Họa sĩ Bùi Mai Hiên : " Nghệ thuật đã cứu rồi đời tôi ! "
Mai Hiên nổi tiếng với tranh sơn mài trừu tượng. Chị là một trong số không nhiều nữ họa sĩ của Việt Nam ngoài những triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm ở trong nước, còn tham gia nhiều triển lãm ở các nước như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia.. Chị cũng là nữ họa sĩ được nhiều người nước ngoài tìm đến tư gia để mua tranh.
Người ta tìm thấy ở Mai Hiên một nghệ sĩ có nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ. Dù trong hoàn cảnh nào, Mai Hiên cũng luôn mang trong mình một ngọn lửa, mà trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin phép được gọi là "ngọn lửa Mai Hiên"...
Biết Mai Hiên từ lâu, nhưng gần đây tôi mới có dịp trò chuyện nhiều với chị; đôi ba lần có dịp đến uống trà cùng chị trên căn gác 2 của một ngôi nhà xinh xắn trên phố Nguyễn Thái Học. Ngoài hiên nhà, có một giàn hoa giấy lòa xòa với những chùm lá xanh rung rinh tạo cảm giác rất thư thái và gắn bó với thiên nhiên. Nhưng khi chủ nhà mở hé cửa, một không gian nghệ thuật hiện ra khiến người ta thích thú.
Đó là không gian thuần khiết của hội họa, là nơi Mai Hiên treo những bức tranh đã hoàn thành của mình cũng như treo những bức chân dung mà bạn bè vẽ chị. Bên cạnh đó, chị cũng bày biện cả đồ cổ - thú vui sưu tầm mà chị đã có từ những năm 1990. Mai Hiên cũng vẽ luôn tại đó. Chị thường có những cô cậu học trò nhỏ tuổi đến học họa, làm cho không gian ấy như ấm áp, reo vui.
Những năm gần đây, Mai Hiên tràn đầy cảm hứng với chủ đề thiên nhiên, con người Sa Pa và chất liệu sơn dầu. Những bức tranh sơn dầu khổ lớn còn dang dở của chị khiến nhiều bạn nghề phải tò mò. Chị chia sẻ rằng, chị đã đến với Sa Pa nhiều lần, mỗi chuyến đi đều đem lại cho chị những cảm xúc khác nhau. Chị đến Sa Pa vào những thời điểm khác nhau trong năm để có thể cảm nhận được những sắc thái khác nhau của cuộc sống, thiên nhiên, con người ở chốn “nóc nhà Đông Dương” này.
Là một nghệ sĩ vốn mang trái tim đa cảm, Mai Hiên cảm thấy thật xót xa khi cảnh sắc Sa Pa đang biến đổi nhanh theo thời gian. Sự “bê tông hóa” với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn mọc lên như nấm trong những năm gần đây đã trở thành một trong những động lực thôi thúc chị phải vẽ thật nhanh về Sa Pa - trước khi những vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn của Sa Pa dần biến mất.
Không chỉ Mai Hiên, giới họa sĩ Việt có nhiều người mê đắm Sa Pa. Nhưng theo sự chia sẻ của nữ họa sĩ, vẽ tranh phong cảnh khổ lớn về Sa Pa không phải là việc dễ làm. Sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây dễ khiến người ta bị choáng ngợp ngay cả khi đã đến nhiều lần.
Vì thế, nhiều họa sĩ say mê Sa Pa, lên Sa Pa nhiều lần, thậm chí còn chọn cách sống ẩn dật ở Sa Pa luôn, nhưng vẫn không đưa được một Sa Pa hùng vĩ, quyến rũ nhưng cũng đầy bí ẩn vào tranh. Chính Mai Hiên cũng ngạc nhiên về chính mình, khi cảnh sắc Sa Pa đi vào tranh của mình khá tự nhiên với cỏ cây, hoa lá, những gam màu thổ cẩm...
Sau bao nhiêu năm tháng mải miết và thành danh với tranh sơn mài trừu tượng, với những giấc mơ và giông gió đời mình, giờ đây họa sĩ Mai Hiên cảm thấy khát khao muốn chạm tới những cánh hoa dại, hòa vào với thiên nhiên, với trời xanh và những tiếng róc rách đâu đó từ suối ngàn. Chị như thấy mình trẻ lại, như đang bước đi những bước chân lạ lẫm của tuổi thơ với sự tò mò, khám phá và đôi mắt kiếm tìm những vẻ đẹp giản dị lẩn khuất đâu đó trong cuộc đời.
Họa sĩ Mai Hiên kể rằng, khi còn trẻ chị sống và làm việc khá lặng lẽ, cô đơn. Có cảm giác chị thích “trốn” một mình ở đâu đó để làm việc, để tư duy, trăn trở và rất ngại chia sẻ... Nhưng mươi năm trở lại đây, chị thay đổi rất nhiều.
Ngọn lửa cứ âm ỉ cháy trong lòng chị suốt mấy mươi năm như được dịp bùng cháy. Nhất là khi chị dứt khoát bước ra khỏi cuộc hôn nhân với một nghệ sĩ nổi tiếng. Mai Hiên chia sẻ rằng, cuộc hôn nhân ấy thực ra đã không còn tồn tại từ lâu, nhưng vì nhiều lý do mà trên... "giấy tờ" họ vẫn là vợ chồng. Để rồi khi bước ra được rồi và ngẩng đầu bước tiếp, chị bỗng dưng thấy mình tràn đầy năng lượng. Chị trở nên sôi nổi, nhiệt tình với tấm lòng rộng mở khác hẳn khi còn trẻ.
Cả chặng đường vất vả, khó khăn và cả những nỗi đau trong đời mà chị đã gặp phải, đã vượt qua, chợt một ngày chị nhận ra mình chẳng có chút ký ức nào về nó. Thậm chí, trong những tháng ngày mệt mỏi và đau khổ của đời mình, Mai Hiên từng vẽ cả một sê-ri tranh mang tên “Cơn giông Hà Nội” và có cảm giác chính nghệ thuật đã cứu rỗi đời mình, nhưng rồi Mai Hiên lại có thể lãng quên nó như những nỗi đau trong đời riêng ấy chưa từng tồn tại.
Có lẽ vì thế, chị trẻ hơn tuổi thực của mình, tâm tính trở nên ôn hòa, hồn nhiên như con trẻ. Chị không hờn giận gì cuộc đời, sống rất an nhiên, vui vẻ. Đi học hát, học đàn, lựa chọn một tôn giáo làm đức tin, làm ánh sáng soi đường đi. Cứ cuối tuần, chị mặc áo dài chỉn chu đi lễ nhà thờ, thực sự là một con chiên ngoan đạo của Chúa...
Bức tranh Vẻ đẹp Việt Nam của họa sĩ Bùi Mai Hiên. |
Và Mai Hiên, bằng những trải nghiệm của mình tự dưng trở thành một người chị, một chỗ dựa tinh thần cho những người em, người bạn trong nghề bằng sự tin cậy, dịu dàng, độ lượng của một người đàn bà nghệ sĩ đã đi qua mọi cung bậc của hỉ - nộ - ái - ố trong cuộc đời. Tôi rất thích quan niệm sống của Mai Hiên, đó là mỗi người hãy sống như một ngọn lửa, hãy sưởi ấm cho người khác chứ không chỉ chờ đợi người khác sưởi ấm cho mình.
Có một hôm tôi đến chơi với Mai Hiên. Vừa hay có nhà thơ Trang Thanh - vợ của cố nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục cũng tới chơi. Nhìn cách Mai Hiên an ủi, chia sẻ với mất mát và động viên Trang Thanh vượt qua nỗi buồn tôi đã hiểu được vì sao Mai Hiên được nhiều chị em yêu mến đến thế. Mai Hiên đã tự mình sống như một ngọn lửa ấm áp. Bởi lẽ, từ lâu chị vốn ý thức sâu sắc rằng, một người đàn bà đẹp nhất là khi họ tự làm mình ấm áp và hạnh phúc.
Họa sĩ Mai Hiên kể, trong cuộc đời hội họa của mình, chị có cơ hội gặp nhiều nghệ sĩ, nhưng số người trở thành nhân vật trong tranh của chị không nhiều. Ngoài nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục có 2 bức chân dung Mai Hiên vẽ rất tâm đắc và đúng “chất” Nguyễn Khắc Phục còn có lão nghệ sĩ Trần Vũ. Bức chân dung được hoàn thành ngay sau khi Mai Hiên gặp nghệ sĩ Trần Vũ trong một bữa cơm trưa.
Khi chị đăng hình bức chân dung này lên trang Face book cá nhân, nhiều bạn bè đã nhận ra ngay đó là Trần Vũ. Sau khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục qua đời, Mai Hiên đã tặng lại một bức chân dung của ông cho nhà thơ Trang Thanh, còn một bức chị vẫn treo trong nhà mình như một kỷ niệm. Chị cũng là người rất trân trọng “cái tình” trong đời sống của những người nghệ sĩ.
Bởi lẽ, hơn ai hết chị hiểu được họ là những người mạnh mẽ mà cũng lại rất yếu đuối, luôn ồn ào nở nụ cười trong chốn đông vui mà cũng lại hết sức cô đơn. Dù đã “đường ai nấy đi” với nghệ sĩ trình diễn - họa sĩ Đào Anh Khánh, nhưng giữa họ vẫn có một “tình bạn” trong cả nghệ thuật và đời sống. Và dường như, việc làm bạn giữa hai con người đầy cá tính này lại thích hợp hơn việc họ là... vợ chồng!
Mai Hiên từng chia sẻ với tôi rằng, nghệ thuật đã khiến chị sống một cuộc đời không uổng phí. Lựa chọn đến với nghệ thuật từ rất trẻ, chị chưa nhận thức được điều này mà chỉ khi đắm mình trong hội họa, khi hội họa cùng chị vượt qua mọi biến cố trong cuộc đời, chị càng thấm sâu giá trị vĩnh cửu mang tính cứu rỗi của nghệ thuật.
Say mê sáng tạo và tận hiến, Mai Hiên trở thành nữ họa sĩ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nghệ thuật sơn mài hiện đại Việt Nam. Chị lúc nào cũng say mê với hình tượng người phụ nữ, với nỗi đau, khát vọng, sự hi sinh cũng như vẻ đẹp kỳ diệu của phái nữ. Và Mai Hiên lúc nào cũng là người sẵn sàng tôn vinh, bênh vực, sưởi ấm cho họ...