Họa sĩ Trần Đại Thắng: Đam mê sách là điểm cộng

Thứ Tư, 28/10/2015, 08:00
Có một gã họa sĩ trót nặng lòng với sách, đam mê sách và bị sách dẫn dụ. Gã là họa sĩ Trần Đại Thắng, chủ một thương hiệu sách khá nổi tiếng Đông A với nhiều cuốn sách ảnh đẹp và giá trị.

1.Một buổi sáng thư thả bên quán cà phê ven Hồ Gươm. Trần Đại Thắng ra Hà Nội tham gia Hội sách. Trông Thắng có vẻ nhẹ nhõm, tự tại. Anh giản dị và chân thành trong từng câu chuyện kể. Thắng vốn không phải người khéo nói, anh cũng ngần ngại trước truyền thông báo chí. Lặng lẽ làm những việc mình thích. Tôi hỏi Thắng có nhớ Hà Nội, những năm tháng khởi nghiệp đầy khó khăn ở đây? Thắng cười, anh là người ưa dịch chuyển và vận động.

Vào Sài Gòn, đến bây giờ vẫn là một quyết định đúng cho đam mê của anh được cơ hội bung tỏa. Câu chuyện với Thắng vẫn là câu chuyện về sách, mà là sách hay và sách đẹp. Tôi gặp nhiều người, chủ nhiều công ty sách nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng để đam mê sách, dấn thân với sách như Thắng thì không nhiều. Họ làm sách coi nó là một thú vui, nhưng cũng là một cơ hội kinh doanh. Còn với Trần Đại Thắng, sách trước hết và trên tất cả là niềm đam mê của anh. "Tôi không quá quan tâm đến doanh thu của từng cuốn sách lỗ hay lãi, vì như thế mình sẽ không có nhiệt huyết và hứng thú để làm tiếp. Làm quản lý, tôi chỉ quan tâm đến cái tổng thể chung mà thôi". Thế nên chúng ta mới có cơ hội sở hữu những bộ sách "Lịch sử tự nhiên", "Bách khoa tri thức bằng hình", rõ ràng và chi tiết trong từng hình ảnh.

Thắng đam mê sách có hình minh họa. Từ khi còn nhỏ, lang thang ở hiệu sách tìm sách đọc, Thắng nhớ, có lần mua được cuốn "Đảo giấu vàng". Rồi qua một tiệm sách khác, nhìn thấy "Đảo giấu vàng" có minh họa rất đẹp, Thắng không ngần ngại các thêm tiền và đổi lại cuốn sách có minh họa, dù tiền trong túi bố mẹ cho để dùng việc khác. Đối với Thắng, những minh họa của sách cũng giống như tâm hồn của sách vậy. Nó làm tăng thêm sự sinh động và hấp dẫn của cuốn sách. Với anh, đó là một niềm đam mê. Sách, với Trần Đại Thắng phải đảm bảo hai yếu tố, hay và đẹp. Đọc một cuốn sách, không chỉ thâu nhận những tri thức từ chữ nghĩa, mà còn cảm xúc của hình ảnh, của thiết kế, của minh họa. Thắng khởi nghiệp bắt đầu từ niềm đam mê đó.

Nói đến Trần Đại Thắng, ai cũng nhớ tới thương hiệu "Văn mới". Lần này ra Hà Nội, Trần Đại Thắng mang theo bộ "Văn mới" 2010-2015. Anh nói, đây là cuốn "Văn mới" cuối cùng Đông A thực hiện trong tủ sách trước khi chuyển sang hình thức và cách làm khác. Thắng là thế, anh không muốn lặp lại chính mình. Có những người trẻ sẽ có những ý tưởng mới mẻ hơn. Bộ "Văn mới" với hơn 100 ấn bản đặc biệt có chữ ký của các tác giả dành cho những người chơi sách, mê sách.

Còn nhớ "Văn mới" đầu tiên ra đời năm 2005 với ấn bản đặc biệt. Thắng đi xe đò, rong ruổi dọc các miền quê tìm xin chữ ký "tươi" của các tác giả. Nhiều người bảo Thắng sao phải vất vả thế. Nhưng Thắng coi đó là một niềm vui, có cơ hội trò chuyện với người viết. Giờ công việc tiện lợi hơn nhiều, nhưng cầm trên tay ấn bản đặc biệt có chữ ký "tươi" của các tác giả, những người yêu văn chương xúc động.  Bởi ở đó có sự trân trọng người viết. Và hơn nữa, cả sự trân trọng dành cho người đọc. Lần đó, ấn bản "Văn mới" gây một hiệu ứng đặc biệt trong lòng độc giả.

Trần Đại Thắng không bao giờ dừng lại trong hành trình của mình. Với anh, làm sách cũng là một hành trình sáng tạo. Sách của Đông A luôn có một gương mặt riêng. Ở đó có sự dụng công rất lớn của người làm sách. Nhiều năm qua, tôi và nhiều bạn bè vẫn chọn mua bộ sách kinh điển thế giới do Đông A xuất bản. Vì sao bộ sách kinh điển của Đông A vẫn là một lựa chọn tốt trong bạt ngàn rừng sách? Đó là những cuốn sách Thắng đã đọc trong những năm tháng tuổi thơ ghiền sách của mình. Đó là những bản dịch tốt nhất, được đối chiếu lại với bản gốc, đưa về tên gốc của tác phẩm. Tất cả những sách kinh điển của Đông A được giữ đúng tinh thần nguyên bản gốc. Nếu không, Thắng sẽ kỳ công tổ chức dịch lại. Bộ truyện trinh thám nổi tiếng "Sherlock Holmes" đang được Thắng tổ chức dịch lại một cách hệ thống. Từ trước đến nay chúng ta mới chỉ đọc bản tập hợp chưa đầy đủ vì có những truyện trong đó đã lược dịch. "Người mua sách ngày càng thông minh, tôi luôn cố gắng cải tiến làm mới mình để bắt kịp nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của độc giả. Mình làm gì cũng phải suy từ mình ra, từ cảm giác của mình".

Bởi kinh doanh sách là kinh doanh văn hóa, Thắng luôn tâm niệm, mỗi công ty phải có một cái lõi trong định hướng phát triển và kiên định tới cùng con đường đó. Không vì thời thượng, thị trường mà a dua, Thắng kiên định đi con đường của mình. Và tôi biết, đó là một hành trình nhiều chông gai. "Có  những cuốn sách có thể bị lỗ về con số kinh doanh, nhưng con số ý thích với tôi mới là quan trọng". Trong thời buổi các công ty sách mọc lên như nấm, sự cạnh tranh khốc liệt và thói quen đọc của người Việt có nhiều thay đổi nhưng tôi thấy Thắng vẫn ung dung, tự tại đi con đường riêng của mình. Và tôi tin, niềm đam mê của anh sẽ là điểm cộng cho con đường anh lựa chọn.

Trần Đại Thắng và những cuốn sách mang thương hiệu Đông A.

2. Tôi biết Trần Đại Thắng từ những năm 2000, khi anh đang là họa sĩ thiết kế bìa sách ở Hà Nội. Thắng cũng không nhớ hết những bìa mình từng thiết kế trong những năm tháng đó. Ở Hà Nội, ngoài họa sĩ Văn Sáng thì Trần Đại Thắng là một thương hiệu. Lúc đó, khi biên tập cuốn tiểu thuyết "Tô Tem Sói" do dịch giả Trần Đình Hiến dịch, tôi đã tìm và nhờ Trần Đại Thắng trình bày bìa. Cuốn sách trở thành sách bán chạy và được giải thưởng sách đẹp năm đó. Nhưng vốn dĩ trót đam mê sách từ nhỏ, Trần Đại Thắng đã rẽ ngang đi vào thế giới xuất bản từ lúc nào. Cái tên Đông A ra đời từ đó. Không quá sợ những nhà kinh doanh giỏi, cũng không sợ những thương hiệu lớn, Trần Đại Thắng, gã mê sách đẹp nói, chỉ sợ những người mê sách.

Thắng nói say sưa về chuỗi nhà sách Cá Chép của mình. Một nơi không chỉ để tìm mua những cuốn sách hay, mà tham vọng của Thắng sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa. "Tôi không thể cạnh tranh với mọi người về độ hoành tráng, vì đã có quá nhiều nhà sách án ngự những vị trí đẹp ở Sài Gòn và Hà Nội. Tôi muốn nhà sách sẽ có cách riêng của nó". Ở đó sẽ là một không gian văn hóa dành cho những người yêu sách và yêu nghệ thuật. Ở đó sẽ không có đủ tất cả các loại sách mà chọn lọc qua "bộ lọc" và những cuốn sách nhập đủ các lĩnh vực hội họa, kiến trúc, điêu khắc. Điểm nhấn của nhà sách là khâu thiết kế, mỗi kệ sách, tầng sách là một câu chuyện tựa như một vũ môn để cá chép vượt lên thế giới văn hóa, tri thức. Ở đó không chỉ là cái đẹp bề ngoài của sách mà còn hấp dẫn bởi tầng sâu của những khám phá.

Trần Đại Thắng say sưa với những ý tưởng của mình. Anh muốn làm một Cá chép Gallery, nơi những người mê nghệ thuật, mê sách có thể đến và trao đổi những cuốn sách quý, những bức tranh đẹp. Nơi gặp gỡ giao lưu của những tay chơi sách, đam mê hội họa. Nơi đó cũng là cách để thỏa mãn niềm đam mê hội họa trước đây của Trần Đại Thắng. Nhưng Thắng sẽ không làm nhà sưu tập, anh biết ghìm niềm đam mê của mình lại, bởi nếu làm một nhà sưu tập, anh sẽ phải giữ lại những bộ sách quý, những bức tranh đẹp. "Đôi khi phải hy sinh cái tôi của mình, để tạo một sân chơi nghệ thuật cho những người thưởng thức nghệ thuật" - Thắng nói. Khi tôi viết bài này thì Thắng đang đi hội chợ sách ở Đức. Đi để tìm hiểu, để cập nhật những xu thế làm sách mới mẻ của thế giới và tìm những cơ hội cho sách Việt ở nước ngoài. Tại sao không khi thế giới ngày càng rộng mở và sách vẫn là một kho tàng vô giá?

Tôi cứ hình dung Trần Đại Thắng như một lữ hành trên dặm đường xa ngái để chinh phục thế giới của sách và tri thức. Con đường gian nan ấy, nếu không đủ đam mê, sẽ không đi tới cùng. Còn Thắng, anh sẽ đi tới cùng con đường, bởi trong Thắng chưa bao giờ vơi cạn đam mê và nhiệt huyết, như mỗi ngày mở một trang sách là anh lại bắt đầu một hành trình mới.

Khánh Linh
.
.