Hoạt động tình nguyện khuyến đọc: Hành trình lan tỏa tình yêu sách
- Nhân Ngày sách Việt Nam 2019, nghĩ về “văn hóa đọc” của giới trẻ hiện nay
- Sách và phát triển văn hóa đọc
- Trên 510.000 học sinh, sinh viên dự thi “Đại sứ văn hóa đọc 2019”
- Nhiều thách thức đối với văn hóa đọc truyền thống
Hiện nay, trên cả nước có khoảng 40 nhóm và tổ chức tình nguyện khuyến đọc độc lập. Có nhóm mới ra đời nhưng cũng có nhóm đã có thâm niên hoạt động gần 20 năm như nhóm "Tủ sách giải trí và giáo dục".
Theo đánh giá của ông Dương Thành Truyền, đại diện Nhà xuất bản Trẻ, tình nguyện khuyến đọc là một hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực để nâng cao văn hóa đọc trước nguy cơ văn hóa đọc ngày càng mai một bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn.
Nhờ những nhóm tình nguyện tâm huyết này, sách được thổi luồng sinh khí mới, trở thành nguồn tri thức và tài sản có thể sinh lợi trong cộng đồng. Mục tiêu phụng sự của các nhóm là làm sao để xây dựng thói quen đọc sách cho mọi đối tượng độc giả khác nhau, giúp họ coi sách như người bạn thân thiết và chắt lọc hiệu quả những điều sách mang lại. Trong đó, thành phần độc giả là học sinh - sinh viên nghèo, khó khăn ở miền núi, hải đảo được hầu hết các nhóm quan tâm đặc biệt.
Một buổi "Hẹn hò sách" của nhóm "Book Connect". |
Với niềm tin vững chắc vào sức mạnh của giáo dục và tầm quan trọng của việc đọc, mỗi nhóm xây dựng cho mình một lối đi riêng biệt, đa dạng, đầy sáng tạo và cuốn hút. Đó có thể là mô hình phát triển thói quen đọc trong cộng đồng, mô hình thư viện cộng đồng, tổ chức các chuỗi các sự kiện, truyền thông sách cho đến trao tặng sách…
Nhóm "Sách chuyền tay" phát động phong trào tặng sách từ người đã đọc rồi đến người có nhu cầu mượn lại. Từ 30 quyển sách ban đầu do bốn bạn trẻ tự gửi đi cho mượn miễn phí trong các quận nội thành tại TP Hồ Chí Minh và qua đường bưu điện đến độc giả các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Tây, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Huế, Quảng Bình…, sau hai năm, số sách chuyền tay đã lên đến 8.000 quyển.
Điều đáng mừng là tổng số lượt mượn sách đã trên 8.000 lượt. Nhóm phục vụ đều đặn hàng ngày bởi 100 tình nguyện viên từ 8h30 sáng đến 7h tối các ngày trong tuần. Nhóm "Tiếp bước tương lai" thì quyết tâm đưa sách đến mọi miền Tổ quốc với dự án "mỗi tỉnh thành một tủ sách".
Đến nay, "Tiếp bước tương lai" đã hoàn thành dự án đưa sách đến với 66 trường THPT, 70 buổi workshop với gần 12.300 người trẻ tham dự. Bạn Ngọc Loan, thành viên nhóm "Sách và hành động", cho biết mô hình của nhóm là xây dựng và phát triển các câu lạc bộ đọc sách. Hiện nhóm đã có 250 câu lạc bộ trải dài từ Bắc đến Nam. Mỗi câu lạc bộ đều có một tủ sách gồm 50 cuốn.
Bài bản, chuyên nghiệp nhất trong các nhóm, tổ chức tình nguyện khuyến đọc có thể kể đến "Book Connect". Thành lập được 5 năm tại thành phố Cần Thơ, "Book Connect" không chỉ xây dựng tủ sách Se Sẻ cho học sinh nghèo vùng sâu vùng xa và kết nối những người yêu sách mà còn là nơi để mọi người giao lưu, chia sẻ những gì mình học hỏi, tâm đắc từ trang sách. Đại diện "Book Connect", bạn Trần Thiện Kiều cho hay nhóm thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu sách để các thành viên cùng đọc. Sau đó, mọi người gặp nhau để bàn luận sôi nổi về tác phẩm đó trong chương trình "Hẹn hò sách" diễn ra hai lần mỗi tháng. Trung bình có từ 10-20 người đến tham gia mỗi buổi "Hẹn hò sách".
Từ chương trình này, nhóm còn ra mắt "Bản tin Hẹn hò sách" cập nhật các thông tin bổ ích thú vị về sách, văn hoá đọc và tình hình giáo dục văn hoá trong nước và quốc tế. Ngoài ra, bản tin có thêm những bài viết với góc nhìn chuyên môn đa chiều về các vấn đề xã hội và kinh tế, nhằm khuyến khích giới trẻ nhận thức bền vững hơn về xã hội và các vấn đề liên quan.
Đến nay, bản tin đã in được 24 số và phát miễn phí cho các thành viên. Bên cạnh đó, mỗi năm "Book Connect" tổ chức một sự kiện với quy mô lớn như: "My book" (năm 2014), Tọa đàm "Khoan! Tôi nghĩ khác với tác giả" - Tư duy phản biện trong việc đọc (2017)…
Các thành viên nhóm "Tiếp bước tương lai". |
Tuy nhiên, hành trình xây dựng thói quen đọc sách cho mọi đối tượng độc giả hay việc kêu gọi các đơn vị, tổ chức, các mạnh thường quân cùng chung tay lan tỏa văn hóa đọc là hành trình vô cùng chông gai với các nhóm. Là nhóm đưa tủ sách đến tận vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, vùng biên giới, hải đảo, nhóm "Tiếp bước tương lai" cho hay mình đối diện vô số khó khăn.
Theo Nguyễn Thùy Ngân, đại diện nhóm, khó khăn về đường sá xa xôi không nhằm nhò gì so với những vướng mắc thủ tục hành chính mà các trường đòi hỏi. Điều khiến Ngân và các bạn ngạc nhiên nhất chính là một số thầy cô tỏ ra không mấy mặn mà, thậm chí từ chối hợp tác khi nhóm đến tặng sách bởi nhà trường chưa hề biết đến nhóm.
Theo thống kê của nhóm, tỷ lệ nhà trường thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách và tạo nhiều điều kiện cho các em học sinh đọc sách, cũng như tỉ lệ các em chịu đọc tương đối thấp, chỉ khoảng 30%.
Cũng cùng cảnh ngộ, nhóm "Tủ sách giải trí và giáo dục" luôn đau đầu khi tìm người đủ tâm và tầm để quản lý tủ sách ở địa phương. Ngoài ra, việc tìm kiếm nguồn nhân lực chịu được áp lực và thách thức của công tác khuyến đọc cũng là bài toán hóc búa.
Ngọc Loan cho biết nhóm "Sách và hành động" có nhiều câu lạc bộ trên cả nước nên nhân lực không chỉ đóng quân ở TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ mà còn quán xuyến các địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều bạn đã xin rời nhóm do không chịu được áp lực công việc.
Anh Phạm Ngọc Hoàng Huy, đại diện nhóm "Sách chuyền tay" thừa nhận: "Công việc khuyến đọc là một công việc không dễ dàng. Tạo được sự yêu thích và hứng thú đọc sách trong cộng đồng không phải là việc chỉ cần một, hai năm là xong mà đòi hỏi cả một khoảng thời gian dài bền bỉ từ 15 năm đến 30 năm". Những thành công đang có vẫn chỉ bước khởi đầu cho chặng hành trình rất dài đang chờ các nhóm tình nguyện khuyến đọc ở phía trước.
Sứ mệnh lớn nhất mà nhóm "Sách chuyền tay" theo đuổi là áp dụng công nghệ tiên tiến giúp sách tiếp cận người đọc dễ dàng hơn. Nơi nào có internet thì nơi đó các bạn trẻ có thể mượn sách từ dự án, từ chính tại địa phương nơi họ đang sống. Bởi số sách tiềm ẩn trong cộng đồng rất lớn, hơn bất cứ nhà sách nào. Những quyển sách đang nằm trên kệ, trong kho của người này có thể giúp ích cho nhiều người khác, đó là ý nghĩa của việc đầu tư xây dựng thêm website "Sách chuyền tay" để mỗi người dân tại thành thị hay nông thôn có thể truy cập, tìm kiếm và chia sẻ các sách hiện có.
Theo Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Phó giám đốc Công ty Đường sách TP Hồ Chí Minh, tính chính danh của mỗi nhóm, dự án, chương trình vẫn chưa rõ ràng là rào cản khiến hoạt động tình nguyện khuyến đọc vấp phải sự e dè của các địa phương.
"Để hỗ trợ các nhóm hoạt động hiệu quả, giúp các mục tiêu tốt đẹp tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng, sự tiếp sức của Hội Xuất bản Việt Nam là rất quan trọng. Hội cần gắn hoạt động tình nguyện khuyến đọc vào sự nghiệp phát triển thói quen đọc sách của Hội.
Bên cạnh đó, Hội có thể đào tạo nguồn nhân lực cho các nhóm, giúp các nhóm có thêm khả năng quản trị các dự án khuyến đọc, cung cấp giải pháp công nghệ để các nhóm có thể tiếp cận nhằm tăng tính hiệu quả trong công việc. Việc xây dựng các kế hoạch truyền thông, hỗ trợ về tài chính… cho các nhóm cũng là vấn đề rất cấp thiết"- Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt kiến nghị.