Hành trình tôn vinh "Chùa Việt Nam" của một ông Tây ăn chay

Thứ Năm, 22/11/2018, 08:03
Tối 9-11, triển lãm ảnh với tựa đề "Chùa Việt Nam" đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace, Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả ở mọi lứa tuổi. Với tôi, triển lãm này chứa đựng một ý nghĩa rất nhân văn, bởi nó liên quan trực tiếp tới một mảnh ghép văn hóa của người Việt.


Vì cho rằng mình là người ngoại quốc nên trong suốt ba năm rong ruổi từ Bắc chí Nam để thực hiện bộ ảnh "Chùa Việt Nam", nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Nicolas Cornet đã không chọn cách xin nghỉ lại những ngôi chùa mà ông ghé tới. Thay vào đó, Nicolas đến và đi trong nhiều ngày liên tiếp. Ông coi cách tiếp cận này thể hiện sự tôn trọng cần thiết của mình với văn hóa Việt Nam, nhất là với đời sống tâm linh ở những nơi thờ phụng các đấng thượng tôn. 

Tối 9-11, triển lãm ảnh với tựa đề "Chùa Việt Nam" đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace, Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả ở mọi lứa tuổi. Với tôi, triển lãm này chứa đựng một ý nghĩa rất nhân văn, bởi nó liên quan trực tiếp tới một mảnh ghép văn hóa của người Việt.

Điều đặc biệt hơn nữa, đó là mảnh ghép văn hóa Việt quan trọng ấy lại được phản ánh dưới góc nhìn của một người nước ngoài - nhiếp ảnh gia nổi tiếng đến từ Pháp Nicolas Cornet.

Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet (bên phải) phát biểu tại buổi triển lãm ảnh.

Dù là một phóng viên, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với hàng chục cuốn sách, gần một trăm phóng sự và từng tham gia thực hiện nhiều triển lãm tại Pháp, Thụy Sĩ và các nước châu Á khác, nhưng Nicolas Cornet lại chọn sống và làm việc trên mảnh đất Việt Nam từ hơn 30 năm nay. Điều này đã thôi thúc tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn ông để tìm hiểu kỹ hơn về việc hiện thực hóa ý tưởng "Chùa Việt Nam", cũng như lý do dẫn tới quyết định gắn bó với dải đất hình chữ S của Nicolas.

Trăn trở về lưu giữ và bảo tồn di sản

Gặp Nicolas vào một buổi trưa tại L'Espace sau khi ông trở về từ chùa Trấn Quốc vì một số công việc, ông không quên đem theo cuốn sách ảnh "Chùa Việt Nam" dày hơn 250 trang "khoe" với tôi. Cầm cuốn sách trên tay, lật từng trang, tôi cảm nhận được sự tỉ mỉ, chăm chút và độ am hiểu về những ngôi chùa trên đất Việt của nhiếp ảnh gia này.

Nicolas chia sẻ, ông bén duyên với Việt Nam từ năm 1987, khi tới đây để hỗ trợ bạn thân thực hiện một ấn phẩm ảnh màu. Ấn tượng về những người dân hiếu khách, về một đất nước dung dị, ông đã tự học ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa và "phải lòng" Việt Nam lúc nào không hay.

Vài năm trở lại đây, ông nhận thấy những thay đổi tích cực trong việc phát triển nền kinh tế của Việt Nam, minh chứng rõ nhất chính là cảnh quan tại các đô thị xuất hiện ngày một nhiều các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, là một người nhạy cảm với văn hóa và các kiến trúc lịch sử, ông đã quyết định thực hiện bộ ảnh về những ngôi đền, chùa trên đất Việt để lưu giữ lại những nét đẹp di sản văn hóa.

"Ba năm trước tôi cùng gia đình đến thăm một ngôi chùa, trong đó có chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Khi đó, chùa đang được xây dựng lại nên toàn bộ mái ngói, tường và các kiến trúc bằng gỗ đều bị phá đi. Tôi chợt nhận ra rằng, thật tiếc khi một ngày nào đó chúng ta không còn được trông thấy các di sản nguyên bản nữa. Vì thế, tôi quyết định thực hiện tập sách ảnh về đền chùa Việt Nam để lưu giữ lại những di sản vô giá đó", Nicolas chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Nicolas có dáng người dong dỏng cao, linh hoạt và rất thân thiện. Ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ và tiếng Anh thì khả năng tiếng Việt của ông cũng tương đối tốt. Vì thế, theo cách nói của giới trẻ hiện nay, tôi đùa rằng Nicolas là "ông Tây chăm đi chùa nhất vịnh Bắc Bộ".

Bìa cuốn sách ảnh "Chùa Việt Nam". 

Nicolas cười lớn và cho biết, vợ ông là người Pháp gốc Việt nên các con của ông cũng chảy trong mình dòng máu Việt Nam. Do đó, ông muốn ghi lại kiến trúc nguyên bản của những ngôi chùa, đền trên đất Việt để truyền cho con cháu, như một di sản của riêng mình. Cuốn sách của ông bao gồm hình ảnh của những ngôi chùa, đền, đình ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Ông hy vọng, ngoài bạn bè quốc tế, thì cuốn sách ảnh này sẽ phần nào hữu ích cho người dân Việt Nam ở các vùng miền khác nhau hiểu được đời sống tâm linh và kiến trúc của những ngôi chùa mà họ chưa có dịp đặt chân tới. Cuốn sách ảnh gồm năm chương nói về 31 ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam, trong đó hai chương đầu, Nicolas Cornet chụp các ngôi đình, chùa còn giữ vẻ cổ kính ở miền Bắc; chương ba tập trung vào di tích chùa chiền tại Huế, Hội An; chương bốn là hình ảnh không gian tâm linh tại TP Hồ Chí Minh, nơi có sự giao thoa giữa kiến trúc đình chùa Việt với công trình tôn giáo người Hoa.

Chương cuối, Nicolas Cornet thể hiện vẻ đẹp của những ngôi chùa mang đậm văn hóa Khmer tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi chương ông đều dành ra một trang để miêu tả về kiến trúc đặc trưng, rồi đi vào đặc tả các chi tiết trên tượng Phật, điêu khắc và các sinh hoạt tín ngưỡng thường ngày của người Việt tại đó.

So với bốn cuốn sách ảnh trước mà Nicolas thực hiện về Việt Nam thì cuốn này có nét gì đó trầm mặc và tinh giản hơn. Nicolas mong muốn rằng, bộ ảnh của ông có thể được coi là một nguồn tư liệu cho việc tôn tạo lại các ngôi chùa. Ông chia sẻ mình không có nhiều kiến thức chuyên môn về kiến trúc, tuy nhiên quan điểm của ông về vấn đề tôn tạo đền, chùa rất rõ ràng.

 "Các ngôi đền, chùa truyền thống ở Việt Nam được thiết kế và xây dựng phần lớn bằng các loại gỗ. Việc này giúp cho các công trình có sự đặc trưng về văn hóa cũng như sự khoáng đạt về kiến trúc. Nhưng do điều kiện thời tiết ở Việt Nam có độ ẩm cao và dễ bị côn trùng gây ảnh hưởng, nên các yếu tố nêu trên đặt việc tôn tạo vào thế khó. Quan điểm của tôi là khôi phục chứ không phải là làm mới lại".

Sáng sớm trước lối vào chùa Thiên Mụ (Huế). Ảnh: Nicolas Cornet

Nicolas gợi ý, Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp là một trong những trung tâm nghiên cứu và khảo cổ hàng đầu tại các quốc gia toàn bán đảo Đông Dương từ năm 1898. Do đó, trong bất cứ một hoạt động tôn tạo nào, phía Việt Nam hoàn toàn có thể kết hợp cùng các chuyên gia ở viện để đưa ra những giải pháp tối ưu, giúp khôi phục lại các ngôi đền, chùa gần với nguyên bản nhất có thể.

Tôi thấy mình không còn là Tây

Nicolas kể, ông đã chụp hàng ngàn bức ảnh trong suốt ba năm qua, nhưng đã chắt chiu khoảng hơn 300 bức để thực hiện cuốn sách "Chùa Việt Nam". Và từ khi bắt đầu hành trình này, ông đã thay đổi mình. "Mỗi ngôi chùa tôi đến, các sư thầy đều mời tôi ở lại dùng đồ chay. Dần dần, tôi nhận thức rằng ăn chay thực sự thanh tịnh và tốt cho sức khoẻ cũng như môi trường. Do đó, song song với thời gian thực hiện hành trình này, tôi bắt đầu ăn chay. Cứ thế, tôi đã len lỏi vào cuộc sống thường nhật của những người dân Việt Nam ở chùa chiền. Tôi cảm thấy mình chẳng phải là Tây nữa, mà là một phần của mảnh đất này".

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Nicolas cho biết ông có kế hoạch tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm để chia sẻ với giới trẻ Việt về nghệ thuật nhiếp ảnh và cách tiếp cận với bộ môn này một cách tự nhiên nhất.

Ngoài việc tiếp tục quảng bá cuốn sách "Chùa Việt Nam" và ra mắt phiên bản của cuốn sách này bằng tiếng Việt vào cuối năm nay, ông đang phối hợp cùng một vài nhiếp ảnh gia trẻ của Việt Nam thực hiện cuốn sách ảnh về ẩm thực Việt. Ông cho biết, càng khám phá ông lại càng bị cuốn hút bởi văn hóa Việt, nguồn năng lượng và cảm hứng của ông tại dải đất hình chữ S này luôn luôn hiện hữu.

Trước đó, tại buổi khai mạc triển lãm, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary nhấn mạnh, triển lãm "Chùa Việt Nam" mang một ý nghĩa vô cùng linh thiêng về khía cạnh văn hóa, đặc biệt, triển lãm diễn ra ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đến Việt Nam.

Ông Bertrand Lortholary tin tưởng, thông qua những hoạt động văn hóa ý nghĩa này, nhân dân hai nước sẽ xích lại gần nhau hơn, góp phần thắt chặt và nâng tầm quan hệ Pháp - Việt trong thời gian tới. Triển lãm ảnh "Chùa Việt Nam" được mở cửa đến hết ngày 31-12 tại L'Espace, Hà Nội.

Linh Đan
.
.