Hát đúm ở Thủy Nguyên

Thứ Năm, 26/01/2006, 10:24

Hàng năm cứ đến ngày lễ, tết là ở các xã Phủ Lễ, Lập Lễ và Phục Lễ của huyện Thủy Nguyên lại tưng bừng mở hội. Trong đó bao giờ cũng có hội hát đúm, mà chủ yếu là của người dân Phả Lễ.  Hát đúm ở Phả Lễ có từ lâu đời, ngay từ khi tổ tiên họ xuống vùng bãi bồi ven sông Bạch Đằng để quai đê lấn biển.

Ở hai xã Phả Lễ và Lập Lễ quá nửa dân số là họ Đinh, mà ông tổ họ Đinh khắc trên mộ chí bằng đá cách đây 545 năm hiện vẫn còn. Như vậy hát đúm ra đời cách đây ít nhất cũng năm, sáu thế kỷ.

Tương truyền rằng khi người dân đổ về đây khai hoang lập ấp, trên bến dưới thuyền rất đông. Ban ngày họ lao động vất vả cực nhọc, tối đến trai gái túm năm tụm ba thành từng nhóm để hò hát giao duyên cho khuây khỏa. Thế là thành lệ. Trước đây, thường là sau các vụ gặt hái xong, vào những đêm trăng thanh gió mát, trai gái lại rủ nhau đi hát đúm. Nhưng sau này, chỉ có những ngày tết mới tổ chức. Vì trai làng phải đi làm ăn xa, tết mới về. Còn gái làng thì lam lũ, làm lụng vất vả quanh năm, để bảo vệ sắc đẹp họ phải bịt khăn, nên ngày thường trai gái gặp nhau khó nhận biết, chỉ có ngày hội đi hát người con gái mới mở khăn để bạn hát nhìn thấy dung nhan. Do vậy tập quán hát đúm ở Thủy Nguyên cũng là tục lệ mở khăn của các cô gái.

Bởi có tục lệ ấy mà các cô gái ở đây cô nào cũng thuộc một số bài hát ví để đi hội gặp các chàng trai mời hát mà mở khăn đối đáp. Hát ví thường chỉ dựa vào hai thể thơ lục bát và song thất lục bát. Tuy không nhiều làn điệu, nhưng lại rất phong phú về đề tài, đòi hỏi người hát phải rất giỏi về đối đáp. Ví như khi chàng trai cầm tay cô gái, cô gái hát lời chào mừng và buông câu thách đố như:

Truyện Kiều có mấy câu hay?
Chàng mà giải được cầm tay thì cầm.

Nếu chàng trai không có lời họa Kiều để giải là thất bại. Bởi thế trai gái đi hát ví phải thuộc nhiều bài đối đáp.

Một cảnh hát đúm.

Những bài hát ví đối đáp rất đa dạng và phong phú, nhưng cũng thật hóc búa. Họ đố nhau họa về các điển tích như “Từ Thức lên tiên”, “Phan Trần”, “Tống Trân Cúc Hoa”, “Phạm Tải Ngọc Hoa”, nhiều nhất vẫn là đố Kiều. Ngoài điển tích là những bài họa về Hoa, Lá, Cá, Chim… và những gì gần gũi với cuộc sống của họ. Xin giới thiệu hai bài đối đáp về Hoa và Lá như sau:

Nữ (hát họa bài Hoa):
Em là phận gái nữ nhi.
Vui cùng chúng bạn em đi hội này.
Gặp em anh nắm cổ tay,
Bắt em hát họa để thay lời mừng.
Những là rầy nhớ, mai mong,
Hội xuân nay mới thỏa lòng chúng ta.
Lời quê mộc mạc nôm na
Em xin hát họa bài Hoa anh tường
Muôn hoa đua sắc khoe hương
Để cho ong, bướm vấn vương đi tìm.
Trên rừng hoa mái, hoa sim
Bước xuống dưới ruộng hoa bìm, hoa na
Vào vườn hoa cải, hoa cà.
Hương thơm ngây ngất nõn nà hoa cau.
Hoa bèo trôi giạt nơi đâu?
Trà thơm ai ướp hoa ngâu đợi chờ?
Đêm nằm mơ tưởng hoa mơ.
Phù dung e ấp, lẳng lơ hoa nhài.
Xa quê lại nhớ hoa khoai.
Để hoa xoan rụng nhuộm ai tím lòng.
Lập lòe hoa lựu đơm bông
Thấy người say đắm hoa hồng mà thương
Canh khuya sực nức dạ hương.
Trà mi đâu dễ ngăn đường bướm, ong.
Bạt ngàn hoa lúa trên đồng
Cho mùa tươi tốt nặng bông thóc vàng.
Hè về cho phượng chói chang,
Cho thu nhớ cúc, xuân sang nhớ đào.
Kìa trông hoa gạo trên cao.
Bồng bềnh hoa súng dưới ao cá đùa.
Hướng dương trước gió đung đưa.
Nào ai đi bán hoa mua giữa rừng.
Yểu điệu kìa hoa lộc vừng.
Hoa sen dưới nước đã từng soi gương.
Hoa quỳnh e lệ nở đêm
Năm chầy ngóng đợi thủy tiên giao mùa
Vì hoa bướm đón, ong đưa.
Vì tình đi sớm về trưa đó mà.
Ngẩn ngơ, ngơ ngẩn vì hoa
Gặp đây xin có bài ca tặng người.
Về hoa em đã họa rồi
Lá đâu chàng họa một bài mà nghe. 

Nam (hát họa lại bài ):
Quê nhà xanh mướt lá tre
Khiến người xa xứ ngóng về đăm đăm.
Đắm đuối vì mắt lá răm
Thương ai khuya sớm chăn tằm lá dâu.
Đêm nằm xào xạc lá cau
Tưởng người xa vắng bấy lâu đã về
Bâng khuâng nhớ những ngày hè,
Canh chua ai nấu lá me nát (mát???) lòng
Nõn nà lá quất, lá hồng
Xanh rờn lá lúa trên đồng làng ta.
Tốt tươi lá mít, lá na.
Bên hồ lá liễu thướt tha buông mành
Lá dong gói bánh chưng xanh.
Lá bàng gội nắng dệt tranh trên đường.
Lá chuối đong gió, đãi sương.
Đã yêu cách trở mười phương vẫn tìm.
Chát lòng lá ổi, lá sim,
Lá bèo trôi dạt, nổi chìm lênh đênh.
Lá đa rụng khắp sân đình.
Cho người nhặt lá tỏ tình, lá ơi!
Canh cua đợi lá mồng tơi.
Tơ hồng là lá giúp người se duyên.
Lá trầu cánh phượng ai têm,
Ăn vào môi thắm, tình thêm mặn nồng,
Tóc ai thơm gội lá bòng
Để hương vương vấn trong lòng cho ai.
Nắng chiều nhuộm tím lá khoai
Phất phơ lá trúc, lá mai đợi chờ.
Thoáng trông lá láng, lá mơ,
Đã làm cho chú cầy tơ giật mình.
Ngẩn ngơ lợn ngắm luống hành,
Con gà tao tác lá chanh mà sầu.
Trên giàn lá bí, lá bầu
Kìa ai giã bạn lên cầu thở than
Tránh xa lá ngón, lá han
Mùa về gói cốm lá sen đậm đà.
Đất trời bát ngát bao la…
Cho ta ngàn lá, ngàn hoa muôn màu.
Lá bùa có ở nơi đâu?
Mà làm mê mệt lòng nhau hỡi người?!
Lá thì anh đã họa rồi.
Chim đâu em họa đôi lời xem sao?

Sau đó người con gái hát họa bài Chim, tiếp theo người con trai họa lại bài Cá. Cứ thế họ đối đáp nhau hết ngày này qua ngày khác kéo dài cho đến tan hội. Bởi thế mà có người thuộc tới hàng trăm bài hát ví. Các bài Hoa, Lá, Cá, Chim… có rất nhiều dị bản. Có bài Hoa kể tới một trăm thứ Hoa và đặc tính của nó. Bài Quả cũng vậy. Cho nên đi hát ví mà thuộc ít bài không đối đáp được thì bị thua, mà thua thì phải gửi lại kỷ vật cho người thắng. Kỷ vật thường là ô, quạt, mũ, khăn tay, dây thắt lưng, xà tích… Người thắng cuộc giữ lại trong suốt những ngày hội, đến khi tan hội hát giã đám mới được trả. Nhưng muốn xin lại kỷ vật cũng phải có bài hát như bài xin lại khăn:

Bây giờ em gặp chàng đây
Thì chàng đưa chiếc khăn này em xin.

Hát đúm vui nhất là hôm hát giã đám. Hôm đó họ trao giữ kỷ vật cho nhau, nấn ná đến tận khuya, mà đưa ra toàn những bài hát hay, mới nhất từ nỗi lòng sâu kín của họ. Hôm đó hai bên ít hát đối đáp mà toàn những bài trữ tình, bâng khuâng, lưu luyến… Những yêu đương, thương nhớ, những xa cách, chia ly, những hứa hẹn, đợi chờ và hy vọng… Họ mong đợi mùa hội sau, để lại được say đắm trong tiếng hát của nhau. Qua đó mà nên vợ, nên chồng.

Vì lẽ đó mà tục lễ hội hát đúm ở Thủy Nguyên bao đời nay đã làm cho các chàng trai, cô gái say mê, yêu thích. Nó trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp, làm cho ai nấy xa quê đều cảm thấy vấn vương, thương nhớ.

Tuy hiện nay hàng năm ở xã Phả Lễ huyện Thủy Nguyên vào những ngày lễ tết vẫn tổ chức Hội hát đúm để gìn giữ tập quán lâu đời của tổ tiên để lại, nhưng một điều rất đáng tiếc là việc sưu tầm, phát triển và lưu giữ những bài hát ví hay chưa được quan tâm chú ý, đáng buồn hơn là hiện nay chỉ còn một số người đứng tuổi đi hát, chứ lớp trẻ chẳng thấy mấy ai đam mê nữa.

Đây cũng là điều đáng để các nhà quản lý văn hóa lưu ý để có biện pháp lưu giữ lại truyền thống văn hóa tốt đẹp này

Tôn Ái Nhân
.
.