Hoạ sĩ Thành Chương: Phải tạo được dấu ấn riêng
Biết Thành Chương rất bận nhưng tôi vẫn "alô". Thì ngoài cái sự biết nhau đã lâu nay, còn là vì công việc nữa. Đầu kia, giọng Thành Chương: "À, ai chứ ông thì không vấn đề gì, nhưng cuối tuần rồi, còn nhiều việc lắm, thôi để đầu tuần nhá".
Qua đi mấy ngày, tôi gọi ngay sáng thứ hai. "Ông ơi, tôi đang phải làm việc với đài truyền hình, chắc quãng 4 giờ chiều mới xong". Tầm ngoài 4 giờ tôi xuống phòng dưới chờ thì thấy Thành Chương đang trả tiền xe ôm trước cửa cơ quan.
Vẫn là Thành Chương với cái dáng hơi đầm đậm, đầu húi cua, áo phông sẫm màu vẻ phong trần, nhưng đã quen rồi thì sôi nổi, hoạt ngôn, hóm mà cứ tưng tửng như không.
Người họa sĩ nổi tiếng tuổi ngoại lục tuần trong cách trò chuyện vẫn không vợi đi những đam mê, trăn trở nghề nghiệp.
- Sự Đổi mới của đất nước đã mang lại sinh khí mới cho xã hội Việt Nam nói chung, mỹ thuật nói riêng; nhưng sau đó mỹ thuật Việt Nam có sự phân hóa, và nhan nhản là một thị trường tranh thật giả lẫn lộn...
+ Chủ trương Đổi mới của Đảng đã "cởi trói" cho văn hóa nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật. Các hoạt động mỹ thuật như triển lãm, các Galery đua nhau mở cửa; họa sĩ phấn khởi, tự do vẽ bởi không bị bó hẹp trong những khuôn mẫu, trong ý thức hệ... Cũng đồng thời khi mở cửa, chúng ta được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đón nhận ào ạt những lượng thông tin, những quan điểm, trào lưu, tư duy mới của thế giới. Khi đất nước mở cửa, tất cả những cái bên ngoài tràn vào ta như những cơn lũ, trong đó có vàng có thau, có thật có giả, có tốt có xấu... Bản thân nhiều nghệ sĩ cũng bị choáng ngợp, bị cuốn vào cơn lốc của kinh tế thị trường, trong đó thị trường tranh vô cùng nhộn nhịp và đang được người nước ngoài quan tâm. Nhiều họa sĩ giàu lên bằng tranh, sống được bằng tranh. Và, thực tế đời sống mỹ thuật cho thấy nhiều người bị lầm lẫn giữa các giá trị thực và ảo, giữa tranh bán được tiền với tranh không bán được tiền. Có quan niệm thế này: Tôi vẽ xấu, vẽ theo thị trường để bán rồi dùng tiền thu được để đầu tư cho tác phẩm nghiêm túc, nghệ thuật. Sự thật ấy tồn tại cho đến hôm nay cũng chưa hết đâu. Lầm lẫn nhiều khi là bi kịch không có điểm kết thúc. Cơ chế thị trường cũng là sự sàng lọc. Không thể tồn tại một thị trường tranh khi mà anh họa sĩ vẽ xấu mà người ta vẫn cứ mua. Người nước ngoài thẩm mỹ về hội họa của họ cao, ngay cả ở ta hiện nay nhiều người chơi tranh cũng sành lắm.
- Lĩnh vực đào tạo mỹ thuật có vẻ ít được biết đến. Lớp họa sĩ trẻ hiện nay liệu có được thụ hưởng bởi những thầy giỏi?
+ Muốn có được thành công thì đều phải bắt nguồn từ giáo dục và đào tạo. Môi trường đào tạo bây giờ thật lý tưởng cho sáng tạo của những họa sĩ trẻ tương lai. Bởi các thầy cô trong các trường đào tạo mỹ thuật phần lớn đều là những người giỏi. Họ là những họa sĩ, những nhà điêu khắc tài năng, tiếp thu tinh hoa của thế giới rất nhanh nhạy; và quan trọng hơn nữa, nhiều người trong họ đi tiên phong trong sáng tạo nghệ thuật.
Họa sĩ Thành Chương tự tay trang trí không gian tưởng niệm cha mình - nhà văn Kim Lân - tại Việt phủ Thành Chương. |
- Là thành viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, theo anh, người họa sĩ vẽ theo những đề tài được ấn định như bao năm nay, liệu có thành công?
+ Chúng ta đều rõ một điều rằng nhiều tổ chức văn học nghệ thuật là do Nhà nước bỏ tiền nuôi bộ máy, tài trợ sáng tác...Vậy thì, vẽ về những đề tài như Đảng, Bác, cách mạng, công nhân, nông dân... là đương nhiên. Nhưng lâu nay tác phẩm vẽ hay điêu khắc về các đề tài đó chưa mấy thành công. Những tác phẩm đó không có những đóng góp đáng kể về nghệ thuật, ít dấu ấn cá nhân... Có nhiều nguyên nhân, một trong nguyên nhân là suy nghĩ, quan niệm của một số người lãnh đạo Hội Mỹ thuật. Họ cho rằng phải vẽ thế thì quần chúng mới hiểu, và cứ đi theo những đề tài đã quá quen thuộc ấy thì mới là có sự đóng góp; hay là cho sự an toàn của các bên...!
Ở đây tôi nhấn mạnh một điều: Nhà nước bỏ tiền ra để người họa sĩ vẽ, tạo nên tác phẩm cho dân tộc, cho quốc gia; chứ không phải bỏ tiền để anh minh họa cho chủ trương, chính sách... Vậy thì, điều quan trọng là tài năng của người họa sĩ, và các cơ quan chuyên ngành có trách nhiệm nâng đỡ, định hướng, phát huy tài năng của họ. Tôi lấy một ví dụ: Danh họa Nguyễn Sáng đã sáng tạo nên những tác phẩm sống mãi như "Giặc đốt làng tôi", "Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ"... Đối với Nguyễn Sáng hay một số họa sĩ thời ấy thì không có một đề tài nào là họa sĩ không tạo nên tác phẩm. Cái chính là tài năng thôi. Thế nên, cần tránh những quan niệm sai về mảng đề tài này, để chúng ta có những tác phẩm tốt cho dân tộc.
- Anh nhìn nhận thế nào về các họa sĩ trẻ hiện nay? Và họ đang đi theo xu hướng nào?
+ Lớp trẻ bây giờ có nhiều tìm tòi, phát hiện. Trước kia xem tranh có thể biết tác giả, nhưng giờ xem tranh thấy rất hay, giỏi mà không biết tác giả. Tôi cho rằng đây là điều đáng mừng, chứng tỏ tài năng của lớp trẻ hiện nay không hề thua kém mà còn rất phong phú.
Một trong những nước được đánh giá đang có những đột phá về tạo hình là Trung Quốc. Mỹ thuật Trung Quốc rất lạ, dị, mà lại gần gũi. Đây cũng là xu hướng chung của một số nước, trong đó có Việt Nam. Một số người tỏ ra lo lắng về hiện tượng một số họa sĩ trẻ nước ta vẽ ngồ ngộ, dị... Nhưng tôi thấy các họa sĩ trẻ Việt Nam đã có những tìm tòi, khám phá, đi sâu vào đời sống và đưa được truyền thống, dân gian vào tranh.
Các họa sĩ trẻ đã bắt đầu đưa được văn hóa Việt vào trong tranh một cách thuyết phục, nhuyễn. Và họ đã có những cá tính sáng tạo riêng đáng trân trọng.
Trong nghệ thuật, sự tìm tòi, phá cách nên nhận được sự tôn trọng và ủng hộ. Hãy để họ chịu trách nhiệm về những gì họ tạo nên. Đừng vội thấy có gì khác lạ với mình mà nhảy vào "đánh"... Riêng tôi, tôi hoàn toàn yên tâm với các họa sĩ trẻ hiện nay bởi họ vững chắc về nghề và nghiêm túc trong sáng tạo.
- Anh có thể kể vài tên tuổi họa sĩ trẻ hiện nay?
+ Trong mỹ thuật thời nào cũng có những họa sĩ tài năng... Lớp trẻ bây giờ nhiều người tài lắm. Chỉ có điều họ thường ít được thừa nhận, công nhận lúc đương thời.
- Trong văn hóa nghệ thuật thế giới cũng như ở Việt Nam, người ta thừa nhận một điều: Hội họa là nghệ thuật luôn luôn đi tiên phong trong sự khám phá, cách tân... Anh suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
+ Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thì tính độc lập của hội họa là cao nhất. Nó ít bị lệ thuộc và cũng bởi vậy nên tự do sáng tạo của người họa sĩ không bị khuôn vào một biên độ nào đấy. Người họa sĩ tự do thể hiện những tư tưởng, cảm xúc trên tấm toan trước mặt... Những yếu tố đó khiến hội họa luôn đi tiên phong trong những khám phá, sáng tạo nghệ thuật. Ở đây, tôi xin nói "ngoài rìa" như địa hạt văn chương chẳng hạn, nói chung luôn đi sau; nhưng cái "đi sau" của văn chương lại vô cùng ghê gớm, nó có thể làm thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy...Và nói chung tác động của văn chương vô cùng rộng lớn, chứ không ở một số ít người như hội họa.
- Ngày nay, nói tới Thành Chương người ta cũng nói ngay tới Việt phủ Thành Chương. Việt phủ Thành Chương buổi ban đầu cũng có nhiều ý kiến khen chê trái chiều; nhưng đến hôm nay thì Việt phủ Thành Chương không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều người nước ngoài, nhiều quốc gia biết đến. Và Việt phủ Thành Chương đã trở thành một Địa chỉ văn hóa thuần Việt đáng tự hào. Mới đây, ngày 24/7, họa sĩ Thành Chương lại chứng tỏ sự độc đáo khi khánh thành "Không gian tưởng niệm nhà văn Kim Lân" ngay tại Việt phủ. Phải chăng cá tính sáng tạo mạnh mẽ và độc đáo đã làm nên một họa sĩ đương đại tài năng Thành Chương, hay còn điều gì khác?
+ Tôi đã từng nhiều lần phát biểu: Anh hãy làm việc của anh một cách say mê, nghiêm túc với tất cả những khả năng mà anh có; tôi tin rằng công sức lao động mà anh bỏ ra người ta sẽ không thể phủ nhận. Còn hay hay dở là do cách nhìn nhận của thời đại. Điều quan trọng là mình phải tạo nên một cái gì đấy của riêng mình không lẫn lộn với bất cứ ai. Suy cho cùng thì sáng tạo nghệ thuật chính là điều ấy.
- Xin cảm ơn họa sĩ Thành Chương về cuộc trò chuyện này