Họa sĩ Vũ Giáng Hương: Vẽ bằng màu tình yêu

Thứ Hai, 14/01/2008, 16:00
Những con người, cảnh vật họa sĩ Vũ Giáng Hương gặp trong mỗi chuyến đi đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào trong các sáng tác. Những bức tranh của bà bộc lộ cái nhìn điềm đạm, đầy lòng nhân ái. Bà cảm nhận chiến tranh bằng tâm hồn mẫn cảm của một người phụ nữ và sự thuần khiết của trái tim thiết tha yêu cuộc sống.

Họa sĩ Vũ Giáng Hương luôn khiến cánh phóng viên khâm phục về khả năng làm việc khi ở tuổi 77, bà vẫn thường hẹn họ tới trao đổi tại… cơ quan. Mặc dù luôn bận rộn nhưng ở bà lúc nào cũng toát lên phong thái nhẹ nhàng, lịch thiệp. Sinh ra trong gia đình trí thức lớn với người cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan và mẹ là nhà thơ Hằng Phương, ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Vũ Giáng Hương đã mang một tâm hồn nhạy cảm với nghệ thuật.

Mặc dù không đi theo con đường văn chương của cha, nhưng với bà, nhà văn Vũ Ngọc Phan có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của mình. Bà học được từ cha tinh thần làm việc miệt mài, cẩn trọng. Bàn làm việc của nhà văn Vũ Ngọc Phan ngày ấy lúc nào cũng tràn ngập sách báo.

Ông thường nói với con gái: "Sách có nhiều chuyện hay lắm, con học ở trường nhưng còn cần phải học trong sách mới mở mang kiến thức". Lời khuyên ấy của cha đã là một động lực để bà chăm chỉ đọc sách như truyện ngắn của Anphôngxơ Đôđê, Guyđơ Môpátxăng… Giờ đây, ngẫm lại bà luôn thấy, sách đã đem lại nhiều điều tốt đẹp cho sự nghiệp và cuộc sống của bà.

Sự nghiệp hội họa của Vũ Giáng Hương bắt đầu nảy nở trong 9 năm kháng chiến ở Việt Bắc khi bà được tiếp xúc và học dưới sự dẫn dắt trực tiếp của những họa sĩ bậc thầy như: Nguyễn Sĩ Ngọc, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn…

Bà vẫn nhớ như in chuyến đi thực tế cùng thầy Trần Văn Cẩn tại Vịnh Hạ Long khi đang là sinh viên khóa I Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Những cảm xúc khi hòa nhập vào cuộc sống của người dân chài lưới cùng kiến thức mà thầy Cẩn tận tình truyền đạt đã giúp họa sĩ Giáng Hương hoàn thành tốt bức "Hợp tác xã đánh cá".

Bức tranh đoạt giải 3 triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960 và khẳng định tài năng của họa sĩ trẻ Giáng Hương. Dù ở cương vị họa sĩ hay giáo viên, Vũ Giáng Hương là người mê đi thực tế và truyền được niềm say mê ấy cho các học sinh. Bà cho rằng, chỉ có hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, người nghệ sĩ mới có thể sáng tác được những tác phẩm chân thực, gần gũi.

Từ năm 1962, bà đã cùng các học sinh đi về nông thôn, đến các nhà máy, công trường. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thì đến các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong và tới tận Trường Sơn.

Để thực hiện được những chuyến đi ấy là sự cố gắng phi thường của người họa sĩ có dáng vóc mảnh mai với biết bao việc của thiên chức người phụ nữ.

Những con người, cảnh vật bà gặp trong mỗi chuyến đi đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào trong các sáng tác. Những bức tranh của bà bộc lộ cái nhìn điềm đạm, trong sáng, đầy lòng nhân ái.

"Ký ức chiến tranh" - tên một triển lãm cá nhân của bà - là hình ảnh bộ đội hành quân qua Trường Sơn, là những cô giao liên vá áo bên những chùm phong lan… tuyệt nhiên không có sự hiện diện của bom đạn. Bà cảm nhận chiến tranh bằng tâm hồn mẫn cảm của một người phụ nữ và sự thuần khiến của trái tim thiết tha yêu cuộc sống.

Vì thế, con người trong tranh luôn hòa mình cùng cỏ cây, hoa lá… thơ mộng, hữu tình. Đặc biệt, trong các sáng tác của mình, bà còn dành tình yêu, sự quan tâm đặc biệt tới trẻ nhỏ, búp non của cuộc sống với những nét thơ ngây và hồn nhiên nhất. Một chất liệu là sở trường và thành công nhất trong sáng tác của Vũ Giáng Hương là tranh lụa. Ngoài ra, bà còn vẽ thành công nhiều thể loại khác như ký họa thuốc nước và mực nho, đồ họa khắc gỗ, tranh sơn dầu.

Họa sĩ Giáng Hương đang dạy vẽ (1962).

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với hội họa nhưng họa sĩ Vũ Giáng Hương có rất ít thời gian để vẽ. Trước đây thì bận rộn với vai trò giáo viên, giờ đây lại trăm công nghìn việc trên cương vị Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Bà chỉ có thể vẽ vào đêm hay những ngày nghỉ. Nhiều năm rồi, bà đã không biết tới ngày chủ nhật. Con cháu lo cho sức khỏe của bà, giục bà nghỉ. Bản thân bà cũng muốn dành nhiều thời gian cho tình yêu hội họa nhưng công việc cứ cuốn bà đi.

Bà chia sẻ rằng lúc này chính bà cũng đang phải sống "gấp" vì còn nhiều việc phải làm, hoàn thành những tâm nguyện mà chồng bà, Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài còn để lại như tập hợp những công trình khoa học của ông, làm sách về nhật ký chiến trường và những lá thư hai người gửi cho nhau.

Nhưng, trong bề bộn những công việc ấy, bà vẫn không quên vẽ. Bà thường mang theo người chiếc máy ảnh để gặp cảnh đẹp sẽ chụp lại để về vẽ.

Giờ đây, bà vẫn ước ao sẽ vẽ được bộ chân dung những bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Với họa sĩ Vũ Giáng Hương, chính tình yêu cuộc sống, sự lao động và cống hiến vô tư với nghệ thuật đã là nguồn sức mạnh nâng bước cho bà trên cuộc đời này

Thảo Duyên
.
.