Gương mặt lịch sử qua bộ sách quý về tiền cổ

Thứ Năm, 26/07/2007, 17:01
Về đồng tiền, thi hào Nguyễn Du lên án: “Trong tay sẵn có đồng tiền/Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Thi sĩ Nguyễn Khuyến cũng phát biểu: "Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a?".

Việc đúc tiền chỉ xuất hiện ở nước ta từ triều Đinh với đồng tiền "Thái Bình hưng bảo" là niên hiệu của Đinh Tiên Hoàng (970 - 980) và cáo chung với đồng tiền Bảo Đại (1926 - 1945) là niên hiệu của vua cuối cùng của triều Nguyễn. Tổng cộng có đến trên 70 đời vua thuộc các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn.

Nhưng suy nghĩ cho kỹ, hai cụ không lên án sự hiện diện của đồng tiền mà chỉ lên án những bàn tay, những con người sử dụng đồng tiền một cách phi đạo lý, những kẻ sử dụng sai chức năng chính thức của đồng tiền.

Chứ thực ra, đồng tiền không có tội. Chả thế mà khi chưa nghĩ ra cách đúc tiền bằng kim khí thì để tiện giao dịch, để tránh cung cách cồng kềnh đổi vật lấy vật, đổi sản phẩm lấy sản phẩm, người xưa đã phải dùng vỏ ốc để làm vật trung gian mua bán.

Ở Việt Nam chưa tìm thấy một di chỉ khảo cổ nào có di vật vỏ ốc được dùng làm tiền. Chỉ thấy tiền có niên hiệu các triều vua Trung Quốc. Đó chính là những đồng tiền lưu hành ở Việt Nam trong suốt đêm trường Bắc thuộc ngàn năm.

Việc đúc tiền chỉ xuất hiện ở nước ta từ triều Đinh với đồng tiền "Thái Bình hưng bảo" là niên hiệu của Đinh Tiên Hoàng (970-980) và cáo chung với đồng tiền Bảo Đại (1926-1945) là niên hiệu của vua cuối cùng của triều Nguyễn. Tổng cộng có đến trên 70 đời vua thuộc các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn.

Triều nào cũng đúc tiền, kể cả triều thoán nghịch như Dương Đinh và Tiền Lê (từ 970-1009) đúc tiền ở Hoa Lư và nhà Hồ (1400-1407) đúc ở Thanh Hóa, còn thì đều đúc ở Thăng Long, Hà Nội, ngay cả nhà Nguyễn dù dời đô vào Huế thì tiền đa số vẫn được đúc ở Tràng Tiền, Hà Nội (có thêm trường đúc tiền ở Huế và một số tỉnh khác), thậm chí tiền Khải Định và Bảo Đại cũng được Pháp rập bằng đồng lá ở Nhà Tiền Hà Nội (nay là địa điểm Nhà in Tiến Bộ). Tất cả đều được coi là tiền cổ.

Thực ra tiền cổ góp phần không nhỏ vào việc nghiên cứu lịch sử. Như để đoán định niên đại một di chỉ khảo cổ, đồng tiền với niên hiệu ghi trên mặt đã giúp khẳng định một khung thời gian tồn tại đáng tin cậy.

Ví dụ khai quật một ngôi mộ mà lượm được một đồng tiền Chiêu Thống thì dứt khoát ngôi mộ đó không thể hiện diện trước năm 1787 hoặc 1788 vì Chiêu Thống chỉ làm vua có một năm từ giữa năm 1787 đến giữa năm 1788.

Thông qua tiền cổ, người ta cũng có thể biết sức sản xuất và tiêu dùng của từng vương triều: tiền to nhỏ, nặng nhẹ, đẹp xấu phản ánh tình hình kinh tế tài chính thời đại.

Ngoài ra, xung quanh đồng tiền cổ, có thể nghiên cứu về kỹ thuật đúc, pha chế hợp kim và cả mỹ thuật (qua trang trí và thư pháp chữ viết trên đồng tiền của từng thời đại).

Như đã nêu, qua 70 triều đại, rất nhiều tiền được đúc ra. Có triều đại đúc vài ba loại tiền ứng với vài ba lần đổi niên hiệu như Lý Nhân Tông có tới 8 niên hiệu, hoặc vua trị vì nhiều năm như vua Cảnh Hưng nhà Lê tuy chỉ có một niên hiệu song ở ngôi tới 46 năm nên cũng có nhiều loại tiền Cảnh Hưng được đúc ra.

Song theo thời gian, với nhiều lý do khác nhau, nhiều loại tiền mai một, trở nên hiếm hoi.

Do giá trị đóng góp cho công việc nghiên cứu nhiều mặt nên đã ra đời ngành Cổ tiền học mà công việc đầu tiên là sưu tầm rồi làm sưu tập. Bộ sưu tập đầu tiên tiền cổ Việt Nam là của một học giả Pháp D. Lacroix.

Năm 1900, ông này đã xuất bản sách "Cổ tiền học An Nam" gồm 2 tập, giới thiệu hình dáng tiền các đời, như vậy cũng là đặt nền móng cho việc nghiên cứu tiền cổ Việt Nam.

Rồi mãi tới năm 1963 mới lại có một bộ sưu tập mới về tiền cổ Việt Nam của J. Permerr: bộ "Sưu tập tiền cổ An Nam 968-1955". Tất nhiên bộ này làm sau 63 năm nên hơn hẳn sách D. Lacroix, có nhiều hiện vật hơn.

Nhưng so với bộ sách do Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 2006 là bộ "Kho báu tiền cổ Đại Việt" do Nguyễn Đình Sử làm sưu tập trên cơ sở hàng ngàn đồng tiền cổ mà ông sưu tầm được thì rõ là thiếu hụt.

Tất nhiên, đó là do Nguyễn Đình Sử đã kế thừa kết quả sưu tầm của những người đi trước và hơn thế đã có trong tay một khối lượng hầu như đầy đủ tiền cổ của 10 thế kỷ qua và vì vậy bộ sưu tập "Kho báu tiền cổ Đại Việt" thật sự đáng giá.

Có những đồng tiền mà nhiều nhà nghiên cứu cổ tiền học trước đây chưa hề thấy. Lấy một ví dụ: Khi khảo sát tiền thời Trần, GS Đỗ Văn Ninh có viết trong sách "Tiền cổ Việt Nam" (NXB Khoa học xã hội, 1992) rằng: "… tới nay chưa phát hiện về tiền Kiến Trung" và "Những đời Trần Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Hiến Tông, Dương Nhật Lễ, Nghệ Tông, Duệ Tông, Phế Đế, Thuận Tông… chưa thấy ở di vật tiền".

Nhưng ở bộ sưu tập của Nguyễn Đình Sử thì ta đã thấy có đồng Kiến Trung rồi, và cả tiền Thiệu Long đời Trần Thánh Tông (1258-1272), tiền Đại Định thời Dương Nhật Lễ (1369-1370), tiền Thiệu Khánh đời Trần Nghệ Tông (1370-1372) v.v… Chỉ một ví dụ này cũng cho ta thấy giá trị của bộ sách.

Ông Xiong Bao Kang - nguyên Giám đốc Bảo tàng Tiền cổ Quảng Tây trong bài Tựa in ở đầu sách có nhận xét: "Bộ sưu tập của ông Sử thâu tóm khái quát được lịch sử các vương triều Việt Nam… Trong bộ sưu tập tiền này có những đồng tiền vô cùng quý hiếm. Người ta chỉ biết đến những đồng tiền này qua sự ghi chép của sách vở mà ít ai được tận mắt nhìn thấy chúng".

Hoặc như chính GS Đỗ Văn Ninh trong một bài Tựa khác đã thâu tóm giá trị bộ sách trong hai từ: Hiếm và phong phú. Hiếm vì quyển sách giới thiệu với bạn đọc hầu như đủ bộ các đồng tiền của hàng ngàn năm.

Có những đồng mà đương thời số lượng đúc rất ít, lưu giữ được đến ngày nay là vô cùng hiếm, như đồng Thiên Cảm Nguyên Bảo, mặt sau có chữ Càn Vương, đúc trong năm vua Lý Thái Tông phong cho con trai là Nhật Trung tước Càn Vương.

Phong phú vì không chỉ mỗi niên hiệu vua có một đồng tiền mà nhiều hơn, như tiền Cảnh Hưng (1740-1786) nhà sưu tập có tới hàng ngàn đồng. Và không chỉ là tiền vua đúc, tức tiền chính triều, mà còn cả tiền không chính triều, do các hoàng thân đúc ra như tiền Chiêu Đạo vương nha là tiền do Nha vương phủ Trần Ích Tắc đúc.

Có thể khẳng định, đây là tập sách tâm huyết của một người Hà Nội đã giữ gìn một minh chứng cho bề dày văn minh của cả đất nước và cũng là một cống hiến đáng giá cho dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cũng nên nói đôi điều về nhà sưu tập Nguyễn Đình Sử. Từ năm 40 tuổi, ông đã bắt tay vào việc sưu tầm tiền cổ, nay đã ngoại lục tuần nhưng còn rất sung sức.

Là cháu nội một nhà giáo từng là một trong số những người đầu tiên dạy ở Trường Đông Ba xứ Huế, dạy bao vương tôn công tử - là cụ đốc Lấn, đồng thời là cháu ngoại một nhà giáo từng dạy ở nhiều Trường trung học collège - là cụ đốc Bách - mà ngày nay nhiều giáo sư, tiến sĩ già là học trò cụ.

Ông Sử lại là con trưởng một dược sĩ hạng nhất. Với truyền thống gia đình đó, ông Sử đã để nhiều năm vào Nam ra Bắc, ra cả nước ngoài để dõi tìm, thu nhập cổ tiền. Cho nên, chỉ có thể nói đây là một người thực sự có tâm huyết với việc bảo tồn di vật lịch sử

Nguyễn Vinh Phúc
.
.