Họa sĩ Vũ Thái Bình: Thổi hồn cho dó
Những ngày này, Vũ Thái Bình đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm cá nhân của mình với tên gọi "Sắc Dó" sẽ diễn ra vào 18 - 10 tại Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội. Hơn hai mươi năm cầm cọ, Vũ Thái Bình đã từng có nhiều triển lãm chung với các đồng nghiệp nhưng đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh.
Vũ Thái Bình chia sẻ, sở dĩ anh chọn Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ vì ngoài lý do không gian nơi đây phù hợp với khuôn khổ những bức tranh giấy dó, phù hợp để anh chia sẻ những câu chuyện nhỏ của mình thì Trung tâm còn có nhiều hoạt động tâm huyết trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Với "Sắc dó " lần này, Vũ Thái Bình sẽ trưng bày hơn 40 tác phẩm tranh giấy dó anh vẽ liên tục trong khoảng 3 năm trở lại đây. Để có được số lượng tác phẩm ấy là hàng trăm bức vẽ, kết quả của những chuyến đi, là những lao động cật lực không tính được bằng thời gian. Vượt lên trên những bức tranh thông thường, Vũ Thái Bình muốn gửi gắm thông điệp về một dòng tranh mang đậm những giá trị truyền thống của cha ông.
Vũ Thái Bình "bén duyên" với giấy dó không lâu. Nếu tính thời gian thì mới chỉ hơn 3 năm nhưng với anh, gặp giấy dó là như gặp được tình yêu đích thực của đời mình. Vũ Thái Bình từng có những năm tháng tuổi trẻ tung tẩy với nhiều chất liệu.
Đã từng tới cả chục năm, Bình say mê vẽ về cuộc sống, sinh hoạt của những người tu hành. Những tác phẩm lạ, vô cùng ấn tượng. Hỏi tại sao một người trẻ đầy nhiệt huyết như anh lại mê những gam trầm lặng lẽ của đời sống tu hành đến thế? Vũ Thái Bình chia sẻ, anh tìm thấy ở đó một thế giới khác thế giới bon chen, xô bồ hàng ngày. Những tĩnh lặng, thanh khiết đến tận tâm can. Và anh vẽ vì thích, vì đam mê, chẳng chút toan tính nào.
Vũ Thái Bình luôn để nghệ thuật dẫn dụ mình. Anh tìm đến với giấy dó ban đầu cũng như một sự thử nghiệm. Nhưng rồi thứ giấy vàng nâu nhuốm màu thời gian và ram ráp ấy đã mê hoặc Bình ngay từ lần đầu. Mấy năm nay, Bình say sưa mê mẩn với giấy dó. Càng vẽ càng thấy hợp với tạng của mình, càng vẽ càng thú vị. Nhiều đồng nghiệp khi xem tranh của Vũ Thái Bình đã nhận định rằng "Anh hoàn toàn lột xác với giấy dó".
Với "Sắc dó", Vũ Thái Bình mang đến một thế giới hội họa không choáng ngợp, lạ lẫm mà tinh tế, sâu lắng tới từng đường nét. Đề tài trong tranh của Vũ Thái Bình giản dị và gần gũi gắn với sinh hoạt đời thường. Vũ Thái Bình vẽ nhiều và khá ám ảnh với chân dung người già.
Vũ Thái Bình thích vẽ người già. Từ việc anh dành nhiều yêu thương cho ông bà mình. Rồi tính anh hoài cổ, tha thiết với những điều xưa cũ. Những gương mặt tháng năm được Vũ Thái Bình khắc họa một cách tự nhiên, tỉ mỉ, đồng âm cùng màu nâu trầm của giấy dó, tất cả tạo thành bản hợp tấu hài hòa của màu sắc. Xem tranh chân dung của Vũ Thái Bình là bà lão đang bổ cau, là cụ già bán thổ cẩm nơi phố núi Sapa, là ông lão bán dứa ven đường... rõ ràng là chúng ta không quen mà thấy thân thuộc, gần gũi lắm.
Vũ Thái Bình cũng không cầu kỳ, làm xiếc với màu sắc hay đánh đố người xem. Những bức chân dung của anh luôn ám ảnh người xem vì nét vẽ dung dị, chứa chan cảm xúc. Khi thì là ánh mắt như đợi chờ, mong móng, khi thì là cái dáng còng thân thương trìu mến trong nắng trưa...
Tranh phong cảnh của Vũ Thái Bình cũng vậy, là bóng hoa dại ven đường, là cổng gạch rêu phong cũ kỹ phơi mình trong nắng trưa, là mái nhà thân quen gặp tình cờ trên một hành trình... Tất cả đều quen thuộc, là đâu đó quanh chúng ta mà chúng ta vì bận rộn và hời hợt thường lướt qua.
Tranh Vũ Thái Bình giản dị, tự nhiên mà khơi gợi cả miền ký ức yêu thương đâu đó trong mỗi con người ùa về. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng, còn một góc vườn xưa, một mái nhà cũ và bóng còng rạp của bà sâu kín và nhỏ bé trong mỗi chúng ta nhưng đủ để chúng ta thấy bình yên, che chở. Là người ưa trải nghiệm, Vũ Thái Bình thử cả 10 loại bóc (chỉ mức độ dầy của giấy dó) để trải nghiệm thú vị nhưng với chân dung, anh luôn tự thử thách mình ở bóc 1.
Đó là loại giấy mỏng nhất, vẽ khó vì dễ rách. Người vẽ giấy dó không có cơ hội để sửa. Nét nào phải ăn nét ấy. Những nét vẽ nhẹ và chắc, tự nhiên mà kỹ lưỡng của Vũ Thái Bình đã cho thấy anh khá chắc tay với kỹ thuật vẽ tranh đặc thù này.
Nghiêm túc và quyết liệt với nghề, Vũ Thái Bình tâm niệm, ngoài năng khiếu thì điều bắt buộc là phải rèn luyện. Anh cũng không cho rằng họa sĩ phải khác biệt so với mọi người. Sự khác biệt, cá tính của mỗi nghệ sĩ hãy thể hiện ở tác phẩm chứ không phải trên quần áo, đầu tóc. Màu sắc của tranh là thứ không thể tập được. Mỗi người có một màu sắc khác nhau. Nó thể hiện cá tính, khẳng định tài năng, đẳng cấp của mỗi họa sĩ...
Để có được điều đó thì vốn sống, sự quan sát rất quan trọng. Chính vì thế Vũ Thái Bình rất chịu đi. Mỗi chuyến đi mang lại cho anh những trải nghiệm riêng: "Ngày đi học, thầy giáo thường nhắc chúng tôi: Các cậu ký họa một hình sai còn hơn một trăm lần bịa hình đúng. Khi vẽ gì, chắc chắn phải hiểu bản chất của nó, chứ không đơn giản chỉ là vẽ đúng..."
Tranh màu nước giấy dó ''Mùa đông nhớ bà'' của họa sĩ Vũ Thái Bình. |
Vũ Thái Bình đã trải qua đủ năm tháng cực nhọc để làm nghề. Từ khi là anh sinh viên khoa Mỹ thuật sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, bắt xe buýt đi gửi tranh bán ở các galery, rồi tới khi là người đàn ông trụ cột gia đình, đối mặt với đủ thứ toan lo cơm áo gạo tiền nhưng chưa khi nào anh xao lãng với tình yêu hội họa của mình. Thứ tình yêu không được anh tô vẽ bằng những ngôn từ bóng bẩy hay giọng điệu lên gân lên cốt mà bằng thái độ nghiêm túc, sự âm thầm dốc lòng cho nghệ thuật.
Vẽ, với Vũ Thái Bình như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Ngay cả những thời điểm khó khăn, nhà thuê chật chội lại di chuyển liên miên, anh phải đốt đi khá nhiều vì không có chỗ để. Giờ đây, dù đã đỡ khó khăn hơn, anh có thể tạm yên tâm khi có một công việc ổn định để theo đuổi đam mê thì phòng vẽ của anh vẫn là căn gác xép chật chội. Những bức tranh cứ ra đời trong cái nóng tháng 6 hầm hập mùa hè, trong cái rét tê tái của mùa đông.
Tôi hỏi Vũ Thái Bình rằng, đã bao giờ anh hoang mang về con đường của mình không, khi rơi vào những hoàn cảnh cơ cực nhất. Anh thành thực là chưa bao giờ. Vẽ, với anh là khát vọng được bày tỏ, được chia sẻ những xúc cảm của đời sống. Và rồi, hữu xạ tự nhiên hương, những bức tranh đầy tâm huyết của người họa sĩ đã được khán giả trong và ngoài nước biết tới.
Vũ Thái Bình chia sẻ, giấy dó là sản phẩm thủ công của cha ông ta để lại, vì sự bền chắc của nó nên thường được dùng vào việc ghi chép văn bản chữ Hán nôm, viết bút lông mực tàu. Trước đây, họa sĩ chỉ dùng giấy dó để ghi chép. Người ta không coi nó là chất liệu của hội họa.
Sau này, dó được các họa sĩ dùng để vẽ, hiệu quả không hề thua kém các chất liệu khác mà độ bền của nó còn hơn cả những chất liệu khác. Giấy dó đang dần bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại, những làng nghề giấy dó nổi tiếng tập trung ở Hà Nội và Bắc Ninh cũng dần ít. Chính vì thế, không chỉ dành cho giấy dó một niềm say mê, Vũ Thái Bình còn mơ ước rồi đây sẽ có một nhóm họa sĩ đam mê giấy dó, cùng nhau giữ nét đẹp văn hóa dân tộc này.
Trò chuyện với Vũ Thái Bình, luôn có cảm giác có hai con người trong anh. Một con người mạch lạc, chỉn chu, khoa học trong công việc (Vũ Thái Bình hiện là họa sĩ quân đội) và một con người nghệ sĩ quyết liệt, tận cùng với những đam mê của mình. Hai con người ấy, trong Vũ Thái Bình chưa bao giờ mâu thuẫn. Trái lại, nó còn bổ sung cho nhau, giúp anh trọn vẹn với từng chức phận.