng. Việc hổng kiến thức, yếu kém trình độ thẩm mỹ còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn nhiều.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chỉ rõ: chính vì thiếu hiểu biết nên công chúng của thị trường mỹ thuật Việt Nam không tôn trọng các sáng tạo nghệ thuật, không thẩm định được giá trị tác phẩm. Do đó vấn nạn tranh giả, tranh chép tha hồ lộng hành, gây lũng đoạn thị trường mỹ thuật. Nạn phê bình giả hiệu đi đôi với những phát ngôn cảm tính, thiếu chuyên nghiệp về các sáng tác mỹ thuật giá trị cao cũng làm nguy hại đến nền mỹ thuật nói chung và thị trường tranh Việt nói riêng.

Ở lĩnh vực sân khấu, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu kịch Idecaf cho hay nhiều vở phải hoãn lịch diễn bởi ngày càng thiếu vắng khán giả. Số người yêu kịch dần rơi rụng thì nói gì đến các loại hình sân khấu truyền thống như cải lương, tuồng, chèo... Đạo diễn Charlie Nguyễn nhiều lần than rằng ở Việt Nam, cứ làm phim theo dòng hài hước, lãng mạn, ngôn tình thanh xuân là có ăn. Giới trẻ là đối tượng chính của rạp phim và họ chỉ cần những bộ phim đơn giản, hài hước để giải trí, thế là đủ. Rất nhiều bộ phim giàu tính nghệ thuật lại bị chê bai vì khán giả không hiểu ngôn ngữ nghệ thuật, ý đồ, thông điệp của đạo diễn.

Nền mỹ thuật Việt Nam thiếu trầm trọng lớp công chúng có trình độ.

Như một nỗ lực kéo khán giả lại gần với nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ, đơn vị tư nhân chủ động tổ chức các khóa học ngắn hạn hoặc dự án cộng đồng đào tạo khán giả nghệ thuật. Dự án “Yume Art Project” của Tiến sĩ Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh là một điển hình. Bên cạnh những khóa học chia sẻ kiến thức nghệ thuật chuyên sâu từ các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, điện ảnh, âm nhạc, văn chương, hội họa..., vừa qua, dự án còn triển khai khóa học miễn phí “Thưởng thức cải lương” với sự tham gia giảng dạy của NSND Bạch Tuyết, TS Lê Hồng Phước, nghệ sĩ Huỳnh Khải...

Khóa học thuộc chương trình “Tiếp bước trăm năm” do “Yume Art Project” phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức nhằm đào tạo khán giả và lực lượng phê bình cải lương. Tiến sĩ Đào Lê Na chia sẻ: “Lúc mới khởi động khóa học, nhiều người kinh ngạc: “Coi cải lương mà cũng cần phải học sao?”.

“Mà học là học cái gì?”. Đến khi chính thức bước vào khóa học, họ hiểu rằng nghệ thuật cải lương có nhiều đặc trưng thú vị, họ biết thêm các làn điệu, động tác múa tay, múa chân kia có ý nghĩa gì, tính truyền thống dân tộc nằm ở đâu... Họ tự cảm nhận được cái hay cái đẹp của cải lương mà không phụ thuộc vào việc người khác nói hay thì họ thấy hay, kêu dở thì thấy dở. Từ đó họ tự biết được trong thời đại 4.0 này, cải lương cần cải cách như thế nào, giữ gìn ra sao để bộ môn nghệ thuật độc đáo của cha ông không mai một theo thời gian”.

Ở sân khấu kịch, ngoài chương trình “Đưa sân khấu vào học đường” của các sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh còn có thêm dự án thể nghiệm “The Run - A Theater Project” của nghệ sĩ Trà Nguyễn. Các buổi biểu diễn đều có sự tương tác trước vào sau giờ sáng đèn để nhà phê bình, ekip tổ chức và khán giả ngồi lại thảo luận, từ đó tạo góc nhìn đa chiều, cải thiện trình độ thưởng thức kịch đương đại. Riêng lĩnh vực âm nhạc cổ điển, nhiều năm qua Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP Hồ Chí Minh cố gắng duy trì đều đặn các suất diễn dành cho học sinh, sinh viên với giá vé ưu đãi. Âm nhạc dân tộc thì có chương trình “Người trẻ giữ hồn dân tộc” của NSƯT Hải Phượng.

So với các loại hình nghệ thuật khác, mỹ thuật có phần lép vế hơn trong cuộc đua cạnh tranh công chúng. Theo khảo sát của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng chiếm 40%; 20% dành cho điện ảnh; 10% cho các loại hình sân khấu; 20% cho văn học và 10% nhu cầu còn lại chia đều cho nhiếp ảnh, múa và mỹ thuật. Do đó, những khóa học hoặc chương trình cộng đồng về mỹ thuật khá hiếm hoi.

Để lấp đầy khoảng trống tiếp nhận của khán giả, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành rất cần thiết chứ không thể giao phó hoàn toàn cho một đơn vị, cá nhân người làm nghệ thuật. Bởi tuy phát huy tác dụng tích cực nhưng các hoạt động, khóa học cộng đồng vẫn còn khá rời rạc, thiếu bài bản và chiến lược lâu dài. 

Quan trọng nhất, trong giáo trình giảng dạy chính quy ở các trường phổ thông hiện cần những giờ học bắt buộc, nhất quán mang tính xây dựng quan điểm, tính thẩm mỹ khi tiếp nhận và thưởng thức các loại hình nghệ thuật. Khi trình độ cảm thụ nghệ thuật công chúng càng cao, nền nghệ thuật mới có động lực phát triển mạnh mẽ và đa sắc màu để đáp ứng đòi hỏi khắt khe, đa dạng của người thưởng lãm.

Mai Quỳnh Nga
.
.