Họa sĩ Lê Thiết Cương: Nghệ thuật luôn đi tìm cái mới
- Họa sĩ Lê Thiết Cương: Ghép… và sự giải thoát tuyệt đối
- Điều “lạ” trong triển lãm tranh “13” của họa sĩ Lê Thiết Cương
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và họa sĩ Lê Thiết Cương với "Người”
Anh từng nói: Một ngày nếu không được sống trong công việc liên quan đến nghệ thuật, như thể ngày đó, con cá mắc cạn là tôi không thở nữa. Tôi không thể hình dung bởi, với tôi sống tức là vẽ, là sáng tạo. Sống là hành trình đi tìm cái mới lạ của nghệ thuật. Và được sống với nghệ thuật thì đó là những ngày tháng sống hạnh phúc và ý nghĩa nhất của tôi.
Là bạn bè, biết nhau, chơi với nhau có dễ đến cả chục năm, nhưng thú thực, tôi không theo dõi hết được những hoạt động nghệ thuật của Cương, dù công việc của tôi là nghề báo. Bởi, trong bộn bề đời sống, trong thời đại truyền thông lên ngôi, và biển tin tức cập nhật mỗi ngày... Ngày hôm qua rất dễ bị lãng quên, người nghệ sĩ hôm qua rất dễ bị khuất vùi trong quá khứ...
Với Lê Thiết Cương thì không. Thuộc về thế hệ 6X, cái tên Lê Thiết Cương chưa bao giờ khuất lẫn, chưa bao giờ hết nóng bởi hầu như tháng nào anh cũng trình làng một dự án nghệ thuật mới. Nói Cương là người nghệ sĩ có lẽ đúng chất hơn là họa sĩ. Bởi Cương làm quá nhiều việc, đóng quá nhiều vai mà vai nào cũng tròn trặn thành công. Một ngày mà Cương không nghĩ ra cái mới, không ấp ủ sáng tạo một cái gì đó khác lạ, có lẽ là ngày quạu cọ nhất của Cương, ngày Cương như con cá ngoi dưới lớp bong bóng của mình tìm không khí để thở.
Trong buổi lễ ra mắt tác phẩm phim ngắn đầu tay "Trốn tìm" mới đây của Lê Thiết Cương, Văn nghệ Công an đã có cuộc đối thoại khá thú vị với anh:
- Thưa họa sĩ Lê Thiết Cương, sau poem thơ, lại thêm một ý tưởng mới là phim ngắn. Lần này, anh chính là người viết kịch bản và đạo diễn? Hình như anh lại đang thử nghiệm mình ở một lĩnh vực mới?
+ Đúng là lần đầu tiên, một phim ngắn dài 14 phút mang tên "Trốn tìm" do chính tôi đạo diễn và viết kịch bản cùng nhóm những bạn trẻ thực hiện. Phim vừa được chính thức ra mắt khán giả Hà Nội. Tới đây, tôi sẽ mang phim vào ra mắt cho nhóm bạn bè tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi muốn chia sẻ niềm đam mê của mình. Thật ra tôi rất nhiều đam mê, hội họa có, điêu khắc có, nhiếp ảnh có, và bây giờ tôi đang thể nghiệm mình ở việc làm đạo diễn phim. Tất nhiên mới chỉ là phim ngắn.
- Anh muốn tìm gì trong "Trốn tìm"?
+ Tên phim gợi liên tưởng đến trò chơi dân gian trẻ em bịt mắt bắt dê quen thuộc nhưng "Trốn tìm" không mang nội dung giống như trò chơi thông thường: người tìm, người trốn. Mặc dù bối cảnh chính là không gian của một ngôi nhà cổ hơn 150 tuổi (làng cổ Cự Đà), với sân gạch, chum nước, gáo dừa, phên liếp… nhưng câu chuyện trong "Trốn tìm" là câu chuyện phi thời gian và phi không gian. Người tìm mang thông điệp "tìm", người trốn cũng mang thông điệp "tìm"- tìm cái trốn, trốn để tìm trong sự thay đổi, hoán cải không phân định. Đó là một cuộc kiếm tìm chính bản thân mình không thỏa.
- Có nghĩa "Trốn tìm" mang những thông điệp ẩn dụ, được gửi gắm thông qua nghệ thuật điện ảnh? Vậy nó có gì đặc biệt, có gì mới lạ để có sức thuyết phục người xem?
+ Cái lạ, độc đáo của phim là chỉ có hai nhân vật thay nhau kiếm tìm, lạc mất, kiếm tìm. Phim không đối thoại, không nhạc, không cười đùa, không khóc lóc, trên nền của tiếng guốc, tiếng thở, tiếng chạy, tiếng mưa, tiếng quét lá và màu nắng ở nhiều sắc độ mặt trời... Trong cuộc kiếm tìm này, hiện tại và quá khứ đan xen nhau, những khoảng cách, những khát vọng, hay rào cản... cũng không thể giải thấu được nguyên nhân bất khả của việc "tìm thấy, tìm được", ngay cả khi chúng bị tước bỏ. Và cuối cùng thì nghệ thuật của tôi vẫn là tối giản.
- Vậy ý nghĩa sâu xa nhất của "Trốn tìm" mà anh muốn truyền tải tới khán giả là gì?
+ "Trốn tìm" mang một lớp nghĩa, một thông điệp cho số đông - tưởng đã biết nhưng ít ai nhận thấy. Câu chuyện tìm kiếm trở thành câu chuyện khao khát đến đích khi con người cố gắng vượt qua các giới hạn. Có khi con người tìm trong mênh mông vô hạn. Tìm để trốn, trốn để tìm. Trong khi thông điệp hướng đến không phải đơn thuần là chuyện tình yêu, đó là câu chuyện kiếm tìm theo cả nghĩa hẹp và rộng nhất của từ này, trong việc tìm kiếm chính mình, tìm kiếm đích đến của mình. Người nghệ sĩ - cũng không ngoại lệ thoát ra khỏi mà thậm chí còn bị dằn vặt bởi sự kiếm tìm đó. Bởi suy cho cùng, sứ mệnh của người nghệ sĩ là sứ mệnh kiếm tìm, nhưng không phải ai quyết tâm đi tìm cũng thấy.
- Nghe anh nói như vậy thì "Trốn tìm" có vẻ kén người xem và nó không phải là cái gì thức thời thuộc về số đông hay lợi nhuận?
+ Con đường tới đích của nghệ thuật không phải lúc nào cũng là giá trị lợi nhuận. Tôi làm vì tôi thích, đơn giản vậy thôi.
- Trước đó Lê Thiết Cương đã có một dự án khá thành công mang tên "Khói trời mênh mông". Hình như đây là triển lãm hội họa đầu tiên dành tặng cho ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công chúng quan tâm.
+ Chính xác thì chúng tôi đã có một hoạt động ý nghĩa của nhóm họa sĩ Gallery 39 nhân kỷ niệm 77 năm ngày sinh và 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
"Khói trời mênh mông" lấy cảm hứng từ ngôn ngữ trong ca từ của Trịnh Công Sơn nhiều ẩn dụ, so sánh, nhiều chất thơ, gợi mở. Trời mây, sông núi, thiên nhiên, phong cảnh trong lời thơ của Trịnh Công Sơn có nhiều tâm tính, tâm trạng người và ngược lại những người, những tôi, những em của ông đều mang nỗi ám ảnh của núi rừng, sông biển… Chính vì vậy mà nó dễ gợi ý, gợi hình màu bố cục, dễ chuyển dịch ra hội họa hơn… Đã có nhiều đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh. Riêng "Khói trời mênh mông" chắc chắn là một triển lãm hội họa đầu tiên dành riêng tặng người nhạc sĩ tài hoa này.
Phim ngắn "Trốn tìm" họa sĩ Lê Thiết Cương viết kịch bản và đạo diễn vừa ra mắt khán giả Hà Nội. |
- Là người luôn khởi xướng ra những ý tưởng sáng tạo mới mẻ, vì thế mà các dự án nghệ thuật của anh luôn đem lại những ý nghĩa khác biệt, những giá trị độc đáo. Sau "Khói trời mênh mông" đầy chất thơ thì buổi trực họa về làng Cự Đà vừa qua lại gây tiếng vang trong cộng đồng về ý nghĩa và giá trị thiết thực của nó đối với cộng đồng. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
+ 5 năm sau sự kiện trong một năm có khoảng hơn 150 ngôi nhà cổ của làng Cự Đà bị phá đi xây mới (năm 2011), chúng tôi đã làm được một hoạt động nghệ thuật vô cùng ý nghĩa đó là tổ chức buổi triển lãm tranh vẽ về làng Cự Đà với mục đích lưu giữ những gì còn sót lại ở ngôi làng có địa thế "nhất cận thị, nhị cận giang" một thời phồn thịnh bằng hội họa.
Triển lãm đặc biệt ở chỗ, người họa sĩ vẽ tranh tại chỗ và vẽ xong thì tổ chức triển lãm luôn chứ không phải triển lãm những bức tranh được vẽ từ trước đó. Buổi trực họa (vẽ trực tiếp) kết thúc vào buổi sáng, sau đó triển lãm ngay trong ngày, do đó những chất liệu nhanh khô chủ yếu được sử dụng là: Bột màu, báo cũ, mực tàu, giấy dó, acrylic…
Lối vẽ nhanh, phóng khoáng không cầu kỳ chi tiết, bút pháp gợi hơn tả cũng được khai thác tối đa. Hơn 40 bức tranh tươi rói được bày trên những đồ dùng làm miến ở làng, và dành cho những người dân làng thưởng lãm. Đây cũng là một cách tôn vinh nghề truyền thống của làng Cự Đà trong hình thức của một triển lãm tranh.
- Và nghệ thuật chỉ thực sự mang lại những giá trị sâu sắc nhất khi phục vụ chính con người trong đời sống ấy. Đuợc biết thời gian qua anh làm nhiều dự án ủng hộ công tác từ thiện như: “Nhà chống lũ”, “Tranh cá ba miền”,... Gần đây Lê Thiết Cương dành nhiều sự chia sẻ với cộng đồng?
+ Với tôi, có nhiều cách để trở thành người thành đạt. Tri ân, chia sẻ với cộng đồng, biết cho người khác và sống vì người khác, cũng là một cách để nhận được nhiều hạnh phúc.
- Xin trân trọng cảm ơn anh!