Họa sĩ Quách Phong: Truyền tình yêu sử qua hàng trăm mét tranh

Chủ Nhật, 17/07/2016, 08:00
Chiều dài 4.000 năm lịch sử của nước Việt sẽ được họa sĩ lão thành Quách Phong tái hiện trong dự án "Phác thảo lịch sử Việt Nam". 


Ba bức phác thảo và tác phẩm hoàn thiện trong giai đoạn đầu dài hai năm của dự án đã ra mắt công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (triển lãm kéo dài từ ngày 9-7 đến 2-8-2016). Công chúng được chiêm ngưỡng những phác thảo màu của các sự kiện lịch sử trải dài từ thời Hồng Bàng đến thời kỳ Lê sơ (Lê Trung Hưng).

Các bức tranh được vẽ trên 3 cuộn giấy, mỗi cuộn dài hơn 50 mét. Đặc biệt, tâm điểm triển lãm là 12 tấm sơn mài vẽ trận Tốt Động - Chúc Động (1426) và trận Chi Lăng - Xương Giang (1427) mà họa sĩ Quách Phong đã hoàn thiện dựa trên phác thảo nhằm giúp cho mọi người hình dung rõ hơn về dự án khi hoàn thành.

Họa sĩ Quách Phong vốn nổi tiếng với ký họa chiến trường và tranh sơn mài thể hiện sinh động cuộc chiến đấu của quân, dân miền Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng tại Vĩnh Long, những năm tháng ngồi trên ghế trường Mỹ thuật Gia Định, họa sĩ Quách Phong đã tham gia đấu tranh trong phong trào sinh viên vẽ truyền đơn.

Họa sĩ Quách Phong.

Tập kết ra Bắc học ở trường Mỹ thuật Việt Nam, đến năm thứ ba thì ông xung phong nhập ngũ về miền Nam chiến đấu. Hòa mình vào cuộc đấu tranh của dân tộc, vừa gùi sắn, tránh bom, vừa cầm bút vẽ, ông hiểu được sự khó khăn, gian khổ ở chiến trường. Khi được cử đi học nước ngoài, ông đã từ chối để tham gia chiến đấu ở quê hương và chứng kiến ngày 30-4-1975 lịch sử, giây phút hai miền Nam - Bắc thống nhất để sáng tác thành công tác phẩm "Nắng tháng năm" (bột màu).

Tác phẩm hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Những tác phẩm bước ra từ lửa đạn như "Tiến về Sài Gòn", "Mùa gặt mới ở Củ Chi", "Xuống đường Mậu Thân 1968"… đã mang về cho ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Từng đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết, từng chứng kiến tinh thần bất khuất, anh hùng của những người con áo vải chân chất, quân dân chia nhau hạt muối, củ khoai..., vị họa sĩ già càng thấm thía, trân trọng giá trị của bầu trời xanh im tiếng súng, yêu dân tộc cần lao và tự hào về nguồn cội. Vậy nên nhiều sáng tác sau này của ông dù trên chất liệu nào cũng đều tập trung vào chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, cuộc chiến đấu gian khổ mà hiển hách của quân và dân trong quá khứ...

Điều làm ông vui mừng là: khi đến tham quan triển lãm, ngoài các nhà chuyên môn còn có rất nhiều khách quốc tế và học sinh, sinh viên. Những bức vẽ sinh động, nối sự kiện lịch sử liền mạch trên cuộn tranh dài hàng chục mét giúp giới trẻ dễ dàng liên tưởng, đối chiếu lại những gì đã học, đã biết về lớp cha anh.

Riêng điều làm giới báo chí nước ngoài và du khách quốc tế quan tâm chính là hình thức, nét văn hóa ông truyền tải trong mỗi bức tranh. Màu sắc Á Đông đậm đặc, không lẫn vào đâu đã làm họ ồ lên thú vị. Không chỉ chiêm ngưỡng bức tranh đậm chất Việt Nam mà họ còn được hướng dẫn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, xã hội của nước Việt nhờ phần thuyết minh song ngữ Việt - Anh.

Mong muốn của họa sĩ Quách Phong là khi các tác phẩm hoàn thiện bằng chất liệu sơn mài, chúng sẽ được trưng bày ở những địa điểm, di tích diễn ra sự kiện lịch sử mà ông tái hiện trong tranh. Du khách đến tham quan có thể dễ dàng hình dung, tìm hiểu về sự kiện lịch sử đó.

Dù cố gắng nhưng ông thừa nhận "Phác thảo lịch sử Việt Nam" chỉ lột tả một phần nhỏ những kỳ vọng và khát khao của mình trong quá trình chiêm nghiệm và thể hiện lịch sử bằng nghệ thuật. Bà Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Đây là một dự án rất ý nghĩa vì hiện nay chúng ta không ngừng kêu ca về việc giáo dục lịch sử cho học sinh trong nhà trường.

Một phần bức tranh sơn mài của dự án "Phác thảo lịch sử Việt Nam".

Nếu dùng phác thảo mỹ thuật kể câu chuyện lịch sử thì đó là một trong những cách để lớp trẻ tiếp cận lịch sử dễ dàng hơn. Nhưng làm được điều này rất khó. Liên kết, chắp nối các sự kiện lịch sử lại thành một mạch tạo thành một tác phẩm nghệ thuật thì đó phải là một con người có sức vóc, tình yêu bền bỉ và cái tâm sáng. Dù đã gần 80 tuổi nhưng đến bây giờ họa sĩ Quách Phong vẫn dùng nghệ thuật để thể hiện tinh thần của mình với dân tộc".

- Vì sao đến tuổi này, ông bắt đầu thực hiện dự án đồ sộ cần nhiều tâm sức như "Phác thảo lịch sử Việt Nam"?

+ Đất nước đã sang trang lịch sử mới, xây dựng và phát triển giàu đẹp hơn. Và mỗi con người, mỗi dân tộc đều có lịch sử của mình. Đó là nguồn gốc xuất xứ, quá trình phát triển tiến hóa. Nếu họ không biết lịch sử của họ tức là họ không biết họ là ai, ở đâu ra, đấu tranh phát triển như thế nào; họ sẽ không biết tự trọng; họ sẽ không có ước mơ, và họ sẽ không biết họ sẽ đi về đâu! Một dân tộc cũng vậy. Lịch sử Việt Nam được giảng dạy trong hệ thống giáo dục, trên báo đài, trên mạng truyền thông, hun đúc tinh thần dân tộc, tình yêu đất nước cho các thế hệ.

Lịch sử Việt Nam rất hào hùng, trường kỳ nhưng hầu như thiếu vắng hình ảnh, kể cả hình thể từ di tích đình chùa, lăng tẩm, trong y phục đến các công cụ sản xuất về sinh hoạt, nhất là từ thời Hậu Lê (1428 - 1789) trở về trước. Vì thiếu văn hóa sử bằng vật thể và hình ảnh nên các sử ký, sử liệu bằng ngôn từ và truyền miệng lâu đời thành huyền thoại. Tôi muốn hiện thực hóa lịch sử bằng hình ảnh, muốn tái hiện lịch sử trên một không gian và thời gian thực, muốn người ta ngắm nhìn sử.

Người xem được dạo và tham quan trong không gian lịch sử cụ thể, trải dài suốt một thời gian hàng mấy nghìn năm lịch sử, ghi lại các sự kiện từ chính trị, các triều đại vua chúa, đến các hoạt động quân sự chống xâm lăng, mở mang bờ cõi, đến hình thành các sự kiện văn hóa, tôn giáo, giáo dục, ngành nghề và các di tích… Trong quá trình thực hiện, tôi thấy chính mình cũng xúc động. Vậy thì nếu các sự kiện, các địa danh, các di tích, các nghề nghiệp được đặt trong không gian lịch sử cụ thể trong tranh làm cho người ta hiểu và ghi nhận với cảm xúc trực tiếp hơn, sâu hơn và gần như phổ cập được với mọi người.

- Sắp tới, dự án tiếp tục được triển khai như thế nào, thưa họa sĩ?

+ Sau triển lãm, tôi sẽ dành hơn hai năm nữa để vẽ tiếp phần còn lại từ Nam Bắc Triều đến ngày nay. Điều tôi muốn thể hiện ở giai đoạn này là một đất nước Việt Nam bất khuất, anh dũng khi có họa xâm lăng nhưng cũng đầy nhân ái và hòa hiếu "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo". Và bước qua chiến tranh, chúng ta cùng nhau chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, vững vàng đi lên.

- Tái hiện 4.000 năm của đất nước bằng tranh có phải là tham vọng quá lớn không vì ngay cả những nhà nghiên cứu cũng gây tranh cãi, nhất là khi đưa ra hình ảnh, trang phục, kiến trúc... của các triều đại phong kiến?

+ Tôi gặp rất nhiều khó khăn vì có rất ít dữ liệu. Thời kỳ nhà Nguyễn còn có nhiều tư liệu chứ đến thời Lê về trước rất hiếm. Nhưng vì đây là tác phẩm nghệ thuật nên mình cũng phải có cách của mình. Tôi xử lý bằng ngôn ngữ nghệ thuật như cách điệu một số trang phục ở thời kỳ Hồng Bàng. Ở những thời kỳ không có cứ liệu để mình hình dung về trang phục, thuyền bè, công cụ lao động, kiến trúc... thì mình căn cứ theo thời kỳ liền kế đó để thêm thắt vì các giai đoạn văn hóa lịch sử có sự nối tiếp nhau. Hay tôi phải tìm hiểu thêm lịch sử nước bạn để tham khảo vì các nước trong khu vực đều có sự giao lưu với nhau.

Theo tôi, tranh lịch sử này không có mục đích chính trị, tuyên ngôn cổ động gì. Tự nó toát lên một giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tất nhiên, không có tác phẩm văn hóa nghệ thuật nào là đầy đủ trọn vẹn. Cần thật nhiều tác phẩm, nhiều thể loại, hình thái để phản ảnh các sự kiện lịch sử. Tôi chỉ hy vọng tác phẩm này cho thấy một không gian lịch sử, văn hóa tổng thể từ hồng hoang đến hiện tại của đất nước.

Nguyễn Trang
.
.