Hà Nội và giấc mơ tàu điện ngầm

Thứ Năm, 19/03/2015, 08:00
Đất chật, người đông. Ý thức của người tham gia giao thông lại kém, mật độ giao thông cao, đa phương tiện, cùng với sự phân luồng và đèn tín hiệu chưa hợp lý nên tình trạng ách tắc giao thông là chuyện xảy ra như cơm bữa. Điều đó có thể nói rằng, cơ sở hạ tầng đã không theo kịp với sự phát triển của xã hội trong thời mở cửa và hội nhập.

Đã từ lâu, tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông và tai nạn giao thông ở Hà Nội luôn được đưa ra bàn thảo trên các nghị trường, nhưng cũng chỉ là bàn cho vui vậy thôi chứ chưa có một giải pháp nào cụ thể và hữu hiệu để giải quyết tận gốc của vấn đề. Không có nơi nào trên thế giới lại có nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thông trên cùng một tuyến đường như ở Hà Nội. Từ ôtô, công nông, xe máy, xe bò, xe ngựa, xe đạp và kể cả tàu hoả… rồi đến người đi bộ và thậm chí là cả súc vật đều có mặt trên những con đường chật hẹp chen chúc nhau.

Đất chật, người đông. Ý thức của người tham gia giao thông lại kém, mật độ giao thông cao, đa phương tiện, cùng với sự phân luồng và đèn tín hiệu chưa hợp lý nên tình trạng ách tắc giao thông là chuyện xảy ra như cơm bữa. Điều đó có thể nói rằng, cơ sở hạ tầng đã không theo kịp với sự phát triển của xã hội trong thời mở cửa và hội nhập.

Ở các nước phát triển thì sao? Ngoài các chế độ luật lệ nghiêm khắc và ý thức chấp hành tuyệt đối của người dân thì họ giải quyết nạn ách tắc giao thông bằng một hệ thống tàu điện ngầm vô cùng linh hoạt và tiện lợi. Mỗi quốc gia khác nhau thì hệ thống tàu điện ngầm khác nhau và mang theo hơi thở cuộc sống của những nền văn hóa khác nhau. Chẳng phải ai xa lạ, "người bạn láng giềng" Trung Quốc gây ấn tượng cho chúng ta mỗi khi đặt chân đến không phải là bởi những tòa nhà chọc trời, mà là hệ thống tàu điện ngầm hiện đại và năng động.

Không còn sợ nắng mưa, nóng bức, tắc đường. Cũng không phải mỏi mắt chờ xe buýt đến lượt mình lên xe thì lại "bỏ khách". Hệ thống tàu điện ngầm của Trung Quốc còn thể hiện sự thanh lịch, chỉn chu, nghiêm túc của lối sống công nghiệp ngày đêm luôn nhộn nhịp và một nền văn hóa văn minh dưới lòng đất. 

Đi xa hơn nữa đến chân trời của đất nước mặt trời mọc. Cùng với xe buýt, xe điện, xe lửa thì tàu điện ngầm cũng đã trở thành một phương tiện giao thông công cộng hữu hiệu, tiện lợi nhất. Điều này đã góp phần giảm tình trạng tắc đường và tai nạn giao thông ở Nhật Bản. Khi mới đặt chân đến Tokyo, ai cũng nghĩ đây là một thành phố tĩnh lặng vắng vẻ. Nhưng rồi chính họ phải ngỡ ngàng và choáng ngợp bởi ngay bên dưới lòng Tokyo còn có một không gian khác nhộn nhịp và đông đúc hơn cả thành phố bên trên mặt đất.

Phía dưới lòng đất Tokyo hiện có 13 tuyến tàu chạy ngang dọc và số lượng ga tàu vào khoảng gần 300, được xếp vào hàng đầu thế giới về số lượng. Tàu điện ngầm ở Nhật Bản cũng nghiêm túc như con người Nhật Bản về cách bảo đảm giờ giấc. Tàu chỉ bị chậm trễ hoặc đình trệ trong trường hợp bất thường và nhân viên nhà ga luôn phát thanh thông báo xin lỗi đến hành khách kịp thời. Các lối đi dưới hầm luôn tấp nập người qua lại. Hằng ngày, vào giờ đi làm, khung cảnh quen thuộc ở nơi này luôn là cảnh mọi người chen chúc nhau trên những chuyến tàu.

Gần đây, các nhà điều hành giao thông tàu điện ngầm còn dành riêng một số toa để phục vụ phụ nữ và trẻ em vào những giờ cao điểm. Với ưu điểm luôn đúng giờ, di chuyển cực nhanh, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường và cách phục vụ chu đáo văn minh lịch sự, nên đa số người dân Tokyo sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện di chuyển chính cho mình.

Trở lại với thực trạng giao thông ở Hà Nội. Muốn xây dựng một hệ thống đường tàu điện ngầm trong mạng lưới giao thông cần phải đồng bộ toàn diện về các mặt như kiến trúc thượng tầng, cơ sở hạ tầng, đường lối tư tưởng, ý thức tổ chức thực hiện và cách thức quản lý…

Trông người rồi nghĩ đến ta để nhận ra Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta còn yếu và thiếu những gì. Người dân Hà Nội chỉ ước mong đơn giản là sao cho việc tiêu tốn thời gian do tắc đường mang lại hằng ngày được giảm thiểu.

Dẫu biết rằng ước mơ tàu điện ngầm của Hà Nội vẫn còn ở xa lắm, nhưng từ những hệ thống giao thông của Quảng Châu, Thượng Hải, Tokyo và một số nước phát triển khác…, hi vọng rằng các nhà quản lí đô thị của Việt Nam sẽ rút ra được những bài học bổ ích để phát triển hệ thống giao thông phù hợp cho cả nước nói chung và cho Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đồng thời, cũng nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm với cộng đồng cho mỗi người dân khi tham gia các phương tiện công cộng của Thủ đô để nạn tắc đường, kẹt xe triền miên từ nhiều năm nay sẽ không còn tái diễn. 

Nguyễn Thúy Hạnh
.
.