Họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa: Người say mê đất và lửa

Thứ Năm, 20/03/2014, 08:00

Sáng tạo và mưu sinh bằng chính tài năng mỹ thuật, Trần Đỗ Nghĩa không ngừng vẽ tranh, góp phần thổi sinh khí mới tới các làng gốm cổ, trợ giúp những du khách có "máu" phiêu bạt như anh muốn khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam. Anh đã mang vẻ đẹp gốm cổ truyền Phù Lãng vào làm "dậy sóng" sông Hoài và gốm thơ Bát Tràng vào làm ngạc nhiên du khách sông Hương...

1.Bề ngoài trông rất "ngầu", rất "bụi", hiện đại nhưng họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa mang tâm hồn hoài cổ văn hóa Việt. Anh sinh trưởng ở Hà Nội trong một gia đình quân nhân, cha là sĩ quan cao cấp, mẹ làm bác sĩ quân y. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh đã du học ở Đông Âu, trở về nước vẽ tranh, làm gốm và tổ chức triển lãm ở Hà Nội, Huế, Hội An… Đặc biệt, tình yêu đối với di sản mỹ thuật của cha ông đã đưa Trần Đỗ Nghĩa đến với những làng gốm cổ truyền, như: Phù Lãng, Bát Tràng, Thổ Hà, Chu Đậu, Hương Canh…, trong đó Phù Lãng là nơi "hút hồn" anh nhất.

Từng nhiều lần cùng họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa về Phù Lãng, tôi cảm nhận được tình yêu sâu đậm của anh dành cho làng gốm thuộc hạng cổ nhất Việt Nam. Nằm cách Hà Nội khoảng 60km, làng Phù Lãng ở bên bờ con sông Cầu, gần sông Lục Đầu, thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa cho biết, từ thời nhà Trần ở thế kỷ XIV, làng gốm Phù Lãng đã hình thành và phát triển, có sắc thái riêng biệt so với gốm ở những nơi khác. Đặc trưng sản phẩm gốm Phù Lãng có sắc màu men da lươn trông rất tự nhiên, bao gồm: men nâu, nâu đen, vàng nâu, vàng thẫm, vàng nhạt, vàng đen,… với hình ảnh được đắp nổi theo hình thức chạm bong, tức chạm kép, mang đậm phong cách tạo hình của điêu khắc. Giới yêu mỹ thuật còn say mê gốm Phù Lãng bởi vẻ đẹp nguyên sơ thô mộc của đất và lửa nhưng rất khỏe khoắn, lạ mắt, có sức bền…

Họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa bên những tác phẩm của mình ở làng gốm Phù Lãng.

Khi đã "se duyên" cùng gốm Phù Lãng, họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa đã thường xuyên rời Hà Nội phóng xe máy lên đây để thiết kế, tạo hình, thao thức trò chuyện thâu đêm với nghệ nhân làng gốm. Bạn bè có dịp đến Hà Nội, anh đều rủ rê bằng được về thăm Phù Lãng, giới thiệu tỉ mỉ từng nét đẹp của gốm cũng như sự tài hoa, nhẫn nại của từng gia đình nghệ nhân nối tiếp nhau giữ gìn, phát huy làng gốm cổ truyền qua những bước thăng trầm. Nhờ đó, người dân Phù Lãng xem anh như đứa con ruột thịt của làng mình.

Một góc tranh tượng và đồ gốm cổ sưu tập của Trần Đỗ Nghĩa.

Sản phẩm gốm Phù Lãng được làm từ đất sét đỏ hồng, chủ yếu gồm 3 loại: gốm dùng trong tín ngưỡng như đài thờ, đỉnh thờ, lư hương, chân đèn; gốm gia dụng như bình, lọ, chum, vại, bình vôi, ống điếu, khay, đĩa; gốm trang trí như tranh, tượng, bình, ấm được đắp hình phong cảnh hay chim, thú… Trần Đỗ Nghĩa tập trung làm gốm sành nghệ thuật trang trí nhưng sáng tạo, cách điệu mới mẻ về hình thức và màu men trên nền kỹ thuật gốm cổ. Đồng thời, bằng mối quan hệ của mình, anh không ngừng quảng bá sản phẩm gốm Phù Lãng ra khắp trong và ngoài nước. Nhiều đoàn du khách, theo hướng dẫn của anh, đã tìm về Phù Lãng để tham quan, mua gốm.

Vào năm 2004, Trần Đỗ Nghĩa đã mang gốm Phù Lãng vào triển lãm bên bờ sông Hoài của phố cổ Hội An. Hồn phố cổ và hồn gốm cổ tương tác nhau. Trên nền những chum vại gốm cổ men da lươn Phù Lãng, anh đã cách điệu, chạm bong, đắp nổi các mảng lập thể, điểm xuyết màu men tươi mới, tạo ra những ngõ phố cổ, con thuyền trầm với đôi mắt trầm tư, hay những gương mặt người đầy ẩn dụ của Hội An xưa và nay. Gốm cổ Phù Lãng đã làm "dậy sóng" sông Hoài, làm say mê những người bạn đồng điệu của anh như các nhà văn, nhà thơ Phùng Tấn Đông, Trần Kỳ Trung, Trần Tuấn, Hoa Ngõ Hạnh… cùng bao du khách ở Hội An.

2. Sau khi đạt một số thành công với gốm Phù Lãng, Trần Đỗ Nghĩa đã tìm về làng gốm Bát Tràng. Nếu như vẻ đẹp độc đáo của gốm Phù Lãng ở sự thô mộc tự nhiên của màu men da lươn thì nét đặc trưng của gốm Bát Tràng là ở sự đa dạng của màu men không ngừng đổi mới.

Đĩa gốm thơ Bát Tràng của Trần Đỗ Nghĩa.

Làng cổ Bát Tràng thuộc Hà Nội, chỉ cách trung tâm thành phố hơn chục cây số nên hằng ngày Trần Đỗ Nghĩa phóng xe máy đi về. Cũng như ở Phù Lãng, anh tiếp tục say mê sáng tạo với gốm cổ truyền Bát Tràng. Lão nghệ nhân Nguyễn Đức Dương ở đây xem anh như người thân trong gia đình. Khi trò chuyện với chúng tôi về anh, ông dành rất nhiều tình cảm quý mến đối với chàng họa sĩ lãng tử. Ông nói: "Giữa thời buổi kinh tế thị trường, cái gì cũng quy đổi ra tiền, tìm được một người trẻ tuổi mà say mê với nghề gốm như Trần Đỗ Nghĩa là khó lắm. Không chỉ tôi mà nhiều gia đình nghệ nhân làng gốm Bát Tràng cũng yêu quý, ủng hộ sự say mê làm gốm của anh".

Vào năm 2010, Trần Đỗ Nghĩa đã tiếp tục bỏ tiền túi mang 40 đĩa gốm do anh sáng tạo ở Bát Tràng vào triển lãm tại Festival Huế, do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức. Những người bạn văn nghệ ở Huế như Phạm Nguyên Tường (Chủ tịch Hội VHNT Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Phước Hải Trung (nhà thư pháp Hán cổ, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng cung đình Huế), Hồ Thanh Ngọc,… nhiệt tình hỗ trợ anh.

Những đĩa gốm được anh viết chữ với hình thái lập thể đầy ngẫu hứng từ những câu thơ hay của các nhà thơ và bạn bè viết về Huế, tạo thành những bức tranh sinh động trên đĩa gốm men đặc được nung cháy sém hoặc nhòe liên kết. 40 đĩa gốm thơ của họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa phối hợp với 35 bìa sách thơ của người bạn thân là nhà thơ, nhà thư pháp Nguyễn Phước Hải Trung đã tạo nên không gian thơ đặc sắc bên bờ sông Hương, thu hút đông đảo người thưởng lãm yêu quý văn hóa Việt.

Đầu xuân Giáp Ngọ 2014, trong không khí rộn ràng của Tết Nguyên đán, họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa lại từ Hà Nội phóng xe máy vào tận Huế và Đà Nẵng. Anh cho biết, đang nuôi ý tưởng về một cuộc triển lãm mới về gốm ở miền Trung nhưng có những khác biệt với hai cuộc triển lãm trước đây.

Yêu thơ, anh cũng mơ ước sẽ có dịp vẽ những câu thơ hay lên gốm cổ truyền về Hội Thơ Nguyên tiêu núi Nhạn của Phú Yên, nơi góp phần khai sinh Ngày Thơ Việt Nam, rồi tổ chức triển lãm tại đó để những người dân yêu thơ nhất nước cùng thưởng lãm. Vừa bền bỉ sáng tạo vừa nuôi dưỡng những khát khao cùng đất và lửa, hành trình nghệ thuật của chàng họa sĩ lãng tử xứ Hà thành vẫn không ngừng mở ra những chân trời mới cùng với gốm cổ truyền.

Ngoài vẽ tranh, làm gốm, thiết kế nội thất cho công trình nhà ở hoặc tàu thuyền, họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa còn mê sưu tập đồ cổ và là một hướng dẫn viên du lịch có hạng. Nhờ máu lãng tử, kiến thức và kinh nghiệm trong những chuyến đi ngang dọc đất nước thường xuyên, anh trở thành cộng tác viên đắc lực cho một số công ty du lịch và sẵn sàng hướng dẫn du lịch miễn phí cho bạn bè văn nghệ, báo chí muốn khám phá vẻ đẹp của Hà Nội hay những di tích, thắng cảnh của miền Bắc.

Phan Hoàng
.
.