Họa sỹ Lê Kinh Tài: Khát vọng đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam ra thế giới

Thứ Tư, 09/12/2015, 08:00
Công bằng nhìn nhận, không riêng gì Việt Nam, ở các nước khác cũng vậy, mặt bằng dân số có ý thức sưu tầm nghệ thuật luôn là số ít, chúng ta hãy thẳng thắn nhìn thẳng vào vấn đề, những đại gia như bạn vừa ví dụ, họ sẽ nghĩ gì khi thấy đồng nghiệp của họ cũng đầu tắt mặt tối mà không giàu? Trong khi thiển ý họ (có thể) làm giàu không khó nếu chịu đầu tư mạo hiểm vào thứ họ nắm rõ mười mươi...

- Thưa họa sỹ Lê Kinh Tài, được biết anh và đồng nghiệp mới vừa tổ chức một triển lãm có tên Filter (nằm trong chuỗi các dự án nghệ thuật của Gallery UrbanArt của anh) và đây là triển lãm hiếm hoi bán vé vào cửa để làm từ thiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là triển lãm ấy có bán được nhiều tác phẩm hay không và khách mua chủ yếu là giới nào?

+ Họa sỹ Lê Kinh Tài (HS.LKT): Thật ra điều "quan trọng" mà bạn vừa nhắc lại là điều không quan trọng bậc nhất trong chuỗi dự án nghệ thuật của chúng tôi ngay tại thời điểm này. Có chăng là điều kiện đủ trong kết cấu: "Nghệ thuật đúng nghĩa - Đối tượng công chúng thưởng lãm - Người sưu tập". Ở điều kiện cần, qua triển lãm vừa rồi, tôi nghĩ chúng tôi bước đầu chứng minh mình đã suy nghĩ đúng và hành động đúng. Nghĩa rằng chúng tôi đã thực sự dọn và trưng bày trang trọng một món ăn tinh thần đúng nghĩa, hầu chọn những "thực khách" có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật một cách trong suốt.

Điều trước tiên, người nghệ sĩ muốn công chúng thưởng lãm trân trọng tác phẩm, mình phải trân trọng họ trước. Chúng tôi có một ngày vernissage (buổi tiền-khai mạc, riêng tư) với những người đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam đương đại mà chúng tôi biết và ngỏ lời mời với họ trước. Những ngày triển lãm diễn ra, thêm một lần nữa danh sách những người bạn đồng hành với chúng tôi lại dài thêm. Đây là mô hình Art show không mới trên thế giới, nhưng thực sự mới với cách tổ chức triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam.

Vậy nên, việc bán vé (dù để làm từ thiện) là chủ đích để tìm kiếm người thưởng lãm nghệ thuật đúng nghĩa và thực sự quan tâm đến Mỹ thuật Việt Nam đương đại, rất có thể họ cùng chúng tôi xây khát vọng đưa nghệ thuật đương đại Việt ra thế giới.

- Có nhiều người vẫn nói rằng "Khán giả của các triển lãm mỹ thuật Việt Nam bây giờ chủ yếu là người trong giới, bạn bè của tác giả. Còn khán giả vãng lai chủ yếu là du khách nước ngoài". Anh có cảm nhận gì về đánh giá đó?

+ Đó là một nhận định đúng, thậm chí nếu thực lòng nhìn nhận, nó sẽ còn tiếp tục như thế một cách "phù hợp hóa" cho việc tự vuốt ve và tán tụng nhau, cho đến khi ở Việt Nam thực sự có một thị trường nghệ thuật đúng nghĩa. Vậy cách nào để thoát với cái vòng luẩn quẩn này và nghệ sỹ đưa tác phẩm của mình đến người có nhu cầu thưởng lãm hay sưu tập thực thụ?

Cá nhân tôi trong 10 năm gần đây, tôi đã từng làm 10 triển lãm riêng và hơn số ấy là các triển lãm nhóm. Hầu như tất cả triển lãm của mình, ngay bản thân tôi, cốt cũng bày ra để giới thiệu cùng bạn bè, đồng nghiệp những concept mới của mình trong năm là chính. Tuy nhiên, để thực sự đưa nghệ thuật của mình đến đúng đối tượng thưởng lãm và người sưu tập cần phải nghĩ khác, tôi tham gia nhiều trại sáng tác quốc tế, nơi có sự tuyển trạch người đến nhiệm trú sáng tác một cách gắt gao. Tôi đã đi nhiều nước tiên tiến trong việc đưa nghệ sỹ ra ngoài biên giới quốc gia để tìm hiểu cách làm việc chuyên nghiệp của bộ tứ: "Nghệ sỹ - Gallery - Giám tuyển - Nhà sưu tập". Tác phẩm nghệ thuật không đơn thuần chỉ là "Vẽ - Giới thiệu - Hướng đến số đông - và bán".

Cần phải nói thêm, một trong những yếu tố quyết định để làm nên "sự có mặt" của nghệ sỹ mà Giám tuyển, Nhà sưu tập, Gallery muốn, điều cần trước tiên, ngoài tác phẩm tốt, mang đúng hơi thở đương đại của nghệ sỹ, điều kiện đủ chính là hành vi nghệ thuật và thái độ trong tư duy sáng tạo của chính nghệ sỹ đó mới là điều quyết định cho nhà sưu tập. Cần nhớ rằng vai trò của một nhà sưu tập khác hẳn một người buôn bán tranh. Chức năng giới thiệu nghệ sỹ của Art Gallery khác với chủ cửa hàng bán tranh và cuối cùng, vai trò của Giám tuyển phải đứng ngoài vai trò của Art dealer (môi giới nghệ thuật). Nếu cứ mãi nhập nhằng với những mắt xích này thì đừng mong có câu trả lời cho câu hỏi: Nghệ thuật đương đại Việt đang ở đâu trong bản đồ khu vực chứ đừng nói gì đến bản đồ nghệ thuật thế giới.

- Theo anh, phải chăng, tài trợ, đầu tư cho nghệ thuật, theo hướng đầu tư tư nhân, vì đam mê và sở thích là hoạt động không hề tồn tại trong giới người có tiền của ở Việt Nam mà chỉ có hoạt động tài trợ cho giải trí đơn thuần. Như vậy, đang tồn tại một khoảng cách giữa người có tiền và nghệ thuật, một khoảng cách không thể xích lại gần?

+ Xét cho cùng, đầu tư cho nghệ thuật đúng nghĩa hay đầu tư cho giải trí đơn thuần đều là hành vi đáng trân quý, bởi ở đó cả hai đều là cách đưa món ăn tinh thần mà xã hội cần.

Tôi được biết là có những người trong tầng lớp tạm gọi là "nhà giàu", vì đam mê nghệ thuật, đã và đang sở hữu các tác phẩm theo hướng đầu tư nghệ thuật như là bảo tồn một vật phẩm văn hóa, dù âm thầm lẻ tẻ với những hy vọng mơ hồ có được, xuất phát từ sự "thấy" đường dài trong tư duy có chiều hướng "mở" của chính những nghệ sỹ mà họ đồng điệu trong xúc cảm nghệ thuật. Phải nên hiểu rằng doanh nhân dù giàu có đến mấy đi chăng nữa thì tiền của họ cũng là mồ hôi nước mắt, đã là doanh nhân giàu có, nghĩa là đối diện những kênh có cơ hội làm giàu họ thường nắm bắt và đầu tư hiệu quả nhất. Đừng nên vơ đũa cả nắm khi nghĩ  ra những câu hỏi ngớ ngẩn rằng "Tại sao giới doanh nhân giàu có không đầu tư nghệ thuật?". Tôi cho rằng quá hồ đồ khi nhận định như vậy bởi nhiều lẽ:

- Thứ nhất, ở ta đã có những quy chế về luật bản quyền tác phẩm khi không ít nghệ sỹ sau khi bán tác phẩm xong cho nhà sưu tập thì vội vàng sản xuất ngay một đứa con tinh thần khác giống đến 99% xuất hiện ngay tại nơi bán? Dĩ nhiên những con sâu làm rầu nồi canh như vậy không nhiều (tôi chỉ nói đến những nghệ sỹ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp).

-Thứ hai, ở Việt Nam, các tác phẩm nghệ thuật chưa được xem là tài sản được phép cầm cố thế chấp khi chưa có những quy định chính thống từ Bộ Văn hoá, hay thay vì những dự cảm mang tính cá nhân, cần có những quy chế rõ ràng để đưa tác phẩm nghệ thuật có giá trị vào hệ thống bảo tồn bảo tàng của nhà nước.

- Thứ ba, việc đầu tư nghệ thuật khác với việc mua một bức tranh về treo trong phòng cho tăng phần giá trị của chủ nhân khi kinh tế dư thừa. Tác phẩm nghệ thuật mà người sở hữu phải có một giá trị văn hóa nhất định thậm chí giá trị thặng dư có thể tăng dần từ sự thẩm định qua các kênh kể trên chứ không phải đơn thuần trị giá vật chất có được từ khi nó được sinh ra.

Bên cạnh những khó khăn nhất định từ sự cần và đủ cho một thị trường nghệ thuật đúng nghĩa kể trên, để các tác phẩm nghệ thuật đến với nhà đầu tư, ngoài vai trò Giám tuyển hay Phê bình nghệ thuật phải kể đến các phương thức phổ cập kiến thức mỹ thuật cho các Art Dealer. Tôi nghĩ, chính họ là cầu nối không kém phần quan trọng trong việc thẩm định giá trị một tác phẩm.

Vậy nên, thiển nghĩ, nếu chưa chuyên nghiệp, chưa chính thống thì đừng vội vàng thúc đẩy và kết luận "rằng mà là thì và" giới doanh nhân giàu có đang bỏ ngỏ thị trường nghệ thuật...

Một bức tranh của họa sĩ Lê Kinh Tài.

- Vậy, giới sưu tập tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam hiện tại hiện nay chủ yếu là ai, theo như anh nhận diện, trong các mối quan hệ công việc của anh suốt nhiều năm qua?

+ Điều oái ăm, giới sưu tập trong nước hiện nay sưu tập các tác phẩm của tôi chủ yếu lại là doanh nhân người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, họ chiếm đến hơn hai phần ba, tuy nhiên người Việt cũng "dám" mua những bức tranh có size khủng của tôi. Điều này chứng tỏ khát vọng chung tay thúc đẩy thị trường nghệ thuật Việt không phải nhỏ, chỉ tiếc, lại tiếc....

-  Tiếc ư? Anh tiếc gì? Phải chăng anh tiếc khi bước vào một căn nhà đẹp của một đại gia, và nhận ra rằng trong đó hoàn toàn không có sự xuất hiện của một tác phẩm mỹ thuật nào?

+ Tôi sẽ không ngạc nhiên về điều này lắm, thực ra tôi cũng có nhiều quan hệ trên công việc với các đại gia, cũng đừng bất ngờ và đừng đòi hỏi trên giá sách nhà họ có các cuốn sách về "Triết học phương đông","Triết học phương Tây", hay các chủ đề Nghệ thuật các thế kỉ này nọ, thay vào đó là những cuốn về "Những bí quyết tăng trưởng kinh tế" hay đại loại "Xử lý khủng hoảng thặng dư", thậm chí "Bí quyết nuôi cá Tra hầm"v.v. Gần hơn chút, sau bộ bàn ghế hàng tỷ đồng, phía trên tường là bức tranh mỹ nghệ được chép vội và vụng bằng sơn dầu của một tay thợ vẽ nào đó.

Công bằng nhìn nhận, không riêng gì Việt Nam, ở các nước khác cũng vậy, mặt bằng dân số có ý thức sưu tầm nghệ thuật luôn là số ít, chúng ta hãy thẳng thắn nhìn thẳng vào vấn đề, những đại gia như bạn vừa ví dụ, họ sẽ nghĩ gì khi thấy đồng nghiệp của họ cũng đầu tắt mặt tối mà không giàu? Trong khi thiển ý họ (có thể) làm giàu không khó nếu chịu đầu tư mạo hiểm vào thứ họ nắm rõ mười mươi...

Vậy nên, làm thế nào để những đại gia ấy thấy việc sưu tầm nghệ thuật có thể là một thú vui khi sở hữu một vật phẩm văn hoá độc bản đã là chuyện lớn, chưa nói đến việc kích cầu để các tác phẩm thực sự có giá trị ấy trở nên trị giá cao như là một phương án đầu tư mạo hiểm theo thời gian, quả là một chuyện vừa lớn vừa dài.

Rõ ràng, vẫn còn một khoảng hổng trong giáo dục thẩm mỹ cho người dân đang bị bỏ ngỏ...

- Một nhận xét ngắn gọn của anh về giới có của ở Việt Nam?

+ Tài sản có thể đồng đều nhưng con đường làm giàu khác nhau từ vốn tri thức khác nhau, sự tiếp cận văn hoá không đồng đều dẫn đến tiệm cận và mất cân bằng trong dòng đối lưu sở hữu vật chất, mỹ cảm trong văn hóa nghệ thuật nói chung cũng không thể đồng bộ.

- Thế nên nghệ thuật Việt Nam vẫn phải tìm đường ra thế giới như đến những kinh đô của ánh sáng, ở đó nghệ thuật sẽ được định danh, được tỏa sáng và được tôn vinh vẻ đẹp cũng như những giá trị đích thực?

+ Bạn nói đúng, ngoài việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ trong văn hóa Việt, những người yêu nghệ thuật, tôn vinh giá trị của nghệ thuật ở Việt Nam vẫn đang âm thầm nuôi và thực hiện bằng được khát vọng đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam ra thế giới.

Văn Đoàn (thực hiện)
.
.