Hai nghệ sĩ già của dòng nhạc hết thời vàng son

Thứ Tư, 01/05/2013, 08:00

Khán giả của các đoàn cải lương Kim Chung, Phương Dạ Thảo (Sài Gòn), Cao Văn Lầu (Bạc Liêu)…và Hương Tràm (Cà Mau) từng được những trận cười vỡ bụng với anh Hề Ốc. Dường như nghệ danh Hề Ốc đã nói thay vóc dáng, chiều cao, cân nặng... của người đàn ông có tên Hoàng Minh Thức.

Nghệ sĩ ưu tú Minh Sang, 67 tuổi, nguyên là diễn viên chính Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau) kể: "Anh Hề Ốc lớn hơn tôi vài tuổi. Khi tôi bước vào nghề, theo các đoàn cải lương ở Sài Gòn trước ngày Miền Nam giải phóng đã gặp anh Hề Ốc cùng lưu diễn. Tôi là kép chính thì anh Hề Ốc là vai phụ trong các tuồng tích. Chúng tôi cùng tìm đến các đoàn cải lương để theo nghề, lập nghiệp và ở luôn xứ Cà Mau".

Thời buổi sân khấu chuyên nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều đoàn cải lương phải giải tán và nghệ sĩ cải lương phải tìm kế sinh nhai, anh Hề Ốc gần 60 tuổi cũng phải "ra rìa" để nhường cho những anh hề trẻ, khỏe, có duyên hơn. Nghệ sĩ Tuấn Liêm, Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau) mở quán nhậu ca cổ, kể: "Anh em có chút tiếng tăm mở quán, anh Hề Ốc đến hát, làm trò cho vui. Lúc đầu quán đông khách, anh Hề Ốc được chúng tôi ưu tiên phục vụ để được tiền bo. Nhưng rồi khách thưa dần, làm ăn khó khăn, anh Hề Ốc đi hát đám ma, đám cưới…vài bài để có chút tiền nuôi thân".

Thời buổi kinh tế khó khăn dường như làm cho tình nghĩa vợ chồng của anh Hề Ốc càng khó khăn, túng quẫn, bất hòa. Bà Dung quê ở Phước Long (Bạc Liêu) gá nghĩa vợ chồng với anh Hề Ốc. Khi anh hề bước sang tuổi già, bà Dung vốn là đào phụ của đoàn cải lương khó gánh vác, cam chịu anh chồng lụm khụm, tật nguyền. Nghe đâu, anh Hề Ốc bị bom đạn thời chiến tranh, phải cắt cả 2 ống giò, rồi nối lại nên chiều cao đôi chân quá ngắn, thân thể vẫn như người bình thường nên mang nghệ danh Hề Ốc giống như con ốc khi làm trò trên sâu khấu.

Chị Huỳnh Thị Mai ở đường Nguyễn Du, phường 5 (Tp Cà Mau) kể: "Bà Dung thuê căn nhà trọ, trả tiền một tháng cho ông Hề Ốc ở riêng. Sau đó, ông không đủ tiền trả nên xin vợ chồng tôi cho ở. Vợ chồng tôi thấy thương nên cho không lấy tiền, còn cho ăn cơm. Có người nói cho ông già ở, rủi chết, mang họa. Tôi nói, thương quá, chẳng lẽ đuổi ra sân. Có lỡ chết thì làm đám tang luôn, có sao".

Nhưng các quán ca cổ ở gần dần dần vắng khách, anh Hề Ốc đi ca đám ma, đám cưới…cũng ế. Rồi anh Hề Ốc dọn sang căn nhà trọ bên phường 8 (Tp Cà Mau) có nhiều quán ca cổ mới mở, đi đến cho gần. Anh Vũ - chủ tiệm điện cơ Vũ trên đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP Cà Mau kể: "Ông Hề Ốc thuê căn nhà trọ giá 300.000đ/ tháng mà chẳng có đủ tiền để trả. Anh em ở đây biết ông, hùn tiền cho ông trả, mời ông uống cà phê, rủ ông lai rai…Sáng hôm đó, anh em ngồi chờ ông hoài chẳng thấy nên chạy vô căn nhà trọ, phát hiện ông bất tỉnh, tức tốc chở lên bệnh viện". Biết danh, yêu mến anh Hề Ốc đã lâu nhưng chẳng biết vợ con, người thân của ông ở đâu. Anh Vũ lấy chiếc điện thoại cùi bắp của anh Hề Ốc dò tìm, thấy số nào gọi số đó. Anh Hoàng sửa xe honda, nghệ sĩ ưu tú Minh Sang, nghệ sĩ Tuấn Liêm…tức tốc đến Bệnh viện đa khoa Cà Mau chăm sóc anh Hề Ốc. Nghệ sĩ Hồng Chi kể: "Anh Ốc không nói được lời nào, yếu lắm. Anh em thay nhau chăm sóc, rồi góp tiền cho cô hộ lý để cô ấy chăm sóc giúp khi chúng tôi vắng mặt". Nhưng hình như Hề Ốc biết được thân phận mình cô đơn, không dám nằm lâu, vào viện được mấy hôm thì anh "đi". Minh Sang, Tuấn Liêm vừa thông báo cho bạn bè, vừa xin quan tài, đứng ra tổ chức đám tang cho anh Hề Ốc tại Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau). Bạn bè nghệ sĩ, người hâm mộ phúng viếng ông cũng được hơn 10 triệu đồng, đủ trang trải đám tang, rồi thiêu, lấy cốt đem vô chùa Phật Tổ.

Và chuyện tình nghệ sĩ:

Tìm nghệ sĩ cải lương Lý Minh (Lê Công Minh) khu dân cư trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7 (Tp Sóc Trăng) không khó. Từ đầu đường đến cuối con hẻm ai cũng biết: "À ông già, có bà vợ già, không con". Nghệ sĩ cải lương Lý Minh đã 74 tuổi, lụm cụm, đang nằm võng, nghe cải lương qua sóng phát thanh từ chiếc radio nhỏ. Nghệ sĩ Lý Minh vừa đón tôi, vừa nói: "Sáng sớm, bà nhà tôi sang quán nghệ sĩ Linh Tuấn phụ dọn dẹp, nấu cơm, chút nữa về!".

Vợ chồng nghệ sĩ Lý Minh.

Nghệ sĩ Lý Minh sống trong gia đình có cha mẹ không hòa thuận nên đã "đường ai nấy đi". Lý Minh đi ở đợ, ham ca hát nên năm 14 tuổi, ông bỏ nhà chủ đi theo đoàn cải lương. Đoàn này giải thể, ông lại tìm đến gánh hát khác và cuối cùng về Đoàn Cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng) cho đến khi nghỉ hưu.

Năm 2001, Đoàn Cải lương Chuông Vàng giải thể, anh em nghệ sĩ trẻ đi làm ăn khắp nơi. Có người mở quán ca cổ, có người làm việc khác. Vợ chồng nghệ sĩ Lý Minh được lãnh "một cục" hơn 10 triệu đồng, cộng với bạn bè giúp đỡ mua miếng đất, hai người hàng xóm 2 bên cho ké bức tường, dựng căn nhà gỗ, lợp thiếc. Nghệ sĩ Lý Minh nói: "Tủ, bàn ghế, giường ngủ…anh em cho. Vui lắm, cất nhà rồi không điện thì Điện lực cho đồng hồ điện; không nước thì bên Công ty cấp thoát nước gắn cho…".

Đang nói chuyện, nhân viên cấp nước mang hóa đơn, gõ cửa kêu đóng 5.000 đồng tiền nước. Nghệ sĩ Lý Minh vừa bước ra cửa, vừa nói đùa: "Chú em dám lấy 5 ngàn đồng nghen". Anh nhân viên cấp nước mau mắn đáp trả: "Có tiền thì đưa, không thì để đó, ai dám đòi ông!". Nghệ sĩ Lý Minh cười rất tươi, để lộ hàm răng nhuốm vàng màu thuốc lá, cây mất cây nghiêng nghiêng.

Nghệ sĩ Lý Minh kể: "Tôi lưu diễn ở Gò Quao (Kiên Giang) gặp cô thôn nữ tên Nguyễn Thị Nguyệt, mới 17 tuổi. Sau đêm diễn, tôi xưng là nghệ sĩ Lý Minh nè, rồi tâm sự, tâm đầu ý hợp, cổ cuốn gói theo luôn". Nghệ sĩ Lý Minh làm diễn viên, đêm đêm lên sân khấu, oai vệ với kép độc. Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt thì theo các đoàn hát nấu cơm. Thành vợ chồng từ son trẻ nhưng đến già họ vẫn không kiếm được một mụn con để nối dõi cải lương.

Nhưng ông rất tâm đắc: "Không ai tốt bằng vợ tôi, bao năm tháng gian khổ đều thủy chung, son sắt, không so đo. Tôi nói với bà, tôi chết trước bà thiêu xác; bà chết trước tôi chôn. Anh em, bà con lối xóm thương vợ chồng mình mà! Hễ tôi hát bài nào có tên Nguyệt, ví dụ như vở "Tô Ánh Nguyệt" là tự nhiên nước mắt chảy ra, hát như thiệt vậy. Tôi hát mà tôi cứ liên tưởng đến vợ tôi tên Nguyệt, tôi khóc là tôi ví mình là người phản bội nên khóc, nước mắt đầm đìa".

Nghệ sĩ Lý Minh được hưởng trợ cấp người cao tuổi, mỗi tháng 60.000 đồng, cộng với Phường 7 (Tp Sóc Trăng) cho 100.000 đồng /năm để đủ đóng lệ phí sinh hoạt CLB hưu trí. Anh em hưu trí quý mến, có khách khứa, giao lưu đều giới thiệu Lý Minh lên ca và suy tôn là "đại ca" cải lương.

Hai buổi sáng chiều, bà Nguyễn Thị Nguyệt đi làm về, mang theo tô cơm, ít thức ăn cho chồng. Nghệ sĩ Lý Minh kể: "Nghề nghệ sĩ bạc bẽo quá, chỉ biết hát ca, khi hết thời chẳng biết làm gì. Nhiều lúc, ăn miếng cơm của vợ mang về mà ra nước mắt. Đàn ông như tôi không nuôi được vợ, để vợ đi ở đợ nuôi mình".

Vợ chồng nghệ sĩ Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền với hơn 10 cô ca sĩ cải lương đều gọi nghệ sĩ Lý Minh là ba Minh và vợ ông là má Minh.

Bà Nguyệt hay nhà có khách, đi về sớm hơn mọi ngày. Vừa đến cửa, nghệ sĩ Lý Minh ra đón: "Chà, hôm nay vô mánh, đồ nhiều vậy hả?". Vô mánh là mấy cái lon bia, giấy bọc…để bà bán phế liệu kiếm thêm tiền.

Bà Nguyệt không hề buồn trách cuộc sống cơ cực hiện tại. Bà kể: "Xóm này ai cũng tốt, thấy vợ chồng tôi đi đường, cho dang xe đỡ tốn tiền. Nhưng may nhờ trời cho sức khỏe, phụ giúp vợ chồng Linh Tuấn để kiếm sống. Sắp tới mùa mưa rồi, làm sao lợp lại mái nhà để ở. Mưa xuống, vợ chồng ngồi nhìn nhau, chờ mưa tạnh, khổ lắm!".

Tôi liếc nhìn lên, mái thiếc của ngôi nhà nghệ sĩ Lý Minh cũ, sét, lốm đốm nhìn thấy nắng. Căn nhà đơn sơ, bám víu hai bức tường bên cạnh như chính cuộc đời của nghệ sĩ cải lương già của dòng nhạc cải lương "hết thời" vàng son

Tiến Hưng
.
.