Họa sĩ Phạm Trí Tuệ: Hữu xạ tự nhiên hương
Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt nhìn qua hiền lành nhưng ẩn sau gương mặt tưởng lành hiền, dễ dàng chìm khuất trong đám đông ấy, là một sự cẩn trọng, một sự kĩ lưỡng, một sự "đa nghi" của người từng trải, một người từng đi qua bao nhiêu sự đổi thay của đất nước và những khúc quanh của con sông cuộc đời mình. Nhưng trên hết, đó là một đôi mắt thông minh, say mê, một đôi mắt có thể quên hết mọi sự xa gần nhiễu nhương của ngoại giới và tâm can trong lúc vẽ. Chỉ còn tinh anh vút đầu ngọn bút, chỉ còn những mảng màu qua ngón tay gầy mảnh của ông tự tình, kể chuyện trên mặt toan, trong sự giao cắt tĩnh tại tuyệt đối của thời gian và không gian. Người ấy chính là họa sĩ Phạm Trí Tuệ.
Sùng Quang Tự và kí ức Vũ La
Nằm ở mạn bồi của sông Trâm Kiều, con sông nối liền sông Thái Bình với sông Lai Vu tạo thành một vùng nội thủy quan trọng của Bắc Bộ, làng Vũ La từng là vùng đất thơm cò đậu, tấp nập trên bến dưới thuyền. Cái nét trù phú tươi trong ấy của Vũ La qua nghìn năm nay vẫn giữ lại được nơi sắc thắm của cánh đồng lúa mênh mông, nơi đàn cò thảnh thơi lội ruộng, và đặc biệt là nơi ngôi nhà vườn u trầm, kín đáo lưu giữ tuổi thơ và kí ức Vũ La của họa sĩ Phạm Trí Tuệ.
Băng qua bức cuốn thư liễu rũ rêu phong, qua khóm bạch nhài và cây hoàng lan cao vút, cánh cửa gỗ ngôi nhà họa sĩ già hé mở là toàn cảnh Sùng Quang Tự của làng Vũ La. Bức tranh khổ lớn ôm lấy không gian ngôi nhà trong sắc màu truyền thống Đẹp vàng son ngon mật mỡ.
Họa sĩ Phạm Trí Tuệ và bức tranh đang vẽ. |
Cái sắc vàng ấy trong tranh của Phạm Trí Tuệ, nói theo cách nói nhà văn Nguyễn Phúc Lai, đó là cái sắc nắng đã được chiểu qua cái rực rỡ của vần vũ nước mây đặc trưng của vùng duyên hải. Cái sắc nắng hiếm thấy trong tranh sơn mài ở các họa sĩ khác. Nhưng với người viết, những mảng màu và chi tiết Sùng Quang Tự thực sự biết kể chuyện khi đôi mắt của họa sĩ già nhìn hút vào đoàn tàu, một nét mờ xa trong sắc vàng rực rỡ của bức tranh. "Đó, đoàn tàu đó, tuổi thơ tôi hàng ngày ngồi trên cây muỗm cổ thụ để ngóng về đoàn tàu này đây".
Cả đoàn làm phim chúng tôi lặng phắc, chúng tôi im lặng trước tuổi thơ của một đứa trẻ lên ba mất mẹ, phải theo cha vào ở nhờ cửa chùa. Đứa trẻ út ít ấy, ban ngày lúc mọi người đi làm đồng, hết nhặt đám lá xoài vàng rơi xuống sân chùa lại trèo lên ngọn cây hóng chờ một hồi còi tàu từ Hà Nội về Hải Phòng hay ngược lại, chuyến từ Hải Phòng lên Hà Nội.
Đêm hè, đứa trẻ lên ba thiếu me, thiếu bạn chơi ấy cũng chỉ biết nằm trên cây đếm sao qua kẽ lá. Cho đến khi giặc Pháp về làng, đốn cây xoài hai chục người ôm ấy để xẻ gỗ đóng quan tài chở lính Pháp mang về "mẫu quốc", cậu bé Phạm Trí Tuệ ngơ ngẩn. Ba tháng bọn lính Pháp đốn cây là ba tháng cậu bé Tuệ quẩn quanh với cành và lá sõng soài lê la khắp mặt đất. Đàn trâu hợp tác xã 30 con thường ngày trú nắng quanh gốc cây chỉ biết nằm bệt quanh bờ nước thở hồng hộc nhìn xe chở gỗ lướt qua mình.
Cái chất cô đơn, cô độc, trơ trọi của nghệ sĩ, ắt hẳn được thành thai thành hình từ những năm tháng tuổi thơ ấy của Phạm Trí Tuệ. Và Sùng Quang Tự chính là ẩn ức bất tận của tuổi thơ ông.
Dấu ấn trưởng thành
Câu chuyện cậu bé Phạm Trí Tuệ đến với hội họa bắt đầu từ cái duyên của làng Vũ La năm 1958 đón đoàn văn nghệ sĩ từ Hà Nội về thực tế. Họa sĩ Sỹ Ngọc, nhà văn Đào Vũ, người sau chuyến công tác đã cho ra đời tiểu thuyết "Cái sân gạch" vang tiếng một thời, cùng với một số văn nghệ sĩ khác đã "nhặt" được cậu bé Phạm Trí Tuệ qua vài nét gạch vẽ trên sân chùa.
Theo thầy Ngọc lên Hà Nội vào Trường Mỹ thuật Hà Nội, cậu bé Tuệ còn được những thầy học danh giá khác dìu dắt, đó là thầy Lương Xuân Nhị, thầy Nguyễn Văn Tỵ. Sắp bước sang cái tuổi bát thập nhưng giây phút thầy giáo Lương Xuân Nhị đứng bên cạnh mình, nghiêm khắc tìm câu trả lời cho tình trạng vẽ xuống dốc của trò vẫn nằm rõ trong tâm trí của Phạm Trí Tuệ. "Vì sao? Thưa thầy vì lâu nay con không ăn sáng nên không có ruột bánh mì để tẩy tranh".
Họa sĩ Lương Xuân Nhị rớm nước mắt trước câu trả lời của Tuệ. Từ buổi đó, mỗi sáng thầy Nhị lên lớp lại mang thêm bánh mì, vừa cho trò ấm bụng vừa cho trò dùng tẩy tranh. Kí ức thứ hai với thầy Sỹ Ngọc, đó là khi Phạm Trí Tuệ cho một người anh lớp trên sửa vào bài mình. Thầy Ngọc gay gắt: "Sao anh lại làm thế? Đến tôi còn không sửa vào tranh của anh? Sao anh lại để người khác sửa vào tranh mình?". Bài học về tôn trọng cá tính sáng tạo, tôn trọng chính con người mình của thầy giáo mỹ thuật mãi ở lại trong tâm trí Phạm Trí Tuệ.
Có lẽ, chính những tấm lòng như thầy Sỹ Ngọc, thầy Lương Xuân Nhị đã mở đường cho Phạm Trí Tuệ gặp gỡ và sống sâu đời sống rộng lớn của đất nước thời kì Bắc - Nam dốc lòng đánh Mỹ. Năm 1969, năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt những tuyến đường huyết mạch nối Bắc vào Nam, Phạm Trí Tuệ đã cho ra đời bức tranh "Giặc phá ta cứ đi". Bức tranh đặt cả đoàn tàu, xe trên cánh tay một cô gái xung phong, bốn bên là bom đạn.
Một tác phẩm tranh cổ động của họa sỹ Phạm Trí Tuệ. |
Bức tranh chỉ có 2 màu đen, trắng, khác hẳn với thể loại tranh cổ động thông thường là dùng màu sắc để tạo bố cục, thu hút, lôi cuốn số đông công chúng. Lý giải điều này, Phạm Trí Tuệ chia sẻ, thời điểm bom rơi đạn nổ triền miên trên các tuyến đường ấy rất cần những bức tranh cổ động tinh thần chiến sĩ làm đường. "Thường, tranh dựng xong, giờ cao điểm bom trút xuống xóa trắng, trắng đường, trắng tranh. Nhưng đường cần làm lại và tranh cũng cần có lại. Lấy đâu ra đủ màu ở nơi bom rơi đạn nổ nhiều hơn cơm bữa ấy.
Đó là lý do tôi chọn hai màu đen trắng" - Phạm Trí Tuệ trầm ngâm chia sẻ. Màu không có nhưng bùn non và vôi thì dân sẵn. Đen và trắng cứ thế phết lên. Bom giội xuống, nát bức tranh này, bức tranh khác lại đứng lên. Con người quyết định chứ không phải là bom đạn quyết định. Cứ thế "Giặc phá ta cứ đi" đã cùng sống, cùng chiến đấu với bao chiến sĩ, dân quân trên tuyến đường Bắc - Nam thời kì ác liệt ấy.
Không chỉ có "Giặc phá ta cứ đi", sau này những dấu son lịch sử của đất nước, như Ngày hội bầu cử Quốc hội thống nhất đầu tiên năm 1976, đất nước thời kì đổi mới, bầu cử Quốc hội khóa X… Phạm Trí Tuệ đều có những bức tranh cổ động đầy tính sáng tạo và thể hiện được tiếng nói của mình trước những sự kiện quan trọng của đất nước. Điều đáng nói là, những bức tranh ấy như "Chiều hậu phương, Hồ phân rễ mạ…" đến giờ vẫn nguyên giá trị nghệ thuật.
Nói như cách nói của nhà văn Nguyễn Phúc Lai, chưa từng ai làm một cuộc thi công bằng về tranh cổ động, chứ nếu có, thì tôi tin, Phạm Trí Tuệ nằm trong số ít những họa sĩ vẽ tranh cổ động sáng tạo thời bấy giờ. Còn theo cách nói của họa sĩ Hà Huy Chương, thì tranh cổ động của Phạm Trí Tuệ thực sự "trí tuệ".
Thú thật, tôi không thích lắm những hình ảnh Phạm Trí Tuệ mặc áo phông, quần đùi cộc, nôn nóng đi lại trước cổng 58 - Quán Sứ chờ lấy đĩa chúng tôi làm phim về ông, dù biết, nhà ông, ở Hà Nội, ngay Tràng Thi, cách Đài mười lăm, hai mươi bước chân. Tôi cũng không hẳn đã thích những cư xử của ông khi quay phim xin phép đến muộn 15 phút, buộc ông phải chờ đợi…
Và dù, tôi hiểu thế hệ ông làm việc nghiêm túc giờ giấc, dù tôi hiểu ông trong thời kì ngặt nghèo của đất nước đã phải vẽ chui vẽ lủi để "nhặt" từng đồng nuôi vợ mất việc, nuôi con nhỏ dại, hay như cách ông nói, đó là thời kì căng trí ra để "đấu" mới có thể mong bảo toàn được sự sáng tạo của mình… Nhưng, tất cả những điều thích hay không thích ấy, đến cùng cũng chỉ là cảm giác của một cá nhân tôi, điều đáng nói là những sáng tạo của ông, đáng được nhìn lại và đáng được yêu mến. Dù, lại dù, như bạn bè ông nói, Phạm Trí Tuệ vẫn là thế hệ theo đuổi tư duy sống "Hữu xạ tự nhiên hương".