Họa sĩ Lê Trí Dũng: Người năng "nhặt cuội"

Thứ Hai, 17/11/2014, 08:00
Phòng vẽ trên tầng ba của họa sĩ Lê Trí Dũng ngoài ngổn ngang những bức sơn dầu khổ lớn, tranh ngựa các dáng thế, sắc màu; rồi bút lông, màu vẽ... còn những thứ khá đặc biệt. Đó là chiếc bi đông, chiếc thắt lưng, ba lô và nhiều đồ dùng của một thời lính chiến. Không thể thiếu là những hòn cuội to nhỏ, hình thù, màu sắc khác nhau. Đấy mới là Lê Trí Dũng, phòng tranh Lê Trí Dũng.

Con người ấy ngoài đời vâm váp cùng dáng hơi bụi,  với mái tóc dày, hơi xoăn và cái mũi tây tây. Ấy trông thế nhưng anh lại là người hay thủ thỉ tâm sự. Cái giống nghệ sĩ có tài thường hay cô đơn, như anh tự nhận: "Sự cô đơn dường như là số phận của những nghệ sĩ đích thực".

Vào những năm chín mươi thế kỷ trước, nhảy ra ngoài nhà nước và "tự thân vận động" là chuyện lớn và dũng cảm lắm. Con người Lê Trí Dũng không chịu được những ràng buộc, khuất tất, những thói đời giả trá… Sau này đọc những trang viết của anh trong 3 tập "Những hòn cuội nhặt dọc đường" tôi mới hiểu thêm về một Lê Trí Dũng sâu sắc và đầy bản lĩnh, che phủ bởi vẻ ngoài có phần xù xì, bộc trực và bất cần.

Cà phê 26 Lê Văn Hưu. Vẽ mệt, giải lao. Dự lễ khai mạc xong một phòng tranh. Đi đâu gần đấy hoặc chợt nhớ nhau, ới một tiếng ra nhâm nhi những giọt cà phê đen sánh, thơm thơm, tào lao nhiều chuyện. Là cơ quan tôi gần đấy. Đúng giờ lắm, nhiều hôm tôi ra đã thấy cái dáng to to với mái tóc dày cợp, Lê Trí Dũng đang trầm ngâm như quên mọi sự xung quanh. Chẳng thế, trong các họa sĩ tài danh minh họa cho những tờ báo văn nghệ uy tín như: Văn Nghệ, Văn nghệ Công an, Người Hà Nội, tạp chí Văn nghệ Quân đội… Lê Trí Dũng không bao giờ sai hẹn, thậm chí chỉ cần nói trước một vài tiếng là có ngay minh họa vừa đẹp vừa đúng chủ đề truyện.

Năng khiếu hội họa của Lê Trí Dũng được thừa hưởng từ người cha, họa sĩ tài năng Lê Quốc Lộc (giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật). Người cha không muốn con trai đi theo nghiệp vẽ, muốn con mình trở thành bác sĩ, luật sư...; nhưng rồi trước sự đam mê vẽ của con, ông lại trở thành người hướng dẫn, người thầy cho những bước đi đầu tiên của chàng họa sĩ tương lai Lê Trí Dũng. Ngay cái tên Trí Dũng được ông Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn đặt cho cậu bé sinh trên đường tản cư vào xứ Thanh những năm kháng chiến chống Pháp, đã như một vận số gắn cậu bé vào những việc "vung bút xuất thần" sau này.

Họa sĩ Lê Trí Dũng.

Chàng họa sĩ của trường Mỹ thuật Việt Nam bước vào năm cuối cũng là lúc tiếng gọi nơi chiến trường thúc giục. Lê Trí Dũng trở thành người lính tăng của lữ đoàn xe tăng nổi tiếng đã đi đầu và đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 sau này: Lữ đoàn 203. Những ngày tháng khốc liệt tại chiến trường Quảng Trị năm 1972-1973; rồi chiến đấu dọc đường hành quân từ Quảng Trị vào Sài Gòn…; chiến tranh, tình đồng đội, những mất mát, hy sinh; những thăng tiến, ngụy tạo…đã ùa tràn dữ dội, đã khuấy đảo tâm hồn, tình cảm chàng lính họa sĩ. Lê Trí Dũng đã có những thức cảm lắng đọng và nhân văn.

Vung bút ngựa bay

Lê Trí Dũng say mê ngựa và vẽ ngựa từ những năm còn là học sinh. Người lính tăng, họa sĩ Lê Trí Dũng không rời cây cọ ngay trong những trận đánh ác liệt của chiến trường Quảng Trị năm 1972. Bên cạnh những ký họa, tốc ký, màu nước về chiến tranh; thì hình ảnh con ngựa cũng vẫn cứ hiện lên lấp lánh nơi chiến trường.

Những con ngựa, hàng ngàn con ngựa bay ra từ tâm thức người nghệ sĩ. Trước khi bay ra, ngựa là những giấc mơ, là những ý tưởng, những nghĩ suy của một tâm hồn hiểu đời, đau đời, tri ân cùng đời và cũng thăng hoa cùng đời. Rồi những nhọc nhằn, trăn trở, giằng xé, níu kéo đến quên ăn biếng ngủ... "Với tôi, sau nhiều năm vẽ ngựa, con ngựa không còn là ngựa nữa, nó hóa thân thành người. Càng ngày, những con ngựa nằm và đi nước kiệu ít đi, nó quằn quại, tung vó, gào thét. Càng ngày, những ngựa đôi, ngựa đàn ít đi, còn rặt là độc mã, phóng vun vút, phi như bay, trên cả mặt trời mặt trăng, dầm mình trong mưa, cỏ hoang, đồng nội, bờm văng tung tóe... Những con ngựa dữ dội, mắt trợn ngược, mồm há to bay trong không gian...".

Để vung bút, ngựa bay như hôm nay, Lê Trí Dũng đã ngốn không biết bao nhiêu sách vở, tranh ảnh, tài liệu về ngựa. Anh mê mải, đắm đuối với những con ngựa cổ kim đông tây; từ ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường, ngựa ô đen tuyền của Trương Phi, con Đích Lư của Lưu Bị trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa"; con Thiên Lý Mã, Vạn Lý Vân trong "Phong Thần"; con Ô Truy Thích Tuyết của Hô Diên Chước, con Thiên Lý Long Câu của Sử Văn Cung trong "Thủy Hử"...; đến các giống ngựa cao to châu Âu; rồi giống ngựa quý Bích Huyết, tương truyền có từ thời Hán Vũ Đế bên Tàu, cho đến giống ngựa bé nhỏ thuần Việt... Rồi được cha tặng cuốn sách vẽ toàn ngựa của danh họa Hàn Cán; rồi được thày dạy cho cuốn sách giải phẫu cơ thể ngựa, hơn một trăm dáng ngựa phi nước kiệu, nước đại, ngựa đi, ngựa nằm, ngựa bơi, vượt chướng ngại vật, ngã ngựa...                    

Ngựa trong tranh Lê Trí Dũng giờ đây mang đậm dấu ấn riêng. Những bóng ngựa đã  "đậu" xuống giấy Dó, giấy Điệp bằng sự xuất thần của ngọn bút, những bóng ngựa mang đầy thần khí của cái Chí và cái Dũng. Ngựa được vẽ như từ trong những miềm ẩn ức, những ý tưởng mênh mang của nhân tình thế thái, của những đam mê đầy cảm xúc và khát vọng của con người. Chỉ với vài nhát vung bút, ngựa của anh đã như tiếp cận được những ý niệm của con người. Ngựa đấy, nhưng cũng là ý đấy... Đạt đến độ này, quả thực không ai bắt chước được. Ngàn tranh ngựa là ngàn ý tứ ngựa khác nhau.

Người vẽ viết văn

Ông họa sĩ nổi tiếng nước Nam, "đệ nhất thượng thừa" về vẽ ngựa bỗng bị trời vừa "đày" vừa xúi viết. Viết một mạch trong dăm bảy năm đã có tới ba tập sách dày dặn mang chung một tựa đề: "Những hòn cuội nhặt dọc đường", tính ra đã hơn ngàn trang sách. Mà như anh tâm sự khi ra mắt tập thứ 3 của "Những hòn cuội nhặt dọc đường", anh sẽ "nhặt cuội "đến khi nào mạch nguồn trong anh cạn kiệt.

Đến tập thứ 3 "Những hòn cuội nhặt dọc đường" chắc chắn nhiều người đặt câu hỏi, nguồn mạch nào tuôn chảy và nuôi dưỡng những dòng văn Lê Trí Dũng? Vậy thì hãy cứ đọc những gì Lê Trí Dũng viết đi. Câu trả lời nằm trong những con chữ không vô cảm kia. Cố Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã viết về những dòng văn của Lê Trí Dũng: "Tiểu thuyết về chiến tranh thì Bảo Ninh là tác giả được Lê Trí Dũng mến mộ nhất. Còn tản văn (hoặc tạp văn) về đề tài chiến tranh, tôi vẫn cho rằng Lê trí Dũng là hơn cả. Quan điểm nghệ thuật của tác giả hết sức đơn giản: "tác phẩm văn chương, tác phẩm hội họa… đó là tác phẩm nghệ thuật, muốn hay… phải "xuất được cái thần". Cái thần của bài tản văn được bộc lộ tập trung trong mươi dòng cảm hứng triết luận về chiến tranh. Trong những ngày và đêm chiến tranh khốc liệt nhất thì trời đất vẫn vô tình "Mặt trời vẫn hừng lên vô tình như từ thuở hồng hoang không có chiến tranh". Bom đạn cũng vô tình: "Xa xa, tiếng bom pháo vẫn rền nổ vô tình như mọi ngày từ thời chiến tranh bùng nổ"... Trong tương quan éo le này giữa con người và trời đất hiện lên hình ảnh lẫm liệt những người lính. "Chúng tôi lầm lũi đi trong bình minh giữa rừng cây trụi lá. Bóng in sẫm trên nền trời đỏ hực như vô vọng". Hình ảnh rỡ ràng "áo chàng đỏ tựa ráng pha" người chinh phu của Đoàn Thị Điểm có cơ bị lu mờ trước hình ảnh lẫm liệt những người lính của Lê Trí Dũng…".

Giới mỹ thuật có khoảng dăm người cầm bút, nhưng thành công hơn cả là Đỗ Phấn và Lê Trí Dũng. Đỗ Phấn là dụng công, còn Lê Trí Dũng thì tưng tửng và ngẫu hứng và coi viết là một sự giải lao, bộc bạch những suy nghĩ, tâm tình, trăn trở về nhân tình thế thái, về nghề, về những góc khuất của chiến tranh… Nói như nhà văn Trần Huy Quang: "Cái mạnh của Dũng là những trang viết về thế thái nhân tình, về tình đồng đội. Cái tình của người viết là cái tình của người trong cuộc chứ không phải thương vay khóc mướn".

Trong 3 tập tản văn của Lê Trí Dũng ngồn ngộn chất liệu đời sống, cao nhất là cái tình của người viết được phả vào từng trang văn. Lê Trí Dũng không cố làm văn. Văn anh như mạch nguồn bị dồn nén lâu ngày, cứ ào ào tuôn chảy trong tâm thế của một con người bộc trực, trắng đen rõ ràng, không giả dối khuất lấp bởi những hư danh hay muôn vàn lý do khác. Viết văn đối với Lê Trí Dũng như một sự tri ân những gì tốt đẹp mà cuộc sống ban tặng, cũng đồng thời như giải tỏa tâm hồn… Nên, những trang viết của Lê Trí Dũng đi vào lòng người như lẽ tự nhiên cuộc sống vốn vậy, với nhiều câu chữ, ý tưởng độc đáo lạ đến ngỡ ngàng. Anh viết một đoạn văn về Hà Nội, ai đọc cũng như đang đọc chính những tâm trạng mình: "Bay từ Sài Gòn ra, nhìn trên máy bay Hà Nội không còn như dải lụa đỏ trên cánh đồng xanh mướt nữa, cao ốc khối hộp đã mọc lên san sát, có những ngôi nhà mỏng như tờ giấy. Lòng buồn và thầm nghĩ Hà Nội xưa đã không còn, những biệt thự cổ đã bị chắp vá loang lổ, những chung cư đã chụp thêm nhiều lồng sắt trong cơn mưu sinh, buồn mà nghĩ rằng "Bao giờ cho đến ngày xưa"… Nhưng lại chợt nghĩ rằng, biết đâu cái "vặn mình" lại báo hiệu một sự đổi mới… Xưa nay lẽ đời là: "thế gian biến cải vũng nên đồi" mà. Có cái gì giữ mãi được đâu! "Lòng người" là cái bền vững nhất còn có khi thay đổi nữa là…!"

Cao Minh
.
.