Họa sĩ tranh vải Trần Thanh Thục: Ghép những giấc mơ đời mình

Thứ Bảy, 28/05/2016, 08:34
Từ ngày 23 đến 29-5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra triển lãm mỹ thuật  mang tên “Đồng dao mùa hạ” của hai họa sĩ Lê Tuấn Anh và Trần Thanh Thục. Đây là triển lãm chung lần thứ 2 của hai người bạn nghề lâu năm. Trước đó, năm 2014, “Mùa thu” đã được tổ chức thành công ở nhà triển lãm 16 Ngô Quyền. 


Tại cuộc triển lãm này, một lần nữa nữ họa sĩ Trần Thanh Thục lại cho người yêu hội họa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cuộc sống, thiên nhiên, con người Việt Nam qua 25 bức tranh cắt vải đã được chị kỳ khu sáng tạo, hoàn thành trong 2 năm qua. Từ những miếng vải vụn được thu lượm từ mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, Trần Thanh Thục đã vẽ nên những bức tranh ngợi ca cuộc sống bằng ánh mắt trìu mến, lạc quan, yêu đời với một trái tim đầy ấm áp, yêu thương...

Căn nhà nhỏ của họa sĩ Trần Thanh Thục, bốn bề toàn những tranh. Cả thảy mấy chục bức đã được đóng khung kính, treo cẩn thận lên giàn treo. Cũng có những bức vẫn còn dang dở, đợi chủ nhân hoàn thiện nốt trước ngày “trình làng”.

Đã nhiều lần tham gia triển lãm nhóm, nhưng mãi tới năm 2015, họa sĩ Trần Thanh Thục mới có cho mình một triển lãm cá nhân mang dấu ấn đậm nét với những bức tranh được sáng tạo từ hàng ngàn họa tiết vải ghép lại, gây hứng thú, bất ngờ cho không chỉ người yêu mĩ thuật trong nước mà với nhiều khách nước ngoài. Tự nhận là người ngày càng “tham lam”, tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục chủ yếu là đề tài trường cảnh với khổ tranh ngày một lớn.

Họa sĩ Trần Thanh Thục.

Họa sĩ Trần Thanh Thục cho biết, cũng như các họa sĩ khác, khi bắt đầu sáng tác, chị cũng thực hiện những bức tranh nho nhỏ, khổ 30x30cm với đề tài làng quê, góc phố, hoa lá... Nhưng rồi, theo thời gian, những bức tranh của chị cứ lớn dần lên 50x50cm, rồi 60x120cm và chắc là vẫn chưa dừng lại.

Họa sĩ Trần Thanh Thục kể rằng, việc chị đến với hội họa cũng như việc chọn chất liệu vải làm họa phẩm cũng rất tình cờ. Sinh ra và lớn lên ở Nam Định trong một gia đình đông anh chị em, cô bé Trần Thanh Thục lúc bấy giờ không thể ngờ được những nét vẽ nhăng cuội, tinh nghịch tuổi học trò của mình lại lọt vào mắt xanh một người bạn họa sĩ của bố.

Được bạn của bố dạy dỗ, kèm cặp, học hết lớp 7, Trần Thanh Thục thi đỗ vào hệ Trung cấp (học 5 năm) của Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Cho đến bây giờ, nhớ lại cái ngày được bố báo tin mình đã đỗ vào Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, họa sĩ Trần Thanh Thục vẫn nhớ được cảm giác sung sướng, hạnh phúc khó tả của giây phút ấy.

Sau 5 năm miệt mài trên ghế nhà trường, buổi sáng học văn hóa, buổi chiều học vẽ, đến khi ra trường, Trần Thanh Thục lại trở thành một công chức nhà nước. Nhưng chị chưa bao giờ từ bỏ giá vẽ và niềm đam mê từ thuở thiếu thời không chỉ còn nguyên vẹn mà còn được nuôi dưỡng lớn thêm lên. Chị từng vẽ tranh sơn dầu, bột màu, màu nước trên nhiều chất liệu, song với chị, tình yêu cháy bỏng nhất đời sáng tạo lại chính là tranh vải. Suốt hơn 30 năm miệt mài với tranh vải, họa sĩ Trần Thanh Thục đã trở thành họa sĩ Việt duy nhất sáng tạo tranh vải với đề tài trường cảnh, khổ lớn với nhiều lần triển lãm và có nhiều tranh đã theo chân du khách ra nước ngoài.

Họa sĩ Trần Thanh Thục kể, chị phát hiện ra vải cũng có thể trở thành một chất liệu để sáng tác hội họa trong một lần đến nhà bạn làm thợ may chơi, ngồi trò chuyện với bạn, buồn tay mới lấy kéo cắt những mảnh vải vụn và ghép thành một bức tranh phong cảnh làng quê trữ tình. Khi nhận ra hiệu ứng thẩm mĩ bất ngờ từ những mẩu vải vụn, lại được sự cổ vũ động viên nhiệt tình của bố và cả gia đình, Trần Thanh Thục bắt đầu sưu tầm những mẩu vải vụn có họa tiết.

Ngày xưa, vải vóc còn hiếm, hoa văn cũng nghèo nàn hơn bây giờ, nhưng bạn bè, người thân ai đi đâu thấy có vải vụn cũng xin về cho Thục làm họa phẩm. Vậy là ngoài giờ đi làm công chức nhà nước để "nồi cơm" của gia đình luôn được đảm bảo, cứ ngoài giờ hành chính là chị lại ngồi hàng giờ trước đống vải vụn để ngó nghiêng, soi xét, cắt xén, xếp đặt theo ý tưởng sáng tạo của mình.

Càng làm càng ham, song cũng phải đến những năm 2000, khi bạn bè giới thiệu cho chị một cặp vợ chồng người Thụy Điển tìm đến mua tranh vải. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kì lạ của những bức tranh vải, vị khách nước ngoài chỉ tay hết bức nọ đến bức kia, cuối cùng đã mua hết những bức tranh mà chị có trên tường nhà. Khi đó, vài ngàn đô có được từ việc bán tranh là một số tiền lớn với chị, song điều quan trọng nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, trở thành một nguồn động lực và niềm hi vọng về sự đầu tư, đam mê, sáng tạo của chị chắc chắn sẽ cho thu về "quả ngọt"...

Nhưng sự "bùng nổ" của Trần Thanh Thục chỉ đến khi chị đã vượt qua cú sốc mất đi người bạn đời với nỗi buồn, sự cô đơn bủa vây. Chị quyết định tiếp tục theo học Đại học Mỹ thuật khi đã bước qua tuổi 40. Trong môi trường của bút, màu, toan, vải... được gặp thầy, gặp bạn, sức sáng tạo của chị mới thực sự bung tỏa. Chị bắt đầu làm việc miệt mài từ thu lượm nguyên liệu cho đến chăm chút từng chi tiết nhỏ cho từng tác phẩm.

Với đặc thù của tranh vải là không thể vẽ phác thảo, mà khi thực hiện nếu không may hỏng thì phải bỏ đi, vì thế từ khi có ý tưởng trong đầu đến khi hoàn thiện một tác phẩm đem đi đóng khung là cả một chặng đường gian nan với không biết bao nhiêu lần ướm, thử. Làm tranh vải, Trần Thanh Thục phải nhờ bạn mang về từ Tiệp Khắc (cũ) một loại keo dán đặc biệt để tranh không bao giờ bị mốc hay đổi màu vải và vẫn đảm bảo sự tơ, mịn, bông, xốp của loại chất liệu đặc biệt này.

Tác phẩm tranh vải "Quê ngoại" của họa sĩ Trần Thanh Thục.

Những thành tựu từ các lần triển lãm nhóm đầu tiên, được giao lưu với khán giả và lắng nghe những cảm xúc của người yêu hội họa thực sự đã tiếp sức cho Trần Thanh Thục làm triển lãm cá nhân "Nhịp xuân" năm 2015, được giới mỹ thuật đánh giá cao.

Họa sĩ Trần Thanh Thục cho biết, sau mỗi lần triển lãm, chị đều cảm thấy kiệt sức bởi bao nhiêu sức lực chị đã dồn hết vào tranh. "Có những đêm tôi làm việc tới gần sáng mới đánh răng đi ngủ, vừa chợp mắt một chút đã lại phải dậy đánh răng đi làm. Nhưng lúc đó thì say lắm, quên hết thời gian, quên hết trời đất và những thứ xung quanh, chỉ còn lại mình với đống vải ngồn ngộn và bức tranh còn dang dở...".

Và sau này, khi có điều kiện đi bất kỳ nơi đâu, nơi đầu tiên Trần Thanh Thục tìm đến bao giờ cũng là chợ vải, các tiệm may áo dài để chọn mua những tấm vải có họa tiết, hoa văn, vân vải... về làm nguyên liệu cho các bức tranh tương lai.

Từ các phiên chợ miền núi ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Sapa, Điện Biên đến Huế, Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Cần Thơ... đi đến đâu, họa sĩ Trần Thanh Thục cũng tha lôi về bị to bị nhỏ toàn những vải. Từ vải dệt từ sợi lanh thô ráp, thổ cẩm, đến lụa, tơ, đũi hay những mảnh vải có xuất xứ từ nước ngoài đều được họa sĩ Trần Thanh Thục nâng niu, ngắm nghía, nâng lên đặt xuống, tư duy để đưa vào một bức tranh phù hợp của mình.

Điều đặc biệt là, những hoa văn họa tiết đặc sắc thường hay có ở những tấm vải dùng để may áo dài, vì thế không ít lần chỉ vì một hoa văn, họa tiết độc đáo nào đó mà chị phải mua nguyên một mảnh vải may áo dài có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Không giống như vẽ tranh bằng sơn dầu hay bột màu trên toan, lụa hay các chất liệu khác, sáng tác tranh từ các họa tiết được tỉ mỉ cắt ra từ vải mang lại những hiệu ứng bất ngờ về màu sắc, hình ảnh và có giá thành cũng không hề rẻ. Bởi vì ngoài sự cầu kỳ về nguyên liệu, mỗi bức tranh của họa sĩ Trần Thanh Thục đều chứa đựng trong đó hàng trăm giờ lao động miệt mài...

Nếu bạn đến với triển lãm "Đồng dao mùa hạ" của họa sĩ Trần Thanh Thục và Lê Tuấn Anh lần này, chắc hẳn sẽ có nhiều ngạc nhiên đang đợi. Cùng với những sáng tạo độc đáo của họa sĩ Lê Tuấn Anh, những bức tranh vải đặc biệt "Quê ngoại", "Tuyết Sapa", "Tuyết Hà Giang", "Phố Hội", "Góc phố mùa đông", "Đợi mùa sau"... của họa sĩ Trần Thanh Thục chắc hẳn sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm kỳ thú.

Nguyệt Hà
.
.