Hai con ngựa lừng danh trong điển tích

Thứ Năm, 23/01/2014, 08:00

Con ngựa thành Troia là một điển tích văn học nổi tiếng có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp, được kể lại trong trường ca bất hủ "Iliad" và "Odissey" của Homer...

Con ngựa thành Troia

Con ngựa thành Troia là một điển tích văn học nổi tiếng có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp, được kể lại trong trường ca bất hủ "Iliad" và "Odissey" của Homer.

Câu chuyện kể lại cuộc chiến tranh của quân đội Hy Lạp đánh chiếm thành Troia (một vùng đất thuộc Thổ Nhĩ Kì ngày nay) vào năm 1184 trước Công nguyên. Con ngựa thành Troia, là con ngựa được làm bằng gỗ mà quân Hy Lạp đã sử dụng để chiến thắng trong cuộc đánh chiếm thành Troia.

Sau hơn mười năm chiến đấu ở thành Troia, quân Hy Lạp đã không thể chiếm thành Troia bằng sức mạnh quân sự, nên đã buộc phải làm theo kế của Odissey: Dỡ ván tàu ra lấy gỗ để làm thành một con ngựa, sau đó giả vờ rút quân chỉ để một người ở lại. Người này có nhiệm vụ đánh lừa quân Troia, khiến họ tưởng ngựa gỗ là món quà của quân Hy Lạp đền bù cho bức tượng thần Athena đã bị quân Hy Lạp phá hỏng trước đó.

Thực chất, bên trong con ngựa gỗ chứa đầy binh sĩ, khi quân thành Troia no say sau bữa tiệc mừng chiến thắng, quân Hy Lạp bên trong con ngựa gỗ đã xông ra đánh và mở cổng thành cho đại quân bên ngoài vào đánh chiếm. Nhờ có ngựa gỗ và kế sách này mà quân Hy Lạp đã chiến thắng, chiếm được thành Troia.

Con ngựa Xích Thố

Cuối đời nhà Hán, Trung Quốc bị phân chia thành nhiều vương quốc nhỏ, do các chư hầu cát cứ, trải qua 70 năm chiến tranh, thanh toán lẫn nhau giành quyền lực. Nổi bật lên có 3 nước Ngụy, Ngô, Thục hình thành thế Chân vạc, người đời quen gọi là "Tam Quốc" tranh giành quyền bá chủ. Cuộc chiến tranh giành quyền lực ấy được nhà văn La Quán Trung (1330?- 1400?), quê ở Sơn Tây Trung Quốc, thuật lại trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng "Tam Quốc chí diễn nghĩa" .

Chuyện kể về ngựa Xích Thố xảy ra ở hồi thứ 3, quyển I trong bộ tiểu thuyết chương hồi "Tam quốc chí diễn nghĩa". Nội dung như sau: 

Cuối triều nhà Hán, triều đình suy sụp lắm "Đế chẳng ra Đế, Vương chẳng ra Vương". Quần thần lộng hành lấn át cả Vua, trong số đó có quan thứ sử Tây Lương Đổng Trác quyền hành hơn cả Vua. Dân chúng quần thần rất căm ghét, muốn trừ khử Đổng Trác nhưng uy thế của Trác lớn quá, không ai làm gì nổi. Lúc đó có một viên quan là thứ sử Kinh Châu tên gọi Đinh Nguyên, cũng rất căm ghét Đổng Trác. Trác biết vậy mà không làm gì được vì Đinh Nguyên có người con nuôi tên gọi Lã Bố, là người tài giỏi phi thường nên Đổng Trác thèm có Lã Bố lắm!

Có một người ở dưới trướng Đổng Trác tên Lý Túc biết vậy hiến kế rằng: "Chúa công lo chi chuyện đó, tôi quyết đem 3 tấc lưỡi đem Lã Bố về cho Chúa công. Chỉ có điều xin Chúa công hãy làm thế này, thế này…".

Ít ngày sau, trong trang trại quân của Lã Bố, quân canh báo "Tướng quân có người bạn cũ tên Lý Túc tới thăm". Lã Bố sai mời vào cùng hàn huyên. Lã Bố chắp tay thưa rằng "Lâu ngày mới gặp, anh ở đâu?".

Túc nói: "Tôi làm chức Hổ bổ trung lang tướng nghe hiền đệ trổ tài giúp nước, tôi mừng rỡ vô cùng. Nhân có một con ngựa tốt, ngày đi ngàn dặm, lội sông, trèo núi như đi trên đường thẳng gọi là ngựa Xích Thố thành tâm dâng hiền đệ để thêm oai hùm!".

Lã Bố sai dắt lại xem, quả nhiên toàn thân con ngựa một mầu đỏ như lửa, tuyệt không có một sợi lông nào tạp, từ đầu tới đuôi dài một trượng, từ mông lên trán cao tám thước. Lúc miệng gầm, chân cất có cái vẻ tung mây vượt biển.

Đời sau có thơ khen ngựa Xích Thố rằng:

Ngàn dặm mù bay tít nẻo xa
Trèo non vượt nước khéo xông pha
Cương tơ chặt đứt rung chuông ngọc
Rồng đỏ trên trời hẳn muốn sa

Rồi Lý Túc lại đem vàng bạc, hạt châu, đai ngọc dâng lên Lã Bố. Từ đó Lã Bố đem quân theo Đổng Trác. Trác uy thế lẫy lừng, ngày càng thêm bạo ngược.

Và từ đây, Lã Bố cùng ngựa Xích Thố lại có thêm tình sử Lã Bố - Điêu Thuyền và khúc tráng ca Tam anh chiến Lã Bố (Lã Bố cùng ngựa Xích Thố chiến đấu với ba danh tướng của nhà Thục: Quan Công, Trương Phi, Triệu Tư Long) mà người đời truyền tụng

Lê Gia Hiếu (Xuân 2014)
.
.