Hát then trên đà hồi phục
Có thể ví hát then như là một bộ trường ca khổng lồ, trong bộ trường ca khổng lồ ấy bao gồm có nhiều trường ca nhỏ. Trong mỗi trường ca nhỏ lại được chia ra thành các chương, các đoạn và mỗi chương đoạn đều có cách hát khác nhau, sự hấp dẫn cũng khác nhau...
Người Tày gọi là Then, nhưng khi dịch sang tiếng Kinh thì gọi hát then. Hát then là một hình thức dân ca nghi lễ của người Tày đã có từ rất xa xưa. Có ý kiến cho rằng, vào thế kỷ thứ XVI, nhà Mạc lên chiếm cứ Cao Bằng (1592 - 1667) lập triều đình riêng để chống lại nhà Lê, số quan quân và thầy đồ lên Cao Bằng theo nhà Mạc rất đông. Lúc bấy giờ các trí thức địa phương là người Tày có nhiều người văn hay, chữ tốt. Trong đó có ông Bế Văn Phủng nổi tiếng học rộng, giỏi làm thơ, biết nhạc, đã soạn ra nhiều điệu múa để huấn luyện cho nam nữ đi biểu diễn phục vụ các ngày hội vui chơi. Đặc biệt, ông còn sáng tác nhiều bài hát then được nhân dân ca tụng. Vua nhà Mạc thấy thế đã phong cho Bế Văn Phủng làm trạng Tư thiên quản nhạc xem thiên văn khí tượng và quản lý đội nhạc của cung đình. Kể từ đó mới có hát then và hát then bắt đầu phát triển. Nhưng căn cứ các tài liệu để lại thì vào thời kỳ tương ứng với thời kỳ Nam Bắc Triều của Trung Quốc (420 - 589), ở Cao Bằng hai ông Lê Thế Khanh và Nông Đình Xuân đã chép lại 13 chương Pửt và Then để truyền lại cho đời sau. Như vậy then của người Tày đã có từ thuở rất xa xưa và chắc chắn đã ra đời từ trong dân gian.
Các chương then do hai ông Bế Văn Phủng và Nông Đình Xuân chép lại cũng giống như các chương then được lưu truyền trong dân gian đã cho thấy cuộc hành quân của con người từ dưới trần thế đi lên trên mường trời rất hùng tráng nhưng cũng đầy rẫy những sự ai bi. Đối với người Tày, chắc chắn ai cũng đều thích nghe hát then. Bởi hát then là một loại hình diễn xướng dân gian dễ đi vào lòng người với ca từ và âm nhạc rất hấp dẫn. Hát then không phải chỉ là diễn xướng dân gian đơn thuần, mà hoàn toàn mang phong cách bác học. Hát then bao giờ cũng được hát với đầy đủ nghi lễ và tổ chức ở nơi trang trọng nhất trong gia đình, đó là gian nhà ở trước bàn thờ tổ tiên. Người hát then bao giờ cũng hát từng chương, từng khúc theo một trình tự và bài bản nhất định như trong sách. Một cuộc hát then có thể chỉ dài một đêm nhưng cũng có thể dài tới mấy ngày đêm, thời gian dài hay ngắn tuỳ theo mục đích của đêm hát then và yêu cầu của gia chủ.
Có thể ví hát then như là một bộ trường ca khổng lồ, trong bộ trường ca khổng lồ ấy bao gồm có nhiều trường ca nhỏ. Trong mỗi trường ca nhỏ lại được chia ra thành các chương, các đoạn và mỗi chương đoạn đều có cách hát khác nhau, sự hấp dẫn cũng khác nhau.
Nói đến Then là người ta nghĩ ngay đến "Khảm hải" (Vượt biển), một trường ca hấp dẫn nhất của Then. Với các thủ pháp nghệ thuật so sánh, khoa trương, phóng đại và miêu tả rất hấp dẫn, "Khảm hải" đưa con người ta mê mải qua bao chặng đường vô hình đầy gian nan từ trần thế đi lên thượng giới. Ở trên đó có chợ Tam Quang, một thế giới thần tiên với bao sắc màu lung linh huyền ảo. Trong "Khảm hải" có một hiện thực của tương lai vô cùng tốt đẹp nhưng mà muốn đến được chốn đó phải trải qua xiết bao nhọc nhằn, vất vả, đắng cay. Nửa đêm ai nghe "Khảm hải" cũng cảm thương cho phận mình mà rơi nước mắt trước cảnh chàng trai phu sluông nghe lời dặn bi thương của người vợ trong giờ tiễn biệt. "Khảm hải" nếu xét về mặt tín ngưỡng dân gian và khía cạnh văn học đều mang giá trị rất cao. "Khảm hải" bao giờ cũng được các ông bà hát vào lúc gà gáy, trời đã gần về sáng. Vào thời khắc đó không gian tĩnh mịch, vắng vẻ nhất. Khi lời hát "Khảm hải" cất lên, nó sẽ đem lại cho người nghe sự rung động tâm thành, qua đó ai cũng thấy như mình được giao cảm trực tiếp với thần linh.
Truyền dạy hát then, múa then cho thế hệ trẻ. |
Hát then thực sự đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố nghệ thuật diễn xướng dân gian và nghệ thuật bác học. Qua then, cho thấy sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Tày đã đạt đến đỉnh cao.
Phần lời của hát then mang đậm chất văn học. Nếu tách phần lời ra khỏi nhạc thì đó sẽ là những trường ca dài khác nhau. Hiện nay, các cuốn sách hát then của người Tày đã được sưu tầm có thể kể: "Lời hát then" (trích), Nhà xuất bản Việt Bắc, 1978, Dương Kim Bội sưu tầm, dài 3.700 câu; "Khảm Hải", Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc 1993, Vi Hồng sưu tầm, biên soạn, giới thiệu, dài 650 câu (đã được đưa vào giảng dạy ở trong nhà trường); "Then bách điểu", Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, 1994, Hoàng Tuấn Cư sưu tầm, Vi Quốc Đình, Nông Văn Tư, Hoàng Hạc phiên âm và dịch, dài 3.980 câu… Có thể coi đây là dạng văn học tín ngưỡng thành văn nhưng không có tên tác giả.
Hát then đã từng có thời kỳ bị Nhà nước coi là mê tín dị đoan, còn những người hát then bị cho là những kẻ gieo rắc u mê cho dân chúng. Một số người đã bị đưa đi học tập, phải viết kiểm điểm và bị buộc phải lên tiếng phỉ báng những việc họ từng làm. Sau đó từng người còn phải viết cam kết với chính quyền từ nay trở đi sẽ không bao giờ hát then nữa. Sau khi được thả trở về, nhiều người vẫn lại cứ hát then.
Hẳn nhiều người ở Cao Bằng vẫn còn nhớ câu chuyện của nhạc sĩ Hoàng Hoa Cương. Ông vốn là cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng. Ông sinh năm 1930, dân tộc Tày, quê ở xóm Nà Toàn, xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Theo lời ông kể lại, ông tham gia quân đội từ năm 1945, khi mới 15 tuổi. Đến năm 1954, ông giữ chức vụ Trung đội trưởng. Sau đó vì đam mê nghệ thuật hơn là binh nghiệp nên ông đã xin về công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng. Thật không ngờ, những năm ở Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng lại chính là những năm khổ cực nhất đối với ông. Ở thời điểm đó, những người làm then đều đã bị gây khó dễ. Hàng trăm cuốn sách chép lời then cùng hàng ngàn cây đàn tính dùng để đệm hát then đều bị đem đốt. Cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước nếu ai hát then sẽ bị xử lý kỷ luật.
Ông Hoàng Hoa Cương lúc đó vì rất mê hát then nên hàng ngày ông vẫn giấu lãnh đạo cơ quan mở băng then cổ ra nghe lén, cũng có lắm lúc ông hát lén. Có lần, vụ việc bị phát giác, các băng then cổ mà ông từng ghi âm được đều bị tịch thu mang đi tiêu hủy... Đó là những tháng ngày đáng buồn và ảm đạm nhất của hát then. Không chỉ riêng ông bị giám sát mà cả nghệ sĩ hát then Hoàng Thị Quỳnh Nha công tác cùng cơ quan với ông cũng chịu chung tình cảnh như vậy. Nghệ sĩ Hoàng Thị Quỳnh Nha sinh năm 1941, quê ở Bản Bó, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngay trong cái đận gian khó ấy, bà Nha vẫn hy vọng đến một ngày nào đó, Nhà nước sẽ thay đổi chính sách. Quả nhiên, sau này bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT hát then vào năm 1993.
Cũng theo lời nhạc sĩ Hoàng Hoa Cương, chỉ một thời gian sau, khi ông vẫn còn công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng thì chính quyền "tự nhiên quên đi cái chính sách bắt buộc người dân phải từ bỏ hát then". Ông đã tận dụng thời gian đó để sáng tác và công bố khá nhiều bài then nổi tiếng: "Ba Bể cảnh tiên", "Hái nụ hái hoa", "Chồng bộ đội vợ dân quân", "Trăng soi đường Bác", "Non xa xa nước xa xa"... Ông dựng những bài hát then đó cho Đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng và đi trình diễn ở nhiều nơi. Ông nghĩ làm như thế là để thuyết phục những người lãnh đạo tỉnh lúc đó, để cho họ thấy rằng hát then không chỉ hát trong nghi lễ mà còn hát ở mọi nơi, hát cho đông đảo công chúng nghe, hát cho cả việc tuyên truyền chính sách của Đảng nữa nên đừng cấm đoán hát then.
Đến thời kỳ đất nước Đổi mới, việc cấm kỵ đối với hát hen hoàn toàn bị gỡ bỏ. Với tư cách Trưởng đoàn Văn công tỉnh Cao Bằng, ông Hoàng Hoa Cương đã cho mở trường dạy hát then. Người từ các huyện đến học rất đông, ông đã dạy cho hơn 300 học trò. Ông hy vọng sẽ truyền lại hát then cho lớp trẻ, then sẽ không bao giờ bị mất đi.
Trong thực tế then đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với các nhạc sĩ trong nước, từ buổi đầu lên tham gia kháng chiến ở Việt Bắc. Một số bài hát của các nhạc sĩ người Kinh đã lấy giai điệu từ then như "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" của Nguyễn Tài Tuệ; "Việt Bắc nhớ Bác Hồ", "Suối Lênin" của Phạm Tuyên; "Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam" của Đỗ Minh...
Hát then đã phải trải biết bao thăng trầm. Và hiện giờ, hát then đang dần được khôi phục và tiếp tục phát triển. Các cuộc liên hoan hát then đã góp phần tiếp sức cho then đi vào quần chúng và phát triển mạnh mẽ hơn