Hoạ sĩ Phạm Trí Tuệ: Từ làng Vũ La đến thế giới hội họa

Thứ Hai, 17/10/2011, 08:00
Ra trường, lớp họa sĩ như Phạm Trí Tụê không được như các thầy chuyên tâm sáng tác tranh nghệ thuật mà phải làm đủ các công việc theo yêu cầu công tác. Thực tế cuộc sống đòi hỏi anh phải là một họa sĩ đa năng. Anh vẽ tranh ký họa, tranh chân dung, dựng tranh liên hoàn khổ lớn…. Vẽ trên lụa, sơn dầu, sơn khắc, thuốc nước… sử dụng chất liệu chắc tay, tinh nghề, khám phá bí quyết vẽ chồng màu, sử dụng màu nguyên của nghệ thuật dân gian truyền thống...

Làng Vũ La có quốc lộ 5 ngang qua, kề bên sông Thái Bình, phía bên kia cầu Phú Lương là thành phố. Nhưng dân làng chân chỉ nghề nông nên nghèo. Nhà có năm anh chị em, là con út, Phạm Trí Tuệ mồ côi mẹ khi mới lên ba, đúng cái năm đói Ất Dậu 1945. Kháng chiến bùng nổ, ngôi nhà tranh ba gian hai chái bị giặc Pháp đốt trụi. Chúng triệt hạ cả làng vì không chịu lập tề. Bố anh dắt díu các con vào ở nhờ gian nhà Tăng chùa làng - chùa Sùng Quang. Ngôi chùa cổ kính sau hoà bình cũng bị phá dỡ lấy vật liệu để làm hội trường trong phong trào "chống mê tín dị đoan" quá khích! Phạm Trí Tuệ đã "dựng lại" cảnh chùa trong tranh có ngọn cây xoài muỗm cao vượt lên và tán lá phủ rợp hầu hết không gian ngôi chùa. Cây xoài cổ thụ có tuổi bảy, tám trăm năm, gốc to mười hai người đàn ông giang tay nối nhau mới khép kín. Còn bóng rợp của tán lá đủ chỗ cho đàn trâu cả làng, trên ba mươi con buộc thừng nghỉ trưa gọ sừng đùa bỡn.

Nếu nói có duyên nghiệp, thì cái cơ duyên đưa Phạm Trí Tuệ đến với nghệ thuật hội họa cũng diễn ra ngay tại chùa làng. Đó là một buổi sáng mùa hạ năm 1958, một tốp năm người ăn mặc kiểu người thành phố đi vào sân chùa, trên đầu ai cũng đội cái nón loại nhỏ của trẻ chăn trâu vẫn đội, trông rất ngộ. Đó là những văn nghệ sĩ từ Hà Nội về thâm nhập thực tế và lao động ở hợp tác xã Vũ La, hồi ấy là điển hình về phong trào làm ăn tập thể của tỉnh Hải Dương. Người thanh niên dẫn đầu khổ người cao to, trắng trẻo vồn vã chào hỏi và tự giới thiệu là Đào Vũ, nhà văn (sau chuyến đi này nhà văn Đào Vũ có tiểu thuyết "Cái sân gạch" và "Vụ lúa chiêm" nổi tiếng). Anh lần lượt giới thiệu với sư chùa những người cùng đi: Nhà thơ Tú Mỡ, họa sĩ Sĩ Ngọc, nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, họa sĩ Đặng Đức, nhà viết kịch Xuân Bình. Khách vừa ngồi xuống ghế liền hỏi ngay: "Em Tuệ đâu? Tuệ đâu?". Tuệ nhút nhát đứng nấp cột bỗng giật mình. Thì ra các anh biết tên Tuệ là từ cán bộ của thôn khi hỏi thăm người nào đã viết khẩu hiệu, vẽ phóng tranh tường ở ngoài làng.

Từ đấy người thầy dạy họa đầu tiên của Phạm Trí Tuệ là họa sĩ Sĩ Ngọc, giảng viên trường Mỹ thuật Hà Nội, là trường mỹ thuật duy nhất của miền Bắc. Ông rủ rê chiêu sinh mở lớp dạy vẽ ở Vũ La. Buổi đầu có mặt năm thanh thiếu niên. Cậu nào cũng hăm hở, nhưng sau mấy tuần chỉ còn mỗi Tuệ. Anh trở thành chú "tiểu đồng" của họa sĩ danh tiếng, giúp ông pha màu, rửa bút, nhất là dẫn ông đi khắp nơi trong làng, ngoài đồng, thăm thú xem ngắm vẽ tranh phong cảnh, đưa dẫn đến nhà tìm người mẫu vẽ chân dung. Có chuyện hai thầy trò chọn được một cô xã viên là gái đẹp của làng làm người mẫu. Sang ngày thứ hai thì buổi trưa anh chồng ở ngoài đồng về ngắm tranh bỗng nổi máu ghen, di xóa hỏng cả bức tranh vẽ dở. Trở về Hà Nội, họa sĩ Sĩ Ngọc vẫn viết thư về động viên Phạm Trí Tuệ tập vẽ, rồi năm sau giúp cậu thanh niên nghèo nhà quê tự tin thi đỗ vào trường Mỹ thuật Hà Nội. Tại đây, từ Trung cấp lên Cao đẳng, anh đã được đào tạo bài bản với sự hướng dẫn của thầy Sĩ Ngọc cùng những họa sĩ nổi tiếng đã trưởng thành từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, như Lương Xuân Nhị, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ…

"Chiều hậu phương" - Tranh sơn dầu của Phạm Trí Tuệ.

Kỷ niệm thấm thía nhất là vào năm thứ tư của khóa Cao đẳng, Giáo sư Lương Xuân Nhị xem những bài vẽ tập của Tuệ, nhận thấy sức học của anh sút giảm. Ông lo lắng hỏi: "Do tôi dạy, hay em có điều gì?". Tuệ phải thành thực: "Em không… ăn sáng nên không có ruột bánh mỳ để tẩy tranh". Chả là vẽ chì than phải dùng ruột bánh mỳ để tẩy sửa và chấm sạch bụi than. "Trời ơi!" - Giáo sư Nhị thốt lên. Và từ hôm sau, ông mang đến lớp hàng chục cái bánh mỳ để cho Tuệ cùng một số học sinh khác ăn sáng và lấy ruột tẩy tranh. Kết thúc khóa học, tác phẩm tốt nghiệp là bức tranh màu nước "Hồ phân rễ mạ" của Phạm Trí Tuệ được chọn trưng bày triển lãm và được đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ra trường, lớp họa sĩ như Phạm Trí Tụê không được như các thầy chuyên tâm sáng tác tranh nghệ thuật mà phải làm đủ các công việc theo yêu cầu công tác. Thực tế cuộc sống đòi hỏi anh phải là một họa sĩ đa năng. Anh vẽ tranh ký họa, tranh chân dung, dựng tranh liên hoàn khổ lớn…. Vẽ trên lụa, sơn dầu, sơn khắc, thuốc nước… sử dụng chất liệu chắc tay, tinh nghề, khám phá bí quyết vẽ chồng màu, sử dụng màu nguyên của nghệ thuật dân gian truyền thống. Năm mới ra trường anh cũng làm việc với họa sĩ Tấn Lộc ở Công ty Mỹ thuật Hà Nội. Ông Tấn Lộc quý Tuệ, khuyên anh đã có tài vẽ tranh cổ động tuyên truyền nhưng cũng cần nắm chắc ngón nghề của mỹ thuật ứng dụng để làm kế sinh nhai giúp đỡ vợ con!

Giữa thời kinh tế bao cấp, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng mở rộng, Phạm Trí Tuệ xin chuyển về quê Hải Dương, công tác ở Ty Thông tin. Một vận hạn đến với anh: Vợ anh thuộc diện phải giảm biên chế cơ quan! Giảm biên chế đồng nghĩa với mất sổ gạo, không còn tem phiếu mua vải, mua thực phẩm theo giá cung cấp. Bây giờ cả nhà gồm hai vợ chồng, hai con nhỏ chỉ trông vào tiêu chuẩn 15 cân gạo và lương tháng 50 đồng của anh. Phạm Trí Tuệ phải tự cứu mình bằng cách "vẽ chui" để kiếm tiền đong gạo chợ. Anh vẫn nói là "nhặt tiền" vì chỉ được trả vài ba đồng thù lao một cái bìa sách, hay một bức chân dung ảnh truyền thần, mười đồng một cái nhãn hiệu bia, bánh kẹo của xí nghiệp quốc doanh.

Ở các tỉnh lẻ thời gian ấy, tranh nghệ thuật của các họa sĩ vài năm mới được tuyển chọn đem treo ở triển lãm một lần, giỏi lắm thì được một vài nhà lãnh đạo địa phương đến xem tỏ ý thích và bảo cán bộ văn phòng đưa về treo ở trụ sở cơ quan để động viên, chứ chả ai bỏ tiền mua tranh bao giờ. Nhưng tranh tuyên truyền cổ động thì rất được mùa. Phạm Trí Tuệ trong số không nhiều họa sĩ vẽ tranh cổ động thành công cả về ý nghĩa nội dung tuyên truyền và chất lượng nghệ thuật. Nhiều tranh của anh được in và phát hành hàng vạn bản, được phóng ra khổ lớn, in trên sách báo, treo dán ở khắp mọi nơi trong những dịp Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, những ngày kỷ niệm lịch sử của đất nước.

Là người trực tiếp tổ chức và trưng bày nhiều cuộc triển lãm quảng bá các thương hiệu, họa sĩ Phạm Trí Tuệ còn là nhà tư vấn có tín nhiệm cho nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và marketing sản phẩm. Chỉ nói riêng đặc sản bánh đậu xanh, bánh khảo Rồng Vàng Hải Dương một thời bung ra có tới ngót một trăm nhà sản xuất. Riêng họa sĩ Tuệ đã thiết kế, vẽ mẫu cho hơn bốn mươi nhà. Nhãn hiệu bao bì bắt mắt và độc đáo đã tạo màu cờ sắc áo và nâng tầm mặt hàng sản phẩm địa phương truyền thống. Lôgô, bao bì nhà nào cũng yêu cầu phải khác người nhưng đều phải có rồng hoặc có phượng, quả là một thách thức tay nghề của họa sĩ. Vốn liếng nghệ thuật dân gian đã được đánh thức và huy động từ cái thuở theo cha đi lễ ở các đình chùa, anh đã để tâm quan sát sự khác nhau giữa những bức trạm khắc rồng thời Lý, thời Trần hay thời Nguyễn…

Dù một thời gian dài được giao làm Phó Giám đốc nhà Triển lãm - Thông tin rồi Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nhưng họa sĩ Phạm Trí Tuệ vẫn lấy nghiệp vẽ làm trọng, mải mê sáng tạo. Bản chất khiêm nhường, chân chất, anh rất dị ứng với sự khoa trương hay bon chen danh lợi. Anh nhớ lời ông thân sinh: "Đức Phật dạy rằng, nếu đi đường chẳng may áo con vướng phải cành rào thì cũng chẳng vì bực mình mà bẻ gẫy cành rào, mà phải đưa tay gỡ áo ra…".

Có lẽ mãi gần đây, con trai anh - họa sĩ Phạm Huyên Kiêu mới thực sự nhận biết giá trị vốn liếng nghệ thuật hội họa của bố mình. Huyền Kiêu là Giám đốc một công ty quảng cáo, quan hệ nhiều với giới họa sĩ mỹ thuật ứng dụng nước ngoài, nên càng trân trọng bản sắc dân tộc của những họa phẩm của bố mình. Anh đã lần mò tìm lại cả những sáng tác là bài tập của Phạm Trí Tuệ khi học ở trường Mỹ thuật Hà Nội, động viên bố tập hợp tác phẩm để xuất bản làm ba sưu tập: Tranh hội họa, Tranh cổ động và Mỹ thuật đồ họa.

Tranh nguyên bản và ảnh chụp tác phẩm của anh treo trong ngôi biệt thự nhà vườn được dựng ngay trên đất của tổ nghiệp ở giữa làng Vũ La. Đã nhiều năm công tác gần gũi với anh Tuệ, nhưng quả tình tôi v   ẫn thấy bất ngờ, có cảm giác bị ngợp trước thế giới màu sắc đa dạng, phong phú của anh. Cũng như tính người, nghệ thuật hội họa của Phạm Trí Tụê không cố ý tạo những phá cách khác lạ hay chạy theo các trường phái nghệ thuật hiện đại. Anh chung thủy với phong cách nghệ thuật hàn lâm truyền thống...

Hải Dương, tháng 6/2011

Nguyễn Phúc Lai
.
.