Họa sĩ, nghệ nhân Vũ Đức Thắng: Kẻ phiêu lưu đúng hướng

Thứ Hai, 25/07/2016, 08:04
Theo Thắng thì "một sản phẩm bình thường trở thành một sản phẩm văn hóa, không phải là chuyện đùa đâu, không thể làm trong ngày một ngày hai được đâu và càng không có chuyện đi tắt đâu nhé. Trên thế giới, sản phẩm kiểu này không nhiều, trong đó nhiều sản phẩm của hãng Nike...


1. Tôi gặp Vũ Đức Thắng lần đầu tiên trong đám cưới con gái của một người bạn lính. Nâng ly lên, đặt ly xuống, nói chuyện xa chuyện gần… cũng không thoát khỏi chuyện đời lính.

Tôi nói lần đầu gặp Vũ Đức Thắng, là chuẩn. Bởi vì tiếng là lính của E59 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) vào năm 1973, nhưng Thắng ở tiểu đoàn (76), tôi ở một tiểu đoàn (78). Lúc đi B., tuy cùng vào chiến trường Tây Nam Bộ, cùng phiên chế về Trung đoàn 1, nhưng Thắng lại ở trung đoàn bộ, làm vệ binh,  tôi lại ở D4 (còn có tên là tiểu đoàn 2012). Sau Ngày chiến thắng 30 - 4 - 1975, tôi trở về quận Hoàn Kiếm, Thắng trở về huyện Gia Lâm, tôi theo học Đại học Tổng hợp, Thắng theo học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Lúc nào hầu như cũng ở gần nhau, vậy mà phải mấy chục năm sau, mới có dịp ngồi bên nhau trò chuyện tâm tình theo lối hai thằng bạn vừa đồng niên, vừa đồng ngũ, vừa đồng hương… Chưa kể còn một, hai cái "đồng" nữa: Đồng sở thích, đồng yêu và đồng làm… nghệ thuật. Chưa kể, tôi và Thắng còn có một sợi dây vô hình buộc vào nhau từ lúc nào: Có năm, tôi tham gia đọc thơ, còn Thắng thì đưa thơ lên gốm trong Ngày thơ Việt Nam vào dịp rằm tháng giêng.

Thắng kể: "Đến giờ tôi vẫn không quên những làng Bảy, những Bù Đốp, những Lộc Ninh, những cánh đồng Chó Ngáp, những Lò Gò, xóm Giữa, lộ Vòng Cung, lộ Cái Sắn, ngã Bảy, kênh Ngang… Những cái tên mà một khi nhắc đến, tôi còn thấy đau đáu và ớn lạnh trong lòng. Đến giờ, tôi cũng không hiểu bằng cách nào mình đã đi qua một thời máu lửa ấy?

Chúng ta đã có một thời tuổi trẻ gắn bó với rừng tràm, rừng đước, với những xuồng 3 lá, 5 lá, giỏ lải, ghe tam bản… Với cả những gì một đi không trở lại nữa. Ban đầu, tôi là vệ binh ở trung đoàn bộ, sau thuyên chuyển sang Đoàn vận tải 195K có nhiệm vụ chính là vận chuyển vũ khí đi Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên, Cà Mau…

Đã không thiếu gì đêm, đơn vị tôi phải âm thầm giành giật với những dòng sông, những con kinh từng thước nước… Đã không thiếu gì lúc, cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc… Đã không thiếu những khi chỉ cần có ý nghĩ buông xuôi một chút là đời mình về "mo" ngay. Ngày 30 - 4 - 1975, đơn vị tôi đóng quân ở kênh Vĩnh Tế. Ngày 5 - 5 - 1975, đơn vị tôi vào tiếp quản thị xã Hà Tiên. Ngày ấy vui ơi là vui!".

Kết thúc chiến tranh, đơn vị cho Thắng lựa chọn: Một, tiếp tục tại ngũ, đào tạo thành sĩ quan; hai, xuất ngũ, trở về quê hương, bản quán. Và Thắng đã xuất ngũ. Anh tâm sự: "Ngay từ nhỏ, tôi đã yêu thích nghệ thuật. Những năm tháng học tập dưới mái trường phổ thông, thiên hướng nghệ thuật trong tôi bộc lộ rõ hơn. Do vậy, tôi muốn được tiếp tục theo đuổi con đường mà mình từng mơ ước. Tức là phải bằng mọi cách theo học đại học.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm: Cụ 6 đời nhà tôi tên là Vũ Văn Tuấn - tiến sĩ cuối cùng của Bát Tràng triều Nguyễn từng đi sứ Trung Quốc, từng được vua Tự Đức ban tặng một tấm bia. Còn bố tôi là người yêu văn học, từng làm nhiều thơ. Có một dạo cụ phiêu bạt vào Nam, sau ra Bắc vào thời điểm Thủ đô giải phóng. Vì lý do rất riêng mà cụ phải gắn bó với nghề gốm, mưu sinh bởi nghề gốm. Tôi ra quân rất sớm. Ngày 1 - 1- 1976, tức là chỉ sau ngày đất nước thống nhất khoảng 8 - 9 tháng, tôi đã từ biệt quân ngũ rồi".

- Rồi ông chọn Đại học Mỹ thuật Công nghiệp làm điểm đến? - Tôi hỏi.

 - Nói cụ thể hơn là Khoa Đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Đến năm 1980, tôi ra trường. Từ đây, đời tôi thực sự bước vào một bước ngoặt với nhiều thách thức mới - Vũ Đức Thắng trả lời.

- Bước ngoặt tự nhiên hay bước ngoặt xô đẩy?

- Xô đẩy thì chuẩn xác hơn. Nhưng đối với tôi, đây mới chỉ là bước ngoặt thứ nhất. Còn bước ngoặt thứ hai, tôi sẽ nói sau. Ngày ấy, tính thực tế của tôi thấp lắm. Cái chất lãng mạn vẫn chưa rời bỏ tôi. Nhưng rồi vì "phải sống" mà tôi lại phải dạt vào chính điểm xuất phát.

- Sao lại…dạt vào chính điểm xuất phát?

- Vì trước khi đi lính, gia đình tôi và tôi đã có dính dấp đến nghề làm gốm rồi. Mà ông không biết đâu, cái nghề này vất vả lắm. Xa xưa, các cụ từng nói: "Nhất thổ nhì mộc" đấy!

2. Theo Thắng, thời điểm ấy, gốm Bát Tràng chưa có gì đáng kể. Trước đây (kể từ sau 1945), sản phẩm gốm quê Thắng chủ yếu là đồ tiêu dùng, đồ thờ cúng. Đến năm 1958, xuất hiện mô hình "công - tư hợp doanh", vẫn sản xuất đồ tiêu dùng là chính. Mà những sản phẩm loại này thường không làm nên thương hiệu.

Những năm từ 1958 đến 1986, đến sản xuất bát ăn cơm cũng không hoàn thành chỉ tiêu. Giai đoạn này, Bát Tràng có thêm sản phẩm sứ cách điện. Nhìn chung vẫn chỉ đáp ứng một phần và chạy theo yêu cầu trước mắt. Cũng là một biểu hiện của "nhân bần trí đoản" thôi. "Tuy nhiên, từ năm 1986, quê tôi đã le lói một động lực để có cơ phát triển hơn trước. Ấy là việc chạy theo "cầu". Lập tức chúng tôi có thêm sản phẩm mới là bình, lọ, tượng để xuất khẩu.

Thời điểm này, Nhà nước có chủ trương trả nợ nước ngoài bằng hàng thủ công, mỹ nghệ và nhờ thế mà Bát Tràng có thêm "đầu ra". Tuy nhiên, cái vòng kim cô (bị động, phụ thuộc) vẫn chưa được cởi bỏ hoàn toàn" - Thắng kể.

Phải đến năm 1990, khi kinh tế thị trường bắt đầu nhen nhúm, sản phẩm gốm Bát Tràng mới đa dạng dần. Những bình, lọ, chum, choé, lư hương, đồ thờ thả sức ra đời với hình thức khác và nội dung cũng khác. Từ đây, một bước ngoặt thật sự đã xuất hiện đầy sinh khí. Đây cũng là thời kỳ phân rã, phân tách cực mạnh. Đây cũng là thời kỳ mà việc ứng dụng kiến thức cũng như tài năng vào sản phẩm được đẩy đến điểm cao. Mọi sự sáng tạo mang "chất" khác biệt, độc đáo đều có môi trường để cạnh tranh, phát lộ.

Bây giờ, ai có tài thực sự thì sống khoẻ và giàu có. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn rơi rớt kiểu sản xuất và kinh doanh tự phát, chạy theo bề nổi của thị trường. Điều này thì không tránh khỏi.  Bây giờ cộng đồng gốm của Bát Tràng rất mạnh. Có từ 95 đến 99% hộ dân gắn bó với nghề làm đồ gốm. Có đến cả vạn người sống nhờ sản phẩm gốm với thu nhập ổn định, đáng kể. Rồi lò gốm, chợ gốm, cửa hàng kinh doanh đồ gốm bùng nổ.

Theo Thắng thì "một sản phẩm bình thường trở thành một sản phẩm văn hóa, không phải là chuyện đùa đâu, không thể làm trong ngày một ngày hai được đâu và càng không có chuyện đi tắt đâu nhé. Trên thế giới, sản phẩm kiểu này không nhiều, trong đó nhiều sản phẩm của hãng Nike.

Theo tôi được biết, nhiều sản phẩm Nike được người tiêu dùng coi như biểu hiện của văn hóa đấy. Nhiều người dùng hàng Nike, chơi hàng Nike theo quan niệm như vậy. Mà khi đạt đến tiêu chuẩn văn hóa thì chúng có giá vô cùng. Sở dĩ tôi nói như vậy là cũng để nói: Cái đích phấn đấu của gốm Bát Tràng nói riêng và gốm của cả nước nói chung, còn rất nặng và rất mở".

3. Từ 2003 đến nay, thợ gốm Bát Tràng đã được tôn vinh. Năm 2003, Bát Tràng có 5 người được "phong" nghệ nhân cấp thành phố, trong đó có Vũ Đức Thắng. Năm 2010, Vũ Đức Thắng lại được thăng hạng là nghệ nhân cấp quốc gia. Cũng trong năm 2010, vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bát Tràng được thành phố chọn để mở một triển lãm gốm 1000 năm với 1000 sản phẩm đặc trưng qua các thời kỳ, trong đó có tâm sức đáng kể của Vũ Đức Thắng.

Thắng tâm sự: "Tôi có đến 20 năm phiêu lưu (về mặt ý tưởng) nhưng là kẻ phiêu lưu đúng hướng. Bên cạnh gia tài lớn nhất là bàn tay, bộ óc, lòng đam mê… hiện tôi đang sở hữu một số lượng sản phẩm (thủ công) hàng độc với giá trị không dễ tính đến được. Có thể là hàng triệu đồng, cũng có thể là lớn hơn thế rất nhiều lần. Đấy là kết quả của 10 năm vị nghệ thuật, 10 năm tôi làm cho tôi. Tôi luôn biết tự xé bỏ mình để trở thành mình ở tầng nấc mới. Nên nhớ từ nghèo đến giàu là một khoảng cách, nhưng từ giàu đến sang còn có một khoảng cách dài hơn nhiều. Có khi phải "đo" bằng nhiều thế hệ".

Khi đến Bát Tràng, tự dưng tôi nhớ đến 2 câu ca dao cổ: "Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông" và nhẩn nha đọc lại cho Thắng nghe.

Thắng cười: "Nhưng nó chỉ là sản phẩm phụ thôi. Xa xưa, gạch Bát Tràng chỉ là vật bao, che sản phẩm chính. Có ai ngờ nó lại nổi tiếng dai dẳng đến thế nhỉ?".

Nhìn vào vườn cây cảnh, Thắng hỏi tôi: Ông hiểu thế nào là bonsai?

Tôi trả lời: "Tôi nghĩ đó là một loại cây ép xác, cây đi tu và quý hiếm nhờ nhỏ, bé đến nỗi không nhỏ, bé thêm nữa. Nó ăn ví dụ, uống ví dụ và thở cũng…ví dụ. Tôi đã có một bài thơ mang tên Bonsai".

Thắng nói ngay: "Là thế nhưng không hẳn là thế. Nên nhớ cái cây cảnh trị giá hàng tỷ đồng này được gìn giữ và chăm sóc từ vài thế hệ của dòng họ nhà tôi đấy. Nhiều người thân thích của tôi đã chờ đợi nó, nương theo nó một cách kiên trì, bền bỉ và có lòng tin trong một khoảng thời gian rất dài mà tạo ra giá trị đích thực của nó. Quanh đời nó, là sự kế tục và hoàn thiện dài lâu, là cả một pho sách với nhiều chương, hồi hấp dẫn và kịch tính. Cái gì cũng rất cần sự căn bản và nguồn cội. Rồi từ đó mà tiếp nối và tôn cao thêm từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nghề gốm ở Bát Tràng này cũng vậy thôi mà!". 

Đặng Huy Giang
.
.