Họa sĩ Phạm Lực: Chuyện thật khó tin

Thứ Tư, 12/06/2013, 08:00

Gặp họa sĩ Phạm Lực, tôi mới hay vì sao ông lại vẽ nhiều đến mức không thể nhớ hết số lượng tác phẩm của mình. Ông kể, ông thường xuyên mất ngủ vì những cơn đau đầu do bệnh huyết áp cao. Trước đây, trong thời kỳ quân ngũ, nhiều đêm họa sĩ thức trắng để vẽ. Có điều kỳ lạ, nếu cầm cọ vẽ là ông dịu cơn đau và như đi vào cõi mộng... Đến tận bây giờ cũng vậy, giấc ngủ của ông luôn chập chờn cùng những đường nét huyền ảo, thế là ông lại vùng dậy cầm bút vẽ...

1.Trong các họa sĩ đương đại Việt Nam, Phạm Lực là người duy nhất hiện có một Câu lạc bộ (CLB) chuyên sưu tầm tranh của mình. Theo tổng kết, khoảng 100 thành viên CLB này đã giữ trong tay họ tới 6.000 tác phẩm của ông. Chủ nhiệm CLB - anh Ngô Quang Tuấn - nhẩm tính, nếu tất cả những người ấy tổ chức triển lãm riêng tranh Phạm Lực hàng năm, mỗi cuộc trưng bày 60 tranh, thì phải tới 100 năm sau mới hết số tranh mà họ có trong bộ sưu tập suốt mấy chục năm qua. Gần nhất, vào tháng 3/2013, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, một nhà sưu tập "cực" yêu tranh Phạm Lực, hiện là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã tổ chức một triển lãm mang tên "Nối hai thế kỷ". Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho trưng bày 70 bức tranh để mừng họa sĩ Phạm Lực vào tuổi 70. Nghe nói, trong "kho tranh" của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng có tới 800 tác phẩm của Phạm Lực. Nhưng con số ấy của Tiến sĩ Dũng còn thua Chủ nhiệm CLB Ngô Quang Tuấn tới… 200 bức. Ngoài hai nhân vật kể trên, còn có các ông: Đặng Huy Long, Nguyễn Bá Hoan cũng mua nhiều tranh của Phạm Lực (ông Long mua 600 bức; ông Hoan mua 200 bức).

Một nhà sưu tầm tranh người Australia - ông Tony Olive - đã từng mua 100 bức của họa sĩ Phạm Lực. Năm 2009, ông Tony mở cuộc triển lãm tranh Phạm Lực, không ngờ chỉ trong một tuần đã bán hết toàn bộ số tranh. Sau đó, chính Tony đã phải đi mua lại 4 bức để giữ làm kỷ niệm.

Phạm Lực thường không thể nhớ hết những cuộc triển lãm tranh của mình, vì đa phần những cuộc triển lãm đó là do những thành viên của CLB các nhà sưu tập tranh Phạm lực đứng ra tổ chức. Thậm chí, nhiều khi chính họa sĩ không còn nhớ tác phẩm của mình đã vẽ tự hồi nào, chỉ khi xem lại tranh mới hình dung ra những đứa con lưu lạc của mình nơi phương xa. Quả đó là sự thật… khó tin.

Đặc biệt có một phụ nữ người Pháp tên là Francois Flane, sang công tác tại Việt Nam hồi những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng rất yêu tranh Phạm Lực. Người phụ nữ này còn nhiều lần làm mẫu vẽ cho Phạm Lực. Và rồi, bà ngỏ ý muốn mua tranh của ông. Phạm Lực vẽ xong bức nào là giao luôn cho Francois. Ông không hề nói giá tranh bao nhiêu nên bà Francois cứ vô tư mang tranh về mà chưa cần suy tính phải trả cho họa sĩ một đồng nào. Những năm tháng này, Phạm Lực sống trong cô đơn sau cuộc chia tay với người vợ trước, nên ngày đêm ông chỉ biết mải miết vẽ. Thế rồi một hôm, bà Francois - với nụ cười rất bí ẩn - đến bảo sẽ đưa ông đi lấy tiền tranh. Ôtô dừng trước một căn nhà khang trang tại phố Nghi Tàm. Bà Francois dẫn họa sĩ Phạm Lực vào ngôi nhà, và nói đây là tiền những bức tranh mà bà trả cho ông trong ba năm qua. Đó chính là ngôi nhà số 175, phố Nghi Tàm, nơi Phạm Lực đang ở hiện nay. Và, chẳng biết tình yêu giữa hai người nảy nở tự bao giờ, chỉ biết là sau đó, họ đã chính thức đăng ký kết hôn. Họ chung tình với nhau cho mãi tới hôm nay, cho dù hiện tại vì lý do sức khỏe, bà Fracois đã phải trở về Pháp sống.

Họa sĩ Phạm Lực chụp ảnh cùng người mẫu - cũng là một nhà sưu tập tranh của ông.

2. Họa sĩ Phạm Lực có một thói quen rất khác người, là ở đâu, đến đâu ông cũng kiếm được người mẫu để vẽ chân dung. Hầu như bất kể triển lãm nào do ông đứng ra tổ chức hay các thành viên CLB các nhà sưu tập tranh Phạm Lực đứng ra lo liệu, bao giờ ông cũng kéo được những người mẫu đến vẽ tại chỗ. Ông vẽ chân dung họ bằng các chất liệu như sơn dầu, bột mầu, hay thuốc nước, tùy theo yêu cầu của khách hàng, và chẳng bao giờ lấy một xu.

Trong hàng ngàn tranh của ông, nhiều tác phẩm mô tả thân phận người phụ nữ lao động ở mọi lứa tuổi, theo nhiều mẫu mà ông đã gặp gỡ hay quan sát trong cuộc sống, nên rất sinh động và gợi cảm. Có khi là một cô chiến sĩ thời chiến đèo con trên xe đạp, hay những người phụ nữ đi đãi hến, hoặc hình ảnh cô gái ngủ vùi sau cuộc chiến...Đó là những mẫu người hiện diện trong những góc khuất của cuộc sống. Họ vừa vất vả trong lao động, nhọc nhằn trong chiến đấu mà họa sĩ Phạm Lực đã thấu hiểu và chia sẻ trong tác phẩm của mình. Có thể vì thế mà hàng nghìn tác phẩm của ông được nhiều người yêu mến và có sức phổ cập sâu rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng có người nhận xét rằng, Phạm Lực dường như cả đời chỉ trăn trở với những mẫu vẽ đầy những ưu phiền, lo toan. Thậm chí, đã có người còn đố họa sĩ có dám thoát ra khỏi những hình mẫu bà già, cô gái vùng quê để vẽ những cô gái chân dài hiện đại? Lời thách đố này đã có tác dụng đối với Phạm Lực. Vậy là, có những ngày ông lang thang đây đó, tìm người mẫu chân dài, thử một vận may.

Một hôm, Phạm Lực tình cờ phát hiện ra một cô gái mặc váy ngắn và khoe cặp đùi dài trong một quán cà phê. Họa sĩ rẽ vào, nhưng không biết bắt đầu như thế nào, cho dù ông đã vẽ hàng trăm người mẫu. Thì ra cô gái chính là chủ cửa hàng giải khát. Họa sĩ phải mất khá nhiều thời gian thăm dò ý tứ của người đẹp. Thậm chí, chỉ uống một cốc nước cam, họa sĩ cũng đưa cho cô chủ tới 500 ngàn đồng, không lấy lại tiền để đổi lấy tình thân thiện với người đẹp trước khi đặt vấn đề. Phải làm quen đến cả tuần lễ họa sĩ mới dám đề xuất mời cô gái làm mẫu vẽ, kèm theo đó là tiền thù lao khá lớn. Nhưng đâu có dễ. Mãi tới hai tháng sau, họa sĩ mới được cô ta cho một cái hẹn. Trong lòng họa sĩ mừng đến run rẩy, vì đây là một cuộc hẹn hò đầy khó khăn và khá gượng ép.

Họa sĩ chuẩn bị kỹ những dự định sẽ thể hiện về người đẹp này như thế nào. Hôm ấy cô chủ trẻ đóng cửa hàng và bắt họa sĩ chờ đợi ở ngoài. Có lẽ người đẹp cần trang điểm cho thật xinh đây. Chờ khá lâu, Phạm Lực sốt ruột và cũng rất hồi hộp chờ đón một hình dáng thật mỹ miều của người đẹp. Bất ngờ cô gái xuất hiện cùng với một bà già đẹp lão. Cô giới thiệu đây là bà nội của cô. Câu chuyện thay đổi khá bất ngờ khi họa sĩ biết là đã hai tháng nay, cô gái phải cố công thuyết phục được bà mình đồng ý làm mẫu cho họa sĩ vẽ chân dung. Lý do, bà nội cô trước đây có yêu một họa sĩ, và muốn người yêu vẽ chân dung mình mà không thành. Mối tình tan vỡ. Giờ đây, cô cháu muốn họa sĩ Phạm Lực vẽ chân dung cho bà mình để làm kỷ niệm nhớ lại mối tình của tuổi trẻ thuở nào.

Tưởng là Phạm Lực thất vọng, không ngờ ông lại rất say sưa vẽ chân dung bà già, kèm theo đó là sự chất chứa những nỗi đắng cay của một mối tình tuyệt vọng. Ẩn chứa trong hình ảnh là nỗi nhớ nhung cùng khát vọng được yêu của người phụ nữ. Cô mong được sống hạnh phúc với tình yêu của mình. Sau này, khi bức tranh hoàn thành, bà lão cứ ôm bức tranh mà nhỏ lệ không ngừng. Với bức tranh này, bà như được sống lại với tình yêu thời son trẻ của mình.

Nhiều khi chính Phạm lực cũng khó tin những câu chuyện có thật trong cuộc đời cầm cọ của mình. Có thể hàng ngàn tác phẩm của ông đang lưu lạc ở đâu đó, nhưng hàng trăm người mẫu đến thuộc lòng trong ông thì không thể quên được và ông có thể gọi họ về bất cứ lúc nào, ngồi bên ông tâm sự và trò chuyện cùng với sắc màu đang bừng lên trong những đêm mất ngủ.

Tranh của ông tràn ngập những nỗi niềm uẩn khúc đời người. Nó vận vào ông như tiền định. Đâu đó nụ cười của niềm vui chưa kịp lóe sáng đã vụt tắt, để lại nỗi muộn sầu có phần tê tái. Kể cả trong những bức tranh nude thật tuyệt mỹ của ông cũng có sự gửi gắm về nhân sinh. Ở một góc nào đó hay một chi tiết đầy ẩn dụ cũng nói lên sự ám ảnh trong lòng họa sĩ…

Vương Tâm
.
.