Hệ lụy từ trào lưu hát karaoke di động
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Hát karaoke di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành vấn nạn, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân". Đây là một ý kiến nhận được sự đồng thuận của nhiều người.
Thực trạng cái loa "kẹo kéo" được mua sắm và cho thuê để hát hò khắp hang cùng ngõ hẻm, đã tạo ra nhiều hệ lụy nhức nhối. Không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, mà nhiều địa phương khác cũng đang đau đầu để nghĩ cách khống chế loại âm thanh quái ác kia. Nếu đô thị trung tâm phía Nam như TP. Hồ Chí Minh có được phương pháp hiệu quả, thì sẽ tạo cơ sở để nhiều tỉnh, thành khác xử lý rốt ráo phong trào hát karaoke di động.
Minh họa của DAD. |
Đành rằng, hát karaoke cũng là một nhu cầu giải trí chính đáng. Thế nhưng, cứ mở loa hết công suất và hát bất kể ngày đêm thì không khác gì tra tấn những người xung quanh.
Đặc biệt, ở đô thị như TP. Hồ Chí Minh thì người dân đã phải gánh chịu tiếng ồn từ xe cộ chen chúc khi tham gia giao thông, mà khi về đến nhà lại phải nghe "ca sĩ khu phố" cất giọng rên rỉ hết cỡ thì đúng là thảm họa.
Cái khát vọng được gào thét nỉ non của một vài cá nhân không chỉ phá tan không khí bình yên của khu phố, mà làm đổ vỡ tình làng nghĩa xóm. Thậm chí, cũng vì không chịu được "tiếng hát thần thánh" mà mâu thuẫn đã xảy ra, và án mạng cũng đã xảy ra.
Để xây dựng nếp sống văn minh đô thị, không thể không ngăn chặn sự hoành hành của những cái loa "kẹo kéo". Hiện nay, cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết khi người dân bức xúc khiếu nại về hiện tượng hát karaoke di động? Chính quyền cơ sở hầu như không có căn cứ nào để xử lý.
Người ta lấy cớ có tiệc thôi nôi để mở loa "kẹo kéo", người ta lấy cớ có đám giỗ để mở loa "kẹo kéo". Đám cưới tổ chức hát karaoke di động đã đành, mà đám tang cũng tổ chức hát karaoke di động. Có chuyện vui thì người ra tha thiết giai điệu bolero, mà có chuyện buồn thì người ta hào hứng tiết tấu pop, rock.
Tóm lại, trưa nắng cũng hát ầm ĩ, mà đêm khuya cũng hát ầm ĩ. Công an phường có xuống hiện trường thì chỉ khuyên bảo vài câu, sau đó đâu lại vào đấy. Trớ trêu hơn, có nhiều cá nhân bị nhắc nhở đã tìm kiếm đối tượng trình báo sự việc để chửi bới và mạt sát.
Chỉ cần kể sơ sơ, đã thấy tác động rất lớn của cái loa rất nhỏ. Thế nhưng, muốn tắt âm thanh rùng rợn kia, lại là điều không nhỏ cũng không lớn, vì chẳng đơn vị nào dám đứng mũi chịu sào.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao TP. Hồ Chí Minh cho biết thời gian qua đã thành lập nhiều đoàn thanh tra kết hợp với các quận huyện kiểm tra tiếng ồn, kiến nghị đến các đơn vị để xử lý vi phạm tiếng ồn. Tuy nhiên, Sở Văn hóa Thể thao TP. Hồ Chí Minh không có chức năng đo tiếng ồn, mà việc xử phạt tiếng ồn theo quy định là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh hoặc Sở Công an TP. Hồ Chí Minh.
Đúng là nan giải, vì ngành văn hóa chỉ có thể tuyên truyền, chứ không thể chế tài và quản lý trực tiếp tác hại của loa "kẹo kéo". Vì vậy, có thể thấy, một trong những bất cập là hệ thống đo tiếng ồn. Khi có tiếng ồn do cái loa "kẹo kéo" phát ra những bản nhạc trữ tình cay đắng mà gọi điện báo cáo rồi đợi cơ quan chức năng đến đo thì mọi thứ đã muộn màng.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh thống kê công tác của họ khá chi tiết: Trong 6 tháng đầu năm 2002 đã có 46 trường hợp vi phạm tiếng ồn và đã xử phạt hành chính từ 100.000 - 300.000 đồng. Quả là một con số quá ít ỏi, nếu so với thực tế "ca sĩ khu phố" đang hưng phấn phô diễn giọng ca mỗi ngày ở đô thị sầm uất nhất phương Nam.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thị Lệ đánh giá, hiện nay các cơ quan xử lý vấn đề tiếng ồn chưa thống nhất, chưa có sự liên kết. Cho nên các sở, ngành cần làm rõ trách nhiệm về việc xử lý vi phạm tiếng ồn, cần đưa hành vi này vào bộ quy tắc ứng xử cộng đồng để nhắc nhở, xử lý cũng như nâng cao việc liên kết của các đơn vị để xử lý triệt để.
Việc hát karaoke di động bất kể giờ giấc cũng là một hành vi gây ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, khi cái loa "kẹo kéo" được phát huy hết công suất một cách lố bịch, thì âm nhạc đã chuyển hóa thành tiếng ồn.
Về mặt luật pháp, cũng đã có những quy định về xử lý tiếng ồn. Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Thế nhưng, việc xác định thế nào là gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo để xử phạt cũng không dễ dàng. Thêm vào đó, mức xử phạt không đủ sức răn đe.
Theo khoản 8 điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2014, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55dBA (21 giờ đến 6 giờ). Còn cái loa "kẹo kéo" của các "ca sĩ khu phố" thì hoàn toàn vượt quá ngưỡng ấy. Dường như có cái tâm lý oái oăm là hát karaoke di động phải gào thật to, phải rú thật thảm thì mới thể hiện được đẳng cấp dân chơi hiện đại.
Để chấn chỉnh tệ nạn hát karaoke di động, nhất định phải xếp cái loa "kẹo kéo" vào danh mục gây ô nhiễm tiếng ồn. Theo các chuyên gia y tế, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến các cá nhân trong ba khía cạnh. Thứ nhất, che mất âm thanh cần nghe khiến cho phản xạ tự nhiện giảm sút. Thứ hai, gây rối loạn hệ thần kinh và thính giác, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch. Thứ ba, tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm tiếng ồn sẽ dẫn đến chứng mất trí nhớ và điếc không hồi phục.
Nếu cư trú trong một môi trường có âm thanh quá lớn không chỉ gây ra vấn đề về cảm xúc mà còn gây tổn thương cho tai trong, dây thần kinh thính giác bị co lại. Đối với trẻ em, ô nhiễm tiếng ồn làm trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc học từ ngữ ngay trong những năm đầu đời. Mỗi tác động này góp phần ảnh hưởng tới biểu hiện xấu về tinh thần, thể xác, hành vi, ảnh hưởng đến hiệu quả lao động, đặc biệt là đối với người dân thành thị.
Để có thể hạn chế mức độ ô nhiễm tiếng ồn, các quốc gia châu Âu đã đưa ra một số luật bắt buộc liên quan đến các phương tiện giao thông, điều tiết vị trí xe không được phép nhập, lắp đặt thiết bị hấp thụ tiếng ồn, thậm chí trừng phạt. Còn tại Việt Nam, trước mắt cần phân biệt rõ ràng các loại nguồn tiếng ồn để lập kế hoạch và loại trừ các nguồn âm thanh không phù hợp. Với tiếng ồn từ loa "kẹo kéo" thì cần nghiêm cấm càng sớm càng tốt.
HĐND TP. Hồ Chí Minh muốn ban hành một Nghị quyết về xử lý tình trạng hát karaoke di động là hoàn toàn đúng đắn và đáng ủng hộ. Khi đã được luật hóa thì người dân có cơ sở để phản ánh và cơ quan quản lý cũng có căn cứ để giải quyết kịp thời. Nếu nơi nào có tiếng ồn của "ca sĩ khu phố" mà chỉ cần 5 phút sau bị lực lượng chức năng dập tắt, thì môi trường trong lành sẽ được trả lại và nếp sống văn minh sẽ được củng cố.